1

Phì Đại Tuyến Tiền Liệt

Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt (hay phì đại tuyến tiền liệt) khiến tuyến tiền liệt to lên. Đây là vấn đề về tuyến tiền liệt phổ biến nhất ở nam giới, đặc biệt là nam giới có tuổi. Các triệu chứng gồm có tiểu khó và buồn tiểu gấp. Các phương pháp điều trị gồm có dùng thuốc, phẫu thuật và các thủ thuật xâm lấn tối thiểu.

Tổng quan về tăng sản lành tính tuyến tiền liệt

Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt khiến cho tuyến tiền liệt to ra, chèn ép vào niệu đạo, ảnh hưởng đến khả năng đi tiểu và xuất tinh của người bệnh.

Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt là gì?

Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt (hay còn gọi là phì đại tuyến tiền liệt) là tình trạng tuyến tiền liệt tăng kích thước.

Tuyến tiền liệt là một tuyến nằm bên dưới bàng quang và phía trước trực tràng ở nam giới. Tuyến tiền liệt bình thường có chiều rộng khoảng 4cm, chiều dài 3cm, đường kính trước sau khoảng 2cm và nặng khoảng 15 – 25g.

Niệu đạo là ống dẫn nước tiểu và tinh dịch ra khỏi cơ thể.

Tuyến tiền liệt tăng kích thước sẽ gây cản trở nước tiểu, tinh dịch đi qua niệu đạo.

Phì đại tuyến tiền liệt không phải là ung thư. Tuy nhiên, đôi khi các triệu chứng giống như phì đại tuyến tiền liệt lại là dấu hiệu của các vấn đề nghiêm trọng hơn, trong đó có cả ung thư tuyến tiền liệt.

Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt có làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt không?

Nghiên cứu cho thấy rằng tăng sản lành tính tuyến tiền liệt không làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, tăng sản lành tính tuyến tiền liệt và ung thư tuyến tiền liệt có nhiều triệu chứng tương tự nhau. Cũng có nhiều trường hợp mắc đồng thời cả tăng sản lành tính tuyến tiền liệt và ung thư tuyến tiền liệt.

Nam giới nên khám sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt định kỳ hàng năm trong độ tuổi từ 55 đến 69. Điều này sẽ giúp phát hiện bệnh từ sớm trong trường hợp mắc bệnh. Một số nhóm đối tượng có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt cao hơn là người da đen và người có tiền sử gia đình mắc ung thư tuyến tiền liệt. ung thư tuyến tiền liệt. Những người thuộc nhóm nguy cơ cao nên bắt đầu khám sàng lọc từ tuổi 40.

Ai có thể bị tăng sản lành tính tuyến tiền liệt?

Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt là vấn đề về tuyến tiền liệt phổ biến nhất. Gần như tất cả nam giới khi có tuổi đều gặp phải vấn đề này.

Mức độ phổ biến của tăng sản lành tính tuyến tiền liệt

Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt rất phổ biến.

Khoảng 50% nam giới ở tuổi 60 bị tăng sản lành tính tuyến tiền liệt và tỷ lệ này ở nam giới tuổi 85 là khoảng 90%.

Khoảng một nửa số người bị tăng sản lành tính tuyến tiền liệt có các triệu chứng cần điều trị.

Triệu chứng và nguyên nhân

Dấu hiệu của tăng sản lành tính tuyến tiền liệt

Tuyến tiền liệt bao quanh niệu đạo. Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt khiến tuyến tiền liệt to lên và chèn ép lên niệu đạo. Tình trạng này gây ra các triệu chứng ban đầu của tăng sản lành tính tuyến tiền liệt như:

  • Dòng tiểu yếu, tiểu ngắt quãng
  • Tiểu khó
  • Tiểu không tự chủ
  • Buồn tiểu gấp
  • Buồn tiểu vào ban đêm
  • Tiểu không hết bãi
  • Đau sau khi xuất tinh hoặc đi tiểu
  • Nước tiểu có màu sắc bất thường
  • Nước tiểu có mùi hôi

Điều gì xảy ra nếu phì đại tuyến tiền liệt không được điều trị?

Nếu không được điều trị, phì đại tuyến tiền liệt sẽ gây tắc nghẽn niệu đạo và các triệu chứng ngày càng trở nên nghiêm trọng. Tình trạng này còn có thể gây ra các vấn đề như:

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Sỏi bàng quang
  • Tiểu ra máu
  • Tổn thương thận do nước tiểu chảy ngược từ bàng quang lên thận. Điều này làm tăng áp lực lên thận.

Nguyên nhân gây tăng sản lành tính tuyến tiền liệt

Nguyên nhân gây tăng sản lành tính tuyến tiền liệt vẫn chưa được xác định rõ.

Theo một giả thuyết thì nguyên nhân là do sự thay đổi về hormone. Khi nam giới có tuổi, lượng testosterone trong cơ thể sẽ giảm (testosterone thấp) trong khi lượng estrogen vẫn giữ nguyên. Những thay đổi về hormone này có thể khiến các tế bào tuyến tiền liệt phát triển to lên. Tuy nhiên, việc dùng liệu pháp thay thế testosterone cũng có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng tăng sản lành tính tuyến tiền liệt.

Nguyên nhân cũng có thể là do nam giới lớn tuổi có mức dihydrotestosterone (DHT) cao hơn. DHT là một dạng testosterone mạnh hơn làm tăng kích thước tuyến tiền liệt.

Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt có lây không?

Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt là bệnh không lây.

Chẩn đoán

Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt được chẩn đoán bằng cách nào?

Trước tiên, bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử, đặt câu hỏi cho người bệnh và tiến hành khám lâm sàng, trong đó có bước khám trực tràng bằng tay.

Trong quá trình khám trực tràng bằng tay, bác sĩ sẽ cẩn thận đưa ngón tay vào bên trong trực tràng của người bệnh để ước tính kích thước của tuyến tiền liệt và phát hiện những bất thường.

Ngoài ra, bác sĩ sẽ còn thực hiện thêm một số biện pháp khác để chẩn đoán tăng sản lành tính tuyến tiền liệt:

  • Đặt câu hỏi để đánh giá mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng
  • Đo niệu động học để đánh giá tốc độ dòng nước tiểu
  • Đo lượng nước tiểu còn lại trong bàng quang sau đi tiểu
  • Nội soi bàng quang kiểm tra bên trong bàng quang

Điều trị

Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt có chữa khỏi được không?

Không có cách chữa trị khỏi hoàn toàn tăng sản lành tính tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, có các phương pháp điều trị để giảm bớt các triệu chứng.

Điều trị tăng sản lành tính tuyến tiền liệt bằng cách nào?

Nếu chỉ có các triệu chứng nhẹ thì thường không cần phải điều trị. Nhưng người bệnh cần tái khám định kỳ để theo dõi sự tiến triển của tình trạng.

Các phương pháp điều trị tăng sản lành tính tuyến tiền liệt gồm có:

Dùng thuốc

Các loại thuốc thường được sử dụng để điều trị tăng sản lành tính tuyến tiền liệt có tác dụng làm giãn các cơ ở tuyến tiền liệt, nhờ đó giúp giảm sự chèn ép lên niệu đạo. Một số loại thuốc phổ biến gồm có:

  • Tamsulosin (Flomax)
  • Terazosin (Hytrin)
  • Doxazosin (Cardur)
  • Alfuzosin (Uroxatral)
  • Silodosin (Rapaflo)

Một số loại thuốc có tác dụng làm giảm sự sản xuất hormone DHT, nhờ đó có thể làm chậm sự phát triển của tuyến tiền liệt. Một số ví dụ gồm có:

  • Finasteride (Proscar)
  • Dutasteride (Avodart)

Bác sĩ có thể kê các loại thuốc kết hợp giúp làm giảm các triệu chứng và đồng thời cải thiện khả năng đi tiểu. Một số loại thuốc kết hợp có có tác dụng này là dutasteride và tamsulosin (Jalyn).

Thường phải dùng thuốc đều đặn từ 1 đến 8 tuần thì các triệu chứng mới bắt đầu cải thiện.

