Phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt đơn giản
Cắt tuyến tiền liệt đơn giản là gì?
Rối loạn tiểu tiện có ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống. Đi tiểu nhiều lần, tiểu đêm, tiểu gấp hay tiểu són đều sẽ gây cản trở các hoạt động hàng ngày. Những vấn đề này có thể đi kèm nhiễm trùng thường xuyên hoặc sỏi bàng quang. Đây có thể là những triệu chứng của tăng sản tuyến tiền liệt lành tính hay còn gọi là phì đại tuyến tiền liệt – tình trạng tuyến tiền liệt tăng kích thước một cách lành tính.
Tuyến tiền liệt bao quanh niệu đạo (ống dẫn nước tiểu từ bàng quang đến đầu dương vật). Tuyến tiền liệt phì đại sẽ chèn ép niệu đạo và dẫn đến phát sinh nhiều vấn đề. Nếu tuyến tiền liệt phát triển quá lớn thì sẽ phải can thiệp phẫu thuật để cắt bỏ phần bên trong của tuyến tiền liệt. Loại phẫu thuật này được gọi là cắt tuyến tiền liệt đơn giản (simple prostatectomy).
Khi nào cần phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt đơn giản?
Có nhiều mức độ phì đại tuyến tiền liệt.
Nếu tuyến tiền liệt chỉ bị phì đại nhẹ thì có thể cắt bỏ một phần tuyến tiền liệt bằng các thủ thuật xâm lấn tối thiểu, chẳng hạn như cắt tuyến tiền liệt qua đường niệu đạo (TURP).
Tuy nhiên, nếu tuyến tiền liệt có kích thước quá lớn (trên 75 gram) thì sẽ cần phải tiến hành phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt đơn giản. Trong ca phẫu thuật, phần lõi bên trong của tuyến tiền liệt sẽ bị cắt bỏ. Hầu hết bệnh nhân trải qua loại phẫu thuật này đều từ 60 tuổi trở lên và đã thử nhiều cách khác để điều trị phì đại tuyến tiền liệt như chế độ ăn kiêng đặc biệt, thay đổi thói quen uống rượu bia và dùng thuốc.
Bác sĩ thường chỉ định phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt đơn giản nếu tuyến tiền liệt quá lớn và bệnh nhân có các triệu chứng sau đây:
- Tiểu khó
- Dòng tiểu yếu
- Thường xuyên nhiễm trùng đường tiết niệu
- Tiểu không hết
- Thường xuyên tiểu ra máu
- Sỏi bàng quang
- Tổn thương thận
Phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt đơn giản không được sử dụng để điều trị ung thư tuyến tiền liệt. Người bị ung thư tuyến tiền liệt sẽ phải phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến tiền liệt cùng một phần cấu trúc lân cận.
Rủi ro của phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt đơn giản
Bất kỳ ca phẫu thuật nào cũng đều tiềm ẩn nguy cơ biến chứng, chẳng hạn như cục máu đông ở chân, khó thở, phản ứng với thuốc mê, chảy máu, nhiễm trùng, nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Ngoài ra, phẫu thuật tuyến tiền liệt còn có thể gây ra một số biến chứng khác như:
- Tiểu không tự chủ
- Đại tiện không tự chủ
- Mô sẹo bít một phần niệu đạo
- Rối loạn cương dương (khó đạt được hoặc duy trì trạng thái cương cứng)
- Tổn thương các cơ quan nội tạng
- Vô sinh
Chuẩn bị trước phẫu thuật
Bác sĩ sẽ kiểm tra kỹ lưỡng tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân có các bệnh lý như tiểu đường, bệnh tim mạch, vấn đề về phổi hoặc cao huyết áp thì cần phải kiểm soát tốt các bệnh lý này trước khi phẫu thuật. Những trường hợp có sức khỏe yếu và không thể gây mê hay phẫu thuật sẽ không phù hợp cắt tuyến tiền liệt đơn giản.
Trước ca phẫu thuật, bệnh nhân sẽ phải làm một số xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh để bác sĩ hiểu rõ về tình trạng phì đại tuyến tiền liệt:
- Xét nghiệm máu để kiểm tra xem có các bệnh lý khác hay không
- Siêu âm để quan sát hình ảnh của tuyến tiền liệt và các cơ quan lân cận
- Sinh thiết tuyến tiền liệt - lấy một mẫu mô nhỏ từ tuyến tiền liệt để phân tích
- Chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc cộng hưởng từ (MRI) vùng bụng và vùng chậu
Bệnh nhân cần cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc và thực phẩm chức năng đang dùng, đặc biệt là các loại thuốc làm loãng máu. Thuốc làm loãng máu có thể gây biến chứng và chảy máu quá nhiều trong quá trình phẫu thuật. Ví dụ về các loại thuốc và thực phẩm chức năng làm loãng máu gồm có:
- warfarin
- clopidogrel (Plavix)
- aspirin
- ibuprofen
- naproxen (Aleve)
- vitamin E
- các loại thuốc làm loãng máu thế hệ mới, chẳng hạn như eliquis, pradaxa và xarelto
Bệnh nhân cần nhịn ăn ít nhất 8 tiếng trước khi phẫu thuật để tránh các biến chứng khi gây mê. Có thể chỉ được uống nước lọc và uống thuốc nhuận tràng vào ngày trước ca phẫu thuật để làm sạch đường tiêu hóa.
Quy trình phẫu thuật
Tuyến tiền liệt nằm bên trong khung chậu và được bao quanh bởi các cơ quan khác, gồm có trực tràng, bàng quang và cơ vòng (cơ kiểm soát dòng nước tiểu) cũng như các dây thần kinh và mạch máu.
Có nhiều kỹ thuật cắt tuyến tiền liệt đơn giản. Bệnh nhân sẽ được gây mê nên hoàn toàn không cảm thấy đau đớn trong quá trình phẫu thuật. Bệnh nhân có thể phải ở lại bệnh viện vài ngày sau ca phẫu thuật.
Dưới đây là ba loại cắt tuyến tiền liệt đơn giản.
Mổ mở cắt tuyến tiền liệt đơn giản sau mu
Bác sĩ sẽ rạch một đường từ dưới rốn đến ngay phía trên dương vật. Thông qua đường rạch này, bác sĩ sẽ kéo bàng quang sang một bên, tiếp cận và cắt bỏ phần bên trong của tuyến tiền liệt. Sau đó bác sĩ khâu phần bên ngoài của tuyến tiền liệt và đường rạch trên da.
Mổ mở cắt tuyến tiền liệt đơn giản trên mu
Bác sĩ sẽ rạch một đường từ dưới rốn đến ngay phía trên dương vật, sau đó cắt qua bàng quang để tiếp cận tuyến tiền liệt và cắt đi phần bên trong của tuyến tiền liệt.
Nội soi cắt tuyến tiền liệt đơn giản
Bác sĩ rạch 5 đường rất nhỏ trên bụng của bệnh nhân, sau đó đưa ống nội soi và các dụng cụ phẫu thuật vào qua các đường rạch này để dịch chuyển các cơ quan sang một bên và cắt phần bên trong bị phì đại của tuyến tiền liệt. Phần mô đã cắt được đưa ra ngoài qua một trong các đường rạch.
Phương pháp nội soi ít đau hơn và thời gian hồi phục nhanh hơn so với mổ mở. Đôi khi, ca phẫu thuật nội soi được thực hiện với sự hỗ trợ của các cánh tay robot. Việc sử dụng robot giúp tăng tính chính xác cho ca phẫu thuật và giảm đau đớn, thời gian phục hồi cho bệnh nhân.
Sau ca phẫu thuật, dù là mổ mở hay nội soi, bệnh nhân đều sẽ được đặt ống dẫn lưu gần vị trí phẫu thuật để loại bỏ chất lỏng tích tụ xung quanh tuyến tiền liệt. Chất lỏng sẽ được dẫn vào trong một túi đựng gắn ở đầu ống ở bên ngoài cơ thể.
Sau phẫu thuật
Hồi phục
Bệnh nhân sẽ phải ở lại bệnh viện vài ngày sau ca phẫu thuật. Bệnh nhân sẽ có thể ăn uống bình thường ngay sau phẫu thuật.
Các đường rạch của ca phẫu thuật sẽ được băng lại. Trong thời gian ở lại bệnh viện, bệnh nhân sẽ phải mang ống dẫn lưu để ngăn tích tụ dịch ở vị trí phẫu thuật và ống thông tiểu luồn qua dương vật vào niệu đạo để dẫn nước tiểu từ bàng quang vào một chiếc túi đeo ở bên ngoài cơ thể. Ống thông tiểu sẽ được để nguyên trong 1 đến 2 tuần.
Để tránh các biến chứng thường gặp sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể sẽ phải đi tất y khoa để ngăn hình thành cục máu đông ở chân. Bệnh nhân cũng có thể cần sử dụng thiết bị hỗ trợ thở để giữ cho phổi hoạt động bình thường.
Vết mổ được khâu bằng chỉ tự tiêu, có nghĩa là chỉ sẽ được cơ thể hấp thụ từ từ mà không cần phải cắt chỉ. Bệnh nhân sẽ được kê thuốc giảm đau để dùng trong thời gian ở bệnh viện và khi về nhà.
Bệnh nhân có thể sẽ vẫn phải mang ống thông tiểu khi xuất viện về nhà. Trong trường hợp này, bệnh nhân và người nhà sẽ được hướng dẫn cách đặt, vệ sinh ống thông và chăm sóc vị trí đặt ống thông. Khi bệnh nhân tự đi tiểu được bình thường thì có thể tháo ống thông. Bệnh nhân có thể tự tháo tại nhà hoặc tháo tại bệnh viện.
Hiệu quả
Phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt đơn giản có tỷ lệ thành công cao. Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ hồi phục hoàn toàn trong vòng khoảng 6 tuần và lấy lại chức năng tiểu tiện bình thường.
Tăng sản tuyến tiền liệt lành tính là một vấn đề rất phổ biến và có thể điều trị được. Một trong các giải pháp điều trị là phẫu thuật. Do đây là một thủ thuật xâm lấn nên sẽ tiềm ẩn nguy cơ xảy ra một số vấn đề không mông muốn.
Những điều mà nam giới cần biết về khả năng sản xuất tinh trùng và khả năng sinh sản sau phẫu thuật tuyến tiền liệt.
Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt và ung thư tuyến tiền liệt có các triệu chứng tương tự nhau, vì vậy nên đôi khi rất khó để phân biệt hai bệnh lý này.
Tuyến tiền liệt là cơ quan bao quanh niệu đạo, khi bị phì đại sẽ chèn ép lên niệu đạo và khiến việc đi tiểu trở nên khó khăn.
Đừng cam chịu sống chung với tăng sản lành tính tuyến tiền liệt. Điều trị sớm sẽ giúp tránh các vấn đề về sau này. Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt không được điều trị có thể dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu, bí tiểu cấp tính (hoàn toàn không thể đi tiểu), sỏi thận và sỏi bàng quang. Trong trường hợp nghiêm trọng, tăng sản lành tính tuyến tiền liệt còn có thể gây tổn hại thận.