Siêu âm tuyến tiền liệt giúp phát hiện những bệnh nào?
Siêu âm tuyến tiền liệt là gì?
Siêu âm là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh đen trắng của các cơ quan trong cơ thể. Siêu âm tuyến tiền liệt được sử dụng để kiểm tra tình trạng tuyến tiền liệt, giúp phát hiện các thay đổi bất thường ở tuyến tiền liệt như tăng kích thước hoặc khối u.
Siêu âm tuyến tiền liệt rất an toàn và quá trình thực hiện mất chưa đầy một giờ. Siêu âm có thể giúp phát hiện sớm các vấn đề về tuyền tiến liệt như tăng sản lành tính và ung thư, nhờ đó có thể can thiệp điều trị kịp thời trước khi vấn đề trở nên nghiêm trọng.
Đọc tiếp bài viết dưới đây để tìm hiểu về thời điểm mà nam giới cần siêu âm tuyến tiền liệt, quá trình thực hiện và các bước tiếp theo sau siêu âm.
Khi nào cần siêu âm tuyến tiền liệt?
Siêu âm tuyến tiền liệt cung cấp hình ảnh đen trắng về tuyến tiền liệt, nhờ đó giúp bác sĩ đánh giá tình trạng của tuyến tiền liệt. Siêu âm tuyến tiền liệt thường không có trong quá trình khám sức khỏe định kỳ nhưng bác sĩ có thể đề nghị siêu âm trong những trường hợp:
- trên 40 tuổi
- có các triệu chứng bất thường
- có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt
Bác sĩ cũng có thể đề nghị siêu âm tuyến tiền liệt nếu phát hiện dấu hiệu bất thường trong quá trình khám trực tràng.
Một số triệu chứng khiến bác sĩ đề nghị siêu âm tuyến tiền liệt gồm có:
- Tiểu khó
- Nước tiểu có máu
- Sờ thấy u cục xung quanh trực tràng
- Xét nghiệm máu hoặc nước tiểu cho kết quả bất thường
- Số lượng tinh trùng thấp (phát hiện qua xét nghiệm tinh dịch đồ)
Siêu âm tuyến tiền liệt còn được sử dụng để hướng dẫn sinh thiết tuyến tiền liệt (đưa kim dài vào tuyến tiền liệt để lấy mẫu mô).
Cần chuẩn bị gì trước khi siêu âm tuyến tiền liệt?
Người bệnh không cần chuẩn bị gì nhiều trước khi siêu âm tuyến tiền liệt. Đây là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh đơn giản và nhanh chóng.
Tuy nhiên, trước khi siêu âm, người bệnh cần lưu ý một số điều dưới đây:
- Không ăn trong vài giờ.
- Uống thuốc nhuận tràng hoặc thuốc xổ trước khi siêu âm vài giờ để làm sạch ruột.
- Ngừng dùng các loại thuốc làm loãng máu, chẳng hạn như thuốc chống viêm không steroid (NSAID) khoảng một tuần trước khi siêu âm. Điều này thường chỉ cần thiết nếu phải sinh thiết.
- Không đeo đồ trang sức và mặc quần áo bó sát khi đi khám.
- Dùng các loại thuốc theo yêu cầu để thả lỏng cơ thể trong suốt quá trình siêu âm. Bác sĩ có thể yêu cầu dùng thuốc an thần, chẳng hạn như lorazepam.
- Nếu phải dùng thuốc an thần thì nên nhờ người đưa về sau khi khám xong.
Quy trình siêu âm tuyến tiền liệt
Người bệnh sẽ phải cởi đồ và thay áo choàng bệnh viện, sau đó nằm ngửa hoặc nằm nghiêng co gối trên bàn khám.
Kỹ thuật viên bôi gel siêu âm lên đầu dò để tạo hình ảnh rõ nét và từ từ đưa đầu dò vào trực tràng của người bệnh. Kỹ thuật viên nhẹ nhàng di chuyển đầu dò xung quanh để thu được hình ảnh tuyến tiền liệt từ nhiều góc độ. Nếu phải sinh thiết, kỹ thuật viên sẽ từ từ đưa kim dọc theo đầu dò vào tuyến tiền liệt để lấy mẫu mô.
Trong quá trình siêu âm, nếu cảm thấy không thoải mái thì hãy cho kỹ thuật viên biết. Nếu cần thiết, kỹ thuật viên sẽ sử dụng thuốc gây tê hoặc thuốc an thần để giúp người bệnh thấy thoải mái hơn.
Bao lâu sẽ có kết quả?
Trực tràng có thể sẽ hơi khó chịu trong vài ngày sau khi siêu âm nhưng không cần phải chăm sóc đặc biệt. Bác sĩ có thể sẽ kê thuốc kháng sinh để phòng ngừa nhiễm trùng.
Kết quả có thể có ngay sau khi siêu âm nhưng thông thường sẽ phải chờ vài ngày để bác sĩ đánh giá hình ảnh siêu âm và chẩn đoán vấn đề.
Người bệnh sẽ được hẹn lịch trả kết quả. Nếu có gì bất thường, bác sĩ sẽ giải thích trên hình ảnh siêu âm. Tuyến tiền liệt phì đại hay khối u ác tính sẽ xuất hiện trên hình ảnh siêu âm dưới dạng các vùng sáng trắng do có mật độ mô dày hơn bình thường.
Siêu âm tuyến tiền liệt có chính xác không?
Siêu âm tuyến tiền liệt chính xác hơn so với chụp X-quang vì với siêu âm, kỹ thuật viên có thể quan sát hình ảnh động khi đầu dò di chuyển qua trực tràng trong khi chụp X-quang chỉ cung cấp ảnh chụp tức thì tại một thời điểm. Siêu âm cũng an toàn hơn chụp X-quang vì không sử dụng bức xạ.
Siêu âm tuyến tiền liệt nhanh hơn so với chụp cắt lớp vi tính (CT) – một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh cung cấp hình ảnh ba chiều của tuyến tiền liệt và các cấu trúc xung quanh. Chụp CT đòi hỏi phải chuẩn bị phức tạp hơn và quá trình thực hiện mất nhiều thời gian hơn mà lại không cung cấp hình ảnh theo thời gian thực giống như siêu âm.
Bước tiếp theo sau khi siêu âm tuyến tiền liệt
Bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện thêm các bước kiểm tra khác nếu hình ảnh siêu âm hoặc sinh thiết cho thấy sự thay đổi bất thường ở trong hoặc xung quanh tuyến tiền liệt. Sau khi chẩn đoán chính xác vấn đề, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp cho người bệnh.
Tăng sản tuyến tiền liệt lành tính, hay còn được gọi là phì đại tuyến tiền liệt, thường được điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật. Tăng sản tuyến tiền liệt lành tính không phải một tình trạng nghiêm trọng nhưng có thể gây rối loạn tiểu tiện và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Nếu phì đại tuyến tiền liệt không có triệu chứng thì có thể không cần điều trị.
Nếu nghi ngờ ung thư tuyến tiền liệt, bác sĩ sẽ đề nghị xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA). Nồng độ PSA trong máu cao có thể chỉ ra ung thư tuyến tiền liệt, mặc dù điều này không phải lúc nào cũng đúng. Nếu đúng là ung thư tuyến tiền liệt, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị giúp điều trị hoặc kiểm soát bệnh ung thư.
Nếu được phát hiện sớm, ung thư tuyến tiền liệt có tiên lượng rất tốt. Tuy nhiên, bệnh ung thư này thường không có triệu chứng ở các giai đoạn đầu nên việc khám sàng lọc là điều cần thiết. Có nhiều phương pháp được sử dụng để sàng lọc bệnh ung thư tuyến tiền liệt, gồm có xét nghiệm PSA, khám trực tràng, xét nghiệm PCA3 và một số phương pháp khác.
Sàng lọc sớm và thường xuyên có thể giúp phát hiện và điều trị ung thư tuyến tiền liệt ngay từ khi bệnh còn chưa biểu hiện triệu chứng. Điều này giúp cải thiện tiên lượng, ngay cả trong những ca bệnh ung thư tiến triển nhanh và ác tính.
Mặc dù ung thư tuyến tiền liệt là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới nhưng nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu rõ về căn bệnh này. Dưới đây là 7 lầm tưởng phổ biến về bệnh ung thư tuyến tiền liệt và sự thật.
Phẫu thuật là một trong những phương pháp điều trị phổ biến nhất trong những trường hợp ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn đầu. Hiện nay có nhiều kỹ thuật phẫu thuật khác nhau. Một kỹ thuật xâm lấn tối thiểu là phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt có sự hỗ trợ của robot.