Phẫu thuật

Trong một số trường hợp, người bệnh phải phẫu thuật để loại bỏ mô tuyến tiền liệt chèn ép lên niệu đạo. Các phương pháp phẫu thuật để điều trị tăng sản lành tính tuyến tiền liệt gồm có:

  • Cắt tuyến tiền liệt qua niệu đạo (TURP): Bác sĩ đưa một dụng cụ đặc biệt (ống soi phẫu tích) qua niệu đạo để quan sát và cắt bỏ mô tuyến tiền liệt.
  • Rạch tuyến tiền liệt qua niệu đạo của (TUIP): Rạch hai đường nhỏ ở tuyến tiền liệt và vị trí nối giữa niệu đạo và bàng quang (cổ bàng quang) để mở rộng niệu đạo và cải thiện dòng tiểu.
  • Bốc hơi tuyến tiền liệt bằng điện qua niệu đạo: Bác sĩ sử dụng một điện cực để làm nóng mô tuyến tiền liệt phì đại. Điều này biến các tế bào tuyến tiền liệt ở khu vực được điều trị thành hơi nước.
  • Bốc hơi tuyến tiền liệt bằng laser: Sử dụng loại laser đặc biệt để biến mô tuyến tiền liệt phì đại thành hơi nước.

Sau ca phẫu thuật, người bệnh có thể sinh hoạt bình thường trở lại sau vài ngày đến một tuần.

Thủ thuật xâm lấn tối thiểu

Hiện nay có các phương pháp điều trị phì đại tuyến tiền liệt mới ít xâm lấn và ít gây tổn hại đến mô khỏe mạnh hơn so với phẫu thuật. Hầu hết đều là phương pháp điều trị ngoại trú, có nghĩa là người bệnh có thể về nhà ngay trong ngày. Các phương pháp này còn có ưu điểm là chi phí thấp hơn, ít rủi ro hơn và hồi phục nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, vì những phương pháp này còn mới nên chưa có nhiều thông tin về tác dụng lâu dài hay biến chứng.

Một số thủ thuật xâm lấn tối thiểu để điều trị tăng sản lành tính tuyến tiền liệt gồm có:

  • Urolift: Thủ thuật này tách các thùy tuyến tiền liệt bị phì đại để mở rộng niệu đạo, nhờ đó giúp người bệnh đi tiểu dễ dàng hơn. Bác sĩ đưa một dụng cụ đặc biệt (UroLift) qua niệu đạo lên tuyến tiền liệt. Khi đến thành bên của tuyến tiền liệt, UroLift sẽ ghim một đoạn dây bằng thép không gỉ vào tuyến tiền liệt để giữ các thùy tuyến tiền liệt cách xa nhau và giúp mở rộng niệu đạo. Bác sĩ có thể đặt 2 đến 6 đoạn dây, tùy thuộc vào kích thước tuyến tiền liệt.
  • Liệu pháp hơi nước Rezum: Bác sĩ đưa một dụng cụ đặc biệt vào niệu đạo và di chuyển đến tuyến tiền liệt, sau đó đưa một cây kim vào tuyến tiền liệt. Kim phun hơi nước và hơi nước ngưng tụ thành nước. Năng lượng nhiệt của nước sẽ phá hủy tế bào tuyến tiền liệt. Cơ thể người bệnh sẽ tái hấp thu các tế bào chết và tuyến tiền liệt nhỏ lại. Phương pháp điều trị này còn được gọi là Rezūm.

Tác dụng phụ phổ biến nhất của các phương pháp điều trị này gồm có đi tiểu nhiều hơn bình thường và khó chịu trong quá trình tuyến tiền liệt lành lại.

Chỉ trong vòng vài ngày sau khi điều trị bằng các thủ thuật xâm lấn tối thiểu là người bệnh sẽ có thể sinh hoạt trở lại bình thường. Các triệu chứng sẽ cải thiện trong vòng 3 đến 6 tuần.

Phương pháp điều trị nào là tốt nhất?

Cắt tuyến tiền liệt qua niệu đạo là phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho hầu hết các trường hợp tăng sản lành tính tuyến tiền liệt.

Tuy nhiên, người từ 65 tuổi trở lên nên điều trị bằng thuốc và các thủ thuật xâm lấn tối thiểu. Lý do là vì bệnh nhân lớn tuổi dễ gặp phải biến chứng hơn và lâu hồi phục hơn sau phẫu thuật.

Nên ăn gì và kiêng gì khi bị tăng sản lành tính tuyến tiền liệt?

Người bị tăng sản lành tính tuyến tiền liệt nên ăn nhiều trái cây, rau củ và chất béo tốt. Người bệnh có thể thực hiện theo chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải hoặc kết hợp các loại thực phẩm sau đây trong bữa ăn hàng ngày:

  • Quả mọng như việt quất, mâm xôi
  • Bông cải xanh
  • Cam quýt
  • Quả hạch như hạt macca, hạnh nhân, óc chó, hạt dẻ cười
  • Cà chua
  • Nghệ

Chế độ ăn uống không lành mạnh có thể làm trầm trọng thêm tình trạng tăng sản lành tính tuyến tiền liệt. Người bệnh nên tránh các loại thực phẩm chế biến sẵn, đường và thực phẩm chứa nhiều carbohydrate. Ngoài ra, nên hạn chế:

  • Rượu bia
  • Caffeine
  • Sản phẩm từ sữa
  • Thịt đỏ
  • Muối (natri)

Phì đại tuyến tiền liệt có tự khỏi không?

Ở một số người bị tăng sản lành tính tuyến tiền liệt nhẹ, các triệu chứng tự hết mà không cần điều trị. Nếu các triệu chứng kéo dài mà không có dấu hiệu thuyên giảm thì nên điều trị.

Phòng ngừa

Làm thể nào để giảm nguy cơ phì đại tuyến tiền liệt?

Cách tốt nhất để giảm nguy cơ tăng sản lành tính tuyến tiền liệt là thay đổi lối sống để cải thiện sức khỏe của tuyến tiền liệt và sức khỏe tim mạch. Ngoài ra có thể cân nhắc dùng một số loại thực phẩm chức năng.

Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày có thể giúp ngăn ngừa tăng sản lành tính tuyến tiền liệt hoặc làm chậm sự phát triển của tuyến tiền liệt. Duy trì cholesterol, huyết áp và lượng đường trong máu ở mức khỏe mạnh cũng rất quan trọng.

Các loại thực phẩm chức năng có nguồn gốc thực vật sau đây có thể giúp giảm nguy cơ hoặc hỗ trợ điều trị phì đại tuyến tiền liệt:

  • Beta-sitosterol: là một vi chất dinh dưỡng trong thực vật có thể giúp tăng cường sức khỏe tim mạch.
  • Chiết xuất vỏ anh đào Châu Phi (Pygeum africanum): Chất này có thể giúp thu nhỏ tuyến tiền liệt bị phì đại.
  • Hạt lanh (flaxseed): Hạt lanh là nguồn cung cấp chất xơ và axit béo omega-3 dồi dào. Những chất dinh dưỡng này có thể giúp giảm cholesterol.
  • Dầu hạt bí: Dầu hạt bí có thể giúp thu nhỏ tuyến tiền liệt bị phì đại.

Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào. Những sản phẩm này có thể tương tác với các loại thực phẩm chức năng khác hoặc thuốc mà người bệnh đang dùng.

Tiên lượng

Tiên lượng của những người bị tăng sản lành tính tuyến tiền liệt nói chung là rất tốt. Mặc dù tăng sản lành tính tuyến tiền liệt không có cách chữa trị khỏi nhưng các phương pháp điều trị có thể giúp giảm bớt các triệu chứng. Nếu chỉ có triệu chứng nhẹ thì thường không cần điều trị. Những trường hợp có triệu chứng nặng hơn có thể điều trị bằng thuốc, phẫu thuật và các thủ thuật xâm lấn tối thiểu.

Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt có gì khác với ung thư tuyến tiền liệt?

Ung thư tuyến tiền liệt là một loại ung thư phổ biến, phát sinh từ các tế bào trong tuyến tiền liệt. Ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn đầu hiếm khi biểu hiện triệu chứng. Tuy nhiên, khi tiến triển sang các giai đoạn sau, ung thư tuyến tiền liệt có nhiều triệu chứng giống như phì đại tuyến tiền liệt, chẳng hạn như dòng tiểu yếu, đau khi xuất tinh hoặc khi đi tiểu và đi tiểu nhiều lần. Ung thư tuyến tiền liệt có thể di căn đến xương, hạch bạch huyết hoặc các bộ phận khác của cơ thể. Các phương pháp điều trị gồm có xạ trị và phẫu thuật.

Mặc dù có nhiều triệu chứng giống nhau nhưng tăng sản lành tính tuyến tiền liệt không phải là ung thư và cũng không làm tăng nguy cơ mắc ung thư. Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt sẽ không lan sang các bộ phận khác trong cơ thể. Các phương pháp điều trị gồm có dùng thuốc, phẫu thuật và các thủ thuật xâm lấn tối thiểu.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây