1

Tiểu Không Tự Chủ

Tiểu không tự chủ là gì?

Tiểu không tự chủ, tiểu không kiểm soát hay tiểu són xảy ra khi bàng quang mất kiểm soát. Chứng tiểu không tự chủ có nhiều mức độ nghiêm trọng khác nhau, từ chỉ thi thoảng rò rỉ nước tiểu mỗi khi ho hoặc hắt hơi cho đến tình trạng liên tục buồn tiểu gấp, khiến cho người bệnh không đi vệ sinh kịp. Tiểu không tự chủ có thể là tạm thời hoặc mãn tính, tùy thuộc vào nguyên nhân.

Khi chúng ta già đi, các cơ hỗ trợ bàng quang sẽ trở nên suy yếu và dẫn đến tình trạng tiểu không tự chủ. Theo Johns Hopkins Medicine, chứng tiểu són phổ biến ở phụ nữ từ 50 tuổi trở lên. Tuy nhiên, tình trạng này có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai ở bất cứ độ tuổi nào.

Nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau cũng có thể là nguyên nhân gây nên chứng tiểu són, ví dụ như ung thư, sỏi thận, nhiễm trùng tuyến tiền liệt hoặc phì đại tuyến tiền liệt.

Nếu bạn gặp phải hiện tượng tiểu són thì nên đi khám. Tiểu són có ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống hàng ngày và nếu không được điều trị, nguyên nhân gây tiểu són có thể sẽ dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng hơn.

Các loại tiểu không tự chủ

Chứng tiểu không tự chủ được chia thành 5 loại dựa trên nguyên nhân và một người có thể bị từ hai loại trở lên cùng một lúc.

Tiểu không tự chủ do áp lực

Còn được gọi là tiểu són do gắng sức, đây là loại tiểu không tự chủ phổ biến nhất, đặc biệt là ở những phụ nữ đã sinh thường hoặc trải qua thời kỳ mãn kinh.

"Áp lực" ở đây có nghĩa là áp lực về mặt thể chất chứ không phải áp lực về mặt tinh thần. Khi bàng quang và các cơ có chức năng kiểm soát đường tiết niệu phải chịu áp lực lớn đột ngột, người bệnh sẽ bị són tiểu.

Các hoạt động có thể gây áp lực lên bàng quàng cùng các cơ quan trong đường tiết niệu và dẫn đến són tiểu gồm có:

  • Ho, hắt hơi hoặc cười lớn
  • Mang vác đồ nặng
  • Tập thể dục

Són tiểu cấp kỳ

Còn được gọi là són tiểu do bàng quang tăng hoạt, đây là loại són tiểu phổ biến thứ hai. Khi bị loại són tiểu này, cơ của bàng quang co thắt đột ngột, gây buồn tiểu gấp và không thể nhịn được.

Lúc này, chỉ một thời gian rất ngắn sau khi buồn tiểu là nước tiểu đã được giải phóng nên người bệnh không kịp vào nhà vệ sinh.

Cảm giác buồn tiểu gấp có thể đến khi:

  • thay đổi tư thế đột ngột
  • nghe tiếng nước chảy
  • quan hệ tình dục, đặc biệt là trong thời điểm đạt cực khoái

Cơ bàng quang cũng có thể hoạt động quá mức do tổn thương dây thần kinh chỉ đạo bàng quang, hệ thần kinh hoặc tổn thương ở chính các cơ.

Tiểu són do đầy bàng quang

Dạng tiểu không tự chủ này xảy ra phổ biến ở những nam giới có vấn đề về tuyến tiền liệt, bàng quang bị tổn thương hoặc niệu đạo bị tắc nghẽn. Tuyến tiền liệt bị phì đại có thể gây tắc nghẽn bàng quang.

Trong những trường hợp này, bàng quang không thể chứa được hết lượng nước tiểu mà cơ thể tạo ra hoặc bàng quang không thể xả hết nước tiểu hoàn toàn và gây rò rỉ nước tiểu.

Thông thường, bệnh nhân sẽ cần đi tiểu thường xuyên nhưng mỗi lần chỉ tiểu nhỏ giọt hay một lượng nước tiểu rất ít.

Són tiểu hỗn hợp

Là dạng có cả các triệu chứng của són tiểu do áp lực và són tiểu cấp kỳ.

Són tiểu chức năng

Khi bị són tiểu chức năng, người bệnh biết mình cần phải đi tiểu nhưng lại không thể đến toilet do vấn đề về thể chất hoặc thần kinh.

Một số nguyên nhân phổ biến gây són tiểu chức năng gồm có:

  • Đầu óc lú lẫn
  • Sa sút trí tuệ
  • Thị lực kém
  • Các vấn đề ảnh hưởng đến khả năng chuyển động, ví dụ như viêm khớp nghiêm trọng, liệt
  • Khả năng cử động ngón tay yếu, khiến cho việc cởi đồ trở nên khó khăn
  • Trầm cảm, lo âu hoặc tức giận quá độ

Són tiểu chức năng là vấn đề chủ yếu xảy ra ở người cao tuổi.

Són tiểu hoàn toàn

Đây là dạng tiểu không tự chủ nghiêm trọng nhất, xảy ra khi đường tiết niệu hoàn toàn mất kiểm soát, khiến người bệnh bị rò rỉ nước tiểu liên tục hoặc thường xuyên giải phóng một lượng lớn nước tiểu một cách không chủ đích.

Nguyên nhân của dạng tiểu không tự chủ này có thể là do khuyết tật bẩm sinh, bị tổn thương tủy sống, hệ tiết niệu hoặc có lỗ rò giữa bàng quang và âm đạo.

Nguyên nhân gây tiểu không tự chủ

Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra chứng tiểu không tự chủ.

Tiểu không tự chủ tạm thời

Một số đồ uống, thực phẩm và thuốc có thể kích thích bàng quang và gây hiện tượng tiểu són trong thời gian ngắn, ví dụ như:

  • Rượu
  • Caffeine
  • Đồ uống có ga
  • Đồ ăn cay
  • Thực phẩm chứa nhiều axit
  • Thuốc điều trị bệnh tim mạch và huyết áp, thuốc an thần và thuốc giãn cơ
  • Vitamin C liều cao

Nhiễm trùng đường tiết niệu

Tình trạng nhiễm trùng có thể kích thích bàng quang, gây buồn tiểu gấp và tiểu són.

Táo bón

Trực tràng nằm gần bàng quang và hai cơ quan này có cùng một số dây thần kinh. Tình trạng phân cứng, nén trong trực tràng lâu ngày có thể làm cho các dây thần kinh này hoạt động quá mức và tăng tần suất đi tiểu cũng như là tiểu són.

Tiểu không tự chủ mãn tính

Một số nguyên nhân phổ biến gồm có:

  • Cơ bàng quang suy yếu, thường là do lão hóa
  • Tổn hại ở cơ sàn chậu
  • Phì đại tuyến tiền liệt
  • Ung thư

Một số nguyên nhân có thể dễ dàng điều trị và chỉ gây ra vấn đề tạm thời trong khi một số nguyên nhân lại nghiêm trọng và gây tiểu không tự chủ trong thời gian dài.

Sự lão hóa

Khi chúng ta già đi, các cơ hỗ trợ bàng quang sẽ trở nên suy yếu và điều này làm tăng nguy cơ mắc chứng tiểu không tự chủ.

Để duy trì cơ chắc khỏe và bàng quang khỏe mạnh, bạn cần duy trì những thói quen sống lành mạnh. Cơ thể càng khỏe mạnh thì các cơ quan bên trong càng vận hành bình thường được lâu dài và khả năng mắc chứng tiểu không tự chủ khi có tuổi càng thấp.

