1

Các phương pháp điều trị ở từng giai đoạn ung thư tuyến tiền liệt

Ung thư tuyến tiền liệt là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất. Có nhiều phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt nhưng phác đồ điều trị cho mỗi ca bệnh sẽ phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, mức độ ác tính của ung thư và các yếu tố khác như tuổi tác của người bệnh.
dieu tri ung thu ttl Các phương pháp điều trị ở từng giai đoạn ung thư tuyến tiền liệt

Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh có thể điều trị được, thậm chí có tỷ lệ điều trị thành công cao và có tỷ lệ sống 5 năm là 97%. (1) Tuy nhiên, trước khi bắt đầu điều trị, điều quan trọng là người bệnh cần trao đổi về các phương pháp điều trị với bác sĩ.

Mỗi phương pháp có cơ chế điều trị ung thư và tác động khác nhau đến cơ thể nhưng hầu hết đều có tác dụng phụ.

Những yếu tố quyết định phác đồ điều trị ung thư tuyến tiền liệt

Có nhiều phương pháp điều trị cho bệnh ung thư tuyến tiền liệt và mỗi phương pháp đều có những lợi ích và rủi ro. Không có phương pháp nào phù hợp với tất cả mọi người.

Việc lựa chọn phác đồ điều trị sẽ tùy thuộc vào các yếu tố sau đây:

  • Giai đoạn ung thư
  • Tuổi tác của người bệnh
  • Tốc độ tiến triển dự đoán của bệnh ung thư
  • Người bệnh có các vấn đề sức khỏe khác như bệnh tiểu đường hoặc bệnh tim mạch hay không
  • Người bệnh có từng phẫu thuật phì đại tuyến tiền liệt hay không
  • Nguyện vọng của bản thân người bệnh và người nhà
  • Các tác dụng phụ có thể xảy ra và các vấn đề phát sinh do điều trị

Giai đoạn ung thư là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định phác đồ điều trị. Hệ thống phân giai đoạn ung thư được sử dụng phổ biến nhất là hệ thống TNM của Ủy ban Liên hợp về Ung thư Hoa Kỳ (AJCC). Hệ thống này phân chia ung thư thành 4 giai đoạn dựa trên các yếu tố:

  • Kích thước khối u
  • Ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết lân cận hay chưa.
  • Ung thư đã di căn đến các bộ phận ở xa của cơ thể hay chưa.
  • Mức kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA): Mức PSA cao có thể là dấu hiệu của ung thư tuyến tiền liệt hoặc các vấn đề khác ảnh hưởng đến tuyến tiền liệt, chẳng hạn như viêm tuyến tiền liệt hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Nhóm độ mô học: được xác định dựa trên điểm Gleason, nhóm độ mô học phản ánh tốc độ phát triển và lan rộng của ung thư.

Vì giai đoạn ung thư là yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất đến việc xác định phác đồ điều trị nên bài viết này sẽ đưa ra các phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt theo từng giai đoạn.

Điều trị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn 1

Giai đoạn 1 là giai đoạn nhẹ nhất của bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Ở giai đoạn này, khối u vẫn còn nhỏ và chưa phát triển qua tuyến tiền liệt.

Ở giai đoạn đầu, mức PSA và nhóm độ mô học thấp. Tỷ lệ sống 5 năm của ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn đầu là hơn 99%, có nghĩa là hơn 99% người bị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn đầu sống được thêm ít nhất 5 năm (không tính đến các nguyên nhân gây tử vong khác).

Các phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn đầu gồm có giám sát tích cực, phẫu thuật và xạ trị. Người bệnh cũng có thể cân nhắc tham gia các thử nghiệm lâm sàng. Đây là những nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá tính an toàn và hiệu quả của các phương pháp điều trị mới.

Giám sát tích cực và quan sát chờ đợi

Giám sát tích cực có nghĩa là chưa cần phải điều trị. Thay vào đó, người bệnh sẽ tái khám định kỳ để theo dõi những thay đổi của bệnh ung thư.

Bác sĩ thường khuyến nghị giám sát tích cực trong những trường hợp ít có nguy cơ ung thư di căn đến các cơ quan cách xa tuyến tiền liệt. Trong quá trình giám sát tích cực, người bệnh sẽ phải làm xét nghiệm PSA định kỳ. Ngoài ra có thể còn phải sinh thiết tuyến tiền liệt vài năm một lần để xem ung thư có phát triển thêm hay không.

Quan sát chờ đợi thường dành cho những bệnh nhân lớn tuổi hoặc có các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác. Quan sát chờ đợi có nghĩa là không điều trị và cũng không cần làm xét nghiệm định kỳ giống như giám sát tích cực nhưng nếu cần thiết thì có thể điều trị để làm giảm các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Phẫu thuật

Loại phẫu thuật chính được sử dụng để điều trị ung thư tuyến tiền liệt là phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến tiền liệt, trong đó cắt bỏ hoàn toàn tuyến tiền liệt cùng túi tinh. Ca phẫu thuật này thường được kết hợp với phẫu thuật vét hạch chậu, trong đó các hạch bạch huyết ở vùng chậu bị cắt bỏ và đem đi kiểm tra để xem ung thư đã lan đến hay chưa.

Người bệnh cũng có thể sẽ phải xạ trị sau phẫu thuật.

Xạ trị

Xạ trị là phương pháp sử dụng các hạt hoặc sóng năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị có thể được kết hợp với liệu pháp ức chế androgen (androgen deprivation therapy), một liệu pháp hormone làm giảm nồng độ androgen – hormone cần thiết cho sự phát triển của tế bào ung thư.

Có loại xạ trị chính được dùng để điều trị ung thư tuyến tiền liệt:

  • Xạ trị chùm tia bên ngoài: Một thiết bị ở bên ngoài cơ thể chiếu chùm tia năng lượng cao vào khu vực có khối u. Đây là loại xạ trị phổ biến nhất.
  • Xạ trị bên trong (xạ trị áp sát): Đưa các nguồn phóng xạ có dạng hạt nhỏ vào tuyến tiền liệt. Các nguồn phóng xạ có thể được lấy ra ngoài sau vài phút hoặc để nguyên trong cơ thể vài tuần đến vài tháng.

Thử nghiệm lâm sàng

Người bệnh có thể cân nhắc tham gia các thử nghiệm lâm sàng. Thử nghiệm lâm sàng là những nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá tác dụng của các phương pháp điều trị mới. Nếu phương pháp điều trị được thử nghiệm có hiệu quả cao hơn so với các phương pháp điều trị tiêu chuẩn hiện tại thì sẽ trở thành phương pháp điều trị tiêu chuẩn mới.

Một số phương pháp điều trị đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng gồm có:

  • Liệu pháp áp lạnh (hay phẫu thuật lạnh): sử dụng một loại chất lỏng rất lạnh để đóng băng và tiêu diệt tế bào ung thư.
  • Liệu pháp quang động: sử dụng các loại thuốc được kích hoạt khi tiếp xúc với ánh sáng để tiêu diệt tế bào ung thư.
  • Liệu pháp siêu âm hội tụ cường độ cao: sử dụng sóng âm thanh năng lượng cao để tạo nhiệt và tiêu diệt tế bào ung thư.

Những phương pháp này hiện đang được thử nghiệm và vẫn chưa được chứng minh là hiệu quả hơn so với các phương pháp điều trị tiêu chuẩn hiện tại. Đa số thử nghiệm lâm sàng đều có những yêu cầu nhất định đối với tình nguyện viên tham gia. Người bệnh có thể tìm hiểu và đăng kí nếu đáp ủng đủ điều kiện. Nên nói chuyện với bác sĩ trước khi tham gia thử nghiệm lâm sàng để tránh gây ảnh hưởng đến các phương pháp điều trị hiện tại.

Điều trị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn 2

giai đoạn 2, ung thư vẫn chỉ giới hạn ở tuyến tiền liệt nhưng mức PSA và nhóm độ mô học đã cao hơn so với giai đoạn đầu. Ở giai đoạn này, bác sĩ có thể sờ thấy khối ở tuyến tiền liệt khi thăm trực tràng.

Tỷ lệ sống 5 năm của những người mắc ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn 2 cũng là 99%.

Hệ thống phân giai đoạn ung thư của AJCC chia giai đoạn 2 thành giai đoạn 2A, 2B và 2C dựa trên kích thước khối u và đặc điểm của các tế bào khi quan sát dưới kính hiển vi. Bác sĩ sẽ dựa trên những yếu tố này để xác định phương pháp điều trị phù hợp nhất cho người bệnh.

Các phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn 2 cũng tương tự như giai đoạn 1, gồm có:

  • Giám sát tích cực: Xét nghiệm PSA định kỳ và sinh thiết vài năm một lần để kiểm tra sự phát triển của ung thư.
  • Quan sát chờ đợi: làm giảm các triệu chứng và duy trì chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân lớn tuổi hoặc có các vấn đề sức khỏe khác.
  • Xạ trị: sử dụng phóng xạ với liều lượng chính xác để tiêu diệt tế bào ung thư.
  • Phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến tiền liệt: cắt bỏ hoàn toàn tuyến tiền liệt cùng một phần mô xung quanh. Có thể kết hợp với xạ trị.
  • Thử nghiệm lâm sàng: nhằm tìm ra phương pháp điều trị mới cho bệnh ung thư.

Giám sát tích cực thường chỉ được khuyến nghị ở giai đoạn 2A và 2B.

Điều trị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn 3

Người mắc ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn 3 vẫn có hơn 99% khả năng sống thêm ít nhất 5 năm (không tính đến các nguyên nhân tử vong khác).

Giai đoạn 3 được chia thành giai đoạn 3A, 3B và 3C. Ở giai đoạn 3B hoặc 3C, ung thư có thể đã lan ra ngoài tuyến tiền liệt đến các cấu trúc xung quanh, chẳng hạn như túi tinh (các tuyến giúp sản xuất tinh dịch) hoặc các hạch bạch huyết (giúp mang bạch huyết đi khắp cơ thể, có vai trò chống lại nhiễm trùng và bệnh tật). Ở giai đoạn này, các phương pháp điều trị không còn hiệu quả như giai đoạn 1 và 2.

Các phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn 3 gồm có:

  • Xạ trị chùm tia bên ngoài: chiếu chùm tia phóng xạ từ một thiết bị bên ngoài cơ thể đến tuyến tiền tiệt để tiêu diệt tế bào ung thư.
  • Liệu pháp ức chế androgen: làm giảm nồng độ các androgen như testosterone. Giảm mức androgen giúp làm chậm sự phát triển của khối u.
  • Phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến tiền liệt: cắt bỏ tuyến tiền liệt cùng vùng mô xung quanh.
  • Giám sát tích cực: xét nghiệm PSA và sinh thiết định kỳ để theo dõi sự tiến triển của ung thư.
  • Quan sát chờ đợi: điều trị các triệu chứng nếu người bệnh lớn tuổi hoặc có nguy cơ cao gặp tác dụng phụ của các phương pháp điều trị khác.

Ngoài ra còn một lựa chọn điều trị nữa là cắt tuyến tiền liệt qua niệu đạo (TURP), trong đó đưa ống nội soi cùng dụng cụ phẫu thuật vào qua niệu đạo để cắt bỏ một phần tuyến tiền liệt. Loại phẫu thuật này có thể giúp làm giảm các triệu chứng như đi tiểu nhiều lần hoặc tiểu gấp do tuyến tiền liệt chèn ép lên niệu đạo.

Bác sĩ cũng có thể đề nghị xạ trị áp sát hoặc thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các phương pháp điều trị được thử nghiệm lâm sàng không phải lúc nào cũng hiệu quả hơn các phương pháp điều trị hiện tại.

Các phương pháp điều trị kể trên có thể gây ra một số tác dụng phụ như:

  • Tiểu không tự chủ
  • Tiêu chảy
  • Vú nhạy cảm
  • Mô vú phát triển bất thường (bệnh vú to ở nam giới)
  • Bốc hỏa
  • Giảm ham muốn tình dục
  • Rối loạn cương dương (khó đạt được hoặc duy trì sự cương cứng)
  • Loãng xương, làm tăng nguy cơ gãy hoặc nứt xương
  • Co giật
  • Chóng mặt

Điều trị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn 4

Giai đoạn 4 hay giai đoạn cuối là giai đoạn nghiêm trọng nhất của ung thư tuyến tiền liệt. Tỷ lệ sống ở giai đoạn này thấp hơn nhiều so với ba giai đoạn trước.

Giai đoạn 4 được chia thành giai đoạn 4A và 4B:

  • Giai đoạn 4A: ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết gần đó và có thể lan đến các cơ quan khác xung quanh như trực tràng, bàng quang hoặc thành chậu.
  • Giai đoạn 4B: ung thư đã lan đến các bộ phận ở xa của cơ thể như xương hoặc các hạch bạch huyết ở xa.

Tỷ lệ sống tương đối 5 năm giảm xuống 31% nếu ung thư tuyến tiền liệt đã di căn đến những bộ phận ở xa trong cơ thể.

Các phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn 4A gồm có:

  • Xạ trị chùm tia bên ngoài kết hợp với liệu pháp ức chế androgen: phác đồ điều trị kết hợp này tiêu diệt tế bào ung thư và ngăn các nội tiết tố nam như testosterone thúc đẩy sự phát triển của khối u.
  • Abiraterone: một loại thuốc làm giảm lượng androgen trong cơ thể để ngăn cản sự phát triển của khối u.
  • Cắt toàn bộ tuyến tiền liệt kết hợp vét hạch vùng chậu: cắt bỏ tuyến tiền liệt cùng vùng mô xung quanh tuyến tiền liệt và các hạch bạch huyết lân cận.

Nếu người bệnh không có triệu chứng hoặc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác thì bác sĩ có thể đề nghị:

  • Quan sát chờ đợi: làm giảm các triệu chứng và duy trì chất lượng cuộc sống cho người bệnh trong trường hợp không thể tiến hành các phương pháp điều trị khác.
  • Giám sát tích cực: xét nghiệm PSA và sinh thiết định kỳ để theo dõi sự tiến triển của ung thư.
  • Liệu pháp hormone: làm giảm mức androgen và làm chậm sự phát triển của khối u.

Không có cách chữa khỏi ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn 4B nhưng các phương pháp điều trị có thể giúp kiểm soát các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Các phương pháp điều trị gồm có:

  • Liệu pháp ức chế androgen: Phương pháp điều trị này có thể được sử dụng một mình hoặc kết hợp với:
    • abiraterone để giảm androgen và làm chậm sự phát triển của khối u
    • apalutamide kết hợp với các loại thuốc ức chế androgen khác để kéo dài tuổi thọ cho người bệnh
    • hóa trị (thường là thuốc docetaxel) để tiêu diệt tế bào ung thư
    • enzalutamide để làm chậm sự phát triển của khối u
    • xạ trị chùm tia bên ngoài, sử dụng tia X hoặc proton để phá hủy mô ung thư
  • Cắt tuyến tiền liệt qua niệu đạo: điều trị các triệu chứng như tắc nghẽn đường tiết niệu.
  • Xạ trị chùm tia bên ngoài: chiếu chùm tia phóng xạ từ một thiết bị bên ngoài cơ thể vào khu vực có khối u để tiêu diệt tế bào ung thư.
  • Quan sát chờ đợi: làm giảm triệu chứng ung thư khi các phương pháp điều trị khác quá rủi ro.
  • Giám sát tích cực: xét nghiệm PSA và sinh thiết định kỳ để theo dõi sự tiến triển của ung thư.
  • Thuốc bisphosphonate: các loại thuốc giúp làm giảm đau xương và giảm nguy cơ gãy xương do ung thư di căn xương.
  • Xạ trị hạt alpha: đây là phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt di căn xương.
  • Phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến tiền liệt và cắt tinh hoàn: loại bỏ khối u và nguồn sản xuất testosterone chính trong cơ thể.

Các phương pháp điều trị này có thể làm chậm tốc độ tiến triển của bệnh ung thư và giúp người bệnh sống lâu hơn. Tuy nhiên, một số phương pháp điều trị đi kèm tác dụng phụ gây đau đớn hoặc gây ra những rối loạn làm giảm chất lượng cuộc sống, ví dụ như:

  • Tiểu không tự chủ
  • Chướng bụng
  • Buồn bã, chán nản
  • Giảm ham muốn tình dục
  • Rối loạn cương dương
  • Tăng hoặc sụt cân nhanh chóng
  • Nhịp tim quá nhanh hoặc quá chậm
  • Mệt mỏi, suy nhược
  • Tức ngực
  • Khó thở
  • Buồn nôn hoặc nôn

Đôi khi, giám sát tích cực và quan sát chờ đợi là cách tốt nhất để giảm đau và khó chịu do ung thư di căn khi các phương pháp điều trị khác không còn hiệu quả hoặc quá rủi ro, đặc biệt là những trường hợp bệnh nhân lớn tuổi hoặc còn có các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.

Tóm tắt bài viết

Có nhiều phương pháp điều trị bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Các phương pháp điều trị phổ biến gồm có quan sát chờ đợi hoặc giám sát tích cực, xạ trị, phẫu thuật và liệu pháp hormone.

Không có phương pháp điều trị nào phù hợp cho tất cả mọi người. Bác sĩ sẽ xác định phác đồ phù hợp nhất cho mỗi bệnh nhân dựa trên một số yếu tố như giai đoạn ung thư, tốc độ tiến triển dự đoán, tuổi tác và tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh, đồng thời giải thích về những lợi ích, rủi ro của mỗi phương pháp điều trị.

Ở các giai đoạn đầu, việc điều trị sẽ hiệu quả hơn và tỷ lệ sống cao hơn. Càng về sau, khả năng điều trị thành công và tiên lượng sẽ càng kém.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Các phương pháp chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt
Các phương pháp chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt

Giống như nhiều bệnh ung thư khác, để xác nhận chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt thì bệnh nhân cần phải trải qua một vài bước kiểm tra. Bệnh ung thư có thể được phát hiện khi bệnh nhân có các triệu chứng bất thường hoặc được phát hiện qua khám sàng lọc định kỳ. Tuy nhiên, kết quả khám sàng lọc bất thường không phải lúc nào cũng chỉ ra bệnh ung thư tuyến tiền liệt.

Các phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt
Các phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt

Có nhiều cách khác nhau để điều trị ung thư tuyến tiền liệt. Phương pháp điều trị được xác định dựa trên mức độ tiến triển của ung thư, ung thư đã lan ra ngoài tuyến tiền liệt hay chưa và tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân.

Ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn 3: Triệu chứng, điều trị và tiên lượng
Ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn 3: Triệu chứng, điều trị và tiên lượng

Giai đoạn 3 là khi ung thư tuyến tiền liệt đã trở nên nghiêm trọng nhưng vẫn có thể điều trị được. Giống như các bệnh ung thư khác, ung thư tuyến tiền liệt cũng được phân giai đoạn dựa trên mức độ tiến triển của bệnh.

Phương pháp nào chẩn đoán thư tuyến tiền liệt chính xác hơn: MRI hay sinh thiếtung ?
Phương pháp nào chẩn đoán thư tuyến tiền liệt chính xác hơn: MRI hay sinh thiếtung ?

Để xác nhận chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt, phương pháp chụp cộng hưởng từ (MRI) thường được sử dụng phổ biến hơn sinh thiết vì MRI ít xâm lấn hơn và không cần thời gian nghỉ sau thủ thuật giống như sinh thiết. Nếu cần sinh thiết, các bác sĩ cũng thường sử dụng hình ảnh MRI để đưa kim sinh thiết vào chính xác khu vực đáng ngờ.

Ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn 2: Triệu chứng, điều trị và tiên lượng
Ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn 2: Triệu chứng, điều trị và tiên lượng

Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh có thể điều trị và là một trong những bệnh ung thư có tỷ lệ sống cao. Phát hiện ung thư ở giai đoạn 2 vẫn được coi là phát hiện sớm và tiên lượng sẽ tốt hơn so với những trường hợp phát hiện muộn hơn.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây