1

Ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối: Triệu chứng và điều trị

Khi bệnh ung thư tuyến tiền liệt tiến triển sang giai đoạn cuối, người bệnh sẽ gặp các triệu chứng như mệt mỏi, khó thở và chán ăn thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn.
Ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối: Triệu chứng và điều trị Ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối: Triệu chứng và điều trị

Sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt giúp phát hiện bệnh sớm và làm tăng khả năng sống cho người bệnh. Trên thực tế, nhờ những tiến bộ trong công nghệ sàng lọc và điều trị nên hiện nay, ung thư tuyến tiền liệt thường được phát hiện từ rất sớm và là một trong những bệnh ung thư có tỷ lệ sống cao nhất.

Mặc dù vậy nhưng theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, dự kiến sẽ có khoảng 34.700 người tử vong do ung thư tuyến tiền liệt vào năm 2023.

Người mắc ung thư tuyến tiền liệt di căn (có nghĩa là ung thư đã lan sang các khu vực khác trong cơ thể) có nguy cơ tử vong cao hơn so với những người mắc bệnh ở giai đoạn đầu, khi ung thư mới chỉ giới hạn ở tuyến tiền liệt. Một khi đã ung thư đã di căn thì sẽ không còn cách chữa khỏi. Việc điều trị sẽ nhằm mục đích làm chậm sự tiến triển của bệnh và/hoặc kiểm soát các triệu chứng.

Khi các phương pháp điều trị ung thư thất bại, người bệnh sẽ bắt đầu gặp các triệu chứng nghiêm trọng hơn. Vào giai đoạn này, bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh trong khoảng thời gian còn lại. Dưới đây là một số triệu chứng cho thấy ung thư tuyến tiền liệt đang ở giai đoạn cuối và các lựa chọn điều trị.

Triệu chứng ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối

Một nghiên cứu vào năm 2018 cho thấy những người tử vong do ung thư tuyến tiền liệt trong vòng 6 tháng trước đó cũng có nhiều triệu chứng giống như những người mắc ung thư tuyến tiền liệt khác nhưng các triệu chứng xảy ra thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn.

Trong những tuần cuối cùng, một số triệu chứng xuất hiện phổ biến hơn. Dưới đây là một số triệu chứng mà người mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối thường gặp phải trong những tháng cuối đời.

Đau

Đau là một triệu chứng phổ biến của ung thư tuyến tiền liệt di căn. Người bệnh thường bị đau ở vùng bẹn, hông hoặc lưng. Nguyên nhân có thể là do khối u chèn lên dây thần kinh hoặc ung thư đã lan đến xương.

Đau ở vùng bẹn cũng có thể là do phù mạch bạch huyết – tình trạng tích tụ dịch bất thường trong mô mềm. Khi ung thư lan đến các hạch bạch huyết, dịch tích tụ sẽ không thể thoát ra một cách dễ dàng như bình thường.

Triệu chứng đau do ung thư, kể cả đau ở giai đoạn cuối, thường có thể kiểm soát được bằng thuốc.

Mệt mỏi

Khi mắc ung thư giai đoạn cuối, người bệnh sẽ thường xuyên trong tình trạng mệt mỏi, không có sức lực, ngủ li bì, cảm thấy buồn ngủ khi thức dậy và mê man, không tỉnh táo.

Chán ăn

Ở giai đoạn cuối của bệnh ung thư, quá trình trao đổi chất của cơ thể chậm lại. Điều này làm giảm nhu cầu dinh dưỡng và khiến người bệnh không muốn ăn uống.

Người bệnh cũng có thể gặp khó khăn khi nuốt, điều này sẽ khiến người bệnh càng ăn uống ít hơn.

Không tỉnh táo

Ung thư giai đoạn cuối có thể khiến người bệnh mơ hồ, thiếu tỉnh táo, không còn nhận ra người quen hay nhận thức môi trường xung quanh. Người bệnh trả lời các câu hỏi rất chậm hoặc hoàn toàn không còn khả năng trả lời câu hỏi của người khác. Điều này có thể là do buồn ngủ hoặc tác dụng phụ của các loại thuốc mà người bệnh đang dùng.

Nếu người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối có triệu chứng này, người thân nên giới thiệu bản thân khi bước vào phòng hoặc khi bắt đầu nói chuyện để giúp người bệnh nhận biết.

Bồn chồn

Nhiều người mắc ung thư giai đoạn cuối gặp phải tình trạng bồn chồn với các biểu hiện như cảm giác kích động, lo âu hoặc buồn bã. Người bệnh thậm chí còn có thể bị mê sảng hoặc ảo giác.

Bác sĩ sẽ kê thuốc để làm giảm các triệu chứng này. Môi trường yên tĩnh cũng có thể giúp ích cho người bệnh.

Rối loạn tiểu tiện/đại tiện

Những thay đổi trong quá trình trao đổi chất cộng với việc ăn uống ít đi dẫn đến những thay đổi về tiểu tiện và đại tiện, gồm có:

  • Táo bón
  • Giảm lượng nước tiểu
  • Nước tiểu sẫm màu
  • Tiểu tiện hoặc đại tiện không tự chủ

Nếu bị táo bón, người bệnh có thể báo cho bác sĩ để được kê thuốc nhuận tràng hoặc thuốc đặt trực tràng.

Thay đổi về nhịp thở

Trong khoảng thời gian cuối đời, người bệnh ung thư thường bị thở nông – tình trạng hơi thở ngắn, nhanh, gấp gáp, đôi khi là khó thở. Điều này có thể là do bản thân bệnh ung thư, giảm sức mạnh của các cơ hoặc cơ thể cần ít oxy hơn.

Bác sĩ có thể kê thuốc giảm đau nhóm opioid hoặc các loại thuốc khác để giúp làm giảm triệu chứng này. Nếu cần thiết thì có thể sử dụng liệu pháp oxy. Người thân trong gia đình có thể hỗ trợ bằng cách đỡ người bệnh ngồi dậy và hướng quạt mát vào mặt người bệnh.

Tiếng nấc hấp hối

Ở giai đoạn cuối của bệnh ung thư, do người bệnh đã quá yếu và mất đi phản xạ ho cũng như khả năng nuốt nên nước bọt có thể ứ đọng ở phía sau cổ họng, tạo ra tiếng nấc được gọi là “tiếng nấc hấp hối”.

Tiếng nấc hấp hối không gây đau đớn cho người bệnh nhưng sẽ khiến người thân cảm thấy sợ hãi, đau buồn. Những âm thanh này là dấu hiệu cho thấy cái chết đã cận kề. Có thể làm giảm âm thanh này bằng cách điều chỉnh tư thế nằm cho người bệnh hoặc giảm bớt lượng chất lỏng trong chế độ ăn của người bệnh.

Tay chân lạnh và chuyển màu

Bàn tay và bàn chân của người bệnh trở nên lạnh và có thể bị tím tái. Móng tay và móng chân cũng có thể chuyển sang màu xanh hoặc tím. Điều này là do tim không còn khả năng bơm máu và lưu lượng máu đến các chi giảm.

Có thể đắp thêm chăn để giữ ấm cho người bệnh.

Có phải ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối luôn gây đau đớn?

Không phải ai bị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối cũng cảm thấy đau đớn nhưng người bệnh thường bị đau nhức xương khi ung thư di căn đến xương và còn có thể bị đau dây thần kinh hoặc cơ, tùy thuộc vào ảnh hưởng của khối u.

Có nhiều biện pháp để giảm đau, chẳng hạn như thay đổi tư thế ngồi hoặc nằm, dùng thuốc giảm đau đường uống hoặc tiêm.

Các lựa chọn điều trị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối

Ở giai đoạn cuối của bệnh ung thư tuyến tiền liệt, người bệnh và người nhà có thể lựa chọn chăm sóc giảm nhẹ hoặc chăm sóc cuối đời. Mặc dù tương tự nhau nhưng hai phương pháp này có nhiều điểm khác biệt.

Chăm sóc giảm nhẹ (palliative care)

Chăm sóc giảm nhẹ có thể được thực hiện ở bất kỳ giai đoạn nào của bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Nhưng một nghiên cứu của Thụy Điển vào năm 2018 cho thấy chăm sóc giảm nhẹ đặc biệt hữu ích cho người bị ung thư tuyến tiền liệt trong 6 tháng cuối đời. (1)

Chăm sóc giảm nhẹ giúp kiểm soát các triệu chứng và hỗ trợ sức khỏe tinh thần, nhờ đó cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Đối với bệnh ung thư tuyến tiền liệt, chăm sóc giảm nhẹ thường gồm có:

  • Liệu pháp hormone
  • Xạ trị
  • Phẫu thuật (cắt tuyến tiền liệt qua niệu đạo)

Chăm sóc cuối đời (hospice care)

Người bệnh và người nhà cũng có thể chọn chăm sóc cuối đời. Không giống như chăm sóc giảm nhẹ, chăm sóc cuối đời không nhằm mục tiêu điều trị ung thư. Mục tiêu của chăm sóc cuối đời là hỗ trợ và giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn trong những ngày tháng cuối cùng.

Tử vong do ung thư tuyến tiền liệt

Tử vong do ung thư tuyến tiền liệt thường xảy ra khi ung thư di căn đến các bộ phận khác của cơ thể. Ung thư di căn đến khiến cho những bộ phận này bị suy giảm chức năng và dần dẫn đến tử vong.

Một số vị trí di căn ung thư tuyến tiền liệt có thể dẫn đến tử vong gồm có:

  • Xương
  • Hạch bạch huyết
  • Phổi
  • Gan
  • Não

Tỷ lệ tử vong do ung thư tuyến tiền liệt

Theo một nghiên cứu vào năm 2021, cứ 6 người bị ung thư tuyến tiền liệt di căn thì có khoảng 1 ca tử vong do các nguyên nhân không phải ung thư, chẳng hạn như bệnh tim mạch, đột quỵ hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. (2)

Những ai có nguy cơ tử vong do ung thư tuyến tiền liệt?

Tiên lượng của người mắc ung thư tuyến tiền liệt chủ yếu phụ thuộc vào giai đoạn bệnh tại thời điểm chẩn đoán. Tuy nhiên, một số loại ung thư tuyến tiền liệt có mức độ ác tính cao hơn hoặc khó phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu hơn. Những loại này gồm có:

  • Ung thư biểu mô tuyến
  • Ung thư biểu mô tế bào vảy
  • Ung thư tuyến tiền liệt tế bào nhỏ

Độ tuổi tử vong trung bình do ung thư tuyến tiền liệt là 80 tuổi. (3)

Tóm tắt bài viết

Mặc dù bệnh ung thư tuyến tiền liệt có tỷ lệ sống sót cao nếu được phát hiện sớm nhưng nếu được phát hiện khi đã tiến triển sang giai đoạn cuối thì sẽ không còn cách chữa khỏi và bệnh sẽ dẫn đến tử vong. Khoảng hai phần ba số ca tử vong do ung thư tuyến tiền liệt là người trên 75 tuổi. Chủng tộc cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ tử vong do ung thư tuyến tiền liệt.

Một số triệu chứng thường xảy ra ở người mắc ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối là mệt mỏi, chán ăn và khó thở. Đây là khoảng thời gian rất khó khăn đối với bản thân người bệnh và người thân. Mặc dù không còn cách chữa trị khỏi nhưng các phương pháp điều trị có thể kiểm soát các triệu chứng và giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Các phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối
Các phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối

Ở giai đoạn 4 hay giai đoạn cuối, ung thư tuyến tiền liệt không còn giới hạn ở tuyến tiền liệt mà đã lan sang các cơ quan khác. Ở giai đoạn này, người bệnh có nhiều triệu chứng như mệt mỏi, suy nhược và các triệu chứng khác, tùy thuộc vào vị trí của khối u.

So sánh liệu pháp hormone và liệu pháp không hormone trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối
So sánh liệu pháp hormone và liệu pháp không hormone trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối

Những người mắc ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn đầu có thể không cần điều trị nhưng khi bệnh đã tiến triển sang giai đoạn nặng và các tế bào ung thư đã di căn đến các bộ phận khác của cơ thể thì giám sát tích cực sẽ không còn phù hợp nữa mà phải tiến hành điều trị.

Các phương pháp điều trị ở từng giai đoạn ung thư tuyến tiền liệt
Các phương pháp điều trị ở từng giai đoạn ung thư tuyến tiền liệt

Ung thư tuyến tiền liệt là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất. Có nhiều phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt nhưng phác đồ điều trị cho mỗi ca bệnh sẽ phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, mức độ ác tính của ung thư và các yếu tố khác như tuổi tác của người bệnh.

Viêm tuyến tiền liệt mạn tính: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Viêm tuyến tiền liệt mạn tính: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Viêm tuyến tiền liệt có thể là do nhiễm vi khuẩn nhưng không phải lúc nào cũng xác định được nguyên nhân. Viêm tuyến tiền liệt gây ra các triệu chứng khó chịu như nóng rát khi đi tiểu, đi tiểu nhiều lần và đau ở thắt lưng. Viêm tuyến tiền liệt cũng có thể dẫn đến viêm ở vùng chậu.

Viêm tuyến tiền liệt cấp tính: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Viêm tuyến tiền liệt cấp tính: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Loại vi khuẩn gây nhiễm trùng đường tiết niệu và các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) cũng chính là nguyên nhân chính gây viêm tuyến tiền liệt cấp tính. Vi khuẩn có thể đi theo máu đến tuyến tiền liệt.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây