1

Viêm tuyến tiền liệt: Nguyên nhân và cách điều trị

Viêm tuyến tiền liệt là một tình trạng rất phổ biến ở nam giới, có thể là cấp tính (xảy ra đột ngột và trong thời gian ngắn) hoặc mãn tính (phát triển từ từ và kéo dài).
Viêm tuyến tiền liệt: Nguyên nhân và cách điều trị Viêm tuyến tiền liệt: Nguyên nhân và cách điều trị

Các loại viêm tuyến tiền liệt

Viêm tuyến tiền liệt là tình trạng viêm xảy ra ở tuyến tiền liệt - một tuyến nhỏ nằm ngay dưới bàng quang ở nam giới.

Tuyến tiền liệt có vai trò tạo ra dịch trong tinh dịch. Chất dịch này hòa lẫn với tinh trùng, giúp tinh trùng di chuyển dễ dàng và chiếm 50 đến 75% thể tích tinh dịch. Mặc dù viêm tuyến tiền liệt bắt đầu ở tuyến tiền liệt nhưng tình trạng viêm có thể lan ra khu vực xung quanh tuyến tiền liệt.

Viêm tuyến tiền liệt được chia thành nhiều loại, gồm có:

  • Viêm tuyến tiền liệt mãn tính: Đây là loại viêm tuyến tiền liệt phổ biến nhất và thường kéo dài nhiều tháng. Tất cả các bệnh viêm tuyến tiền liệt mãn tính không phải do nhiễm khuẩn gây ra đều được xếp vào loại này.
  • Viêm tuyến tiền liệt cấp tính do nhiễm khuẩn: Đây là dạng viêm tuyến tiền liệt nghiêm trọng nhất và ít gặp nhất. Nguyên nhân là do tuyến tiền liệt bị nhiễm vi khuẩn. Dạng viêm tuyến tiền liệt này xảy ra đột ngột với các triệu chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như sốt, ớn lạnh và tinh dịch có máu. Viêm tuyến tiền liệt cấp tính do nhiễm khuẩn cần phải điều trị khẩn cấp.
  • Viêm tuyến tiền liệt mãn tính do nhiễm khuẩn: Đây là dạng nhiễm trùng tuyến tiền liệt nhẹ hơn và cũng ít gặp. Các triệu chứng cũng tương tự như viêm tuyến tiền liệt cấp tính do nhiễm khuẩn nhưng kéo dài hơn và ít nghiêm trọng hơn. Các triệu chứng có thể biến mất sau một thời gian nhưng thường sẽ tái phát.
  • Viêm tuyến tiền liệt không triệu chứng: Đôi khi, tuyến tiền liệt bị viêm mà không biểu hiện triệu chứng. Tình trạng viêm thường được tình cờ phát hiện khi khám các vấn đề khác. Nếu không có triệu chứng thì không cần phải điều trị.

Triệu chứng của viêm tuyến tiền liệt

Các loại viêm tuyến tiền liệt có một số triệu chứng tương đồng nhưng cũng có những triệu chứng khác nhau.

Các triệu chứng của viêm tuyến tiền liệt cấp tính do nhiễm khuẩn:

  • Đau ở bụng dưới, thắt lưng hoặc hậu môn
  • Đau quanh dương vật hoặc bìu
  • Tiểu gấp (đột ngột buồn tiểu dữ dội, không thể nhịn được)
  • Tiểu khó
  • Tiểu không hết
  • Đau buốt khi đi tiểu
  • Đau khi xuất tinh
  • Ớn lạnh
  • Sốt
  • Buồn nôn hoặc nôn

Một triệu chứng nữa là nước tiểu có mùi bất thường hoặc đục. Viêm tuyến tiền liệt mãn tính do nhiễm khuẩn cũng có các triệu chứng tương tự nhưng nhẹ hơn.

Trong những trường hợp viêm tuyến tiền liệt mãn tính và cấp tính do nhiễm khuẩn, vi khuẩn có thể xâm nhập vào đường tiết niệu và gây nhiễm trùng đường tiết niệu.

Triệu chứng chính của viêm tuyến tiền liệt mãn tính là đau hoặc khó chịu ở thắt lưng, bụng, hậu môn hoặc vùng sinh dục.

Ngoài ra, người bệnh cũng có thể gặp các triệu chứng kể trên nhưng nhẹ hơn.

Nếu bị viêm tuyến tiền liệt không triệu chứng, người bệnh sẽ không nhận thấy bất kỳ thay đổi nào.

Nguyên nhân gây viêm tuyến tiền liệt

Hầu hết các trường hợp viêm tuyến tiền liệt là do nhiễm vi khuẩn. Đây cũng là nguyên nhân gây nhiễm trùng bàng quang hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu.

Một trong những loại vi khuẩn chính gây viêm tuyến tiền liệt, đặc biệt là nam giới trên 35 tuổi, là Escherichia coli (E. coli). Các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI) như bệnh lậu và chlamydia cũng có thể dẫn đến viêm tuyến tiền liệt do nhiễm khuẩn.

Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân chính xác gây viêm tuyến tiền liệt mãn tính không được xác định rõ, mặc dù có thể liên quan đến chấn thương tuyến tiền liệt hoặc vấn đề về hệ miễn dịch.

Ai có nguy cơ bị viêm tuyến tiền liệt?

Viêm tuyến tiền liệt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng tỷ lệ mắc bệnh cao nhất là ở nam giới trong độ tuổi từ 20 đến 40 và trên 70 tuổi. Viêm tuyến tiền liệt là vấn đề về đường tiết niệu phổ biến nhất ở nam giới dưới 50 tuổi.

Ngoài tuổi tác, các yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ viêm tuyến tiền liệt gồm có:

  • Đặt ống thông tiểu
  • Nhiễm trùng bàng quang
  • Chấn thương vùng chậu
  • Có tiền sử viêm tuyến tiền liệt
  • Phì đại tuyến tiền liệt
  • Quan hệ tình dục mà không dùng bao cao su hoặc các biện pháp bảo vệ khác và bị nhiễm HIV cũng làm tăng nguy cơ viêm tuyến tiền liệt.

Phòng ngừa viêm tuyến tiền liệt

Không phải khi nào cũng có thể phòng ngừa được viêm tuyến tiền liệt vì trong nhiều trường hợp, tuyến tiền liệt bị viêm mà không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, có nhiều cách để giảm thiểu nguy cơ viêm tuyến tiền liệt do nhiễm khuẩn.

Chú ý giữ vệ sinh vùng sinh dục sẽ giúp ngăn ngừa nhiễm khuẩn. Vì các bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể dẫn đến viêm tuyến tiền liệt nên có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh này bằng cách dùng bao cao su hoặc phương pháp bảo vệ khác khi quan hệ tình dục.

Chẩn đoán viêm tuyến tiền liệt

Hãy đi khám nếu gặp các triệu chứng viêm tuyến tiền liệt. Bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân chính xác gây ra các triệu chứng. Phì đại tuyến tiền liệt, viêm bàng quang và một số vấn đề khác cũng có thể gây ra các triệu chứng tương tự như viêm tuyến tiền liệt.

Bác sĩ sẽ tiến hành thăm hậu môn trực tràng. Trong quá trình này, bác sĩ đưa ngón tay vào trực tràng bệnh nhân để kiểm tra tình trạng tuyến tiền liệt xem có bị sưng, đau hay phì đại hay không và xoa bóp tuyến tiền liệt nếu cần thiết.

Xoa bóp tuyến tiền liệt sẽ làm giải phóng tinh dịch bên trong tuyến. Mẫu tinh dịch sẽ được kiểm tra để xem có vi khuẩn hay không.

Ngoài ra có thể sẽ phải thực hiện thêm một số phương pháp chẩn đoán khác:

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT)
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI), đặc biệt là khi phát hiện thấy bất thường trong quá trình thăm trực tràng
  • Siêu âm qua trực tràng
  • Nội soi bàng quang – đưa ống nội soi vào niệu đạo để quan sát bàng quang và tuyến tiền liệt

Bệnh nhân còn có thể phải làm xét nghiệm máu, nước tiểu hoặc tinh dịch. Những xét nghiệm này có thể giúp xác định loại viêm tuyến tiền liệt và loại vi khuẩn gây nhiễm trùng.

Điều trị viêm tuyến tiền liệt

Viêm tuyến tiền liệt do nhiễm khuẩn cần điều trị bằng thuốc kháng sinh. Loại kháng sinh và thời gian điều trị sẽ tùy thuộc vào loại vi khuẩn gây nhiễm trùng.

Bác sĩ cũng có thể sẽ kê đơn thuốc giảm đau hoặc thuốc chẹn alpha. Thuốc chẹn alpha giúp làm giảm sự co thắt cơ vòng niệu đạo – cơ có vai trò kiểm soát dòng nước tiểu. Cơ vòng có thể co thắt nhiều hơn hoặc co thắt không tự chủ do tình trạng viêm ở tuyến tiền liệt.

Một số phương pháp điều trị khác là thuốc chống viêm, liệu pháp nhiệt hoặc mát xa tuyến tiền liệt thường xuyên để giảm đau.

Các phương pháp điều trị viêm tuyến tiền liệt không do nhiễm khuẩn thường nhằm mục đích giảm bớt khó chịu và đau đớn. Phương pháp điều trị cụ thể sẽ tùy thuộc vào các triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải.

Nếu các triệu chứng viêm tuyến tiền liệt mãn tính thường xuyên tái phát, hãy trao đổi với bác sĩ về các phương pháp điều trị thay thế như vật lý trị liệu để làm giảm tần suất và mức độ của các triệu chứng.

Viêm tuyến tiền liệt có chữa khỏi được không?

Hầu hết các trường hợp viêm tuyến tiền liệt cấp tính do nhiễm khuẩn đều đáp ứng tốt với điều trị. Viêm tuyến tiền liệt mãn tính khó chữa hơn nhưng thường có thể kiểm soát được.

Tóm tắt bài viết

Viêm tuyến tiền liệt là một tình trạng rất phổ biến ở nam giới, có thể là cấp tính (xảy ra đột ngột và trong thời gian ngắn) hoặc mãn tính (phát triển từ từ và kéo dài).

Mặc dù có một số nguyên nhân chưa được xác định và có thể liên quan đến các vấn đề sức khỏe khác, nhưng viêm tuyến tiền liệt đa phần là do nhiễm vi khuẩn ở đường tiết niệu.

Hãy đi khám ngay khi phát hiện thấy bất kỳ thay đổi bất thường nào như đau hoặc khó chịu bất thường ở vùng sinh dục hoặc hậu môn, đặc biệt là khi còn kèm theo các triệu chứng như đau nhức hoặc sốt.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Nhiễm trùng tuyến tiền liệt: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị
Nhiễm trùng tuyến tiền liệt: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị

Nhiễm trùng tuyến tiền liệt hay viêm tuyến tiền liệt là tình trạng tuyến tiền liệt và khu vực xung quanh bị viêm. Tuyến tiền liệt là một cơ quan có kích thước nhỏ nằm giữa bàng quang và gốc dương vật, bao quanh một phần niệu đạo (ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể và dẫn tinh dịch từ các tuyến sinh dục đến đến đầu dương vật).

Viêm tuyến tiền liệt mạn tính do nhiễm khuẩn đièu trị bằng cách nào?
Viêm tuyến tiền liệt mạn tính do nhiễm khuẩn đièu trị bằng cách nào?

Viêm tuyến tiền liệt mạn tính do nhiễm khuẩn xảy ra khi tuyến tiền liệt bị nhiễm vi khuẩn và điều này kích hoạt phản ứng viêm. Ngay cả khi đã điều trị và các triệu chứng biến mất thì vi khuẩn vẫn có thể tiếp tục tồn tại và phát triển ở tuyến tiền liệt.

Các nguyên nhân làm tăng mức PSA ngoài ung thư tuyến tiền liệt
Các nguyên nhân làm tăng mức PSA ngoài ung thư tuyến tiền liệt

Có rất nhiều nguyên nhân làm tăng mức PSA. Ung thư tuyến tiền liệt chỉ là một trong số đó.

Ung thư tuyến tiền liệt kháng cắt tinh hoàn là gì và điều trị bằng cách nào?
Ung thư tuyến tiền liệt kháng cắt tinh hoàn là gì và điều trị bằng cách nào?

Trong những trường hợp bệnh ung thư tuyến tiền liệt tiến triển và trở nên kháng cắt tinh hoàn, còn nhiều phương pháp điều trị khác có thể giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh, mặc dù các phương pháp này không thể chữa khỏi ung thư. Mục tiêu điều trị chính là ngăn ung thư lan từ tuyến tiền liệt đến các bộ phận ở xa trong cơ thể như cột sống, phổi và não (di căn).

Liệu pháp áp lạnh điều trị ung thư tuyến tiền liệt bằng cách nào?
Liệu pháp áp lạnh điều trị ung thư tuyến tiền liệt bằng cách nào?

Ung thư tuyến tiền liệt là một bệnh ung thư rất phổ biến ở nam giới, chủ yếu xảy ra ở người trên 65 tuổi. Phương pháp điều trị bước đầu cho bệnh ung thư tuyến tiền liệt thường là theo dõi tích cực hoặc kết hợp giữa phẫu thuật và xạ trị. Liệu pháp áp lạnh không phải một phương pháp điều trị tiêu chuẩn nhưng có thể được chỉ định trong một số trường hợp nhất định.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây