1

Sự khác biệt giữa tăng sản lành tính tuyến tiền liệt và ung thư tuyến tiền liệt

Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt và ung thư tuyến tiền liệt có các triệu chứng tương tự nhau, vì vậy nên đôi khi rất khó để phân biệt hai bệnh lý này.
Sự khác biệt giữa tăng sản lành tính tuyến tiền liệt và ung thư tuyến tiền liệt Sự khác biệt giữa tăng sản lành tính tuyến tiền liệt và ung thư tuyến tiền liệt

Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt và ung thư tuyến tiền liệt là gì?

Cả tăng sản lành tính tuyến tiền liệt (benign prostatic hyperplasia) và ung thư tuyến tiền liệt đều là những bệnh lý xảy ra ở tuyến tiền liệt. Tuyến tiền liệt là một cơ quan nhỏ nằm bên dưới bàng quang của nam giới, có chức năng tạo ra phần chất lỏng của tinh dịch. Tuyến tiền liệt bao quanh niệu đạo (ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể).

Cả tăng sản lành tính tuyến tiền liệt và ung thư tuyến tiền liệt đều làm tăng kích thước tuyến tiền liệt. Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt không phải ung thư và không lan sang các khu vực khác của cơ thể. Mặt khác, ung thư tuyến tiền liệt là tình trạng hình thành khối u ác tính ở tuyến tiền liệt và ung thư có thể lan sang các bộ phận khác trong cơ thể (di căn).

Cả tăng sản lành tính tuyến tiền liệt và ung thư tuyến tiền liệt đều là những vấn đề phổ biến. Ước tính cứ 7 nam giới thì có khoảng 1 người mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt và cứ 2 nam giới ở độ tuổi 50 thì có 1 người bị tăng sản lành tính tuyến tiền liệt.

Triệu chứng của tăng sản lành tính tuyến tiền liệt và ung thư tuyến tiền liệt

Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt và ung thư tuyến tiền liệt có các triệu chứng tương tự nhau, vì vậy nên đôi khi rất khó để phân biệt hai bệnh lý này. Khi tuyến tiền liệt to lên vì bất kỳ lý do gì, cơ quan này sẽ chèn ép lên niệu đạo, khiến cho nước tiểu không thể chảy một cách bình thường qua niệu đạo ra bên ngoài cơ thể. Giai đoạn đầu của ung thư tuyến tiền liệt thường không biểu hiện triệu chứng. Thông thường, khi khối u phát triển và gây áp lực lên niệu đạo thì các triệu chứng mới xuất hiện.

Các triệu chứng của cả tăng sản lành tính tuyến tiền liệt và ung thư tuyến tiền liệt gồm có:

  • Tiểu gấp
  • Buồn tiểu nhiều lần cả ngày lẫn đêm
  • Tiểu khó, rặn tiểu
  • Dòng tiểu yếu hoặc nhỏ giọt
  • Tiểu ngắt quãng
  • Cảm giác tiểu không hết

Ung thư tuyến tiền liệt còn có các triệu chứng khác như:

  • Đau buốt hoặc nóng rát khi đi tiểu
  • Nước tiểu có máu
  • Khó cương cứng
  • Đau khi xuất tinh
  • Tinh dịch ít
  • Có máu trong tinh dịch

Nguyên nhân

Khi nam giới bắt đầu có tuổi, kích thước tuyến tiền liệt sẽ tăng dần. Đây là một hiện tượng tự nhiên mà khoa học vẫn chưa lý giải được nguyên nhân chính xác. Sự thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể có thể kích hoạt sự tăng kích thước này.

Tất cả bệnh ung thư bắt đầu phát sinh khi các tế bào bắt đầu nhân lên mất kiểm soát. Ung thư xảy ra do những thay đổi bất thường về DNA - vật liệu di truyền kiểm soát sự phát triển của tế bào. Những thay đổi DNA này có thể là do di truyền hoặc cũng có thể xảy ra vào một thời điểm nào đó trong đời.

Yếu tố nguy cơ

Nguy cơ tăng sản lành tính tuyến tiền liệt và ung thư tuyến tiền liệt sẽ tăng cao khi nam giới có tuổi. Cả hai bệnh lý đều hiếm gặp ở nam giới dưới 40 tuổi.

Một số yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ tăng sản lành tính tuyến tiền liệt và ung thư tuyến tiền liệt gồm có:

  • Chủng tộc: Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt và ung thư tuyến tiền liệt phổ biến hơn ở một số chủng tộc như người Mỹ gốc Phi.
  • Tiền sử gia đình: Cả tăng sản lành tính tuyến tiền liệt và ung thư tuyến tiền liệt đều có tính chất gia đình, có nghĩa là có thể di truyền. Những người có người thân ruột thịt bị tăng sản lành tính tuyến tiền liệt hoặc ung thư tuyến tiền liệt sẽ có nguy cơ mắc phải các bệnh này cao hơn. Nếu bố hoặc anh trai bị ung thư tuyến tiền liệt thì nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng gấp đôi.
  • Cân nặng: Bị béo phì làm tăng nguy cơ mắc tăng sản lành tính tuyến tiền liệt. Chưa rõ mối liên hệ giữa khối lượng cơ thể và nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt nhưng nghiên cứu đã chỉ ra rằng chỉ số khối cơ thể (BMI) cao làm tăng nguy cơ mắc ung thư, bao gồm cả ung thư tuyến tiền liệt.

Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ tăng sản lành tính tuyến tiền liệt:

  • Các vấn đề sức khỏe khác: Những người mắc bệnh tiểu đường hoặc bệnh tim mạch có nguy cơ bị tăng sản lành tính tuyến tiền liệt cao hơn.
  • Dùng một số loại thuốc: Thuốc chẹn beta (một nhóm thuốc điều trị cao huyết áp) có thể làm tăng nguy cơ tăng sản lành tính tuyến tiền liệt.

Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt:

  • Vị trí địa lý: Nam giới sống ở một số khu vực như Bắc Mỹ và Tây Âu có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt cao hơn so với nam giới ở Châu Á, Châu Phi, Trung Mỹ và Nam Mỹ. Nguy cơ tử vong do ung thư tuyến tiền liệt là cao nhất ở khu vực phía bắc. Điều này có thể là do người sống ở những khu vực này ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hơn và do đó có mức vitamin D thấp.
  • Tiếp xúc với hóa chất: Những ngành nghề phải tiếp xúc thường xuyên với hóa chất, chẳng hạn như lính cứu hỏa, có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Chất độc màu da cam - một loại thuốc diệt cỏ - cũng làm tăng nguy cơ ung thư.
  • Ít vận động: Lối sống ít vận động làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh tật, bao gồm cả ung thư. Mặt khác, tập thể dục thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ.
  • Chế độ ăn uống: Thực phẩm không trực tiếp gây ung thư tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, ăn quá ít rau có thể khiến cho tình trạng bệnh ung thư tiến triển nặng hơn.

Chẩn đoán

Khi nhận thấy các dấu hiệu tăng sản lành tính tuyến tiền liệt hoặc ung thư tuyến tiền liệt, người bệnh cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa Tiết niệu. Hai bệnh này thường được chẩn đoán bằng các phương pháp sau đây:

  • Xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (xét nghiệm PSA): Xét nghiệm máu này phát hiện kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (prostate-specific antigen – PSA) - một loại protein mà tuyến tiền liệt tạo ra. Khi tuyến tiền liệt tăng kích thước, cơ quan này sẽ tạo ra nhiều PSA hơn. Tuy nhiên, mức PSA cao chỉ là dấu hiệu cho thấy tuyến tiền liệt phát triển to lên chứ không cho biết đó là tăng sản lành tính tuyến tiền liệt hay ung thư tuyến tiền liệt. Do đó sẽ cần thực hiện thêm các xét nghiệm khác để xác nhận chẩn đoán.
  • Thăm hậu môn trực tràng (DRE): Bác sĩ đưa một ngón tay vào trực tràng của người bệnh để kiểm tra xem tuyến tiền liệt có bị to lên hoặc có hình dạng bất thường hay không. Sau đó vẫn sẽ phải tiến hành thêm các phương pháp chẩn đoán khác để xác định tăng sản lành tính tuyến tiền liệt hay ung thư tuyến tiền liệt.

Phương pháp chẩn đoán tăng sản lành tính tuyến tiền liệt

Các phương pháp xác nhận tăng sản lành tính tuyến tiền liệt:

  • Niệu dòng đồ đo tốc độ dòng nước tiểu
  • Đo nước tiểu tồn dư: đo lượng nước tiểu còn lại trong bàng quang sau khi đi tiểu.

Phương pháp chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt

Các phương pháp xác nhận chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt:

  • Siêu âm (sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh của tuyến tiền liệt)
  • Sinh thiết (lấy một mẫu mô tuyến tiền liệt và kiểm tra dưới kính hiển vi để tìm sự hiện diện của tế bào ung thư)

Điều trị tăng sản lành tính tuyến tiền liệt và ung thư tuyến tiền liệt

Việc điều trị tăng sản lành tính tuyến tiền liệt tùy thuộc vào kích thước tuyến tiền liệt và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.

Trong những trường hợp có các triệu chứng nhẹ đến vừa, bác sĩ thường kê các loại thuốc sau đây:

  • Thuốc chẹn alpha giúp làm giãn các cơ ở bàng quang và tuyến tiền liệt, giúp người bệnh đi tiểu dễ dàng hơn. Các loại thuốc trong nhóm này gồm có alfuzosin, doxazosin và tamsulosin.
  • Thuốc ức chế 5-alpha reductase giúp thu nhỏ tuyến tiền liệt. Các loại thuốc trong nhóm này gồm có dutasteride và finasteride.
  • Trong trường hợp tăng sản lành tính tuyến tiền liệt nghiêm trọng, bệnh nhân sẽ phải làm phẫu thuật:
  • Nội soi cắt tuyến tiền liệt qua niệu đạo: chỉ cắt bỏ phần bên trong của tuyến tiền liệt.
  • Rạch tuyến tiền liệt qua đường niệu đạo: rạch một vài đường nhỏ ở tuyến tiền liệt để nước tiểu có thể chảy qua.
  • Cắt đốt tuyến tiền liệt bằng sóng vô tuyến qua niệu đạo: sử dụng sóng vô tuyến để phá hủy mô tuyến tiền liệt, nhờ đó thu nhỏ kích thước tuyến tiền liệt.
  • Cắt đốt tuyến tiền liệt bằng laser: sử dụng năng lượng laser để phá hủy mô tuyến tiền liệt.
  • Cắt tuyến tiền liệt bằng phương pháp mổ mở: chỉ được thực hiện trong những trường hợp tuyến tiền liệt có kích thích quá lớn. Bác sĩ rạch một đường ở bụng dưới và cắt mô tuyến tiền liệt qua đường rạch này.

Các phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt:

  • Giám sát tích cực: Không cần phải điều trị ngay mà người bệnh sẽ tái khám định kỳ để bác sĩ theo dõi các triệu chứng và sự tiến triển của ung thư.
  • Phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến tiền liệt: loại bỏ tuyến tiền liệt và một phần mô xung quanh.
  • Xạ trị: Sử dụng tia X năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư tuyến tiền liệt. Có hai loại xạ trị là xạ trị chùm tia bên ngoài và xạ trị áp sát. Với xạ trị chùm tia bên ngoài, một thiết bị ở bên ngoài cơ thể sẽ chiếu chùm tia vào khu vực có khối u. Xạ trị áp sát có nghĩa là đưa nguồn phóng xạ vào sát khối u bên trong cơ thể.
  • Liệu pháp áp lạnh: Làm lạnh sâu để phá hủy mô tuyến tiền liệt.
  • Liệu pháp hormone: Bệnh nhân dùng thuốc để ngăn cản các hormone thúc đẩy sự phát triển của khối u ở tuyến tiền liệt.

Tiên lượng

Các triệu chứng tăng sản lành tính tuyến tiền liệt sẽ cải thiện khi được điều trị nhưng người bệnh sẽ phải tiếp tục dùng thuốc để ngăn các triệu chứng quay trở lại. Phẫu thuật và các phương pháp điều trị tăng sản lành tính tuyến tiền liệt khác có thể gây ra một số vấn đề không mong muốn như rối loạn cương dương hoặc tiểu khó.

Tiên lượng đối với bệnh ung thư tuyến tiền liệt phụ thuộc vào giai đoạn bệnh hay nói cách khác là ung thư đã di căn hay chưa và phạm vi di căn. Khi được điều trị, tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với tất cả các giai đoạn của bệnh ung thư tuyến tiền liệt là gần như 100% so với những nam giới không mắc bệnh ung thư. Điều này có nghĩa là nếu bỏ qua các yếu tố khác không liên quan đến ung thư tuyến tiền liệt thì gần 100% nam giới mắc ung thư tuyến tiền liệt vẫn sống sau 5 năm điều trị.

Nên khám sàng lọc bao lâu một lần?

Những nam giới mắc tăng sản lành tính tuyến tiền liệt hoặc ung thư tuyến tiền liệt nên tái khám định kỳ. Mặc dù không có khuyến nghị về việc sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt nhưng tùy vào độ tuổi và yếu tố nguy cơ mà bạn nên cân nhắc khám DRE hoặc xét nghiệm PSA định kỳ.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Triệu chứng tăng sản lành tính tuyến tiền liệt (phì đại tuyến tiền liệt)
Triệu chứng tăng sản lành tính tuyến tiền liệt (phì đại tuyến tiền liệt)

Một triệu chứng phổ biến của tăng sản lành tính tuyến tiền liệt là buồn tiểu liên tục, đặc biệt là vào ban đêm. Ngoài ra, tình trạng này còn có thể gây ra các triệu chứng khác.

Sự khác biệt giữa viêm tuyến tiền liệt và phì đại tuyến tiền liệt
Sự khác biệt giữa viêm tuyến tiền liệt và phì đại tuyến tiền liệt

Tuyến tiền liệt là một tuyến có kích thước tương đối nhỏ nằm ở bên dưới bàng quang nhưng có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng nếu phì đại hoặc bị nhiễm trùng. Viêm tuyến tiền liệt và tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (hay còn gọi là phì đại tuyến tiền liệt) là hai vấn đề phổ biến xảy ra với tuyến tiền liệt. Mặc dù cả hai đều gây đau và khó tiểu những mỗi tình trạng là do những nguyên nhân khác nhau gây ra. Hãy cùng tìm hiểu về hai hai bệnh này trong bài viết dưới đây.

Những ai có nguy cơ mắc tăng sản tuyến tiền liệt lành tính
Những ai có nguy cơ mắc tăng sản tuyến tiền liệt lành tính

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ tăng sản tuyến tiền liệt lành tính, trong đó có những yếu tố không thể kiểm soát nhưng cũng có những yếu tố có thể thay đổi để giảm thiểu nguy cơ.

Các loại thuốc kê đơn để điều trị tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (phì đại tuyền tiền liệt)
Các loại thuốc kê đơn để điều trị tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (phì đại tuyền tiền liệt)

Đa phần thì các triệu chứng tăng sản tuyến tiền liệt lành tính có thể điều trị bằng thuốc. Mặc dù các loại thuốc không chữa khỏi được bệnh nhưng có thể làm chậm sự phát triển của tuyến tiền liệt. Tất cả các loại thuốc điều trị tăng sản tuyến tiền liệt lành tính hiện nay đều là thuốc đường uống. Người bệnh sẽ dùng các loại thuốc này mỗi ngày để làm giảm các triệu chứng.

6 biện pháp tự nhiên để điều trị phì đại tuyến tiền liệt (tăng sản lành tính tuyến tiền liệt)
6 biện pháp tự nhiên để điều trị phì đại tuyến tiền liệt (tăng sản lành tính tuyến tiền liệt)

Có nhiều cách để làm giảm các triệu chứng phì đại tuyến tiền liệt, trong đó có cả những cách tự nhiên như dùng thảo dược.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây