1

Những điều cần biết về ung thư tuyến tiền liệt

Ung thư tuyến tiền liệt xảy ra khi các tế bào ác tính phát triển bất thường hình thành nên khối u ở tuyến tiền liệt. Ung thư có thể lan sang các cấu trúc lân cận và khu vực khác của cơ thể, được gọi là ung thư tuyến tiền liệt di căn.
Những điều cần biết về ung thư tuyến tiền liệt Những điều cần biết về ung thư tuyến tiền liệt

Ung thư tuyến tiền liệt là gì?

Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới trên toàn thế giới. Theo thống kê, vào năm 2020 trên thế giới có khoảng 1,4 triệu ca mắc mới ung thư tuyến tiền liệt.

Tuyến tiền liệt là một tuyến nhỏ nằm ở vùng bụng dưới của nam giới, bên dưới bàng quang và bao quanh niệu đạo. Hoạt động của tuyến tiền liệt được điều hòa bởi hormone testosterone. Vai trò của tuyến tiền liệt là sản xuất dịch trong tinh dịch – chất dịch màu trắng đục chứa tinh trùng được phóng ra khỏi đầu dương vật khi xuất tinh.

Ung thư tuyến tiền liệt xảy ra khi các tế bào ác tính phát triển bất thường hình thành nên khối u ở tuyến tiền liệt. Ung thư có thể lan sang các cấu trúc lân cận và khu vực khác của cơ thể, được gọi là ung thư tuyến tiền liệt di căn.

Các loại ung thư tuyến tiền liệt

Phần lớn các trường hợp ung thư tuyến tiền liệt đều là ung thư biểu mô tuyến. Đây là loại ung thư mà các tế bào ung thư phát triển trong mô của một tuyến, chẳng hạn như tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, các loại ung thư hiếm gặp khác cũng có thể phát sinh từ tuyến tiền liệt, gồm có:

  • Ung thư biểu mô tế bào nhỏ, chẳng hạn như ung thư phổi
  • U thần kinh nội tiết, chẳng hạn như ung thư tuyến tụy
  • Ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp, chẳng hạn như ung thư thận
  • Sarcoma, chẳng hạn như ung thư tế bào xương
  • Ung thư tuyến tiền liệt còn được phân loại theo tốc độ phát triển:
  • Ung thư tăng triển, có nghĩa là phát triển nhanh
  • Ung thư không tăng triển, có nghĩa là phát triển chậm

Ung thư tuyến tiền liệt không tăng triển có nghĩa là khối u phát triển chậm. Tuy nhiên, nếu là ung thư tăng triển thì khối u phát triển nhanh và tế bào ung thư lan sang các vùng khác trong cơ thể, chẳng hạn như xương và trở thành ung thư di căn.

Nguyên nhân gây ung thư tuyến tiền liệt

Nguyên nhân chính xác gây ung thư tuyến tiền liệt chưa được xác định rõ nhưng có nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư, chẳng hạn như tiền sử gia đình hoặc tuổi tác.

Ai có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt?

Mặc dù ung thư tuyến tiền liệt có thể xảy ra ở bất kỳ nam giới nào nhưng một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Những yếu tố nguy cơ này gồm có:

  • 50 tuổi trở lên
  • Có tiền sử gia đình mắc ung thư tuyến tiền liệt
  • Một số chủng tộc nhất định, ví dụ nam giới người Mỹ gốc Phi có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt cao hơn so với các chủng tộc khác
  • Béo phì
  • Mang một số gen nhất định

Theo một số nghiên cứu, các yếu tố khác như chế độ ăn uống và tiếp xúc với hóa chất cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ (American Cancer Society – ACS) cho biết những tác động của những yếu tố này đến nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt vẫn chưa rõ ràng. Ung thư tuyến tiền liệt hiếm khi xảy ra ở nam giới dưới 40 tuổi.

Triệu chứng ung thư tuyến tiền liệt

Một số dạng ung thư tuyến tiền liệt không tăng triển nên không có bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, khi di căn, ung thư tuyến tiền liệt sẽ biểu hiện triệu chứng.

Nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào sau đây, hãy đi khám càng sớm càng tốt. Có nhiều vấn đê cũng gây ra các triệu chứng giống như ung thư tuyến tiền liệt, chẳng hạn như tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (phì đại tuyến tiền liệt). Vì vậy hãy đi khám để được chẩn đoán chính xác.

Các triệu chứng của ung thư tuyến tiền liệt gồm có các vấn đề về tiết niệu, vấn đề về chức năng tình dục, đau và tê bì.

Vấn đề về tiết niệu

Các vấn đề về tiết niệu là triệu chứng thường gặp của ung thư tuyến tiền liệt vì tuyến tiền liệt nằm bên dưới bàng quang và bao quanh niệu đạo. Khối u hình thành ở tuyến tiền liệt sẽ chèn lên bàng quang hoặc niệu đạo và gây ra các vấn đề.

Một số triệu chứng về tiết niệu của ung thư tuyến tiền liệt gồm có:

  • Đi tiểu nhiều lần
  • Dòng tiểu chậm hoặc yếu hơn bình thường
  • Có máu trong nước tiểu

Vấn đề về chức năng tình dục

  • Rối loạn cương dương có thể là triệu chứng của ung thư tuyến tiền liệt. Đây là tình trạng này không thể đạt được hoặc duy trì sự cương cứng.
  • Máu trong tinh dịch sau khi xuất tinh cũng có thể là triệu chứng của ung thư tuyến tiền liệt.
  • Đau và tê bì

Người mắc ung thư tuyến tiền liệt có thể bị yếu hoặc tê ở cẳng chân và bàn chân. Bệnh nhân còn có thể bị chứng tiểu không tự chủ và đại tiện không tự chủ nếu ung thư di căn và chèn lên tủy sống.

Sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt

Khám sàng lọc định kỳ sẽ giúp phát hiện ung thư trước khi có triệu chứng. Bệnh càng được phát hiện sớm thì càng dễ điều trị.

Dưới đây là các phương pháp thường được sử dụng để sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt.

Xét nghiệm PSA (kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt)

Xét nghiệm PSA là xét nghiệm máu đo nồng độ kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (prostate-specific antigen) trong máu. PSA là một loại protein do tuyến tiền liệt tạo ra. Mức PSA cao có thể là dấu hiệu của ung thư tuyến tiền liệt.

Khi mắc ung thư, nồng độ PSA trong máu sẽ tăng cao từ trước khi các triệu chứng xuất hiện. Vì thế nên xét nghiệm PSA có thể giúp phát hiện ung thư ngay từ sớm. Xét nghiệm PSA tương đối đơn giản, cũng giống như các xét nghiệm máu khác và được sử dụng phổ biến để sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, việc sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt bằng xét nghiệm PSA cũng có nhược điểm. Một nghiên cứu vào năm 2018 cho thấy xét nghiệm PSA có thể giúp phát hiện sớm ung thư nhưng không làm giảm nguy cơ tử vong do ung thư tuyến tiền liệt. (1) Ngoài ra còn có một số lo ngại khác đối với xét nghiệm PSA, chẳng hạn như:

  • Xét nghiệm có thể cho kết quả không chính xác (âm tính giả hoặc dương tính giả). Kết quả xét nghiệm dương tính giả dẫn đến điều trị khi không cần thiết hoặc phải tiến hành các thủ thuật xâm lấn như sinh thiết để xác nhận. Kết quả xét nghiệm âm tính giả khiến bệnh không được phát hiện sớm.
  • Mức PSA không phải lúc nào cũng phản ánh đúng nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt
  • Lợi ích tổng thể còn chưa rõ ràng

Ngoài ung thư tuyến tiền liệt, mức PSA còn có thể tăng cao do nhiều nguyên nhân khác, chẳng hạn như:

Thăm trực tràng

Thăm trực tràng là một bước thăm khám đơn giản, trong đó bác sĩ đưa ngón tay có đeo găng y tế và bôi trơn vào trực tràng của bệnh nhân để kiểm tra tình trạng tuyến tiền liệt xem có các bất thường như nổi cục, sưng hay phì đại hay không.

Vì khối u ác tính thường hình thành ở phía sau của tuyến tiền liệt nên có thể được phát hiện bằng phương pháp này. Mặc dù không hiệu quả như xét nghiệm PSA nhưng phương pháp thăm trực tràng có thể giúp phát hiện ung thư trong những trường hợp xét nghiệm PSA cho kết quả âm tính giả.

Chẩn đoán hình ảnh

Các công nghệ chẩn đoán hình ảnh tiên tiến, chẳng hạn như chụp cộng hưởng từ (MRI) và siêu âm có thể giúp phát hiện ung thư tuyến tiền liệt. Trong một bài báo nghiên cứu vào năm 2018, các chuyên gia chỉ ra rằng nhờ có các công nghệ chẩn đoán hình ảnh này mà giờ đây các bác sĩ đã có thể phát hiện ung thư tuyến tiền liệt sớm hơn và xác định giai đoạn bệnh chính xác hơn.

Sinh thiết tuyến tiền liệt

Nếu phát hiện bất thường khi thăm trực tràng hoặc mức PSA cao bất thường, bác sĩ có thể đề nghị sinh thiết tuyến tiền liệt.

Trong quá trình sinh thiết, bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô nhỏ từ tuyến tiền liệt để phân tích tìm sự hiện diện tế bào ung thư và xác định tốc độ lan rộng cũng như phát triển của tế bào ung thư. Những điều này được biểu thị qua điểm Gleason.

Điểm Gleason là một công cụ hiệu quả để dự đoán tiên lượng nhưng không chính xác tuyệt đối. Còn nhiều yếu tố khác cần tính đến khi dự đoán sự di căn và tiến triển của bệnh, chẳng hạn như kết quả khám lâm sàng và các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khối u.

Điểm Gleason

Điểm Gleason được xác định sau khi sinh thiết tuyến tiền liệt. Các nhà nghiên cứu bệnh học sử dụng điểm Gleason để phân cấp độ mô học của tế bào ung thư tuyến tiền liệt. Độ mô học có nghĩa là có bao nhiêu tế bào bất thường trông giống như ung thư và mức độ phát triển của chúng.

Điểm Gleason dưới 6 có nghĩa là các tế bào không có dấu hiệu ung thư, như vậy là nguy cơ thấp. Nếu điểm Gleason từ 7 trở lên thì bác sĩ có thể sẽ dựa trên điểm Gleason và mức PSA để đánh giá các tế bào.

Ví dụ, điểm Gleason là 7 với mức PSA nằm trong khoảng từ 10 đến 20 ng/mL có nghĩa là đã xác định được các tế bào ung thư nhưng ung thư có khả năng là không tăng triển với các tế bào phát triển chậm.

Điểm Gleason từ 8 trở lên và mức PSA trên 20 ng/mL có nghĩa là nguy cơ ung thư tăng triển cao hơn.

Sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt theo độ tuổi

ACS có khuyến nghị về việc sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt khi nam giới có tuổi.

Thứ nhất, ACS khuyến nghị nam giới nên trao đổi với bác sĩ về những ưu và nhược điểm của việc sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt khi đi khám sức khỏe định kỳ. Cụ thể, tùy vào mức độ nguy cơ mà mọi người nên hỏi bác sĩ về việc khám sàng lọc vào những độ tuổi khác nhau:

  • Tuổi 40: Đối với những nam giới có nguy cơ rất cao, chẳng hạn như những người có nhiều hơn một thân nhân độ một, chẳng hạn như cha, anh trai ruột hoặc con trai mắc ung thư tuyến tiền liệt ở tuổi dưới 65.
  • Tuổi 45: Đối với những nam giới có nguy cơ cao, chẳng hạn như nam giới người Mỹ gốc Phi và nam giới có một thân nhân độ một mắc ung thư tuyến tiền liệt ở tuổi dưới 65.
  • Tuổi 50: Đối với những nam giới có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt ở mức trung bình và những người có tuổi thọ dự kiến từ 60 tuổi trở lên.

Sau khi quyết định, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp sàng lọc phù hợp nhất cho bệnh nhân.

Các giai đoạn ung thư tuyến tiền liệt

Bác sĩ sẽ xác định giai đoạn ung thư dựa trên mức độ lan rộng của tế bào ung thư trong cơ thể.

Ung thư tuyến tiền liệt được phân chia giai đoạn theo hệ thống phân giai đoạn TMN của Ủy ban Hỗn hợp về Ung thư Hoa Kỳ (AJCC). Giống như nhiều bệnh ung thư khác, ung thư tuyến tiền liệt cũng được phân chia giai đoạn dựa trên các yếu tố sau đây:

  • Kích thước của khối u
  • Ảnh hưởng đến các hạch bạch huyết
  • Ung thư đã lan rộng (di căn) đến các vị trí hoặc cơ quan khác trong cơ thể hay chưa
  • Mức PSA tại thời điểm chẩn đoán
  • Điểm Gleason

Ung thư tuyến tiền liệt gồm có 4 giai đoạn. Giai đoạn 4 hay giai đoạn cuối là giai đoạn nghiêm trọng nhất.

Điều trị ung thư tuyến tiền liệt

Phác đồ điều trị ung thư tuyến tiền liệt trong mỗi ca bệnh là khác nhau. Bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị dựa trên tuổi tác, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và giai đoạn ung thư.

Điều trị ung thư không tăng triển

Nếu ung thư không tăng triển hay phát triển chậm, bác sĩ có thể sẽ đề nghị giám sát tích cực. Điều này có nghĩa là chưa cần phải bắt đầu điều trị nhưng bệnh nhân phải đi khám định kỳ để theo dõi tình trạng bệnh.

Nếu bác sĩ đề nghị giám sát tích cực, bệnh nhân sẽ phải làm xét nghiệm PSA 6 tháng một lần và thăm trực tràng hàng năm. Ngoài ra có thể phải sinh thiết và tiến hành các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh trong vòng 1 đến 3 năm sau chẩn đoán.

Bác sĩ cũng sẽ dựa trên các triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải để quyết định xem có cần điều trị hay không.

Điều trị ung thư tăng triển

Trong trường hợp ung thư tăng triển, các giải pháp điều trị gồm có:

  • Phẫu thuật
  • Xạ trị
  • Liệu pháp áp lạnh
  • Liệu pháp hormone
  • Hóa trị
  • Xạ phẫu
  • Liệu pháp miễn dịch

Nếu ung thư phát triển rất nhanh và đã di căn thì rất có thể đã lan đến xương. Đối với những trường hợp ung thư tuyến tiền liệt di căn xương, các phương pháp điều trị trên thường được kết hợp cùng một số phương pháp điều trị khác.

Điều trị dựa trên nguy cơ

Nếu ung thư tuyến tiền liệt chưa lan rộng (giai đoạn 1 – 3), bác sĩ sẽ dựa trên mức độ nguy cơ để xác định phác đồ điều trị cho bệnh nhân. Khi ung thư tiến triển sang giai đoạn cuối, phác đồ điều trị sẽ thay đổi. Phác đồ điều trị còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác, chẳng hạn như tuổi tác và tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân. Lưu ý, hóa trị được thực hiện sau liệu pháp nội tiết không có tác dụng điều trị bệnh ung thư.

Mức độ nguy cơ Giai đoạn/Tình trạng sức khỏe Phác đồ điều trị
Rất thấp Không có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nào khác

Theo dõi, giám sát tích cực, xạ trị, phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt

Trung bình Có các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác Theo dõi, giám sát tích cực, liệu pháp hormone, xạ trị, phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt và hạch bạch huyết
Cao – rất cao Có triệu chứng và các vấn đề sức khỏe khác Liệu pháp hormone, xạ trị, phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt và hạch bạch huyết
Giai đoạn 4 Ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết Liệu pháp hormone, xạ trị, phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt và hạch bạch huyết
Giai đoạn 4 Ung thư đã lan đến các cơ quan khác và xương Kiểm soát triệu chứng, liệu pháp hormone, phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt qua niệu đạo, xạ trị, dùng thuốc, thử nghiệm lâm sàng, hóa trị, liệu pháp miễn dịch

Phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt

Trong ca phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt, bác sĩ sẽ cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến tiền liệt. Trong những trường hợp ung thư tuyến tiền liệt chưa lan ra ngoài tuyến tiền liệt, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến tiền liệt triệt.

Có nhiều kỹ thuật cắt toàn bộ tuyến tiền liệt triệt, gồm có mổ mở và mổ nội soi. Mổ mở có nghĩa là bác sĩ sẽ rạch một đường dài ở bụng dưới để tiếp cận và cắt tuyến tiền liệt. Với mổ nội soi, bác sĩ sẽ chỉ rạch một vài đường rất nhỏ ở bụng, sau đó đưa ống nội soi và dụng cụ phẫu thuật vào để cắt tuyến tiền liệt. Mổ nội soi có ưu điểm là ít xâm lấn và an toàn hơn, thời gian nằm viện và phục hồi nhanh hơn, ít đau sau mổ hơn và sẹo nhỏ hơn.

Tiên lượng ung thư tuyến tiền liệt

Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh có tiên lượng khá tốt nếu được phát hiện sớm và ung thư chưa di căn. Phát hiện và điều trị sớm là điều rất quan trọng để có tiên lượng tốt. Khi nhận thấy các triệu chứng nghi là ung thư tuyến tiền liệt, hãy đi khám càng sớm càng tốt.

Tuy nhiên, nếu ung thư tiến triển và lan ra ngoài tuyến tiền liệt thì khả năng điều trị thành công sẽ thấp hơn.

Phòng ngừa ung thư tuyến tiền liệt

Trong số các yếu tố nguy cơ của ung thư tuyến tiền liệt có nhiều yếu tố không thể kiểm soát, chẳng hạn như tuổi tác và tiền sử gia đình. Tuy nhiên cũng có những yếu tố có thể thay đổi để giảm thiểu nguy cơ.

Ví dụ, bỏ thuốc lá có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt. Chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên cũng giúp làm giảm nguy cơ mắc ung thư.

Chế độ ăn uống

Một số điều chỉnh về chế độ ăn uống có thể giúp giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt, chẳng hạn như ăn ít sản phẩm từ sữa và canxi. Một số loại thực phẩm có thể giúp giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt gồm có:

  • Các loại rau họ cải như bông cải xanh, cải xoăn kale, bắp cải
  • Đậu nành
  • Các loại dầu có chứa axit béo omega-3, chẳng hạn như dầu ô liu

Tập thể dục

Tập thể dục có thể giúp giảm nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt di căn và nguy cơ tử vong do ung thư tuyến tiền liệt.

Tập thể dục còn giúp giảm cân và điều này rất quan trọng vì một nghiên cứu vào năm 2016 đã chỉ ra rằng béo phì là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt. Hãy cố gắng tập thể dục hầu hết các ngày trong tuần, mỗi ngày 30 phút.

Tóm tắt bài viết

Ung thư tuyến tiền liệt là một bệnh ung thư phổ biến ở nam giới, nhất là nam giới có tuổi nhưng nếu được phát hiện và điều trị sớm, tiên lượng nhìn chung là rất tốt. Vì vậy, khi có tuổi, nam giới nên cân nhắc khám sàng lọc định kỳ.

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nghi là ung thư tuyến tiền liệt, hãy đi khám càng sớm càng tốt. Một cách để giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt cũng như nhiều bệnh lý khác là duy trì lối sống lành mạnh.

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Những điều cần lưu ý sau khi sinh thiết tuyến tiền liệt
Những điều cần lưu ý sau khi sinh thiết tuyến tiền liệt

Sinh thiết tuyến tiền liệt là một thủ thuật nhanh chóng, rủi ro thấp với thời gian phục hồi ngắn. Đây là một trong những công cụ chính xác nhất để phát hiện ung thư tuyến tiền liệt.

Phân biệt bàng quang tăng hoạt và phì đại tuyến tiền liệt
Phân biệt bàng quang tăng hoạt và phì đại tuyến tiền liệt

Hai nguyên nhân phổ biến gây ra các vấn đề về bàng quang là bàng quang tăng hoạt (bàng quang hoạt động quá mức) và tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (phì đại tuyến tiền liệt). Cùng tìm hiểu về điểm khác nhau giữa hai tình trạng này.

Điều trị phì đại tuyến tiền liệt bằng thuốc không kê đơn và thảo dược
Điều trị phì đại tuyến tiền liệt bằng thuốc không kê đơn và thảo dược

Một trong các phương pháp chính để điều trị phì đại tuyến tiền liệt là dùng thuốc chẹn alpha và thuốc ức chế 5-alpha reductase. Ngoài ra còn có nhiều loại thuốc không kê đơn và thảo dược cũng có tác dụng làm giảm các triệu chứng phì đại tuyến tiền liệt.

Viêm tuyến tiền liệt: Nguyên nhân và cách điều trị
Viêm tuyến tiền liệt: Nguyên nhân và cách điều trị

Viêm tuyến tiền liệt là một tình trạng rất phổ biến ở nam giới, có thể là cấp tính (xảy ra đột ngột và trong thời gian ngắn) hoặc mãn tính (phát triển từ từ và kéo dài).

Phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến tiền liệt điều trị ung thư tuyến tiền liệt
Phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến tiền liệt điều trị ung thư tuyến tiền liệt

Phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến tiền liệt là giải pháp điều trị tốt nhất trong những trường hợp khối u nằm bên trong tuyến tiền liệt và chưa xâm lấn khu vực xung quanh. Ca phẫu thuật được thực hiện nhằm loại bỏ hoàn toàn tế bào ung thư trước khi lan sang các bộ phận khác của cơ thể.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây