Phòng ngừa suy thận bằng cách nào?
Nguyên nhân gây suy thận
Có hai loại suy thận là suy thận mạn tính và suy thận cấp tính.
Suy thận cấp tính là tình trạng thận đột ngột ngừng hoạt động. Một số nguyên nhân gây ra điều này gồm có:
- Viêm thận bể thận cấp (nhiễm trùng thận)
- Mất nước
- Mất máu nhiều
- Huyết áp quá thấp
- Thuốc cản quang được sử dụng trong các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp ct hoặc cộng hưởng từ (MRI)
- Viêm cầu thận (tổn thương các bộ phận lọc của thận) xảy ra quá nhanh
- Viêm kẽ (thận tổn thương các ống trong thận) xảy ra quá nhanh
- Tắc nghẽn ở đường tiết niệu, chẳng hạn như do sỏi thận hoặc phì đại tuyến tiền liệt
- Thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
- Một số loại thuốc kê đơn, chẳng hạn như thuốc điều trị cao huyết áp liều cao, thuốc kháng sinh hoặc thuốc điều trị ung thư
- Các chất gây nghiện như heroin, cocaine và amphetamine
Suy thận mạn tính là tình trạng chức năng thận bị suy giảm một cách từ từ và ngày càng tiến triển nặng. Một số nguyên nhân gây suy thận mạn gồm có:
- Bệnh tiểu đường
- Cao huyết áp
- Viêm cầu thận diễn ra chậm và tiến triển nặng
- Viêm kẽ thận diễn ra chậm và tiến triển nặng
- Các bệnh di truyền, chẳng hạn như bệnh thận đa nang
- Các bệnh tự miễn, chẳng hạn như viêm thận lupus và hội chứng Goodpasture
- Viêm thận mạn tính hay tái đi tái lại
Các triệu chứng suy thận
Giai đoạn đầu của bệnh suy thận mạn thường không có triệu chứng và khi tiến triển sang các giai đoạn sau, bệnh có các triệu chứng như:
- Lú lẫn, giảm trí nhớ và khả năng tập trung
- Tiểu ít
- Mệt mỏi, suy nhược
- Ngứa ngáy
- Co thắt cơ và chuột rút
- Miệng có vị kim loại
- Buồn nôn và nôn ói
- Ăn không ngon miệng
- Co giật
- Phù nề, thường bắt đầu ở mắt cá chân và bàn chân (phù ngoại biên)
- Khó thở do dịch tích tụ trong phổi
Biến chứng của suy thận
Thận còn thực hiện rất nhiều chức năng khác ngoài lọc máu và khi bị suy thận, thận không thể thực hiện được những chức năng này một cách bình thường và do đó dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác như:
- Thiếu máu
- Bệnh tim mạch
- Cao huyết áp
- Tăng kali huyết (nồng độ kali trong máu tăng cao)
- Viêm màng ngoài tim (viêm ở lớp niêm mạc xung quanh tim)
- Suy dinh dưỡng
- Loãng xương (xương yếu)
- Bệnh lý thần kinh ngoại biên (tổn thương dây thần kinh ở chân)
- Hệ miễn dịch yếu
Các cách phòng ngừa suy thận
Vì cao huyết áp và tiểu đường là những nguyên nhân phổ biến nhất gây suy thận nên kiểm soát hai bệnh lý này là một trong những cách hiệu quả để phòng ngừa suy thận.
1. Kiểm soát đường huyết
Bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và suy thận. Đó là lý do tại sao cần kiểm soát tốt lượng đường trong máu.
2. Kiểm soát huyết áp
Cao huyết áp cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và suy thận.
3. Duy trì cân nặng khỏe mạnh
Béo phì làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến suy thận, chẳng hạn như tiểu đường và cao huyết áp.
4. Thực hiện chế độ ăn uống có lợi cho tim mạch
Chế độ ăn uống tốt lành mạnh, chẳng hạn như chế độ ăn ít đường, cholesterol và nhiều chất xơ, ngũ cốc nguyên cám, rau củ quả tươi không chỉ tốt cho tim mạch mà còn giúp tránh tăng cân – một trong những yếu tố nguy cơ của suy thận.
5. Giảm lượng muối
Ăn quá nhiều muối có thể gây cao huyết áp.
6. Uống đủ nước
Mất nước làm giảm lưu lượng máu đến thận và có thể gây tổn hại thận. Phụ nữ nên cố gắng uống đủ 2,7 lít nước mỗi ngày và nam giới nên uống 3,7 lít.
7. Hạn chế rượu bia
Uống nhiều rượu bia sẽ làm tăng huyết áp. Lượng calo cao trong các loại đồ uống này còn gây tăng cân.
8. Không hút thuốc
Hút thuốc làm giảm lưu lượng máu đến thận. Điều này làm suy giảm chức năng thận ở cả những người đang mắc bệnh thận và người khỏe mạnh.
9. Hạn chế dùng thuốc giảm đau không kê đơn
Khi dùng liều cao, các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như aspirin, ibuprofen và naproxen, có thể làm giảm lượng máu đến thận và điều này sẽ gây hại cho thận.
10. Giảm căng thẳng
Giảm căng thẳng và lo âu giúp làm giảm huyết áp và điều này tốt cho thận.
11. Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục, chẳng hạn như bơi lội, đi bộ hay chạy bộ, có thể giúp giảm căng thẳng, kiểm soát bệnh tiểu đường và cao huyết áp, đồng thời giúp giảm cân và duy trì cân nặng khỏe mạnh.
Nếu nhận thấy các triệu chứng nghi là bệnh thận thì cần phải đi khám càng sớm càng tốt để làm các xét nghiệm chẩn đoán. Phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh suy thận.
Những người mắc bệnh thận cần đi khám định kỳ để theo dõi chức năng thận. Mặc dù bệnh thận mạn tính không thể chữa khỏi nhưng việc điều trị đúng cách có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh.
Điều trị suy thận
Có nhiều phương pháp điều trị suy thận mạn và suy thận cấp. Suy thận cấp có thể đảo ngược và khôi phục lại chức năng thận nhưng một khi đã bị suy thận mạn thì sẽ không có cách nào khôi phục chức năng thận về bình thường nhưng các phương pháp điều trị có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh suy thận mạn.
Suy thận cấp chỉ là vấn đề tạm thời. Thận sẽ bắt đầu hoạt động trở lại sau khi điều trị hoặc kiểm soát được vấn đề dẫn đến suy thận. Một số phương pháp điều trị gồm có:
- Dùng thuốc kháng sinh để điều trị bệnh viêm bể thận
- Truyền máu khi bị mất máu
- Dùng corticoid để điều trị các bệnh liên quan đến miễn dịch
- Truyền dịch tĩnh mạch để điều trị mất nước
- Loại bỏ tắc nghẽn trong đường tiết niệu
Nếu chức năng thận vẫn không cải thiện khi đã điều trị bằng các phương pháp này thì người bệnh có thể sẽ cần lọc máu cho đến khi thận hoạt động trở lại bình thường.
Tổn thương thận tiến triển sẽ dẫn đến suy thận mạn . Vì suy thận mạn không thể đảo ngược, có nghĩa là chức năng thận sẽ vĩnh viễn không thể khôi phục lại như trước nên bệnh nhân sẽ phải lọc máu để loại bỏ chất thải ra khỏi máu thay cho thận hoặc phẫu thuật ghép thận. Có hai loại lọc máu là chạy thận nhân tạo và thẩm phân phúc mạng hay lọc màng bụng.
- Chạy thận nhân tạo: Máu được lọc trong một thiết bị lọc ở bên ngoài rồi đưa trở lại vào cơ thể.
- Lọc màng bụng (thẩm phân phúc mạc): Sử dụng màng bụng của bệnh nhân để lọc máu.
- Ghép thận: Thay quả thận có vấn đề bằng thận của người hiến tặng.
Tiên lượng của người mắc bệnh suy thận
Tiên lượng phụ thuộc vào loại suy thận.
Trong những trường hợp bị suy thận mạn, chức năng thận sẽ vĩnh viễn không thể phục hồi nhưng có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh bằng cách thực hiện các phương pháp điều trị đúng theo chỉ định. Những người đã phẫu thuật ghép thận cần tái khám định kỳ để theo dõi chức năng thận và dùng thuốc chống thải ghép gần như suốt đời.
Trong những trường hợp bị suy thận cấp, chức năng của thận có thể phục hồi lại như bình thường sau khi nguyên nhân gây suy thận được giải quyết.
Tóm tắt bài viết
Thực hiện theo 11 cách nêu trên có thể giúp giảm nguy cơ suy thận và làm chậm sự tiến triển của bệnh ở những người đã bị suy thận. Điều quan trọng nhất là phải kiểm soát bệnh tiểu đường và cao huyết áp.
Duy trì lối sống lành mạnh, chú ý đến chế độ ăn uống, tăng cường vận động và không hút thuốc là những điều cần thiết để có sức khỏe tốt và ngăn ngừa các vấn đề về thận.
Nghiên cứu cho thấy rằng một số loại thực phẩm và đồ uống, chẳng hạn như nước ngọt có ga, có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu. Tuy nhiên vẫn cần phải nghiên cứu thêm để hiểu rõ mối liên hệ giữa chế độ ăn uống và nhiễm trùng đường tiết
Bệnh thận đa nang di truyền theo gen trội trên nhiễm sắc thể thường (autosomal dominant polycystic kidney disease - ADPKD) là một bệnh thận di truyền. Điều đó có nghĩa là nếu cha mẹ mắc bệnh thì con cái cũng có thể bị bệnh.
Bên trong thận có những cấu trúc có dạng ống nhỏ giúp lọc muối, nước dư thừa và chất thải ra khỏi máu. Những cấu trúc nhỏ này được gọi là ống thận. Hoại tử ống thận cấp tính là tình trạng các ống này bị tổn thương hoặc phá hủy. Hoại tử ống thận cấp là một dạng tổn thương thận cấp tính (suy thận cấp).
Thận ứ nước là tình trạng thận bị giãn nở và phình to do nước tiểu bị ứ lại trong thận thay vì chảy xuống bàng quang. Tình trạng này thường chỉ xảy ra ở một quả thận nhưng cũng có thể xảy ra ở cả hai quả thận.
Một nguyên nhân hiếm gặp gây suy giảm chức năng thận là bệnh thận do oxalat. Bệnh thận do oxalat xảy ra do nhiều nguyên nhân, gồm có chế độ ăn có quá nhiều oxalat, viêm tụy mạn tính, vấn đề về tiêu hóa và phẫu thuật nối tắt dạ dày.