Các phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối
Thế nào là ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối?
Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh ung thư bắt đầu phát sinh ở tuyến tiền liệt, gồm có 4 giai đoạn. Ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn 4 hay giai đoạn cuối là khi ung thư đã lan rộng hay di căn từ tuyến tiền liệt đến các khu vực khác của cơ thể.
Các tế bào ung thư có thể tách ra khỏi khối u ban đầu và xâm lấn vùng mô lân cận. Điều này được gọi là di căn vùng. Tế bào ung thư có thể lan trực tiếp đến vùng mô lân cận hoặc thông qua hệ bạch huyết đến các bộ phận ở xa của cơ thể và hình thành nên khối u mới. Tình trạng này được gọi là di căn xa.
Khối u mới có thể hình thành ở bất kỳ cơ quan nào nhưng ung thư tuyến tiền liệt thường di căn đến tuyến thượng thận, xương, gan và phổi.
Ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn 4 có nghĩa là ung thư đã di căn từ tuyến tiền liệt đến các cơ quan hoặc mô ở xa trong cơ thể. Hầu hết các ca bệnh ung thư tuyến tiền liệt đều được phát hiện ở giai đoạn sớm hơn. Ung thư tuyến tiền liệt là một loại ung thư phát triển chậm nhưng cũng có thể di căn hoặc tái phát sau điều trị.
Triệu chứng ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối
Khi ung thư mới chỉ giới hạn ở tuyến tiền liệt, nhiều người bệnh không có triệu chứng nhưng nếu có thì các triệu chứng thường là tiểu khó hoặc có máu trong nước tiểu.
Ung thư di căn có thể gây ra các triệu chứng toàn thể như mệt mỏi, suy nhược và sụt cân.
Các triệu chứng khác của ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối phụ thuộc vào vị trí di căn và kích thước khối u:
- Ung thư di căn đến xương thường gây đau nhức xương và xương yếu, dễ gãy.
- Ung thư di căn đến gan có các triệu chứng: bụng phình to, da và tròng trắng mắt chuyển màu vàng.
- Ung thư di căn đến phổi gây khó thở, đau tức ngực.
- Ung thư di căn đến não gây đau đầu, chóng mặt và co giật.
Ai có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối?
Nguyên nhân chính xác gây ung thư tuyến tiền liệt vẫn chưa được xác định rõ nhưng một trong các yếu tố chính làm tăng nguy cơ mắc bệnh là tuổi tác. Nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt tăng lên khi nam giới bước sang tuổi 50.
Một số nhóm có nguy cơ mắc các dạng ung thư tuyến tiền liệt nghiêm trọng cao hơn, gồm có nam giới gốc Phi và những người mang một số đột biến gen di truyền như BRCA1, BRCA2 và HOXB13.
Mặc dù không phải ai mắc ung thư tuyến tiền liệt cũng có tiền sử gia đình bị ung thư tuyến tiền liệt nhưng việc có cha hoặc anh em trai bị ung thư tuyến tiền liệt sẽ làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh.
Chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối
Những người đã biết mình mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt cần đi khám khi có bất kỳ triệu chứng mới nào, ngay cả khi đã điều trị.
Để kiểm tra xem ung thư tuyến tiền liệt có tái phát hay di căn hay không, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện một số kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, gồm có:
- Chụp X-quang
- Chụp cắt lớp vi tính (CT)
- Chụp cộng hưởng từ (MRI)
- Quét cắt lớp phát xạ positron (PET)
- Xạ hình xương
Thường sẽ không cần phải thực hiện tất cả các phương pháp này. Bác sĩ sẽ chọn các bước chẩn đoán dựa trên các triệu chứng và kết quả kiểm tra ban đầu.
Nếu kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy sự bất thường thì cũng chưa thể kết luận ung thư tuyến tiền liệt mà sẽ phải tiếp tục kiểm tra thêm. Nếu phát hiện có u bất thường trong tuyến tiền liệt thì sẽ phải tiến hành sinh thiết.
Trong quá trình sinh thiết, bác sĩ dùng kim dài đưa vào khu vực đáng ngờ ở tuyến tiền liệt để lấy mẫu mô. Sau đó, mẫu mô được phân tích dưới kính hiển vi để xem có tế bào ung thư hay không. Quá trình này cũng giúp xác định giai đoạn của ung thư tuyến tiền liệt.
Điều trị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối
Bất kể ung thư tuyến tiền liệt di căn đến khu vực nào trong cơ thể thì vẫn được coi là ung thư tuyến tiền liệt. Khi bệnh đã di căn thì việc điều trị sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với khi ung thư mới chỉ giới hạn ở tuyến tiền liệt.
Phác đồ điều trị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối bao gồm cả các phương pháp điều trị toàn thân và các phương pháp nhắm trực tiếp đến khu vực có khối u. Hầu hết các ca bệnh cần kết hợp nhiều phương pháp điều trị và đôi khi cần phải điều chỉnh các phương pháp điều trị.
Liệu pháp hormone
Liệu pháp hormone có tác dụng ức chế hormone sinh dục nam – các hormone giúp tế bào ung thư tuyến tiền liệt phát triển. Các liệu pháp hormone thường được sử dụng để điều trị ung thư tuyến tiền liệt gồm có:
- Phẫu thuật cắt tinh hoàn - nơi sản xuất ra hormone sinh dục nam.
- Thuốc đồng vận LHRH (thuốc đồng vận hormone giải phóng hormone LH): là những loại thuốc làm giảm sự sản xuất testosterone trong tinh hoàn. Các loại thuốc này có thể được tiêm hoặc cấy dưới da.
- Thuốc đối vận LHRH: là các loại thuốc có tác dụng làm giảm nhanh mức testosterone. Các loại thuốc này thường được tiêm dưới da định kỳ hàng tháng.
- Thuốc ức chế CYP17 và thuốc kháng androgen: có dạng thuốc đường uống.
Một số tác dụng phụ của các loại thuốc trong liệu pháp hormone gồm có phản ứng tại vị trí tiêm, rối loạn chức năng tình dục và thiếu máu.
Xạ trị
Có hai hình thức xạ trị chính là xạ trị chùm tia bên ngoài và xạ trị bên trong (xạ trị áp sát). Trong xạ trị chùm tia bên ngoài, một thiết bị sẽ chiếu chùm tia phóng xạ vào tuyến tiền liệt hoặc khu vực có khối u trong cơ thể. Phương pháp điều trị này có thể giúp làm giảm các triệu chứng khi ung thư tuyến tiền liệt di căn đến xương. Mệt mỏi là một tác dụng phụ phổ biến của xạ trị.
Trong phương pháp xạ trị áp sát, các nguồn phóng xạ nhỏ được cấy vào tuyến tiền liệt. Nguồn phóng xạ có thể được để trong cơ thể người bệnh vĩnh viễn và từ từ giải phóng ra phóng xạ liều thấp hoặc giải phóng phóng xạ liều cao và chỉ để tạm thời trong thời gian ngắn. Các tác dụng phụ có thể xảy ra gồm có rối loạn chức năng tình dục, tiểu khó và các vấn đề về đường ruột.
Hóa trị
Hóa trị tiêu diệt tế bào ung thư ở khắp cơ thể. Phương pháp điều trị này giúp thu nhỏ kích thước khối u hiện có và làm chậm hoặc ngăn chặn sự hình thành khối u mới. Các tác dụng phụ gồm có buồn nôn, chán ăn và sụt cân.
Liệu pháp miễn dịch
Sipuleucel-T (Provenge) là một loại vắc xin được sử dụng để điều trị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối, đặc biệt là những trường hợp ung thư không đáp ứng với liệu pháp hormone.
Vắc xin được tạo ra bằng cách sử dụng tế bào bạch cầu của chính người bệnh, sau đó được tiêm vào tĩnh mạch làm ba lần, mỗi lần cách nhau hai tuần. Một số tác dụng phụ của liệu pháp miễn dịch gồm có:
- Buồn nôn
- Đau đầu
- Đau lưng
- Đau khớp
Phẫu thuật
Mặc dù phẫu thuật nhằm cắt bỏ khối u là một lựa chọn điều trị ung thư tuyến tiền liệt nhưng bác sĩ thường không chỉ định phương pháp này trong những trường hợp bệnh ung thư tuyến tiền liệt đã di căn đến nhiều khu vực trong cơ thể.
Nếu các phương pháp điều trị ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống thì người bệnh hãy cho bác sĩ biết để điều chỉnh phác đồ điều trị. Người bệnh cũng có thể hỏi về các thử nghiệm lâm sàng đối với bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Thử nghiệm lâm sàng được thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả và tính an toàn của các phương pháp điều trị mới.
Ngoài điều trị trực tiếp bệnh ung thư, bác sĩ sẽ đưa ra các giải pháp để làm giảm các triệu chứng như đau, mệt mỏi và các vấn đề về tiết niệu.
Tiên lượng ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối
Không thể chữa khỏi ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối. Bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị nhằm giúp kiểm soát bệnh, giảm các triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.
Tiên lượng sẽ phụ thuộc vào tốc độ lan rộng của ung thư và mức độ đáp ứng điều trị.
Khi được điều trị đúng phác đồ, người mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt đã di căn có thể sống thêm được nhiều năm.
Người bệnh cần làm gì?
Người bệnh nên tìm hiểu tất cả những gì có thể về bệnh ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối để có thể đưa ra những quyết định sáng suốt. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào thì hãy trao đổi với bác sĩ để được giải đáp.
Ngoài các phương pháp điều trị tiêu chuẩn, người bệnh có thể thử các biện pháp dưới đây để làm giảm các triệu chứng của ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối và cải thiện chất lượng cuộc sống:
- Tập thể dục thường xuyên, có thể tập các bài tập nhẹ nhàng như thái cực quyền, yoga
- Vật lý trị liệu
- Thiền, bài tập hít thở và các biện pháp thư giãn khác
- Mát xa
Khi bệnh ung thư tuyến tiền liệt tiến triển sang giai đoạn cuối, người bệnh sẽ gặp các triệu chứng như mệt mỏi, khó thở và chán ăn thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn.
Ung thư thận là bệnh ung thư bắt đầu ở tế bào thận. Ung thư thận giai đoạn 4 hay giai đoạn cuối có nghĩa là ung thư đã lan từ thận đến các cơ quan khác. Tiên lượng ở giai đoạn này có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố, gồm có loại ung thư thận và mức độ đáp ứng với điều trị.
Giống như nhiều bệnh ung thư khác, để xác nhận chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt thì bệnh nhân cần phải trải qua một vài bước kiểm tra. Bệnh ung thư có thể được phát hiện khi bệnh nhân có các triệu chứng bất thường hoặc được phát hiện qua khám sàng lọc định kỳ. Tuy nhiên, kết quả khám sàng lọc bất thường không phải lúc nào cũng chỉ ra bệnh ung thư tuyến tiền liệt.
Có nhiều cách khác nhau để điều trị ung thư tuyến tiền liệt. Phương pháp điều trị được xác định dựa trên mức độ tiến triển của ung thư, ung thư đã lan ra ngoài tuyến tiền liệt hay chưa và tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân.
Giai đoạn 3 là khi ung thư tuyến tiền liệt đã trở nên nghiêm trọng nhưng vẫn có thể điều trị được. Giống như các bệnh ung thư khác, ung thư tuyến tiền liệt cũng được phân giai đoạn dựa trên mức độ tiến triển của bệnh.