1

Nhiễm trùng tuyến tiền liệt: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị

Nhiễm trùng tuyến tiền liệt hay viêm tuyến tiền liệt là tình trạng tuyến tiền liệt và khu vực xung quanh bị viêm. Tuyến tiền liệt là một cơ quan có kích thước nhỏ nằm giữa bàng quang và gốc dương vật, bao quanh một phần niệu đạo (ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể và dẫn tinh dịch từ các tuyến sinh dục đến đến đầu dương vật).
Nhiễm trùng tuyến tiền liệt: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị Nhiễm trùng tuyến tiền liệt: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị

Có nhiều loại nhiễm trùng tuyến tiền liệt. Nhiễm trùng tuyến tiền liệt không phải lúc nào cũng có triệu chứng. Nếu có thì triệu chứng thường là rối loạn tiểu tiện và đau.

Các loại viêm tuyến tiền liệt

Có 4 loại viêm tuyến tiền liệt:

  • Viêm tuyến tiền liệt cấp tính do nhiễm khuẩn: loại viêm tuyến tiền liệt ít gặp nhất và chỉ xảy ra trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, viêm tuyến tiền liệt cấp tính do nhiễm khuẩn có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị. Đây là loại viêm tuyến tiền liệt dễ chẩn đoán nhất.
  • Viêm tuyến tiền liệt mạn tính do nhiễm khuẩn: các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn và kéo dài hơn. Loại viêm tuyến tiền liệt này chủ yếu xảy ra ở nam giới trẻ tuổi và trung niên. Viêm tuyến tiền liệt mạn tính do nhiễm khuẩn có thể dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát.
  • Viêm tuyến tiền liệt mạn tính hay hội chứng đau vùng chậu mạn tính (CP/CPPS): tình trạng này gây đau và khó chịu xung quanh vùng bẹn và vùng chậu. Dạng viêm tuyến tiền liệt này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.
  • Viêm tuyến tiền liệt không triệu chứng: Tuyến tiền liệt bị viêm nhưng không có triệu chứng. Dạng viêm tuyến tiền liệt này thường được phát hiện khi khám một vấn đề khác.

>>> Phân biệt viêm tuyến tiền liệt và phì đại tuyến tiền liệt

Nguyên nhân gây viêm tuyến tiền liệt

Không phải lúc nào cũng xác định được nguyên nhân gây nhiễm trùng tuyến tiền liệt. Nguyên nhân chính xác gây viêm tuyến tiền liệt mạn tính chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu thì viêm tuyến tiền liệt mạn tính có thể xảy ra do:

  • tuyến tiền liệt bị nhiễm vi sinh vật
  • hệ miễn dịch phản ứng với nhiễm trùng đường tiết niệu trước đó
  • hệ miễn dịch phản ứng với tổn thương thần kinh trong khu vực

Viêm tuyến tiền liệt cấp tính và mạn tính do nhiễm khuẩn xảy ra khi tuyến tiền liệt bị nhiễm vi khuẩn. Đôi khi, vi khuẩn xâm nhập vào tuyến tiền liệt qua niệu đạo.

Sử dụng ống thông tiểu hoặc trải qua các thủ thuật y tế tác động đến niệu đạo sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tuyến tiền liệt. Ngoài ra còn có các yếu tố nguy cơ khác như:

  • Tắc nghẽn bàng quang
  • Nhiễm trùng
  • Bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD)
  • Phì đại tuyến tiền liệt hoặc chấn thương tuyến tiền liệt, những tình trạng này tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập

Triệu chứng nhiễm trùng tuyến tiền liệt

Viêm tuyến tiền liệt cấp tính do nhiễm khuẩn

Các triệu chứng của viêm tuyến tiền liệt cấp tính do nhiễm khuẩn rất nghiêm trọng và xảy ra đột ngột. Người bệnh cần đi khám ngay khi có các triệu chứng dưới đây:

  • Nóng rát hoặc đau buốt khi đi tiểu
  • Buồn nôn và nôn
  • Nhức mỏi cơ thể
  • Cảm giác nước tiểu còn sót lại trong bàng quang sau khi đi tiểu (bí tiểu)
  • Sốt và ớn lạnh
  • Đau ở bụng hoặc thắt lưng

Nếu các triệu chứng dưới đây kéo dài không đỡ thì cũng nên đi khám:

  • Tiểu khó và/hoặc dòng tiểu yếu
  • Các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Đi tiểu nhiều lần
  • Tiểu đêm

Một số triệu chứng khác của viêm tuyến tiền liệt cấp tính do nhiễm khuẩn gồm có:

  • Nước tiểu có mùi bất thường
  • Có máu trong nước tiểu hoặc tinh dịch
  • Đau dữ dội ở vùng bụng dưới hoặc khi đi tiểu.

Viêm tuyến tiền liệt mạn tính do nhiễm khuẩn

Các triệu chứng của nhiễm trùng mạn tính có thể xảy ra theo đợt và không nghiêm trọng như nhiễm trùng cấp tính. Những triệu chứng này xuất hiện từ từ hoặc ở mức độ nhẹ và thường kéo dài quá 3 tháng. Các triệu chứng thường gặp gồm có:

  • Nóng rát khi đi tiểu
  • Đi tiểu nhiều lần hoặc tiểu khẩn
  • Đau quanh bẹn, bụng dưới hoặc thắt lưng
  • Đau bàng quang
  • Đau tinh hoàn hoặc dương vật
  • Tiểu khó hoặc dòng tiểu yếu
  • Đau khi xuất tinh
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu

Viêm tuyến tiền liệt mạn tính

Các triệu chứng của viêm tuyến tiền liệt mạn tính không do nhiễm khuẩn cũng tương tự như viêm tuyến tiền liệt mạn tính do nhiễm khuẩn, gồm có:

  • Đau ở khu vực giữa bìu và hậu môn
  • Đau ở bụng dưới
  • Đau xung quanh dương vật, bìu hoặc thắt lưng
  • Đau trong hoặc sau khi xuất tinh

Các triệu chứng này cũng thường kéo dài trên 3 tháng.

Hãy đi khám ngay khi bị đau vùng chậu, tiểu buốt hoặc đau khi xuất tinh.

Chẩn đoán nhiễm trùng tuyến tiền liệt

Bác sĩ có thể chẩn đoán nhiễm trùng tuyến tiền liệt dựa trên bệnh sử, khám lâm sàng, xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh. Bác sĩ sẽ loại trừ các bệnh lý nghiêm trọng như ung thư tuyến tiền liệt trong quá trình thăm khám. Trong quá trình khám lâm sàng, bác sĩ sẽ tiến hành thăm trực tràng để kiểm tra tuyến tiền liệt và xem có các dấu hiệu bất thường như tiết dịch, sưng đau hạch bạch huyết vùng bẹn hoặc bìu hay không.

Bác sĩ sẽ hỏi chi tiết về các triệu chứng, tiền sử nhiễm trùng đường tiết niệu gần đây và các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng mà người bệnh đang dùng. Các phương pháp chẩn đoán khác còn có:

  • Xét nghiệm nước tiểu hoặc xét nghiệm tinh dịch để tìm dấu hiệu nhiễm trùng
  • Sinh thiết tuyến tiền liệt hoặc xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA)
  • Đo niệu dòng đồ hay đo niệu động học để kiểm tra chức năng của bàng quang và niệu đạo
  • Nội soi bàng quang để kiểm tra bên trong niệu đạo và bàng quang xem có bị tắc nghẽn hay không

Ngoài ra có thể còn phải siêu âm để kiểm tra kỹ hơn.

Điều trị nhiễm trùng tuyến tiền liệt

Việc điều trị sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây viêm tuyến tiền liệt.

Viêm tuyến tiền liệt do nhiễm khuẩn

Trong quá trình điều trị, người bệnh cần uống nhiều nước để đi tiểu nhiều hơn, điều này sẽ giúp loại bỏ vi khuẩn khỏi cơ thể. Người bị viêm tuyến tiền liệt nên kiêng rượu bia, caffeine, đồ ăn có tính axit và đồ ăn cay.

Viêm tuyến tiền liệt do nhiễm khuẩn cần điều trị bằng thuốc kháng sinh trong 6 đến 8 tuần. Những trường hợp bị nhiễm trùng cấp tính nặng có thể phải nhập viện điều trị. Trong thời gian này, người bệnh sẽ được truyền dịch và thuốc kháng sinh qua đường tĩnh mạch.

Nếu là nhiễm trùng mạn tính do nhiễm khuẩn, người bệnh thường phải dùng thuốc kháng sinh ít nhất 6 tháng nhằm ngăn ngừa nhiễm trùng tái phát. Người bệnh cũng có thể phải dùng thêm thuốc chẹn alpha để làm giãn cơ bàng quang và giảm bớt các triệu chứng như tiểu khó và dòng tiểu yếu.

Nếu nguyên nhân gây nhiễm trùng tuyến tiền liệt là do tắc nghẽn trong bàng quang hoặc bất thường về giải phẫu thì sẽ phải phẫu thuật. Phẫu thuật cắt bỏ sẹo sẽ giúp cải thiện dòng nước tiểu và tình trạng bí tiểu.

Viêm tuyến tiền liệt mạn tính

Việc điều trị viêm tuyến tiền liệt mạn tính phụ thuộc vào các triệu chứng. Bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh ngay từ đầu để loại trừ khả năng nhiễm trùng do vi khuẩn. Các loại thuốc thường được dùng để giảm các triệu chứng của viêm tuyến tiền liệt mạn tính gồm có:

  • silodosin (Rapaflo)
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDS) như ibuprofen và aspirin
  • Glycosaminoglycan (chondroitin sulfate)
  • Thuốc giãn cơ như cyclobenzaprine và clonazepam
  • Thuốc điều hòa thần kinh

Phương pháp điều trị thay thế

Ngoài dùng thuốc hoặc phẫu thuật, các phương pháp điều trị thay thế cũng có thể giúp làm giảm các triệu chứng viêm tuyến tiền liệt:

  • Ngâm nước ấm hoặc xoa bóp tuyến tiền liệt
  • Chườm ấm
  • Bài tập Kegel giúp tăng cường cơ sàn chậu và giảm triệu chứng rối loạn tiểu tiện
  • Liệu pháp thả lỏng cân cơ giúp giảm căng mô mềm ở vùng thắt lưng
  • Các bài tập thư giãn
  • Châm cứu
  • Phản hồi sinh học (biofeedback)

Nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thảo dược, thuốc không kê đơn hay thực phẩm chức năng nào. Những sản phẩm này có thể tương tác với các loại thuốc đang dùng.

>>> Lợi ích của bài tập Kegel đối với nam giới

Viêm tuyến tiền liệt tái phát

Người bệnh cần dùng thuốc đủ liều để điều trị dứt điểm tình trạng nhiễm trùng. Tuy nhiên, viêm tuyến tiền liệt do nhiễm khuẩn có thể tái phát, ngay cả khi đã điều trị bằng thuốc kháng sinh. Điều này có thể là do thuốc kháng sinh không hiệu quả hoặc không tiêu diệt hết vi khuẩn.

Khi viêm tuyến tiền liệt tái phát, người bệnh sẽ phải dùng thuốc trong thời gian dài hơn hoặc thử những loại thuốc khác, tùy thuộc vào loại vi khuẩn gây nhiễm trùng. Nên đi khám khi có triệu chứng viêm tuyến tiền liệt tái phát. Bác sĩ sẽ làm xét nghiệm mẫu dịch tiết từ tuyến tiền liệt để xác định loại vi khuẩn và kê loại thuốc phù hợp.

Viêm tuyến tiền liệt có chữa khỏi được không?

Viêm tuyến tiền liệt do nhiễm khuẩn sẽ khỏi nếu được điều trị đúng cách. Viêm tuyến tiền liệt mạn tính hay hội chứng đau vùng chậu mạn tính (CP/CPPS) có thể phải điều trị trong thời gian dài.

Viêm tuyến tiền liệt cấp tính có thể dẫn đến các biến chứng như:

  • Nhiễm khuẩn huyết
  • Hình thành áp xe
  • Bí tiểu
  • Thậm chí có thể tử vong nếu quá nghiêm trọng
  • Các biến chứng của viêm tuyến tiền liệt mạn tính:
  • Tiểu khó
  • Rối loạn chức năng tình dục
  • Đau vùng chậu mạn tính
  • Tiểu buốt kéo dài dai dẳng

Nhiễm trùng tuyến tiền liệt có thể làm tăng mức PSA nhưng mức PSA thường trở lại bình thường trong vòng 1 đến 3 tháng. Người bệnh nên xét nghiệm lại sau khi kết thúc quá trình điều trị. Nếu mức PSA vẫn không giảm thì sẽ phải tiếp tục dùng thuốc kháng sinh hoặc sinh thiết tuyến tiền liệt để xem có mắc ung thư tuyến tiền liệt hay không.

Tóm tắt bài viết

Nhiễm trùng tuyến tiền liệt, bất kể là cấp tính hay mạn tính đều không liên quan gì đến ung thư tuyến tiền liệt. Nhiễm trùng tuyến tiền liệt cũng không làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Nhiễm trùng tuyến tiền liệt không lây nên người bệnh vẫn có thể quan hệ tình dục bình thường.

Nên đi khám ngay khi có các triệu chứng nhiễm trùng tuyến tiền liệt như khó chịu khi đi tiểu, đau quanh bẹn hoặc thắt lưng. Phát hiện càng sớm thì việc điều trị sẽ càng dễ dàng và hiệu quả. Điều trị sớm còn giúp ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt là trong trường hợp viêm tuyến tiền liệt cấp tính do nhiễm khuẩn.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Nhiễm trùng đường tiết niệu ở người lớn: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Nhiễm trùng đường tiết niệu ở người lớn: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Nhiễm trùng đường tiết niệu (viêm đường tiết niệu) là tình trạng nhiễm trùng xảy ra ở các cơ quan trong đường tiết niệu. Triệu chứng phụ thuộc vào khu vực bị nhiễm trùng trong đường tiết niệu.

Nhiễm trùng bàng quang: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Nhiễm trùng bàng quang: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Nhiễm trùng bàng quang thường xảy ra do vi khuẩn xâm nhập vào bàng quang. Ở những người có hệ miễn dịch yếu, nhiễm trùng bàng quang có thể xảy ra do nhiễm nấm.

Viêm tuyến tiền liệt: Nguyên nhân và cách điều trị
Viêm tuyến tiền liệt: Nguyên nhân và cách điều trị

Viêm tuyến tiền liệt là một tình trạng rất phổ biến ở nam giới, có thể là cấp tính (xảy ra đột ngột và trong thời gian ngắn) hoặc mãn tính (phát triển từ từ và kéo dài).

Ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn 3: Triệu chứng, điều trị và tiên lượng
Ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn 3: Triệu chứng, điều trị và tiên lượng

Giai đoạn 3 là khi ung thư tuyến tiền liệt đã trở nên nghiêm trọng nhưng vẫn có thể điều trị được. Giống như các bệnh ung thư khác, ung thư tuyến tiền liệt cũng được phân giai đoạn dựa trên mức độ tiến triển của bệnh.

Ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn 2: Triệu chứng, điều trị và tiên lượng
Ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn 2: Triệu chứng, điều trị và tiên lượng

Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh có thể điều trị và là một trong những bệnh ung thư có tỷ lệ sống cao. Phát hiện ung thư ở giai đoạn 2 vẫn được coi là phát hiện sớm và tiên lượng sẽ tốt hơn so với những trường hợp phát hiện muộn hơn.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây