Những điều cần biết về siêu âm tuyến tiền liệt
Siêu âm tuyến tiền liệt là gì?
Siêu âm tuyến tiền liệt là phương pháp sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh đen trắng của tuyến tiền liệt. Trong quá trình siêu âm, đầu dò phát ra và thu sóng âm dội lại từ các mô cơ thể, sau đó chuyển thành hình ảnh. Siêu âm tuyến tiền liệt được sử dụng để kiểm tra tình trạng tuyến tiền liệt và phát hiện các vấn đề bất thường như ung thư hay tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (phì đại tuyến tiền liệt).
Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh này rất an toàn và quá trình thực hiện nhanh chóng, thường mất chưa đầy một giờ. Hình ảnh siêu âm có thể cho thấy các bất thường ở tuyến tiền liệt từ trước khi có triệu chứng, nhờ đó giúp phát hiện sớm trước khi vấn đề trở nên nghiêm trọng hoặc khó điều trị.
Khi nào cần siêu âm tuyến tiền liệt?
Siêu âm tuyến tiền liệt cung cấp hình ảnh đen trắng của tuyến tiền liệt và các cấu trúc xung quanh. Siêu âm tuyến tiền liệt thường không có trong quá trình khám sức khỏe định kỳ nhưng sẽ được thực hiện trong trường hợp:
- bệnh nhân trên 40 tuổi
- bệnh nhân có triệu chứng bất thường
- bệnh nhân có nguy cơ bị ung thư tuyến tiền liệt
Bác sĩ cũng có thể yêu cầu siêu âm tuyến tiền liệt nếu phát hiện thay đổi bất thường trong quá trình thăm trực tràng hậu môn.
Bác sĩ cũng sẽ đề nghị siêu âm tuyến tiền liệt nếu bệnh nhân có các triệu chứng sau đây:
- Tiểu khó
- Có máu trong nước tiểu
- Có u cục xung quanh trực tràng
- Xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm nước tiểu cho kết quả bất thường
- Số lượng tinh trùng thấp (kiểm tra bằng xét nghiệm tinh dịch đồ)
Siêu âm tuyến tiền liệt cũng có thể được sử dụng để giúp bác sĩ lấy mẫu mô từ tuyến tiền liệt (sinh thiết).
Chuẩn bị trước khi siêu âm tuyến tiền liệt
Bệnh nhân không cần chuẩn bị gì đặc biệt trước khi siêu âm tuyến tiền liệt. Siêu âm là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh đơn giản thường mất chưa đầy một giờ.
Tuy nhiên, bệnh nhân có thể cần thực hiện những điều sau đây trước khi siêu âm:
- Nhịn ăn trong vài giờ trước khi siêu âm.
- Uống thuốc nhuận tràng hoặc thuốc xổ để làm sạch ruột vài giờ trước khi siêu âm.
- Nếu phải sinh thiết tuyến tiền liệt thì bệnh nhân phải ngừng dùng các loại thuốc làm loãng máu, chẳng hạn như thuốc chống viêm không steroid (NSAID) hoặc aspirin khoảng một tuần trước khi siêu âm.
- Không đeo đồ trang sức và không mắc quần áo bó sát khi đi siêu âm.
Nếu cần thiết, bệnh nhân có thể được cho dùng thuốc an thần chẳng hạn như lorazepam để thư giãn trong suốt quá trình siêu âm. Nếu dùng thuốc an thần, bệnh nhân sẽ cần có người đưa về sau khi khám xong.
Quy trình siêu âm tuyến tiền liệt
Trước tiên, bệnh nhân phải cởi bỏ quần áo và thay áo choàng. Sau đó, kỹ thuật viên sẽ yêu cầu bệnh nhân nằm ngửa hoặc nằm nghiêng trên bàn khám và co đầu gối.
Trong quá trình siêu âm tuyến tiền liệt qua trực tràng, kỹ thuật viên dưa đầu dò siêu âm vào trong trực tràng của bệnh nhân. Trước đó, đầu dò được bôi một lớp gel chuyên dụng để giúp bôi trơn và cho ra hình ảnh rõ nét, chính xác. Kỹ thuật viên từ từ đưa đầu dò vào trực tràng và di chuyển nhẹ nhàng xung quanh để thu được hình ảnh tuyến tiền liệt từ nhiều góc độ. Nếu cần phải sinh thiết, kỹ thuật viên sẽ từ từ đưa kim dọc theo đầu dò vào tuyến tiền liệt để lấy mẫu mô.
Quá trình siêu âm không đau đớn nhưng khi đầu dò được đưa vào trong, bệnh nhân sẽ có cảm giác trực tràng căng lên và cảm thấy hơi lạnh do gel siêu âm. Hãy cho kỹ thuật viên biết nếu như cảm thấy không thoải mái trong suốt quá trình. Nếu cần thiết, kỹ thuật viên có thể sử dụng thuốc gây tê tại chỗ hoặc thuốc an thần để giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái hơn.
Bao giờ có kết quả siêu âm?
Bệnh nhân có thể sinh hoạt bình thường sau khi siêu âm xong nhưng trực tràng có thể sẽ hơi đau và khó chịu trong một vài ngày. Bác sĩ có thể sẽ kê thuốc kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng.
Bệnh nhân có thể được trả kết quả ngay sau khi siêu âm nhưng cũng có thể phải đợi vài ngày để bác sĩ đánh giá hình ảnh và chẩn đoán bệnh.
Vào ngày trả kết quả, bác sĩ sẽ giải thích hình ảnh siêu âm. Mô thừa, phì đại tuyến tiền liệt hoặc khối u ác tính sẽ hiển thị trên hình ảnh siêu âm dưới dạng các vùng sáng trắng vì đây là những vùng có mật độ mô dày hơn bình thường.
Siêu âm tuyến tiền liệt có chính xác không?
Siêu âm tuyến tiền liệt chính xác hơn so với chụp X-quang. Lý do là vì trong quá trình siêu âm, kỹ thuật viên có thể quan sát hình ảnh động khi di chuyển đầu dò qua trực tràng thay vì chỉ chụp ảnh tức thời tại một thời điểm. Siêu âm cũng an toàn hơn chụp X-quang vì không sử dụng bức xạ điện từ.
Siêu âm tuyến tiền liệt cũng nhanh hơn so với chụp cắt lớp vi tính (CT) – một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh cung cấp hình ảnh 3 chiều của tuyến tiền liệt và các khu vực xung quanh. Chụp CT yêu cầu chuẩn bị phức tạp hơn và quá trình thực hiện mất nhiều thời gian hơn mà lại không cung cấp hình ảnh theo thời gian thực giống như siêu âm.
Bước tiếp theo sau siêu âm tuyến tiền liệt
Nếu kết quả siêu âm hoặc sinh thiết cho thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào trong hoặc xung quanh tuyến tiền liệt, bác sĩ sẽ đề nghị thực hiện thêm các xét nghiệm hoặc chẩn đoán hình ảnh khác. Sau khi chẩn đoán chính xác vấn đề, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp và hẹn lịch tái khám.
Nếu là tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (hay phì đại tuyến tiền liệt), bệnh nhân sẽ phải dùng thuốc hoặc phẫu thuật để điều trị các triệu chứng. Tăng sản tuyến tiền liệt lành tính không phải vấn đề nghiêm trọng nhưng sẽ ảnh hưởng đến khả năng đi tiểu và gây ra nhiều bất tiện.
Nếu nghi ngờ ung thư tuyến tiền liệt, bác sĩ sẽ yêu cầu làm xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA) để kiểm tra nồng độ PSA trong máu. Nồng độ PSA cao có thể là dấu hiệu cho thấy ung thư tuyến tiền liệt. Nếu đúng là ung thư tuyến tiền liệt, bác sĩ sẽ trao đổi về phác đồ điều trị dựa trên một số yếu tố như tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, loại và giai đoạn ung thư.
Xét nghiệm PSA rất nhạy và có thể phát hiện mức PSA cao hơn bình thường. Nồng độ PSA cao có thể là dấu hiệu của ung thư tuyến tiền liệt. Do đó, xét nghiệm PSA giúp phát hiện ung thư từ trước khi xuất hiện các triệu chứng thực thể.
Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt và ung thư tuyến tiền liệt có các triệu chứng tương tự nhau, vì vậy nên đôi khi rất khó để phân biệt hai bệnh lý này.
Tuyến tiền liệt là cơ quan bao quanh niệu đạo, khi bị phì đại sẽ chèn ép lên niệu đạo và khiến việc đi tiểu trở nên khó khăn.
Đừng cam chịu sống chung với tăng sản lành tính tuyến tiền liệt. Điều trị sớm sẽ giúp tránh các vấn đề về sau này. Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt không được điều trị có thể dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu, bí tiểu cấp tính (hoàn toàn không thể đi tiểu), sỏi thận và sỏi bàng quang. Trong trường hợp nghiêm trọng, tăng sản lành tính tuyến tiền liệt còn có thể gây tổn hại thận.
Tuyến tiền liệt là một tuyến có kích thước tương đối nhỏ nằm ở bên dưới bàng quang nhưng có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng nếu phì đại hoặc bị nhiễm trùng. Viêm tuyến tiền liệt và tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (hay còn gọi là phì đại tuyến tiền liệt) là hai vấn đề phổ biến xảy ra với tuyến tiền liệt. Mặc dù cả hai đều gây đau và khó tiểu những mỗi tình trạng là do những nguyên nhân khác nhau gây ra. Hãy cùng tìm hiểu về hai hai bệnh này trong bài viết dưới đây.