1

Các loại bệnh thận và cách điều trị, phòng ngừa

Thận là cơ quan có nhiệm vụ điều hòa độ pH cũng như các chất điện giải như natri, kali trong cơ thể và còn nhiều chức năng quan trọng khác. Có nhiều bệnh lý xảy ra với thận, mỗi bệnh lý có các triệu chứng và cách điều trị khác nhau.
Các loại bệnh thận và cách điều trị, phòng ngừa Các loại bệnh thận và cách điều trị, phòng ngừa

Vai trò của thận trong cơ thể

Thận là một cặp cơ quan có kích thước bằng nắm tay nằm ở khoang bụng sau phúc mạc, bên dưới khung xương sườn và đối xưng hai bên cột sống

Thận là cơ quan có vai trò rất quan trọng. Thận có chức năng chính là lọc các chất thải, nước dư thừa và các tạp chất khác ra khỏi máu. Những chất thải này được lưu trữ trong bàng quang và sau đó được đào thải ra ngoài khi đi tiểu.

Thận còn kiểm soát độ pH, muối và kali trong cơ thể. Thận sản xuất các hormone điều hòa huyết áp và kiểm soát sự sản xuất hồng cầu. Thận thậm chí còn kích hoạt một dạng vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi.

Bệnh thận là khi thận bị tổn thương và không thể chức năng như bình thường. Nguyên nhân gây tổn thương thận có thể là do bệnh tiểu đường, cao huyết áp và nhiều bệnh lý mạn tính khác.

Bệnh thận có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác, gồm có xương yếu, tổn thương thần kinh và suy dinh dưỡng.

Theo thời gian, chức năng thận sẽ giảm dần và đến một lúc nào đó, thận có thể ngừng hoạt động hoàn toàn. Lúc này, người bệnh sẽ phải lọc máu để loại bỏ chất thải khỏi cơ thể. Lọc máu không thể chữa khỏi bệnh thận nhưng có thể giúp kéo dài sự sống cho người bệnh.

Các loại bệnh thận và nguyên nhân

Dưới đây là một số bệnh thận phổ biến nhất và nguyên nhân.

Suy thận mạn

Bệnh thận phổ biến nhất là suy thận mạn. Suy thận mạn là tình trạng chức năng thận bị suy giảm dần dần và không thể phục hồi theo thời gian. Một nguyên nhân phổ biến gây suy thận mạn là cao huyết áp.

Cao huyết áp rất nguy hiểm cho thận vì làm tăng áp lực lên cầu thận. Cầu thận là những mạch máu nhỏ có chức năng lọc máu trong thận. Áp lực cao trong thời gian dài sẽ làm hỏng các mạch máu này và khiến cho chức năng thận suy giảm.

Cuối cùng, thận sẽ không còn thực hiện được chức năng lọc máu. Giai đoạn này được gọi là suy thận mạn giai đoạn cuối. Người bị suy thận mạn giai đoạn cuối sẽ cần phải lọc máu để loại bỏ nước dư thừa và chất thải ra khỏi máu. Lọc máu có thể giúp điều trị bệnh thận nhưng không thể chữa khỏi bệnh.

Một giải pháp khác cho những trường hợp suy thận mạn giai đoạn cuối là ghép thận nhưng không phải ai cũng có thể ghép thận.

Bệnh tiểu đường cũng là một nguyên nhân phổ biến gây suy thận mạn. Bệnh tiểu đường là một bệnh rối loạn chuyển hóa có đặc trưng là lượng đường trong máu cao. Theo thời gian, lượng đường trong máu cao sẽ làm hỏng các mạch máu trong thận. Điều này có nghĩa là thận không thể lọc máu một cách hiệu quả. Khi thận không còn thực hiện được chức năng lọc máu, các chất độc sẽ tich tụ trong cơ thể.

Sỏi thận

Sỏi thận cũng là một bệnh thận phổ biến. Sỏi thận xảy ra khi khoáng chất và các chất khác trong nước tiểu kết tinh trong thận và tạo thành khối rắn. Đa phần sỏi thận tự trôi ra ngoài theo nước tiểu. Quá trình này sẽ gây đau đớn nhưng hiếm khi gây ra các vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên, sỏi thận lớn có thể bị mắc bệnh trong đường tiết niệu và cần phải điều trị.

Viêm cầu thận

Viêm cầu thận là tình trạng viêm xảy ra ở các mạch máu nhỏ có nhiệm vụ lọc máu trong thận. Viêm cầu thận có thể là do nhiễm trùng, thuốc hoặc do những bất thường bẩm sinh. Viêm cầu thận cấp tính có thể tự khỏi nhưng đôi khi, người bệnh cần dùng thuốc hoặc lọc máu tạm thời để loại bỏ chất thải trong máu, kiểm soát huyết áp cao và phòng ngừa suy thận.

Bệnh thận đa nang

Bệnh thận đa nang là một bệnh di truyền có đặc trưng là hình thành nhiều u nang (túi nhỏ chứa dịch) trong thận. Những u nang này có thể cản trở hoạt động của thận và dẫn đến suy thận.

Cần phân biệt bệnh thận đa nang và nang thận. Nang thận là những khối dịch hình thành đơn lẻ ở một hoặc cả hai quả thận. Nang thận đa phần là vô hại. Bệnh thận đa nang là tình trạng nghiêm trọng hơn.

Nhiễm trùng đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu là tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào của hệ tiết niệu. Nhiễm trùng đường tiết niệu dưới (bàng quang và niệu đạo) là loại nhiễm trùng đường tiết niệu phổ biến nhất và có thể dễ dàng điều trị bằng kháng sinh đường uống. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, nhiễm trùng có thể lan đến thận, dẫn đến viêm thận bể thận và suy thận.

Các triệu chứng của bệnh thận

Nhiều bệnh thận không biểu hiện triệu chứng ở giai đoạn đầu hoặc chỉ có các triệu chứng không rõ rệt và dễ dàng bị bỏ qua. Trong nhiều trường hợp, bệnh được phát hiện khi đã tiến triển nặng. Dưới đây là một số dấu hiệu ban đầu thường gặp của bệnh thận:

  • Mệt mỏi
  • Khó tập trung
  • Khó ngủ
  • Ăn không ngon miệng
  • Chuột rút cơ
  • Sưng phù bàn chân và mắt cá chân
  • Sưng quanh mắt vào buổi sáng
  • Da khô, đóng vảy
  • Đi tiểu nhiều lần, đặc biệt là vào ban đêm

Khi suy thận mạn tiến triển sang giai đoạn cuối, người bệnh sẽ gặp các triệu chứng như:

  • Buồn nôn
  • Nôn mửa
  • Ăn uống kém
  • Giảm lượng nước tiểu
  • Giữ nước, dẫn đến phù nề
  • Thiếu máu (giảm hồng cầu)
  • Giảm ham muốn tình dục
  • Tăng kali máu (nồng độ kali trong máu tăng cao)
  • Viêm màng ngoài tim

Ai có nguy cơ mắc bệnh thận?

Những người bị bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh thận cao hơn. Bệnh tiểu đường là nguyên nhân hàng đầu của bệnh thận, chiếm khoảng 44% số trường hợp mắc mới bệnh thận. Ngoài ra, các yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận còn có:

  • Cao huyết áp
  • Có tiền sử gia đình bị suy thận mạn
  • Tuổi cao

Chẩn đoán bệnh thận

Trước tiên, bác sĩ sẽ xác định nguy cơ mắc bệnh thận của người bệnh. Sau đó sẽ phải làm một số xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh để kiểm tra chức năng của thận. Các phương pháp chẩn đoán bệnh thận gồm có:

Độ lọc cầu thận (GFR)

Độ lọc cầu thận (glomerular filtration rate – GFR) cho biết mức độ lọc chất thải từ máu của thận và xác định giai đoạn của bệnh thận. Độ lọc cầu thận được xác định dựa trên các yếu tố gồm có tuổi tác, nồng độ creatinin trong máu, chủng tộc, giới tính, chiều cao và cân nặng.

Siêu âm và chụp CT

Siêu âm và chụp cắt lớp vi tính (CT) tạo ra hình ảnh của thận cũng như đường tiết niệu. Hình ảnh thu được sẽ giúp bác sĩ đánh giá kích thước của thận, phát hiện u trong thận hoặc các bất thường về cấu tạo của thận.

Sinh thiết thận

Sinh thiết thận là kỹ thuật lấy mẫu mô nhỏ từ thận để làm xét nghiệm. Điều này giúp bác sĩ xác định loại bệnh thận và mức độ tổn thương thận.

Xét nghiệm nước tiểu

Người bệnh cần xét nghiệm nước tiểu để đo nồng độ albumin. Albumin là một loại protein có trong máu và được thận giữ lại. Nồng độ albumin trong nước tiểu cao có nghĩa là chức năng thận đang có vấn đề.

Xét nghiệm creatinin máu

Creatinin là một loại chất thải được giải phóng vào máu khi creatine (một chất có trong mô cơ) bị phân hủy. Bình thường, creatinin được thận lọc khỏi máu và bài tiết vào nước tiểu. Nếu thận không hoạt động bình thường, nồng độ creatinin trong máu sẽ ở mức cao.

Điều trị bệnh thận

Các phương pháp điều trị bệnh thận thường tập trung vào việc kiểm soát nguyên nhân gốc rễ gây bệnh. Điều này có nghĩa là để điều trị bệnh thận thì sẽ phải kiểm soát huyết áp, lượng đường trong máu và mức cholesterol (tùy vào nguyên nhân cụ thể). Dưới đây là các phương pháp chính để điều trị bệnh thận.

Thuốc

Bác sĩ thường sẽ kê thuốc ức chế men chuyển (ACE), chẳng hạn như lisinopril và ramipril hoặc thuốc ức chế thụ thể angiotensin (ARB), chẳng hạn như irbesartan và olmesartan. Đây là những loại thuốc điều trị cao huyết áp và có thể giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh thận.

Bác sĩ có thể kê các loại thuốc này để bảo tồn chức năng thận, ngay cả khi người bệnh không bị cao huyết áp.

Người bệnh cũng có thể cần dùng thuốc hạ cholesterol (chẳng hạn như simvastatin). Những loại thuốc này làm giảm lượng cholesterol trong máu và duy trì sức khỏe của thận. Tùy vào triệu chứng cụ thể mà bác sĩ còn kê thêm các loại thuốc khác, ví dụ như thuốc lợi tiểu để giảm sưng phù và thuốc điều trị thiếu máu.

Điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống

Đối với người mắc bệnh thận, việc điều chỉnh chế độ ăn uống cũng quan trọng không kém điều trị bằng thuốc. Duy trì lối sống lành mạnh sẽ có thể giúp ngăn ngừa nhiều nguyên nhân gây bệnh thận. Những người mắc bệnh thận nên:

  • Kiểm soát lượng đường trong máu nếu mắc bệnh tiểu đường
  • Hạn chế thực phẩm chứa nhiều cholesterol
  • Giảm lượng muối
  • Ăn các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe tim mạch như trái cây, rau củ tươi, ngũ cốc nguyên hạt và các sản phẩm từ sữa ít béo
  • Hạn chế bia rượu
  • Không hút thuốc
  • Tích cực hoạt động thể chất
  • Duy trì cân nặng vừa phải

Lọc máu điều trị suy thận

Lọc máu là phương pháp loại bỏ độc tố, chất thải, chất lỏng dư thừa khỏi máu thay cho thận. Phương pháp này được chỉ định khi chức năng thận bị suy giảm nghiêm trọng, thường là suy thận mạn giai đoạn cuối. Những người bị suy thận mạn giai đoạn cuối phải lọc máu suốt đời hoặc cho đến khi được ghép thận.

Có hai loại lọc máu là chạy thận nhân tạo và lọc màng bụng.

Chạy thận nhân tạo

Trong quá trình chạy thận nhân tạo, máu được đưa ra khỏi cơ thể vào trong máy lọc để loại bỏ chất thải và nước dư thừa. Sau đó máu đã lọc được đưa trở lại vào cơ thể. Hầu hết bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo ba lần mỗi tuần, mỗi lần kéo dài từ 3 đến 5 tiếng. Tuy nhiên, chạy thận nhân tạo cũng có thể được thực hiện trong thời gian ngắn hơn và thường xuyên hơn.

Vài tuần trước khi bắt đầu chạy thận nhân tạo, người bệnh sẽ phải trải qua phẫu thuật để tạo cầu nối động - tĩnh mạch. Trong ca phẫu thuật, bác sĩ nối động mạch với tĩnh mạch ngay dưới da ở cẳng tay của người bệnh nhằm mở rộng mạch máu, giúp cho lượng máu lớn có thể chảy liên tục trong cơ thể trong quá trình chạy thận nhân tạo. Điều này cho phép lọc được nhiều máu hơn. Trong những trường hợp không thể nối động mạch và tĩnh mạch thì sẽ phải cấy cầu nối nhân tạo.

Một số biến chứng mà người bệnh có thể gặp phải trong quá trình chạy thận nhân tạo gồm có tụt huyết áp, chuột rút, ngứa, khó ngủ, thiếu máu, đau xương, bất thường điện giải.

Lọc màng bụng

Lọc màng bụng hay thẩm phân phúc mạc là phương pháp sử dụng chính màng bụng của người bệnh để lọc máu (màng bụng là lớp màng bao quanh thành của các cơ quan trong khoang bụng). Trước tiên, một ống thông sẽ được đặt vào khoang bụng của người bệnh. Sau đó, dịch lọc được bơm qua ống thông vào khoang bụng. Dịch lọc sẽ hấp thụ các chất thải trong máu. Sau một thời gian, dịch lọc được tháo ra khỏi bụng.

Có hai hình thức lọc màng bụng là lọc màng bụng liên tục ngoại trú và lọc màng bụng liên tục chu kỳ. Trong lọc màng bụng liên tục ngoại trú, dịch lọc được bơm và tháo nhiều lần trong ngày. Phương pháp lọc màng bụng liên tục chu kỳ sử dụng máy móc để bơm và tháo dịch lọc vào ban đêm khi người bệnh ngủ.

Các biến chứng phổ biến nhất của lọc màng bụng là nhiễm trùng khoang bụng hoặc khu vực đặt ống thông. Các biến chứng khác gồm có tăng cân và thoát vị. Thoát vị là tình trạng một đoạn ruột bị tụt khỏi vị trí bình thường vào đẩy vào một vị trí bị suy yếu hoặc rách ở thành bụng dưới.

Tiên lượng bệnh thận

Một số bệnh thận có thể tự khỏi, ví dụ như sỏi thận nhỏ hay suy thận cấp nhưng hầu hết đều cần phải điều trị. Cách tốt nhất để duy trì sức khỏe của thận là thực hiện lối sống lành mạnh và làm theo các khuyến nghị của bác sĩ. Bệnh thận có thể tiến triển nặng dần theo thời gian và dẫn đến suy thận mạn giai đoạn cuối. Suy thận mạn giai đoạn cuối có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị.

Suy thận mạn giai đoạn cuối là khi thận gần như không còn hoạt động hoặc hoàn toàn không hoạt động. Người bệnh sẽ phải lọc máu hoặc ghép thận để duy trì sự sống.

Phòng ngừa bệnh thận

Một số yếu tố nguy cơ của bệnh thận là không thể thay đổi, ví dụ như tuổi tác, chủng tộc hay tiền sử gia đình.

Tuy nhiên, có thể thay đổi thói quen sống và kiểm soát các bệnh mạn tính để giảm nguy cơ mắc bệnh thận:

  • Uống nhiều nước hàng ngày
  • Kiểm soát lượng đường trong máu nếu mắc bệnh tiểu đường
  • Kiểm soát huyết áp
  • Giảm lượng muối trong chế độ ăn
  • Không hút thuốc lá
  • Hạn chế rượu bia
  • Tích cực vận động

Thận trọng khi sử dụng thuốc không kê đơn

Luôn phải tuân thủ hướng dẫn về liều dùng khi sử dụng các loại thuốc không kê đơn, ví dụ như thuốc giảm đau. Uống quá liều aspirin hoặc ibuprofen có thể gây tổn thương thận. Nếu sử dụng liều thông thường các loại thuốc này mà cơn đau vẫn không đỡ thì nên đi khám.

Kiểm tra chức năng thận định kỳ

Đa số các bệnh thận thường không gây triệu chứng cho đến khi tiến triển nặng. Kiểm tra chức năng thận định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm các vấn đề về thận. Bảng trao đổi chất cơ bản (BMP) là một xét nghiệm máu tiêu chuẩn thường được thực hiện trong quá trình khám sức khỏe định kỳ.

Bảng trao đổi chất cơ bản sẽ cho biết nồng độ creatinin và urê trong máu, qua đó đánh giá được chức năng thận. Mức creatinin hoặc urê cao bất thường là dấu hiệu chỉ ra thận đang không hoạt động bình thường. Càng phát hiện sớm thì bệnh thận sẽ càng dễ điều trị.

Những người bị bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch hoặc cao huyết áp nên kiểm tra chức năng thận định kỳ.

Tránh một số loại thực phẩm

Một số chất trong thực phẩm có thể góp phần làm hình thành sỏi thận, ví dụ như:

  • Natri
  • Protein động vật, chẳng hạn như thịt bò, lợn, gà
  • Axit citric, có trong các loại trái cây họ cam quýt
  • Oxalat, có trong củ dền, các loại rau lá xanh, khoai lang và sô cô la

Thận trọng khi uống bổ sung canxi

Nên trao đổi với bác sĩ trước khi uống bổ sung canxi. Một số loại thực phẩm chức năng bổ sung canxi có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bệnh thận do oxalat điều trị bằng cách nào?
Bệnh thận do oxalat điều trị bằng cách nào?

Một nguyên nhân hiếm gặp gây suy giảm chức năng thận là bệnh thận do oxalat. Bệnh thận do oxalat xảy ra do nhiều nguyên nhân, gồm có chế độ ăn có quá nhiều oxalat, viêm tụy mạn tính, vấn đề về tiêu hóa và phẫu thuật nối tắt dạ dày.

Các cách điều trị và phòng ngừa nhiễm trùng bàng quang
Các cách điều trị và phòng ngừa nhiễm trùng bàng quang

Nhiễm trùng bàng quang gây ra các triệu chứng khó chịu. Có nhiều cách để giảm thiểu hoặc loại bỏ các triệu chứng này, từ các biện pháp khắc phục tại nhà cho đến các phương pháp điều trị y tế.

Các loại suy thận cấp và phương pháp điều trị
Các loại suy thận cấp và phương pháp điều trị

Khi thận đột ngột không thể hoạt động bình thường thì được gọi là suy thận cấp (acute renal failure). Suy thận cấp được chia thành ba loại dựa trên nguyên nhân gây suy giảm chức năng thận. Khác với suy thận mạn, hầu hết các trường hợp suy thận cấp đều phục hồi chức năng thận sau khi điều trị.

D-mannose có thực sự giúp phòng ngừa và điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu không?
D-mannose có thực sự giúp phòng ngừa và điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu không?

D-mannose là một trong những biện pháp tự nhiên để điều trị và phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu nhờ tác dụng ngăn cản hoạt động của một loại vi khuẩn gây nhiễm trùng. Hãy cùng tìm hiểu xem D-mannose là gì và liệu có thực sự hiệu quả hay không.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây