Các phương pháp chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt
Cách duy nhất để xác nhận ung thư tuyến tiền liệt là sinh thiết. Nhưng có thể loại trừ ung thư tuyến tiền liệt bằng nhiều phương pháp chẩn đoán khác mà không cần phải sinh thiết. Các phương pháp chẩn đoán này gồm có:
- Thăm trực tràng
- Xét nghiệm PSA tự do (free PSA/fPSA)
- Siêu âm qua trực tràng
- Xét nghiệm nước tiểu để xác định chỉ số MiPS (Mi-prostate score)
Hạn chế của xét nghiệm PSA
Xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (prostate specific antigen - PSA) là một xét nghiệm sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt phổ biến. PSA là một loại protein mà tuyến tiền liệt tạo ra. Xét nghiệm này đo nồng độ PSA trong máu. Đây là một xét nghiệm máu đơn giản và có thể giúp phát hiện ung thư tuyến tiền liệt.
Tuy nhiên, xét nghiệm PSA có một số hạn chế. Nồng độ PSA cao có thể là dấu hiệu của ung thư tuyến tiền liệt nhưng chưa đủ để xác nhận chẩn đoán. Lý do là vì còn nhiều nguyên nhân khác cũng có thể làm tăng nồng độ PSA trong máu, chẳng hạn như nhiễm trùng đường tiết niệu và viêm tuyến tiền liệt.
Ngoài ra, xét nghiệm PSA chỉ cho biết nồng độ PSA tại thời điểm lấy máu. Nếu kết quả xét nghiệm cao bất thường thì cũng không biết được nồng độ PSA cao tạm thời hay tăng theo thời gian.
Nếu mức PSA thấp thì cũng không thể loại trừ hoàn toàn ung thư tuyến tiền liệt. Xét nghiệm PSA có thể cho kết quả dương tính giả và âm tính giả.
Xét nghiệm PSA có thể hữu ích trong và sau khi điều trị ung thư tuyến tiền liệt. Nồng độ PSA tăng có thể là dấu hiệu cho thấy rằng phác đồ điều trị đang không hiệu quả hoặc ung thư tái phát. Nếu mức PSA giảm thì có nghĩa là các phương pháp điều trị hiện tại đang có hiệu quả.
Thăm trực tràng
Trong quá trình thăm trực tràng, bác sĩ đưa một ngón tay có đeo găng tay y tế vào trong trực tràng của bệnh nhân để kiểm tra tình trạng tuyến tiền liệt xem có gì bất thường hay không. Đây là một bước thường có trong quá trình khám sức khỏe định kỳ ở nam giới.
Bác sĩ có thể chỉ tiến hành thăm trực tràng hoặc kết họp cùng xét nghiệm PSA để kiểm tra định kỳ. Thăm trực tràng là một phương pháp thăm khám nhanh chóng và đơn giản. Mặc dù thăm trực tràng có thể giúp phát hiện một số bất thường ở tuyến tiền liệt, chẳng hạn như kích thước tuyến tiền liệt lớn hơn bình thường nhưng không thể xác định đó có phải là ung thư tuyến tiền liệt hay không.
Tỷ lệ chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt trong số các trường hợp phát hiện bất thường ở tuyến tiền liệt khi thăm trực tràng là 15 đến 25%.
Xét nghiệm PSA tự do (free PSA - fPSA)
Xét nghiệm PSA thông thường đo tổng nồng độ PSA trong máu (PSA toàn phần) nhưng có hai loại PSA, một loại gắn với protein và một loại không gắn với protein, được gọi là PSA tự do (free PSA – fPSA). Xét nghiệm PSA tự do chia nhỏ kết quả và cho biết tỷ lệ PSA tự do trên PSA toàn phần. Nam giới bị ung thư tuyến tiền liệt thường có mức PSA tự do thấp hơn so với nam giới không bị ung thư tuyến tiền liệt.
Xét nghiệm PSA tự do là một xét nghiệm máu đơn giản. So với xét nghiệm PSA toàn phần, xét nghiệm PSA tự do có ưu điểm là cung cấp nhiều thông tin hơn, thông tin này có ích cho việc quyết định sinh thiết tuyến tiền liệt.
Tuy nhiên, xét nghiệm PSA tự do cũng không thể xác nhận hoặc loại trừ chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt.
Siêu âm qua trực tràng
Siêu âm qua trực tràng là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh được sử dụng để kiểm tra tuyến tiền liệt. Siêu âm qua trực tràng thường được chỉ định khi xét nghiệm PSA và thăm trực tràng cho kết quả bất thường. Trong quá trình siêu âm, một đầu dò nhỏ được đưa vào trực tràng của bệnh nhân. Đầu dò phát ra và thu lại sóng âm dội lại từ vùng mô xung quanh để tạo ra hình ảnh trên màn hình máy tính.
Mặc dù quá trình siêu âm không được thoải mái do phải đưa đầu dò vào trực tràng nhưng không đau đớn. Quá trình thực hiện thường chỉ mất 10 – 15 phút. Siêu âm qua trực tràng có thể giúp ước tính kích thước của tuyến tiền liệt và phát hiện những bất thường có thể là dấu hiệu của ung thư. Tuy nhiên, siêu âm qua trực tràng không thể xác nhận chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt.
Siêu âm qua trực tràng cũng có thể được sử dụng để hướng dẫn sinh thiết.
Xét nghiệm nước tiểu để đo chỉ số MiPS
Chỉ số MiPS (Mi-prostate score) giúp đánh giá nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt và ung thư tuyến tiền liệt tăng triển. Xét nghiệm nước tiểu đo chỉ số MiPS thường được thực hiện khi xét nghiệm PSA và thăm trực tràng cho kết quả bất thường.
Để làm xét nghiệm này, bệnh nhân cần lấy mẫu nước tiểu. Chỉ số MiPS là sự kết hợp của ba chất chỉ điểm ung thư:
- PSA trong huyết thanh
- PCA3
- TMPRSS2:ERG (T2:ERG)
PCA3 và T2:ERG là các gen được tìm thấy trong nước tiểu. Ở hầu hết nam giới không bị ung thư tuyến tiền liệt, nước tiểu chỉ có một lượng rất nhỏ các chất chỉ điểm ung thư này. Mức PCA3 và T2:ERG càng cao thì càng có nhiều nguy cơ bị ung thư tuyến tiền liệt.
Chỉ số MiPS cung cấp nhiều thông tin hơn so với xét nghiệm PSA đơn thuần. Đây là một chỉ số hữu ích trong việc đánh giá nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt và giúp bác sĩ quyết định có cần tiến hành sinh thiết hay không. Giống như các xét nghiệm khác, xét nghiệm MiPS không thể xác nhận ung thư tuyến tiền liệt.
Sinh thiết tuyến tiền liệt
Thăm trực tràng, siêu âm qua trực tràng, xét nghiệm máu và xét nghiệm nước tiểu đều được sử dụng để đánh giá nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt của một người. Bên cạnh thông tin về tiền sử gia đình, các triệu chứng và bệnh sử cá nhân, những phương pháp này có thể giúp bác sĩ cân nhắc có cần sinh thiết hay không.
Sinh thiết là cách duy nhất để xác nhận ung thư tuyến tiền liệt nhưng phần lớn nam giới làm sinh thiết tuyến tiền liệt sau khi khám sàng lọc đều không mắc ung thư.
Mặc dù sinh thiết không mất nhiều thời gian nhưng đó là một thủ thuật xâm lấn và có thể phát sinh một số vấn đề không mong muốn như:
- Đau nhức hoặc tiểu khó trong vài ngày sau sinh thiết
- Có máu trong tinh dịch, nước tiểu và phân trong vài ngày đến vài tuần sau sinh thiết
- Nhiễm trùng, mặc dù bệnh nhân sẽ được kê thuốc kháng sinh để giảm nguy cơ
Kết quả sinh thiết
Trong quá trình sinh thiết, bác sĩ sẽ lấy một vài mẫu mô nhỏ ở tuyến tiền liệt để kiểm tra xem có tế bào ung thư hay không. Mặc dù lấy một vài mẫu mô ở các vị trí khác nhau nhưng vẫn có thể xảy ra trường hợp bỏ qua những vị trí có tế bào ung thư. Điều này dẫn đến kết quả âm tính giả. Tùy thuộc vào kết quả của các bước chẩn đoán khác, bác sĩ có thể yêu cầu làm xét nghiệm PSA hoặc sinh thiết thêm một lần nữa để xác nhận.
Tuy nhiên, sinh thiết tuyến tiền liệt dưới hướng dẫn của chụp cộng hưởng từ (MRI) có thể giúp bác sĩ xác định vị trí mô đáng ngờ và giảm thiểu khả năng kết quả âm tính giả.
Trong những trường hợp bị ung thư tuyến tiền liệt, điểm Gleason sẽ là từ 2 đến 10. Điểm thấp hơn có nghĩa là khối u phát triển chậm và ít có khả năng lan rộng.
Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như chụp cộng hưởng từ (MRI) và xạ hình xương có thể giúp xác định xem ung thư đã di căn ra ngoài tuyến tiền liệt hay chưa.
Ưu điểm của sinh thiết
- Sinh thiết là cách duy nhất để xác nhận ung thư tuyến tiền liệt.
- Kết quả sinh thiết có thể được sử dụng để xác định khả năng và tốc độ di căn.
Nhược điểm của sinh thiết
- Là một thủ thuật xâm lấn, có thể phát sinh vấn đề không mong muốn, mặc dù hầu hết những vấn đề này sẽ tự hết sau vài ngày đến vài tuần.
- Có thể cho kết quả âm tính giả và cần phải sinh thiết thêm hoặc tiến hành các phương pháp chẩn đoán khác.
Tiên lượng ung thư tuyến tiền liệt
Nếu bệnh nhân chọn không sinh thiết hoặc nếu sinh thiết cho kết quả âm tính, bác sĩ sẽ yêu cầu theo dõi sức khỏe bằng một trong số các phương pháp kể trên.
Nếu sinh thiết cho kết quả dương tính, tiên lượng sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như:
- Giai đoạn ung thư tại thời điểm chẩn đoán
- Độ mô học
- Ung thư có tái phát hay không
- Tuổi tác của bệnh nhân
- Tình trạng sức khỏe tổng thể
- Đáp ứng với các phương pháp điều trị
Theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), hầu hết nam giới bị ung thư tuyến tiền liệt đều không tử vong do căn bệnh này. (1)
Yếu tố nguy cơ của ung thư tuyến tiền liệt
Bác sĩ sẽ dựa trên các yếu tố nguy cơ của bệnh nhân để quyết định có cần tiến hành sinh thiết hay không. Một số yếu tố nguy cơ của ung thư tuyến tiền liệt là tuổi tác, chủng tộc và tiền sử gia đình.
Nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt tăng lên theo tuổi tác. Gần hai phần ba số ca ung thư tuyến tiền liệt xảy ra ở nam giới trên 65 tuổi. Theo một thống kê tại Mỹ, tỷ lệ mắc ung thư tuyến tiền liệt ở người Mỹ gốc Phi cao hơn so với người da trắng. Nguy cơ tăng gấp đôi ở những người có cha hoặc anh trai bị ung thư tuyến tiền liệt và nguy cơ tăng cao hơn nữa ở những người có nhiều người thân mắc bệnh này, đặc biệt là khi người thân mắc bệnh từ khi còn trẻ.
Bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ về các yếu tố nguy cơ và những ưu, nhược điểm của sinh thiết tuyến tiền liệt. Có nhiều cách để sàng lọc ung thư. Tuy nhiên, nếu có kết quả xét nghiệm bất thường và lo lắng về ung thư tuyến tiền liệt thì sinh thiết là cách duy nhất để xác nhận chẩn đoán.
Ung thư tuyến tiền liệt là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất. Có nhiều phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt nhưng phác đồ điều trị cho mỗi ca bệnh sẽ phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, mức độ ác tính của ung thư và các yếu tố khác như tuổi tác của người bệnh.
Tuyến tiền liệt tạo ra một loại protein gọi là kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt liệt (prostate-specific antigen – PSA). Ở những nam giới khỏe mạnh, trong máu chỉ có một lượng nhỏ PSA.
Xét nghiệm PSA tự do đôi khi được thực hiện thay cho sinh thiết nếu mức PSA tăng nhẹ. Xét nghiệm PSA tự do cũng có thể được sử dụng để đánh giá tốc độ phát triển của ung thư trong những trường hợp ung thư tái phát sau điều trị.
Có nhiều cách khác nhau để điều trị ung thư tuyến tiền liệt. Phương pháp điều trị được xác định dựa trên mức độ tiến triển của ung thư, ung thư đã lan ra ngoài tuyến tiền liệt hay chưa và tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân.
Xét nghiệm PCA3 đo nồng độ kháng nguyên ung thư tuyến tiền liệt 3 (prostate cancer antigen 3) – một gen tồn tại với nồng độ cao trong các tế bào ung thư tuyến tiền liệt. Khác với PSA, mức PCA3 cao không xảy ra với phì đại tuyến tiền liệt, viêm tuyến tiền liệt hay các vấn đề khác về tuyến tiền liệt.