Xét nghiệm nước tiểu giúp phát hiện những vấn đề nào?
Nhiều bệnh lý ảnh hưởng đến quá trình đào thải chất thải và chất độc của cơ thể. Các cơ quan tham gia vào quá trình này là da, phổi, thận, bàng quang và các cơ quan khác trong đường tiết niệu. Vấn đề xảy ra với bất kỳ cơ quan nào trong số này đều có thể khiến nước tiểu có những thay đổi bất thường, chẳng hạn như thay đổi về lượng, mùi, màu sắc hay thành phần trong nước tiểu.
Khi nào cần xét nghiệm nước tiểu?
Xét nghiệm nước tiểu thường được thực hiện:
- trước khi phẫu thuật
- khi khám thai
- trong quá trình khám sức khỏe định kỳ
Bác sĩ cũng có thể yêu cầu xét nghiệm nước tiểu nếu nghi ngờ bạn mắc các bệnh lý:
- Bệnh đái tháo đường
- Bệnh thận
- Bệnh gan
- Nhiễm trùng đường tiết niệu
Ở những người đang mắc các bệnh này, xét nghiệm nước tiểu được thực hiện nhằm theo dõi hiệu quả điều trị và tình trạng bệnh.
Bạn thường sẽ phải làm xét nghiệm nước tiểu nếu có các triệu chứng như:
- Đau bụng
- Đau lưng
- Nước tiểu có máu
- Đau buốt khi đi tiểu
Chuẩn bị trước xét nghiệm nước tiểu
Trước khi xét nghiệm, hãy uống nhiều nước để có thể lấy đủ mẫu nước tiểu. Tuy nhiên cũng không uống quá nhiều nước vì điều này có thể dẫn đến kết quả không chính xác.
Bạn chỉ cần uống thêm 1 - 2 ly nước lọc hoặc các loại nước khác như nước trái cây, sữa vào ngày làm xét nghiệm. Không cần phải nhịn ăn hay thay đổi chế độ ăn uống trước khi xét nghiệm nước tiểu.
Ngoài ra, hãy cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc và thực phẩm chức năng đang dùng. Một số thuốc và thực phẩm chức năng có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm nước tiểu, ví dụ như:
- vitamin C
- metronidazol
- vitamin B2 (riboflavin)
- thuốc nhuận tràng antraquinone
- methocarbamol
- nitrofurantoin
Quy trình xét nghiệm nước tiểu
Trước tiên, bạn sẽ được phát một chiếc cốc nhựa để lấy mẫu nước tiểu và được hướng dẫn cách lấy mẫu.
Thông thường sẽ phải lấy nước tiểu giữa dòng để mẫu nước tiểu không bị lẫn vi khuẩn từ dương vật hoặc âm đạo.
Đầu tiên, hãy làm sạch xung quanh niệu đạo. Đi tiểu một ít vào bồn cầu rồi sau đó lấy mẫu nước tiểu vào cốc. Chú ý không chạm vào bên trong cốc để mẫu nước tiểu không dính vi khuẩn từ bàn tay.
Sau khi hoàn tất, hãy đậy nắp cốc và nộp mẫu cho nhân viên y tế.
Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ tiến hành lấy mẫu nước tiểu bằng cách đưa ống thông qua niệu đạo vào bàng quang người bệnh. Quá trình này có thể gây khó chịu nhẹ.
Mẫu nước tiểu sẽ được đem đến phòng xét nghiệm để phân tích.
Các phương pháp phân tích nước tiểu
Các phương pháp thường được sử dụng để phân tích mẫu nước tiểu:
Kiểm tra bằng kính hiển vi
Kỹ thuật viên phòng xét nghiệm sẽ quan sát mẫu nước tiểu dưới kính hiển vi. Phương pháp này giúp phát hiện:
- bất thường trong hồng cầu hoặc bạch cầu, đây có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng, bệnh thận, ung thư bàng quang hoặc bệnh về máu
- tinh thể trong nước tiểu – dấu hiệu của sỏi thận
- vi khuẩn hoặc nấm men
- các tế bào biểu mô – dấu hiệu của khối u
Kiểm tra bằng que nhúng
Kỹ thuật viên nhúng que nhựa đã qua xử lý hóa chất vào mẫu nước tiểu. Que sẽ thay đổi màu sắc theo một số chất trong nước tiểu. Phương pháp này có thể giúp phát hiện:
- Bilirubin - một loại sắc tố sinh ra từ quá trình thoái giáng hồng cầu
- Máu
- Protein
- Nồng độ hay tỷ trọng nước tiểu
- Thay đổi độ ph hoặc độ axit của nước tiểu
- Đường
Nước tiểu có nồng độ cao hơn bình thường có thể là dấu hiệu của tình trạng mất nước. Độ pH cao có thể chỉ ra các vấn đề về đường tiết niệu hoặc thận. Và sự hiện diện của đường trong nước tiểu đều có thể là dấu hiệu của bệnh đái tháo đường.
Kiểm tra trực quan
Một số sự thay đổi trong nước tiểu có thể được nhận thấy bằng mắt thường, ví dụ như:
- Nước tiểu đục – một dấu hiệu của nhiễm trùng
- Mùi bất thường
- Nước tiểu màu đỏ hoặc hơi nâu - có thể cho thấy nước tiểu có lẫn máu
Kết quả xét nghiệm nước tiểu
Bác sĩ sẽ giải thích rõ các chỉ số trong kết quả xét nghiệm nước tiểu.
Nếu kết quả có vẻ bất thường thì bước tiếp theo cần thực hiện sẽ tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của bạn.
Nếu trước đây bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh thận, đường tiết niệu hoặc các tình trạng liên quan khác thì bác sĩ có thể sẽ yêu cầu xét nghiệm nước tiểu thêm một lần nữa hoặc thực hiện các bước kiểm tra khác để xác định nguyên nhân gây ra các thay đổi bất thường trong nước tiểu.
Nếu bạn không có triệu chứng nào của bệnh lý tiềm ẩn và khám lâm sàng cho thấy sức khỏe tổng thể bình thường thì có thể không cần phải kiểm tra thêm.
Protein trong nước tiểu
Nước tiểu bình thường chứa một lượng protein không đáng kể. Nhưng đôi khi, nồng độ protein trong nước tiểu tăng cao do:
- quá nóng hoặc lạnh
- sốt
- stress (về thể chất hoặc tinh thần)
- tập thể dục quá sức
Những nguyên nhân này đều không đáng ngại. Tuy nhiên, nồng độ protein trong nước tiểu cao bất thường có thể là dấu hiệu cho thấy chức năng thận bị suy yếu. Điều này có thể xảy ra do:
- bệnh đái tháo đường
- bệnh tim
- cao huyết áp
- bệnh lupus
- bệnh bạch cầu
- bệnh thiếu máu hồng cầu hình lưỡi liềm
- viêm khớp dạng thấp
Bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện các bước kiểm tra để xác định nguyên nhân làm tăng nồng độ protein trong nước tiểu.
Bước tiếp theo sau xét nghiệm
Nếu xét nghiệm nước tiểu cho kết quả bất thường, bạn sẽ tiếp tục phải làm thêm các xét nghiệm khác hoặc chẩn đoán hình ảnh để xác định nguyên nhân:
- Xét nghiệm máu
- Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như chụp CT hoặc MRI
- Bảng trao đổi chất toàn diện (CMP)
- Cấy nước tiểu
- Công thức máu toàn bộ
- Xét nghiệm chức năng gan hoặc thận
Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu là một phương pháp xét nghiệm giúp phát hiện các vấn đề được biểu hiện qua dấu hiệu bất thường trong nước tiểu.
Đo lượng nước tiểu 24 giờ là phương pháp đo thể tích nước tiểu mà cơ thể tạo ra trong vòng một ngày và phân tích những gì có trong nước tiểu. Đó là một quy trình không xâm lấn và cách thực hiện rất đơn giản nhưng có thể giúp chẩn đoán các vấn đề về chức năng thận.
Bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm nồng độ nước tiểu nếu lượng tiểu quá nhiều hoặc quá ít. Xét nghiệm này giúp xác định các vấn đề về thận.
Nếu ở trong niệu quản hoặc niệu đạo đủ lâu, máu sẽ đông lại và đi ra ngoài theo nước tiểu ở dạng sợi dài. Tuy nhiên, điều này rất hiếm gặp.
Xét nghiệm độ pH nước tiểu giúp đánh giá mẫu nước tiểu có tính axit hay tính bazơ (kiềm). Đây là một xét nghiệm đơn giản và không xâm lấn.