Cơ sàn chậu suy yếu

Cơ sàn chậu có nhiệm vụ hỗ trợ bàng quang. Khi các cơ này bị tổn hại thì có thể gây ra tình trạng tiểu không kiểm soát. Nguyên nhân gây tổn thương cơ sàn chậu có thể là do phẫu thuật, chẳng hạn như cắt tử cung hoặc do việc mang thai và sinh nở. Việc sinh thường có thể làm suy yếu các cơ sàn chậu và cũng làm tổn thương các dây thần kinh bàng quang cùng với các mô hỗ trợ, dẫn đến sa tạng vùng chậu. Khi bị sa, tử cung, bàng quang, trực tràng hoặc ruột non bị xệ xuống từ vị trí bình thường và nhô vào âm đạo. Tình trạng này có thể gây tiểu không tự chủ.

Phì đại tuyến tiền liệt

Tuyến tiền liệt là một tuyến chỉ có nam giới, nằm ở quanh cổ bàng quang. Tuyến này có vai trò tiết ra chất dịch bảo vệ và nuôi dưỡng tinh trùng. Tuyến tiền liệt thường phình to dần khi có tuổi, dẫn đến kết quả là nam giới thường gặp phải tình trạng tiểu không tự chủ khi về già.

Ung thư

Ung thư tuyến tiền liệt hoặc ung thư bàng quang có thể gây ra chứng tiểu són không tự chủ. Trong một số trường hợp, các phương pháp điều trị ung thư lại là nguyên nhân khiến cho bàng quang bị mất kiểm soát. Khối u ở bất cứ vị trí nào dọc theo đường tiết niệu đều có thể chặn dòng nước tiểu bình thường và dẫn đến tình trạng tiểu không tự chủ. Ngay cả các khối u lành tính cũng có thể gây nên vấn đề này.

Bệnh thần kinh

Các bệnh về thần kinh như đa xơ cứng, bệnh Parkinson, đột quỵ, u não hoặc chấn thương cột sống có thể cản trở các tín hiệu thần kinh chỉ đạo hoạt động của bàng quang và gây ra chứng tiểu không kiểm soát.

Các nguyên nhân khác

Các nguyên nhân khác cũng có thể gây tiểu không tự chủ còn có:

  • Sỏi thận hoặc sỏi bàng quang
  • Viêm tuyến tiền liệt
  • Viêm bàng quang kẽ - một tình trạng mãn tính gây viêm đau trong bàng quang

Một số thói quen xấu trong lối sống cũng có thể gây ra chứng tiểu són tạm thời, ví dụ, uống quá nhiều rượu, đồ uống chứa caffein có thể khiến bàng quang tạm thời bị mất kiểm soát.

Ai có thể bị són tiểu?

Dưới đây là một số yếu tố làm tăng nguy cơ tiểu không tự chủ:

  • Béo phì: Mỡ thừa ở vùng bụng có thể chèn ép lên bàng quang và các cơ xung quanh, làm suy yếu các cơ và dẫn đến rò rỉ nước tiểu khi hắt hơi hoặc ho.
  • Hút thuốc: Hút thuốc gây ho mãn tính và có thể dẫn đến các đợt tiểu són.
  • Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ bị tiểu són do áp lực cao hơn nam giới, đặc biệt là những người đã từng sinh con. Mang thai, sinh nở, mãn kinh và các phương pháp phẫu thuật ở phụ nữ đều là những lý do làm tăng nguy cơ này ở phụ nữ.
  • Tuổi cao: Các cơ ở bàng quang và niệu đạo suy yếu dần theo tuổi tác.
  • Tiền sử gia đình: Khi một thành viên ruột thịt trong gia đình mắc chứng tiểu không tự chủ, đặc biệt là tiểu không tự chủ cấp kỳ thì nguy cơ mắc chứng bệnh này của bạn sẽ cao hơn.
  • Mắc một số bệnh và vấn đề về sức khỏe: Bệnh tiểu đường, bệnh thận, chấn thương cột sống và các bệnh về thần kinh, ví dụ như đột quỵ, đều làm tăng nguy cơ tiểu không kiểm soát.
  • Bệnh tuyến tiền liệt: Tiểu không tự chủ có thể xảy ra sau phẫu thuật tuyến tiền liệt hoặc xạ trị tuyến tiền liệt.

Khi nào cần đi khám?

Bất kỳ trường hợp tiểu không tự chủ nào cũng cần phải đi khám bởi đó có thể là triệu chứng của một vấn đề nghiêm trọng hơn cần được điều trị.

Ngay cả khi nguyên nhân gây tiểu són không nghiêm trọng thì vấn đề này vẫn có ảnh hưởng lớn đến việc sinh hoạt hàng ngày. Nên đi khám để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có biện pháp điều trị kịp thời.

Trong một số trường hợp, tiểu không tự chủ thậm chí còn là dấu hiệu của một vấn đề khẩn cấp.

Bạn nên đi khám bác sĩ ngay lập tức nếu bị tiểu són không kiểm soát và gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây:

  • Khó khăn khi nói hoặc đi lại
  • Yếu hoặc có cảm giác châm chích ở bất kỳ vị trí nào của cơ thể
  • Mất thị lực
  • Đầu óc không tỉnh táo
  • Mất nhận thức
  • Đại tiện không kiểm soát

Chẩn đoán nguyên nhân

Đầu tiên, bác sĩ sẽ hỏi các triệu chứng, bao gồm cả thời gian bị tình trạng tiểu són, những thời điềm cụ thể bị tiểu són cùng các biểu hiện bất thường khác. Vì bàng quang mất kiểm soát có thể là do tác dụng phụ của thuốc nên bạn cần liệt kê đầy đủ tất cả các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng mà bạn đang dùng.

Ngoài ra, bạn sẽ cần ghi lại lượng nước uống mỗi ngày, thời gian buồn tiểu, lượng nước tiểu mỗi lần và số lần tiểu són mỗi ngày để bác sĩ đánh giá.

Sau đó, bác sí sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng. Ở nữ giới, bác sĩ sẽ kiểm tra âm đạo và độ chắc khỏe của cơ sàn chậu. Ở nam giới thì sẽ cần kiểm tra trực tràng để xem tuyến tiền liệt có bị phì đại hay không.

Tùy thuộc vào các triệu chứng và bệnh sử, bác sĩ sẽ yêu cầu các xét nghiệm bổ sung như:

  • Xét nghiệm nước tiểu: nhằm phát hiện các dấu hiệu nhiễm trùng và bất thường khác.
  • Xét nghiệm máu: để đánh giá chức năng thận.
  • Đo lượng nước tiểu tồn dư (PVR): Đây là phương pháp đo lượng nước tiểu còn lại trong bàng quang sau khi đi tiểu.
  • Siêu âm vùng chậu: nhằm lấy hình ảnh và phát hiện các dấu hiệu bất thường.
  • Stress test: bơm chất lỏng vào bàng quang và ho hoặc gắng sức để quan sát, đánh giá hiện tượng són tiểu.
  • Đo niệu động học (Urodynamic testing): Phương pháp này kiểm tra chức năng giữ và giải phóng nước tiểu của bàng quang, cơ vòng niệu đạo và niệu đạo.
  • Chụp X-quang bàng quang: Phương pháp chụp X-quang tập trung vào bàng quang.
  • Nội soi bàng quang: Một ống dài có gắn camera được đưa vào niệu đạo để quan sát những điểm bất thường trong đường tiết niệu.

Biến chứng

Một số biến chứng của chứng tiểu không tự chủ mãn tính:

  • Các vấn đề về da: những người mắc chứng tiểu không tự chủ có thể bị lở loét, mẩn đỏ và nhiễm trùng da vì da quanh vùng kín thường xuyên bị ẩm ướt. Điều này khiến cho vết thương khó lành và cũng tạo điều kiện cho vi khuẩn hay nấm sinh sôi, phát triển.
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu: người bị chứng tiểu không tự chủ nghiêm trọng có thể phải dùng ống thông tiểu trong thời gian dài và điều này làm tăng đáng kể nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Sa tạng: một phần của âm đạo, bàng quang và đôi khi là cả niệu đạo có thể xệ xuống vào ống âm đạo. Nguyên nhân của vấn đề này thường là do cơ sàn chậu bị suy yếu.

Phương pháp điều trị

Phác đồ điều trị chứng tiểu không tự chủ phụ thuộc vào loại, mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân. Đôi khi, người bệnh có thể cần kết hợp các phương pháp điều trị với nhau. Nếu như nguyên nhân gây tiểu són là do một vấn đề về sức khỏe thì cần điều trị vấn đề đó trước tiên.

Thường thì bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị ít xâm lấn trước và sau đó khi không có hiệu quả thì mới chuyển sang các phương pháp khác.

Liệu pháp hành vi

Các liệu pháp hành vi để điều trị chứng tiểu không tự chủ gồm có:

  • Rèn luyện bàng quang: nhằm luyện cho bàng quang giữ nước tiểu lâu hơn, trì hoãn việc đi tiểu mỗi khi bị buồn tiểu gấp. Bạn có thể bắt đầu bằng cách cố gắng nhịn trong 10 phút mỗi khi cảm thấy muốn đi tiểu, sau đó tăng dần thời gian để sao cho mỗi lần đi vệ sinh cách nhau từ 2 đến 3 tiếng.
  • Tiểu hai lần (double voiding): sau khi tiểu lần thứ nhất sẽ chờ khoảng vài phút và tiểu tiếp lần hai. Phương pháp này giúp rèn bàng quang xả hết nước tiểu và tránh tình trạng tiểu són do đầy bàng quang.
  • Đi vệ sinh theo lịch định sẵn: đi tiểu sau mỗi 2 đến 4 tiếng thay vì chờ khi nào buồn mới đi.
  • Điều chỉnh lượng chất lỏng và chế độ ăn uống để chủ động kiểm soát bàng quang. Có thể cần cắt giảm hoặc tránh các loại thực phẩm có cồn, caffeine hoặc axit và giảm tiêu thụ chất lỏng, giảm cân hoặc tăng cường vận động thể chất để cải thiện vấn đề.

Tập cơ sàn chậu

Người bị tiểu không tự chủ nên thực hiện các bài tập Kegel thường xuyên để tăng cường các cơ có vai trò kiểm soát việc đi tiểu (cơ sàn chậu). Những bài tập này đặc biệt hiệu quả đối với chứng tiểu són do áp lực nhưng cũng có tác dụng cải thiện chứng tiểu són cấp kỳ.

Cách thực hiện các bài tập cơ sàn chậu như sau:

Đầu tiên, siết chặt cơ sàn chậu giống như khi nhịn tiểu hoặc khi ngừng tiểu giữa chừng, sau đó giữ trong 5 giây và thả lỏng trong 5 giây. Nếu cảm thấy quá khó thì ban đầu có thể chỉ giữ trong 2 giây và thả lỏng trong 3 giây rồi tăng dần. Nếu có thể thì siết chặt cơ trong 10 giây rồi thả lỏng 10 giây. Thực hiện lặp lại 3 lượt x 10 lần như vậy mỗi ngày.

Kích thích điện

Đây là phương pháp đưa các điện cực tạm thời vào trực tràng hoặc âm đạo để kích thích và tăng cường cơ sàn chậu. Xung điện nhẹ giúp cải thiện tình trạng tiểu không tự chủ do áp lực và tiểu không tự chủ cấp kỳ nhưng sẽ cần điều trị nhiều lần trong thời gian vài tháng liên tục.

Dùng thuốc

Các loại thuốc thường được sử dụng để điều trị chứng tiểu không tự chủ gồm có:

  • Thuốc kháng cholinergic: Những loại thuốc này có tác dụng làm dịu bàng quang đang hoạt động quá mức và giúp cải thiện chứng tiểu són cấp kỳ. Một số thuốc kháng cholinergic gồm có: oxybutynin (Ditropan XL), tolterodine (Detrol), darifenacin (Enablex), fesoterodine (Toviaz), SOLIFENACIN (Vesicare) và trospium (Sanctura).
  • Mirabegron (Myrbetriq): Thuốc này có tác dụng làm thư giãn cơ bàng quang và có thể làm tăng lượng nước tiểu mà bàng quang có thể giữ. Thuốc này cũng làm tăng lượng nước tiểu được xả ra mỗi lần và giúp làm trống bàng quang hoàn toàn.
  • Thuốc chẹn alpha: Ở những nam giới bị són tiểu cấp kỳ hay són tiểu do đầy bàng quang, thuốc chẹn alpha giúp thư giãn các cơ ở cổ bàng quang và các sợi cơ ở tuyến tiền liệt, giúp cho bàng quang xả hết nước tiểu một cách dễ dàng hơn. Một số thuốc chẹn alpha gồm có tamsasmin (Flomax), alfuzosin (Uroxatral), silodosin (Rapaflo), doxazosin (Cardura) và terazosin.
  • Estrogen tại chỗ: Phụ nữ có thể sử dụng estrogen tại chỗ liều thấp ở dạng kem bôi, vòng đặt hoặc miếng dán để làm săn chắc và trẻ hóa vùng mô ở niệu đạo và trong âm đạo. Không dùng estrogen toàn thân (estrogen đường uống) để điều trị chứng tiểu không tự chủ vì loại thuốc này thậm chí có thể làm cho tình trạng bệnh thêm nghiêm trọng hơn.

Các thiết bị hỗ trợ

Các thiết bị được sử dụng cho phụ nữ bị chứng tiểu không tự chủ gồm có:

  • Ống bít niệu đạo: là một thiết bị dùng một lần có kích thước nhỏ, giống như tampon được đưa vào niệu đạo trước những hoạt động có thể gây tiểu són, chẳng hạn như chơi thể thao. Ống này có tác dụng ngăn chặn dòng nước tiểu và có thể tháo ra để đi tiểu bình thường.
  • Vòng nâng pessary: là một vòng tròn được đưa vào âm đạo và đeo trong suốt cả ngày, có tác dụng nâng đỡ bàng quang và niệu đạo. Thiết bị này thường được sử dụng cho những người bị sa tử cung gây ra tình trạng tiểu không kiểm soát. Vòng pessary giúp giữ bàng quang ở đúng vị trí gần âm đạo để ngăn chặn rò rỉ nước tiểu.

Phương pháp khác

Các phương pháp khác cũng được sử dụng để điều trị tiểu són không tự chủ gồm có:

  • Tiêm chất tạo khối (bulking agent): Đây là phương pháp tiêm một loại vật liệu tổng hợp vào vùng mô xung quanh niệu đạo. Vật liệu này giúp đóng niệu đạo và giảm rò rỉ nước tiểu. Phương pháp này cho hiệu quả thấp hơn nhiều so với các phương pháp điều trị xâm lấn như phẫu thuật và hơn nữa còn cần cần phải được thực hiện lại thường xuyên.
  • Tiêm botulinum toxin (Botox): Phương pháp tiêm Botox làm tê liệt cơ bàng quang phù hợp cho những người mà bàng quang hoạt động quá mức. Phương pháp này thường chỉ được sử dụng khi các loại thuốc điều trị bước đầu khác không hiệu quả.
  • Cấy máy kích thích thần kinh: Một thiết bị giống như máy tạo nhịp tim được cấy xuống dưới da để tạo ra các xung điện nhẹ, không đau đến các dây thần kinh kiểm soát bàng quang (dây thần kinh cùng). Việc kích thích các dây thần kinh này nhằm mục đích kiểm soát tình trạng tiểu són cấp kỳ khi các phương pháp điều trị khác không có tác dụng. Thiết bị kích thích thần kinh có thể được cấy dưới da ở mông và nối với dây điện ở lưng dưới, phía trên vùng mu hoặc kết hợp với một thiết bị đặc biệt được đưa vào âm đạo.

Phẫu thuật

Khi các phương pháp điều trị khác đều không hiệu quả thì người bệnh sẽ cần làm phẫu thuật để điều trị các vấn đề gây ra chứng tiểu són không tự chủ:

  • Treo niệu đạo: Sử dụng dải mô tự nhiên của chính cơ thể, vật liệu hoặc lưới tổng hợp để làm một sợi dây treo quanh niệu đạo và cổ bàng quang (vị trí cơ dày nơi bàng quang nối với niệu đạo). Các sợi dây treo này giúp giữ cho niệu đạo đóng lại, đặc biệt là khi ho hoặc hắt hơi. Thủ thuật này được sử dụng để điều trị tiểu không tự chủ do áp lực.
  • Treo cổ bàng quang: Mục đích của phương pháp phẫu thuật này nhằm tạo sự hỗ trợ cho niệu đạo và cổ bàng quang. Bác sĩ tiến hành phẫu thuật qua đường rạch ở bụng nên cần gây mê toàn thân hoặc gây tê tủy sống.
  • Phẫu thuật điều trị sa tạng: Ở những phụ nữ bị són tiểu hỗn hợp và sa tạng vùng chậu thì sẽ cần điều trị bằng quy trình phẫu thuật kết hợp cả treo niệu đạo và phẫu thuật khôi phục lại cơ quan bị sa.
  • Đặt cơ vòng niệu đạo nhân tạo: Ở nam giới, một phương pháp phẫu thuật điều trị chứng tiểu són là đặt cơ vòng niệu đạo nhân tạo (một vòng nhỏ chứa chất lỏng) quanh cổ bàng quang để giữ cho cơ thắt niệu đạo luôn đóng cho đến khi có thể đi tiểu. Khi đi tiểu, người bệnh nhấn vào van được cấy dưới da để làm xẹp cơ vòng nhân tạo và cho phép nước tiểu chảy ra từ bàng quang.

Dùng băng thấm và ống thông

Nếu tất cả các phương pháp điều trị nói trên đều không thể khắc phục được hoàn toàn tình trạng tiểu không tự chủ thì sẽ cần phải dùng đến các sản phẩm giúp giảm bớt sự khó chịu và bất tiện do rò rỉ nước tiểu:

  • Băng thấm tiểu: Một số người bị tiểu không kiểm soát sẽ cần dùng đến băng thấm tiểu để hút nước tiểu rò rỉ. Nam giới bị són tiểu có thể phải dùng túi đựng nước tiểu - một túi nhỏ được làm từ chất liệu bông thấm hút được đeo trên dương vật và giữ cố định bằng đồ lót ôm sát.
  • Ống thông tiểu: Nếu bị tiểu són do bàng quang không thể tháo hết nước tiểu thì sẽ cần đặt ống thông tiểu để dẫn lưu bàng quang. Đây là một ống mềm được đưa vào niệu đạo và thay nhiều lần trong ngày. Bạn sẽ được hướng dẫn cách vệ sinh mỗi lần tháo lắp để đảm bảo an toàn, tránh nhiễm trùng.

Ngăn ngừa tiểu không tự chủ

Không phải nguyên nhân gây tiểu không tự chủ nào cũng có thể ngăn ngừa được nhưng vẫn có những cách bạn có thể thực hiện để giảm nguy cơ gặp phải vấn đề này như:

  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Có chế độ ăn uống cân bằng
  • Tập các bài tập cơ sàn chậu
  • Tránh các chất kích thích bàng quang, chẳng hạn như caffeine, rượu và thực phẩm có tính axit cao
  • Ăn nhiều chất xơ để ngăn ngừa táo bón - một nguyên nhân gây tiểu không tự chủ
  • Không hút thuốc

 

Tổng số điểm của bài viết là: 35 trong 8 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây