1

Những điều cần biết về phẫu thuật tuyến tiền liệt

Mục đích của việc phẫu thuật tuyến tiền liệt còn tùy thuộc vào vấn đề cần điều trị bằng phẫu thuật. Ví dụ, mục đích của phẫu thuật ung thư tuyến tiền liệt là loại bỏ tế bào ung thư. Mục đích của phẫu thuật điều trị tăng sản lành tính tuyến tiền liệt hay phì đại tuyến tiền liệt là loại bỏ mô tuyến tiền liệt phì đại và khôi phục lại khả năng tiểu tiện bình thường.
Những điều cần biết về phẫu thuật tuyến tiền liệt Những điều cần biết về phẫu thuật tuyến tiền liệt

Khi nào cần phẫu thuật tuyến tiền liệt?

Tuyến tiền liệt là một tuyến nằm bên dưới bàng quang, phía trước trực tràng. Tuyến tiền liệt có chức năng tạo ra chất lỏng mang tinh trùng và đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh dục của nam giới.

Phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến tiền liệt được gọi chung là phẫu thuật tuyến tiền liệt. Các lý do phổ biến nhất cần phẫu thuật tuyến tiền liệt là ung thư tuyến tiền liệtphì đại tuyến tiền liệt (tăng sản tuyến tiền liệt lành tính).

Hiểu rõ về các phương pháp điều trị, bao gồm cả phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt là điều rất quan trọng đối với người bệnh. Tất cả các loại phẫu thuật tuyến tiền liệt đều có thể được thực hiện với phương pháp gây mê toàn thân (người bệnh mất cảm giác, ý thức) hoặc gây tê tủy sống (làm mất cảm giác ở nửa thân dưới).

Tùy tình trạng của mỗi ca bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp vô cảm phù hợp.

Các mục tiêu quan trọng của ca phẫu thuật tuyến tiền liệt là:

  • Điều trị bệnh
  • Duy trì khả năng tiểu tiện
  • Duy trì khả năng cương cứng
  • Giảm thiểu tác dụng phụ
  • Hạn chế tối đa đau đớn trước, trong và sau phẫu thuật

Cùng tìm hiểu về các loại phẫu thuật tuyến tiền liệt, rủi ro và thời gian phục hồi sau phẫu thuật trong bài viết dưới đây.

Các loại phẫu thuật tuyến tiền liệt

Mục đích của việc phẫu thuật tuyến tiền liệt còn tùy thuộc vào vấn đề cần điều trị bằng phẫu thuật. Ví dụ, mục đích của phẫu thuật ung thư tuyến tiền liệt là loại bỏ tế bào ung thư. Mục đích của phẫu thuật điều trị tăng sản lành tính tuyến tiền liệt hay phì đại tuyến tiền liệt là loại bỏ mô tuyến tiền liệt phì đại và khôi phục lại khả năng tiểu tiện bình thường.

Mổ mở cắt tuyến tiền liệt

Mổ mở là một phương pháp phẫu thuật truyền thống. Bác sĩ sẽ rạch một đường qua da để tiếp cận và cắt tuyến tiền liệt cùng một phần mô lân cận.

Đường rạch thường được tạo ở một trong hai vị trí là sau mu hoặc đáy chậu:

  • Cắt toàn bộ tuyến tiền liệt qua đường rạch sau mu: Bác sĩ sẽ rạch một đường từ rốn đến xương mu. Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ chỉ cắt tuyến tiền liệt nhưng nếu nghi ngờ ung thư có thể đã lan rộng thì sẽ cắt bỏ một số hạch bạch huyết để kiểm tra. Nếu phát hiện ung thư đã lan rộng, bác sĩ có thể sẽ ngừng phẫu thuật.
  • Cắt toàn bộ tuyến tiền liệt qua đường rạch đáy chậu: Bác sĩ rạch một đường ở khu vực giữa trực tràng và bìu. Kỹ thuật này thường được lựa chọn khi người bệnh mắc các tình trạng bệnh lý khác không phù hợp thực hiện kỹ thuật rạch sau mu. Khi tạo đường rạch ở vị trí này, bác sĩ sẽ không thể cắt các hạch bạch huyết. Phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt qua đường rạch đáy chậu mất ít thời gian hơn so với đường rạch sau mu nhưng lại có nguy cơ rối loạn cương dương cao hơn.

Với cả hai kỹ thuật này, bệnh nhân đều sẽ được gây mê toàn thân, gây tê tủy sống hoặc gây tê ngoài màng cứng.

Nội soi cắt tuyến tiền liệt

Phẫu thuật nội soi là một phương pháp phẫu thuật xâm lấn tối thiểu. Có hai kỹ thuật nội soi cắt tuyến tiền liệt chính:

  • Cắt toàn bộ tuyến tiền bằng phương pháp nội soi ổ bụng: Bác sĩ rạch nhiều đường nhỏ và đưa các dụng cụ phẫu thuật nhỏ vào bên trong. Bác sĩ sẽ sử dụng ống nội soi để quan sát bên trong trong quá trình phẫu thuật.
  • Cắt toàn bộ tuyến tiền bằng phương pháp nội soi ổ bụng có sự hỗ trợ của robot: Hiện nay, nhiều ca phẫu thuật được thực hiện với sự hỗ trợ của robot. Với phương pháp này, bác sĩ ngồi trong phòng phẫu thuật điều khiển các cánh tay robot thực hiện các thao tác và theo dõi qua màn hình máy tính. Cánh tay robot có thể thực hiện các thao tác với tính cơ động và độ chính xác cao hơn so với các kỹ thuật phẫu thuật nội soi khác.

Điểm khác biệt giữa các phương pháp phẫu thuật tuyến tiền liệt

Theo một tổng quan tài liệu vào năm 2010 về các loại phẫu thuật điều trị ung thư tuyến tiền liệt, kết quả của phương pháp mổ mở cắt toàn bộ tuyến tiền liệt, nội soi cắt toàn bộ tuyến tiền liệt và cắt tuyến tiền liệt có sự hỗ trợ của robot không có sự khác biệt đáng kể. (1)

Tuy nhiên, so với mổ mở thì phương pháp nội soi cắt tuyến tiền liệt và cắt tuyến tiền liệt có sự hỗ trợ của robot có những ưu điểm sau đây:

  • Ít mất máu
  • Ít đau đớn
  • Thời gian nằm viện ngắn hơn
  • Thời gian phục hồi nhanh hơn

Ngoài ra, những người chọn phương pháp cắt tuyến tiền liệt có sự hỗ trợ của robot cho biết khả năng kiểm soát bàng quang và ruột phục hồi nhanh hơn và thời gian nằm viện sau phẫu thuật ngắn hơn so với nội soi cắt tuyến tiền liệt thông thường. Tuy nhiên, kết quả tổng thể vẫn phụ thuộc vào tay nghề chuyên môn của bác sĩ.

Các loại phẫu thuật tuyến tiền liệt giúp cải thiện khả năng tiểu tiện

Phẫu thuật tuyến tiền liệt bằng laser

Phẫu thuật tuyến tiền liệt bằng laser chủ yếu được sử dụng để điều trị tăng sản lành tính tuyến tiền liệt. Phương pháp này có ưu điểm là hoàn toàn không cần cắt rạch bên ngoài cơ thể. Thay vào đó, bác sĩ đưa ống nội soi sợi quang học qua đầu dương vật vào niệu đạo. Sau đó, bác sĩ sử dụng năng lượng laser để loại bỏ mô tuyến tiền liệt phì đại đang cản trở dòng chảy nước tiểu. Tuy nhiên, phẫu thuật bằng laser không phải khi nào cũng có hiệu quả.

Phẫu thuật nội soi qua niệu đạo

Tương tự như phẫu thuật bằng laser, phẫu thuật nội soi qua niệu đạo cũng không cần cắt rạch trên da. Bác sĩ đưa ống nội soi qua đầu dương vật vào niệu đạo để loại bỏ một phần tuyến tiền liệt. Đây là một thủ thuật xâm lấn tối thiểu.

Mở rộng niệu đạo

  • Cắt tuyến tiền liệt qua đường niệu đạo để điều trị phì đại tuyến tiền liệt: Cắt tuyến tiền liệt qua đường niệu đạo (transurethral resection of the prostate – TURP) là một thủ thuật tiêu chuẩn để điều trị phì đại tuyến tiền liệt. Bác sĩ đưa ống nội soi vào niệu đạo, sau đó cắt cắt phần mô tuyến tiền liệt phì đại bằng một vòng dây kim loại. Các mảnh mô sau khi cắt sẽ đi vào bàng quang và được rửa trôi ra ngoài ở cuối thủ thuật.
  • Rạch tuyến tiền liệt qua đường niệu đạo (transurethral incision of the prostate - TUIP): Không cắt bỏ đi mô tuyến tiền liệt mà chỉ rạch vài đường nhỏ ở tuyến tiền liệt và cổ bàng quang nhằm mở rộng niệu đạo. Theo một số ý kiến, rạch tuyến tiền liệt qua đường niệu đạo có rủi ro thấp hơn so với cắt tuyến tiền liệt qua đường niệu đạo.

Những vấn đề có thể xảy ra sau phẫu thuật

Sau khi hoàn tất ca phẫu thuật, bác sĩ sẽ đặt một ống thông vào dương vật của bệnh nhân để dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài. Điều này được thực hiện khi thuốc mê vẫn còn tác dụng. Ống thông sẽ được giữ nguyên trong 1 đến 2 tuần. Bệnh nhân có thể sẽ phải ở lại bệnh viện vài ngày sau phẫu thuật nhưng thông thường có thể về nhà sau 24 giờ. Bệnh nhân và người nhà sẽ được hướng dẫn cách vệ sinh ống thông và cách chăm sóc vùng phẫu thuật.

Khi bệnh nhân có thể tự đi tiểu, nhân viên y tế sẽ tháo ống thông.

Cho dù là phương pháp phẫu thuật nào, mổ mở hay nội soi, xâm lấn hay ít xâm lấn thì vết mổ cũng sẽ bị đau trong vài ngày. Ngoài ra, bệnh nhân có thể còn gặp phải một số vấn đề khác như:

  • Có máu trong nước tiểu
  • Kích thích đường tiết niệu
  • Khả năng nhịn tiểu kém
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Viêm tuyến tiền liệt

Những điều này đều là bình thường trong vài ngày đến vài tuần sau ca phẫu thuật. Thời gian phục hồi sẽ phụ thuộc vào loại và thời gian phẫu thuật, tình trạng sức khỏe tổng thể và bệnh nhân bệnh có tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ hay không. Trong thời gian phục hồi sau phẫu thuật, bệnh nhân nên hạn chế vận động, bao gồm cả quan hệ tình dục.

Rủi ro của phẫu thuật tuyến tiền liệt

Phẫu thuật tuyến tiền liệt hay bất kỳ loại phẫu thuật nào cũng đều đi kèm một số rủi ro như:

  • Phản ứng với thuốc gây mê
  • Chảy máu
  • Nhiễm trùng vết mổ
  • Tổn thương các cơ quan
  • Cục máu đông

Các dấu hiệu của nhiễm trùng gồm có sốt, ớn lạnh, sưng tấy, đỏ hoặc chảy dịch từ vết mổ. Cần báo ngay cho bác sĩ nếu không đi tiểu được, nước tiểu có máu đặc hoặc tình trạng tiểu ra máu ngày càng nặng.

Các rủi ro khác của phẫu thuật tuyến tiền liệt gồm có:

  • Các vấn đề về tiết niệu như đau buốt khi đi tiểu, tiểu khó và tiểu không tự chủ. Những vấn đề này thường tự hết trong vòng vài tháng sau phẫu thuật. Rất hiếm khi bệnh nhân bị tiểu không tự chủ kéo dài.
  • Rối loạn cương dương: Bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng khó đạt được hoặc duy trì khả năng cương cứng trong vòng từ 8 đến 12 tuần sau phẫu thuật. Đây là điều bình thường. Khả năng cương cứng sẽ dần trở lại bình thường. Tuy nhiên, bệnh nhân sẽ có nguy cơ bị rối loạn cương dương kéo dài nếu dây thần kinh bị tổn thương trong quá trình phẫu thuật. Một nghiên cứu của UCLA cho thấy rằng bác sĩ càng có nhiều kinh nghiệm thì khả năng phục hồi chức năng cương dương sau phẫu thuật của bệnh nhân sẽ càng cao. Một số nam giới còn nhận thấy chiều dài dương vật có sự giảm nhẹ do niệu đạo bị rút ngắn.
  • Rối loạn chức năng tình dục: Bệnh nhân có thể gặp phải những thay đổi về cực khoái cũng như giảm khả năng sinh sản sau phẫu thuật. Lý do là vì bác sĩ cắt bỏ các tuyến tinh dịch trong ca phẫu thuật.
  • Các rủi ro khác: Sau phẫu thuật tuyến tiền liệt có thể sẽ xảy ra tình trạng tích tụ chất lỏng trong các hạch bạch huyết (phù bạch huyết) ở vùng sinh dục hoặc chân. Ngoài ra người bệnh còn có nguy cơ bị thoát vị bẹn. Tình trạng này gây đau và sưng phù nhưng có thể điều trị được.

Lưu ý sau phẫu thuật

Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân sẽ cảm thấy mệt mỏi và đau nên hãy sắp xếp thời gian nghỉ ngơi. Thời gian phục hồi sẽ phụ thuộc vào loại và thời gian phẫu thuật, tình trạng sức khỏe tổng thể và người bệnh có tuân thủ đúng các hướng dẫn của bác sĩ hay không.

Dưới đây là một số điều mà bệnh nhân cần lưu ý sau phẫu thuật để nhanh hồi phục hơn và giảm nguy cơ gặp phải các vấn đề không mong muốn như chảy máu, nhiễm trùng:

  • Giữ vết mổ sạch sẽ
  • Không lái xe trong một tuần sau phẫu thuật
  • Không vận động mạnh trong 6 tuần sau phẫu thuật
  • Không leo cầu thang
  • Không ngâm mình trong bồn tắm, bể bơi.
  • Không ngồi ở một tư thế quá lâu.
  • Uống thuốc được kê để giảm đau.

Mặc dù ca phẫu thuật không ảnh hưởng nhiều đến khả năng tự chăm sóc nhưng tốt nhất bệnh nhân nên có người ở cùng và hỗ trợ trong khoảng thời gian sử dụng ống thông tiểu.

Việc đại tiện trong vòng một đến hai ngày sau phẫu thuật cũng rất quan trọng. Để tránh bị táo bón, hãy uống nhiều nước, ăn nhiều chất xơ và đi lại thường xuyên. Nếu những cách này không hiệu quả thì có thể hỏi bác sĩ về việc dùng thuốc nhuận tràng.

Giảm sưng sau phẫu thuật

Nếu bìu bị sưng sau phẫu thuật, hãy cuộn một chiếc khăn mềm, sạch hoặc gạc, đặt bên dưới bìu và buộc hai đầu khăn vào chân mỗi khi nằm hoặc ngồi để giảm sưng. Nếu tình trạng sưng không giảm sau một tuần thì cần báo cho bác sĩ.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Xét nghiệm PSA (kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt) cho biết điều gì?
Xét nghiệm PSA (kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt) cho biết điều gì?

Xét nghiệm PSA rất nhạy và có thể phát hiện mức PSA cao hơn bình thường. Nồng độ PSA cao có thể là dấu hiệu của ung thư tuyến tiền liệt. Do đó, xét nghiệm PSA giúp phát hiện ung thư từ trước khi xuất hiện các triệu chứng thực thể.

Phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt đơn giản
Phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt đơn giản

Nếu tuyến tiền liệt phát triển quá lớn thì sẽ phải can thiệp phẫu thuật để cắt bỏ phần bên trong của tuyến tiền liệt. Loại phẫu thuật này được gọi là cắt tuyến tiền liệt đơn giản (simple prostatectomy).

Phục hồi sau phẫu thuật phì đại tuyến tiền liệt
Phục hồi sau phẫu thuật phì đại tuyến tiền liệt

Phì đại tuyến tiền liệt có thể gây ra các triệu chứng khó chịu và cần phải điều trị. Có nhiều cách để điều trị phì đại tuyến tiền liệt và một trong số đó là phẫu thuật. Sau phẫu thuật người bệnh cần lưu ý những gì và làm thế nào để phục hồi nhanh hơn?

Các biến chứng của phẫu thuật phì đại tuyến tiền liệt
Các biến chứng của phẫu thuật phì đại tuyến tiền liệt

Tăng sản tuyến tiền liệt lành tính là một vấn đề rất phổ biến và có thể điều trị được. Một trong các giải pháp điều trị là phẫu thuật. Do đây là một thủ thuật xâm lấn nên sẽ tiềm ẩn nguy cơ xảy ra một số vấn đề không mông muốn.

Sau phẫu thuật tuyến tiền liệt nam giới còn khả năng sản xuất tinh trùng không?
Sau phẫu thuật tuyến tiền liệt nam giới còn khả năng sản xuất tinh trùng không?

Những điều mà nam giới cần biết về khả năng sản xuất tinh trùng và khả năng sinh sản sau phẫu thuật tuyến tiền liệt.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây