Cục máu đông dài trong nước tiểu là biểu hiện của bệnh gì?
Máu trong nước tiểu (tiểu máu hay đái máu) khiến nước tiểu có màu hồng hoặc đỏ. Đây là một vấn đề không phổ biến. Có cục máu đông dạng sợi dài trong nước tiểu thậm chí còn hiếm gặp hơn.
Điều này có thể là do một lượng lớn máu đã tích tụ và đông lại trong niệu quản hoặc niệu đạo. Do niệu quản và niệu đạo có hình dạng ống nên cục máu đông cũng sẽ có dạng sợi dài khi đi ra ngoài theo nước tiểu.
Có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng này.
Cục máu đông trong nước tiểu có nguy hiểm không?
Cục máu đông trong nước tiểu không phải lúc nào cũng cần phải điều trị khẩn cấp, đặc biệt là khi người bệnh không cảm thấy đau hoặc gặp khó khăn khi đi tiểu.
Tuy nhiên, khi phát hiện thấy cục máu đông trong nước tiểu thì nên đi khám càng sớm càng tốt để xác định nguyên nhân và có biện pháp điều trị thích hợp.
Triệu chứng khẩn cấp
Cục máu đông dạng sợi dài trong nước tiểu có thể là dấu hiệu của một số vấn đề nghiêm trọng cần can thiệp điều trị khẩn cấp.
Hay gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất nếu như còn có các triệu chứng sau đây đi kèm cục máu đông trong nước tiểu:
- Đau dữ dội khi đi tiểu
- Phải rặn mạnh khi đi tiểu
- Không thể đi tiểu được
- Đau liên tục ở bẹn hoặc thắt lưng
- Nước tiểu có lẫn các vật thể lạ khác
Nguyên nhân nước tiểu có cục máu đông dài
Cục máu đông dạng sợi dài trong nước tiểu thường là do xuất huyết trong bàng quang hoặc niệu đạo, đặc biệt là khi người bệnh không cảm thấy đau đớn hay khó chịu. Do niệu đạo có dạng ống nên cục máu đông hình thành trong cơ quan này sẽ có dạng sợi dài.
Một số nguyên nhân phổ biến nhất gây cục máu đông dạng sợi dài trong nước tiểu:
- Nhiễm trùng đường tiết niệu, gây sưng ở đường tiết niệu
- Sỏi thận mắc kẹt trong niệu quản, có thể gây kích ứng mô và chảy máu
- Chấn thương vùng bẹn có thể gây chảy máu vào niệu quản, bàng quang và niệu đạo
- Các loại thuốc ảnh hưởng đến máu, chẳng hạn như aspirin hoặc các thuốc chống đông máu
Một số nguyên nhân ít gặp hơn nhưng nghiêm trọng hơn:
- Bệnh thận, có thể gây sưng, chảy máu và nhiễm trùng ở thận
- Ung thư thận hoặc bàng quang, gây tổn thương mô hoặc cản trở dòng nước tiểu
- Thiếu máu hồng cầu hình lưỡi liềm, có thể khiến hồng cầu bị mắc kẹt trong mạch máu và tích tụ lại hình thành nên cục máu đông
Cục máu đông trong nước tiểu ở phụ nữ
Một số nguyên nhân gây cục máu đông dạng sợi dài trong nước tiểu chỉ xảy ra ở phụ nữ, chẳng hạn như kinh nguyệt hoặc lạc nội mạc tử cung.
Lạc nội mạc tử cung là tình trạng các tế bào nội mạc tử cung (tế bào ở lớp màng bao bên trong tử cung) phát triển ở những khu vực khác trong cơ thể. Những tế bào này có thể phát triển xung quanh đường tiết niệu, gây kích ứng mô hoặc thậm chí phát triển xuyên qua mô đường tiết niệu. Điều này có thể gây chảy máu và hình thành cục máu đông trong đường tiết niệu.
Cục máu đông trong nước tiểu ở nam giới
Một số nguyên nhân gây cục máu đông trong nước tiểu chỉ xảy ra ở nam giới. Ví dụ, máu từ tuyến tiền liệt cũng có thể đông lại và tích tụ trong niệu đạo. Điều này làm cho các cục máu đông có hình dạng sợi dài khi ra ngoài theo nước tiểu.
Tuyến tiền liệt phì đại chèn ép lên bàng quang và gây sưng tấy hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu có thể gây ra tình trạng này.
Giun thận
Đôi khi, vật thể có dạng sợi dài màu đỏ trong nước tiểu không phải là cục máu đông mà là giun thận (Dioctophyme renale), một loại ký sinh trùng. Giun thận có thể đi ra ngoài cùng nước tiểu. Nguyên nhân chính gây nhiễm giun thận là do ăn cá hoặc ếch sống có chứa ấu trùng giun.
Mặc dù giun thận rất hiếm gặp nhưng loài ký sinh trùng này có thể tàn phá thận và gây nguy hiểm đến tính mạng. Cách điều trị duy nhất là phẫu thuật để lấy giun ra khỏi thận.
Khi nào cần đi khám?
Máu trong nước tiểu không phải lúc nào cũng là dấu hiệu của vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Tuy nhiên, nên đi khám nếu bị tiểu ra máu kèm theo các triệu chứng sau đây:
- Cảm thấy đau hoặc khó chịu khi đi tiểu, đau ở vùng chậu hoặc thắt lưng.
- Mệt mỏi
- Đau bụng
- Chán ăn
- Sụt cân không rõ nguyên nhân
- Đau sâu trong xương
- Sưng phù chân
- Sốt
Một số câu hỏi thường gặp về cục máu đông trong nước tiểu
Cục máu đông trong nước tiểu thường trông như thế nào?
Cục máu đông trong nước tiểu không phải lúc nào cũng có dạng sợi dài. Đa phần, cục máu đông trong nước tiểu có dạng khối nhỏ, màu đỏ tươi hoặc đỏ sẫm và nước tiểu vẫn có màu bình thường, đặc biệt là khi cục máu đông là do kinh nguyệt hoặc chấn thương nhẹ ở vùng chậu. Đôi khi, nước tiểu chỉ có duy nhất một cục máu đông rất nhỏ nhưng cũng có thể chứa nhiều cục máu đông với các kích thước khác nhau. Tình trạng này có thể chỉ xuất hiện một lần hoặc tiếp diễn trong thời gian dài, tùy vào nguyên nhân gây hình thành cục máu đông.
Nếu nước tiểu có cục máu đông nhưng không đau đớn thì có đáng ngại không?
Nếu nước tiểu có cục máu đông dạng sợi dài nhưng không kèm theo đau đớn hay bất kỳ triệu chứng nào khác như rối loạn tiểu tiện thì thường không đáng lo ngại.
Tuy nhiên, những cục máu đông này đôi khi là dấu hiệu cho thấy có khối u gần đường tiết niệu và đó có thể là u ác tính (ung thư).
Cục máu đông trong bàng quang có nguy hiểm không?
Cục máu đông trong bàng quang không phải lúc nào cũng nguy hiểm nhưng cục máu đông có thể là do chấn thương hoặc các bệnh lý nghiêm trọng như ung thư tuyến tiền liệt hoặc lạc nội mạc tử cung. Những vấn đề này cần được điều trị càng sớm càng tốt để ngăn ngừa biến chứng.
Cục máu đông trong bàng quang có thể xuất hiện trong nước tiểu và xảy ra kèm các triệu chứng khác như nước tiểu có màu bất thường và đau nhức kéo dài.
Tóm tắt bài viết
Cục máu đông dạng sợi dài trong nước tiểu không phải lúc nào cũng là vấn đề đáng báo động, đặc biệt là khi không kèm theo đau đớn hay các triệu chứng khác.
Tuy nhiên, nên đi khám nếu bị đau dữ dội hoặc bị rối loạn tiểu tiện.
Nước tiểu thường có mùi khai nhẹ nhưng đôi khi, nước tiểu lại có mùi khai nồng hoặc chuyển sang một mùi bất thường. Có nhiều nguyên nhân làm thay đổi mùi nước tiểu, trong đó có những nguyên nhân vô hại, không đáng lo nhưng một số nguyên nhân lại xuất phát từ vấn đề sức khỏe cần phải điều trị. Dưới đây là một số nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi bất thường.
Nước tiểu có chứa các hạt màu trắng có thể là do nhiều nguyên nhân, hầu hết đều có thể điều trị được một cách dễ dàng nhưng vẫn nên đi khám để xác định chính xác nguyên nhân. Điều trị đúng cách sẽ giúp ngăn ngừa các vấn đề nghiêm trọng hơn.
Xét nghiệm nước tiểu là xét nghiệm giúp phát hiện hoặc theo dõi các vấn đề sức khỏe biểu hiện qua nước tiểu.
Chức năng chính của thận là lọc máu và duy trì cân bằng điện giải trong cơ thể. Xét nghiệm tỷ trọng nước tiểu là một cách nhanh chóng để đánh giá hoạt động của thận. Xét nghiệm tỷ trọng nước tiểu có thể giúp phát hiện nhiều vấn đề như mất nước hoặc thừa nước, suy tim, đái tháo nhạt, suy thận và nhiễm trùng thận.
Đo lượng nước tiểu 24 giờ là phương pháp đo thể tích nước tiểu mà cơ thể tạo ra trong vòng một ngày và phân tích những gì có trong nước tiểu. Đó là một quy trình không xâm lấn và cách thực hiện rất đơn giản nhưng có thể giúp chẩn đoán các vấn đề về chức năng thận.