1

Viêm tuyến tiền liệt mạn tính: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Viêm tuyến tiền liệt có thể là do nhiễm vi khuẩn nhưng không phải lúc nào cũng xác định được nguyên nhân. Viêm tuyến tiền liệt gây ra các triệu chứng khó chịu như nóng rát khi đi tiểu, đi tiểu nhiều lần và đau ở thắt lưng. Viêm tuyến tiền liệt cũng có thể dẫn đến viêm ở vùng chậu.
Viêm tuyến tiền liệt mạn tính: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị Viêm tuyến tiền liệt mạn tính: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Viêm tuyến tiền liệt mạn tính là gì?

Viêm tuyến tiền liệt là tình trạng tuyến tiền liệt bị viêm, tình trạng này có thể là cấp tính hoặc mạn tính. Viêm tuyến tiền liệt mạn tính có thể được kích hoạt bởi nhiễm vi khuẩn nhưng cũng có nhiều trường hợp không xác định được nguyên nhân.

Viêm tuyến tiền liệt được coi là mạn tính nếu tình trạng viêm kéo dài từ 3 tháng trở lên.

Tuyến tiền liệt là một tuyến nhỏ nằm bên dưới bàng quang của nam giới. Tuyến tiền liệt bao quanh niệu đạo, có chức năng tạo ra dịch trong tinh dịch và có vai trò rất quan trọng đối với sự cân bằng độ pH của tinh dịch.

Viêm tuyến tiền liệt có thể là do nhiễm vi khuẩn nhưng không phải lúc nào cũng xác định được nguyên nhân. Viêm tuyến tiền liệt gây ra các triệu chứng khó chịu như nóng rát khi đi tiểu, đi tiểu nhiều lần và đau ở thắt lưng. Viêm tuyến tiền liệt cũng có thể dẫn đến viêm ở vùng chậu.

Khi nguyên nhân là do nhiễm vi khuẩn thì có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh. Đối với những trường hợp không rõ nguyên nhân thì sẽ chỉ có thể điều trị các triệu chứng.

Ngay cả khi tình trạng viêm tuyến tiền liệt không thể chữa khỏi hoàn toàn thì các phương pháp điều trị cũng sẽ giúp giảm bớt các triệu chứng.

Các loại viêm tuyến tiền liệt mạn tính

Có ba loại viêm tuyến tiền liệt mạn tính:

Viêm tuyến tiền liệt mạn tính do nhiễm khuẩn

Nhiễm trùng bàng quang hoặc tuyến tiền liệt do nhiễm khuẩn có thể dẫn đến viêm tuyến tiền liệt mạn tính. Viêm tuyến tiền liệt mạn tính do nhiễm khuẩn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng đa phần xảy ra ở nam giới trưởng thành. Khoảng 5 đến 10% số trường hợp viêm tuyến tiền liệt là do nhiễm khuẩn.

Viêm tuyến tiền liệt mạn tính/hội chứng đau vùng chậu mạn tính (CP/CPPS)

Viêm tuyến tiền liệt mạn tính/hội chứng đau vùng chậu mạn tính (chronic prostatitis/chronic pelvic pain syndrome - CP/CPPS) là tình trạng viêm phát sinh ở vùng chậu, gây đau kéo dài dai dẳng hoặc thường xuyên.

CP/CPPS là loại viêm tuyến tiền liệt mạn tính rất phổ biến. Nghiên cứu cho thấy CP/CPPS chiếm ít nhất 90% tổng số trường hợp viêm tuyến tiền liệt mạn tính.

Viêm tuyến tiền liệt không triệu chứng

Đây là loại viêm tuyến tiền liệt mạn tính không biểu hiện triệu chứng. Viêm tuyến tiền liệt không triệu chứng thường được phát hiện khi khám các vấn đề khác và đa phần không cần điều trị.

Nguyên nhân gây viêm tuyến tiền liệt mạn tính

Có nhiều nguyên nhân có thể gây viêm tuyến tiền liệt mạn tính.

Viêm tuyến tiền liệt mạn tính do nhiễm khuẩn

Viêm tuyến tiền liệt mạn tính do nhiễm khuẩn xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập qua niệu đạo vào tuyến tiền liệt. Niệu đạo là ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra khỏi cơ thể.

Tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn cũng có thể bắt nguồn từ bàng quang hoặc do ống thông tiểu có chứa vi khuẩn được đưa vào bàng quang. Ống thông tiểu là một ống nhỏ, dài được đặt vào bàng quang để dẫn nước tiểu ra ngoài .

Nhiễm trùng do vi khuẩn có thể góp phần làm hình thành sỏi tuyến tiền liệt và những viên sỏi này không bị tống ra ngoài khi đi tiểu.

Sỏi tuyến tiền liệt có kích thước rất nhỏ và không phải lúc nào cũng phát hiện được khi khám lâm sàng. Sỏi tuyến tiền liệt bị nhiễm trùng là nguyên nhân phổ biến gây nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát và gây khó khăn cho việc chữa trị viêm tuyến tiền liệt mạn tính do nhiễm khuẩn.

CP/CPPS

Nguyên nhân trực tiếp gây CP/CPPS có thể là do hoạt động bất thường của các dây thần kinh và cơ ở vùng chậu hoặc do hệ miễn dịch tấn công tuyến tiền liệt.

Nghiên cứu cho thấy có nhiều tác nhân có thể kích hoạt CP/CPPS, một trong số đó có thể là nhiễm trùng ở bàng quang hoặc tuyến tiền liệt.

CP/CPPS trước đây được gọi là viêm tuyến tiền liệt mạn tính không do nhiễm khuẩn vì không phải lúc nào cũng có các dấu hiệu nhiễm trùng. Triệu chứng đau vẫn tiếp tục kéo dài ngay cả khi tình trạng nhiễm trùng đã được giải quyết.

Viêm tuyến tiền liệt không triệu chứng

Vì không có triệu chứng và chỉ được phát hiện qua xét nghiệm nên rất khó xác định nguyên nhân gây ra loại viêm tuyến tiền liệt này.

Triệu chứng viêm tuyến tiền liệt mạn tính

Nếu CP/CPPS được kích hoạt do nhiễm vi khuẩn, các triệu chứng ban đầu thường rất giống với viêm tuyến tiền liệt mạn tính do nhiễm khuẩn. Các triệu chứng lúc đầu chỉ ở mức độ nhẹ và sau đó nặng dần theo thời gian.

Các triệu chứng gồm có:

  • Buồn tiểu liên tục
  • Đau rát khi đi tiểu
  • Tiểu khó, dòng tiểu ngập ngừng, yếu
  • Có máu trong nước tiểu
  • Cảm giác tiểu không hết
  • Đau khi xuất tinh

Nếu bị CP/CPPS thì sau một thời gian, người bệnh sẽ bị đau mạn tính ở các khu vực sau:

  • Thắt lưng
  • Bụng dưới
  • Phía trên mu
  • Đáy chậu (khu vực giữa tinh hoàn và hậu môn)

Viêm tuyến tiền liệt do nhiễm khuẩn còn có thể gây sốt hoặc ớn lạnh.

Các bệnh có triệu chứng tương tự

Các tình trạng cũng có một số triệu chứng giống với viêm tuyến tiền liệt mạn tính:

  • Ung thư tuyến tiền liệt, có thể gây ra các triệu chứng về tiết niệu hoặc rối loạn chức năng tình dục
  • Bí tiểu
  • Sỏi bàng quang, có thể gây ra các triệu chứng về tiết niệu hoặc đau ở vùng bụng dưới
  • Tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (hay còn gọi là phì đại tuyến tiền liệt)

Người bệnh còn có thể bị đau cơ xương và táo bón.

Nên đi khám càng sớm càng tốt khi có bất kỳ triệu chứng nào trong số này. Bất kể là bệnh lý nào thì điều trị sớm cũng sẽ đơn giản và hiệu quả hơn.

Chẩn đoán viêm tuyến tiền liệt mạn tính

Để chẩn đoán viêm tuyến tiền liệt mạn tính, trước tiên bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng và bệnh sử, sau đó sẽ khám tuyến tiền liệt và có thể yêu cầu xét nghiệm nước tiểu để tìm dấu hiệu nhiễm trùng.

Tùy thuộc vào kết quả thăm khám ban đầu mà bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện tiếp các bước kiểm tra sau.

Thăm trực tràng

Trong quá trình thăm trực tràng, bác sĩ đưa ngón tay có đeo găng và bôi trơn vào trong trực tràng của người bệnh để kiểm tra tuyến tiền liệt. Phương pháp này giúp bác sĩ phát hiện những thay đổi bất thường về kích thước và kết cấu tuyến tiền liệt, chẳng hạn như tuyến tiền liệt to lên hay đau khi chạm vào.

Thăm trực tràng có thể gây đau hoặc khó chịu tạm thời ở những nam giới bị viêm tuyến tiền liệt.

Chụp cộng hưởng từ

Nếu cần thiết, người bệnh có thể phải chụp cộng hưởng từ (MRI) vùng chậu. MRI giúp bác sĩ có thể đánh giá chi tiết các cơ quan trong vùng chậu, loại trừ ung thư tuyến tiền liệt và phát hiện các khu vực viêm tuyến tiền liệt.

Các phương pháp chẩn đoán khác

Sau khi xác nhận chẩn đoán viêm tuyến tiền liệt mạn tính, bác sĩ có thể sẽ thực hiện thêm một số xét nghiệm để xác định loại viêm tuyến tiền liệt và nguyên nhân.

Xét nghiệm nước tiểu có thể giúp phát hiện viêm tuyến tiền liệt mạn tính do nhiễm khuẩn.

Nếu không có vi khuẩn trong nước tiểu thì có thể là viêm tuyến tiền liệt mạn tính/hội chứng đau vùng chậu mạn tính.

Ngoài ra có thể phải thực hiện thêm một số xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh khác để tìm nguyên nhân gây viêm:

  • Xét nghiệm dịch tiết tuyến tiền liệt
  • Xét nghiệm máu
  • Nội soi bàng quang (đưa ống nội soi vào niệu đạo để kiểm tra bàng quang, tuyến tiền liệt và niệu đạo)

Điều trị viêm tuyến tiền liệt mạn tính

Việc điều trị viêm tuyến tiền liệt mạn tính do nhiễm khuẩn sẽ phụ thuộc vào loại vi khuẩn gây nhiễm trùng.

Phương pháp điều trị bước đầu thường là dùng một đợt kháng sinh fluoroquinolon.

Người bệnh có thể phải dùng thuốc kháng sinh trong 4 đến 12 tuần. Khoảng 75% trường hợp viêm tuyến tiền liệt mạn tính do nhiễm khuẩn đã khỏi bệnh sau khi điều trị bằng kháng sinh.

Hầu hết các trường hợp CP/CPPS đều không xác định được nguyên nhân. Do đó, chỉ có thể điều trị các triệu chứng. CP/CPPS thường được điều trị bằng các loại thuốc giúp giảm viêm, cải thiện tình trạng rối loạn tiểu tiện và làm giảm một số triệu chứng khác.

Các nhóm thuốc thường được dùng để điều trị CP/CPPS:

  • Thuốc chẹn alpha như tamsulosin (Flomax)
  • Các loại thuốc làm giãn cơ như thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
  • Thuốc giảm đau
  • Thuốc chống lo âu

Ngoài ra, người bệnh có thể thử các biện pháp điều trị thay thế và tự nhiên để làm giảm cơn đau như:

  • Tắm nước ấm
  • Châm cứu
  • Các bài tập giúp thư giãn
  • Bài tập kegel
  • Sử dụng đệm khi phải ngồi trong thời gian dài
  • Massage trị liệu
  • Tránh đồ ăn cay, caffeine và đồ uống có cồn – những thứ này có thể gây kích thích bàng quang
  • Liệu pháp phản hồi sinh học (biofeedback) - một kỹ thuật thư giãn

Đôi khi, xoa bóp tuyến tiền liệt có thể giúp loại bỏ dịch gây viêm.

Phòng ngừa viêm tuyến tiền liệt mạn tính

Có thể phòng ngừa các dạng viêm tuyến tiền liệt mạn tính do nhiễm khuẩn bằng cách giữ vệ sinh vùng kín. Giữ cho dương vật luôn sạch sẽ sẽ làm giảm nguy cơ vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo.

Ngoài ra, nên uống nhiều nước để đi tiểu thường xuyên và khi bị nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc nhiễm trùng bàng quang thì cần phải điều trị ngay.

Bị viêm tuyến tiền liệt có thể quan hệ tình dục không?

Viêm tuyến tiền liệt mạn tính có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân và một triệu chứng phổ biến của tình trạng này là rối loạn tiểu tiện. Không phải loại viêm tuyến tiền liệt mạn tính nào cũng chữa khỏi được nhưng có nhiều phương pháp điều trị để kiểm soát các triệu chứng. Nam giới bị viêm tuyến tiền liệt mạn tính vẫn có thể quan hệ tình dục bình thường, trừ khi cảm thấy quá đau đớn hay khó chịu.

Viêm tuyến tiền liệt và ung thư tuyến tiền liệt

Theo Hiệp hội Tiết niệu Hoa Kỳ (American Urological Association), viêm tuyến tiền liệt không làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.

Nếu các triệu chứng viêm tuyến tiền liệt gây lo lắng, căng thẳng thì người bệnh nên cho bác sĩ biết để được tư vấn các biện pháp khắc phục. Người bệnh có thể cân nhắc dùng thuốc chống lo âu và trầm cảm.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Viêm tuyến tiền liệt: Nguyên nhân và cách điều trị
Viêm tuyến tiền liệt: Nguyên nhân và cách điều trị

Viêm tuyến tiền liệt là một tình trạng rất phổ biến ở nam giới, có thể là cấp tính (xảy ra đột ngột và trong thời gian ngắn) hoặc mãn tính (phát triển từ từ và kéo dài).

Viêm cầu thận: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị
Viêm cầu thận: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị

Viêm cầu thận hay viêm thận là một bệnh lý nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng và cần được điều trị ngay lập tức. Có hai loại viêm cầu thận là viêm cầu thận cấp và viêm cầu thận mạn.

Ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn 3: Triệu chứng, điều trị và tiên lượng
Ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn 3: Triệu chứng, điều trị và tiên lượng

Giai đoạn 3 là khi ung thư tuyến tiền liệt đã trở nên nghiêm trọng nhưng vẫn có thể điều trị được. Giống như các bệnh ung thư khác, ung thư tuyến tiền liệt cũng được phân giai đoạn dựa trên mức độ tiến triển của bệnh.

Ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn 2: Triệu chứng, điều trị và tiên lượng
Ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn 2: Triệu chứng, điều trị và tiên lượng

Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh có thể điều trị và là một trong những bệnh ung thư có tỷ lệ sống cao. Phát hiện ung thư ở giai đoạn 2 vẫn được coi là phát hiện sớm và tiên lượng sẽ tốt hơn so với những trường hợp phát hiện muộn hơn.

Ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối: Triệu chứng và điều trị
Ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối: Triệu chứng và điều trị

Khi bệnh ung thư tuyến tiền liệt tiến triển sang giai đoạn cuối, người bệnh sẽ gặp các triệu chứng như mệt mỏi, khó thở và chán ăn thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây