1

Viêm bàng quang: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Viêm bàng quang thường xảy ra do bàng quang bị nhiễm trùng. Các triệu chứng gồm có buồn tiểu liên tục, ngay cả khi vừa mới đi tiểu, đau khi đi tiểu, tiểu gấp và tiểu ra máu. Nếu không được điều trị, viêm bàng quang có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng.
Viêm bàng quang: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị Viêm bàng quang: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Nguyên nhân chính gây viêm bàng quang là nhiễm trùng đường tiết niệu. Nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra khi vi khuẩn từ bên ngoài xâm nhập vào niệu đạo và bàng quang rồi bắt đầu nhân lên.

Nhiễm trùng đường tiết niệu cũng có thể xảy ra khi vi khuẩn tự nhiên trong cơ thể bị mất cân bằng, vi khuẩn có hại phát triển quá mức và gây ra các triệu chứng.

Viêm bàng quang không phải lúc nào cũng do nhiễm trùng. Ví dụ, một số loại thuốc và sản phẩm vệ sinh cũng có thể gây viêm bàng quang.

Việc điều trị viêm bàng quang phụ thuộc vào nguyên nhân gây viêm. Phần lớn các trường hợp viêm bàng quang là cấp tính (xảy ra đột ngột). Tuy nhiên, viêm bàng quang kẽ là tình trạng mạn tính.

Viêm bàng quang có thể xảy ra ở bất cứ ai nhưng phụ nữ có nguy cơ cao hơn nam giới.

Triệu chứng viêm bàng quang

Các triệu chứng của viêm bàng quang gồm có:

  • Buồn tiểu liên tục, ngay cả khi vừa mới đi tiểu xong
  • Nước tiểu đục hoặc có mùi khai nồng
  • Sốt nhẹ nếu bị nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Nước tiểu có máu
  • Đau khi quan hệ tình dục
  • Cảm giác bàng quang căng tức
  • Đau quặn ở bụng hoặc lưng

Nếu nhiễm trùng bàng quang lan đến thận thì lúc này vấn đề sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều. Ngoài các triệu chứng nêu trên, nhiễm trùng thận còn có thêm các triệu chứng sau:

  • Buồn nôn
  • Nôn mửa
  • Đau lưng hoặc vùng hạ sườn
  • Ớn lạnh

Sốt và nước tiểu có máu không phải là triệu chứng của viêm bàng quang nhưng có thể xảy ra cùng với các triệu chứng khác của nhiễm trùng thận.

Hãy đi khám ngay lập tức khi nhận thấy các triệu chứng nhiễm trùng thận.

Nguyên nhân gây viêm bàng quang

Viêm bàng quang có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân. Các nguyên nhân chính gồm có:

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Dùng một số loại thuốc
  • Xạ trị
  • Sử dụng ống thông tiểu liên tục trong thời gian dài
  • Sử dụng sản phẩm vệ sinh gây kích ứng

Các loại viêm bàng quang

Viêm bàng quang có thể là cấp tính hoặc mạn tính (viêm bàng quang kẽ). Viêm bàng quang cấp có nghĩa là tình trạng viêm bàng quang xảy ra đột ngột. Viêm bàng quang kẽ là một dạng viêm bàng quang mạn tính, có nghĩa là kéo dài. Viêm bàng quang kẽ ảnh hưởng đến nhiều lớp mô của bàng quang.

Cả viêm bàng quang cấp và viêm bàng quang kẽ đều có nhiều nguyên nhân gây ra. Viêm bàng quang được phân loại dựa trên nguyên nhân:

Viêm bàng quang do nhiễm khuẩn

Viêm bàng quang do nhiễm khuẩn xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo hoặc bàng quang và gây nhiễm trùng. Viêm bàng quang do nhiễm khuẩn cũng có thể xảy ra khi vi khuẩn tự nhiên trong cơ thể trở nên mất cân bằng. Nhiễm trùng sẽ dẫn đến viêm bàng quang.

Điều quan trọng là phải phát hiện và điều trị nhiễm trùng bàng quang càng sớm càng tốt. Nếu để lâu, nhiễm trùng có thể lan đến thận và trở thành vấn đề nghiêm trọng hơn.

Viêm bàng quang do thuốc

Thuốc được thận lọc khỏi máu và sau đó bài tiết vào nước tiểu. Do bàng quang có chức năng chứa nước tiểu nên sẽ phải tiếp xúc với những loại thuốc này. Một số loại thuốc có thể gây kích thích và khiến bàng quang bị viêm.

Ví dụ, thuốc hóa trị cyclophosphamide và ifosfamide có thể gây viêm bàng quang.

Viêm bàng quang do xạ trị

Xạ trị được sử dụng để tiêu diệt tế bào ung thư và thu nhỏ khối u nhưng xạ trị cũng có thể làm hỏng các tế bào khỏe mạnh. Xạ trị ở vùng chậu có thể khiến bàng quang bị viêm.

Viêm bàng quang do ống thông tiểu

Ống thông tiểu là một dụng cụ được sử dụng để dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài trong những trường hợp không thể tự đi tiểu. Việc sử dụng ống thông tiểu trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn và làm tổn thương mô trong đường tiết niệu. Cả nhiễm khuẩn và tổn thương mô đều có thể dẫn đến viêm bàng quang.

Viêm bàng quang do hóa chất

Một số sản phẩm vệ sinh có thể gây kích ứng bàng quang và dẫn đến viêm bàng quang, ví dụ như:

  • Thuốc diệt tinh trùng
  • Xịt khử mùi vùng kín
  • Sản phẩm tạo bọt bồn tắm

Viêm bàng quang do các bệnh lý khác

Đôi khi viêm bàng quang là kết quả của một tình trạng bệnh lý khác, chẳng hạn như:

  • Bệnh tiểu đường
  • Sỏi thận
  • Hiv
  • Phì đại tuyến tiền liệt
  • Chấn thương cột sống

Ai có nguy cơ bị viêm bàng quang?

Cả nam và nữ đều có thể bị viêm bàng quang nhưng viêm bàng quang phổ biến hơn ở phụ nữ do niệu đạo của phụ nữ ngắn hơn niệu đạo nam giới. Điều này khiến vi khuẩn dễ xâm nhập vào bàng quang hơn.

Nguy cơ bị viêm bàng quang sẽ càng cao nếu:

  • Có quan hệ tình dục
  • Đang mang thai
  • Sử dụng màng ngăn âm đạo hoặc bao cao su chứa thuốc diệt tinh trùng
  • Đã mãn kinh
  • Sử dụng các sản phẩm vệ sinh cá nhân gây kích ứng

Nam giới sẽ có nguy cơ bị viêm bàng quang cao hơn nếu bị phì đại tuyến tiền liệt. Tuyến tiền liệt phì đại chèn ép lên niệu đạo và bàng quang, khiến nước tiểu ứ lại trong bàng quang và điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ viêm bàng quang ở cả nam giới và phụ nữ gồm có:

  • Đang hoặc vừa mới bị nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Xạ trị
  • Hóa trị
  • Sử dụng ống thông tiểu
  • Mắc bệnh tiểu đường
  • Sỏi thận
  • Nhiễm HIV
  • Chấn thương cột sống
  • Mắc các bệnh gây cản trở nước tiểu chảy qua đường tiết niệu

Chẩn đoán viêm bàng quang

Trước tiên, người bệnh thường sẽ phải làm xét nghiệm nước tiểu để xác định nguyên nhân gây viêm bàng quang và kiểm tra xem có bị nhiễm trùng đường tiết niệu hay không. Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành nội soi bàng quang và các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh để xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng.

Nội soi bàng quang

Đưa một thiết bị có dạng ống hẹp, dài có gắn camera và đèn chiếu sáng qua niệu đạo để kiểm tra bên trong bàng quang. Bác sĩ có thể sử lấy mẫu mô bàng quang trong quá trình nội soi nếu cần. Thủ thuật này gọi là sinh thiết. Mẫu mô sẽ được đem đi phân tích để tìm dâu hiệu bất thường.

Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh

Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh không phải lúc nào cũng cần thiết nhưng đôi khi cũng giúp ích trong chẩn đoán viêm bàng quang. Ví dụ, chụp X-quang hoặc siêu âm có thể giúp loại trừ các bệnh lý gây ra các triệu chứng tương tự viêm bàng quang, chẳng hạn như vấn đề về cấu trúc hoặc khối u.

Điều trị viêm bàng quang

Thuốc

Thuốc kháng sinh là phương pháp điều trị chính cho bệnh viêm bàng quang do nhiễm khuẩn. Viêm bàng quang kẽ cũng có thể được điều trị bằng thuốc. Loại thuốc cần dùng để điều trị viêm bàng quang kẽ phụ thuộc vào nguyên nhân.

Phẫu thuật

Phẫu thuật có thể điều trị viêm bàng quang nhưng thường không phải là phương pháp điều trị ưu tiên. Phẫu thuật chủ yếu được chỉ định trong những trường hợp viêm bàng quang mạn tính. Nếu viêm bàng quang là do vấn đề về cấu trúc đường tiết niệu thì cũng có thể cần điều trị bằng phẫu thuật.

Các biện pháp khắc phục tại nhà

Một số biện pháp khắc phục tại nhà có thể giúp giảm bớt các triệu chứng khó chịu của viêm bàng quang:

  • Chườm ấm lên bụng hoặc lưng
  • Dùng thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như ibuprofen hoặc acetaminophen
  • Ngâm vùng sinh dục trong nước ấm để làm sạch và giảm đau

Đôi khi, người bệnh có thể kiểm soát các triệu chứng viêm bàng quang tại nhà mà không cần dùng thuốc. Tuy nhiên, những biện pháp này không thể thay thế thuốc kháng sinh trong trường hợp viêm bàng quang do nhiễm trùng đường tiết niệu. Các phương pháp điều trị viêm bàng quang tại nhà phổ biến gồm có:

  • Uống nước ép nam việt quất hoặc dùng viên uống nam việt quất
  • Uống nhiều nước
  • Mặc đồ lót bằng cotton và quần rộng
  • Tránh các loại thực phẩm và đồ uống gây kích thích bàng quang như đồ ăn cay, thực phẩm có tính axit, rượu bia, caffeine,…

Phương pháp điều trị thay thế

Một giải pháp điều trị viêm bàng quang là bơm căng bàng quang, trong đó bàng quang được bơm nước hoặc khí cho đến khi căng lên. Phương pháp này có thể tạm thời làm giảm các triệu chứng.

Một giải pháp nữa là kích thích điện thần kinh, trong đó sử dụng các điện cực truyền xung điện nhẹ đến các dây thần kinh kiểm soát hoạt động của bàng quang. Điều này giúp làm giảm tần suất đi tiểu và giảm đau vùng chậu. Trong những trường hợp viêm bàng quang do xạ trị hoặc hóa trị, bác sĩ có thể sẽ kê thuốc làm sạch bàng quang. Uống nhiều nước để làm tăng lượng nước tiểu cũng sẽ giúp đào thải thuốc hóa trị và phóng xạ khỏi bàng quang nhanh hơn.

Tiên lượng

Tiên lượng của người bị viêm bàng quang nhìn chung thường khá tốt nhưng còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra vấn đề. Điều quan trọng là phải điều trị nguyên nhân gốc rễ càng sớm càng tốt. Nên đi khám ngay khi gặp các triệu chứng viêm bàng quang.

Trong thời gian điều trị viêm bàng quang, người bệnh nên:

  • uống nhiều nước
  • tránh đồ uống chứa caffeine và đồ uống có cồn vì những thứ này gây kích ứng bàng quang
  • đi tiểu thường xuyên, không nhịn tiểu
  • mặc đồ lót bằng cotton và quần rộng rãi

Phòng ngừa viêm bàng quang

Phụ nữ nên lau từ trước ra sau khi đi vệ sinh để tránh đưa vi khuẩn từ hậu môn vào niệu đạo. Ngoài ra, nên tắm vòi sen thay vì tắm bồn. Hàng ngày hãy vệ sinh vùng kín nhẹ nhàng bằng nước hoặc dung dịch vệ sinh dịu nhẹ.

Phụ nữ nên đi tiểu ngay sau khi quan hệ tình dục để loại bỏ vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo. Uống đủ nước cũng là điều rất quan trọng để phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu và viêm bàng quang. Cuối cùng, tránh tất cả các sản phẩm vệ sinh cá nhân có thể gây kích ứng.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Viêm cầu thận: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị
Viêm cầu thận: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị

Viêm cầu thận hay viêm thận là một bệnh lý nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng và cần được điều trị ngay lập tức. Có hai loại viêm cầu thận là viêm cầu thận cấp và viêm cầu thận mạn.

Viêm tuyến tiền liệt mạn tính: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Viêm tuyến tiền liệt mạn tính: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Viêm tuyến tiền liệt có thể là do nhiễm vi khuẩn nhưng không phải lúc nào cũng xác định được nguyên nhân. Viêm tuyến tiền liệt gây ra các triệu chứng khó chịu như nóng rát khi đi tiểu, đi tiểu nhiều lần và đau ở thắt lưng. Viêm tuyến tiền liệt cũng có thể dẫn đến viêm ở vùng chậu.

Viêm tuyến tiền liệt cấp tính: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Viêm tuyến tiền liệt cấp tính: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Loại vi khuẩn gây nhiễm trùng đường tiết niệu và các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) cũng chính là nguyên nhân chính gây viêm tuyến tiền liệt cấp tính. Vi khuẩn có thể đi theo máu đến tuyến tiền liệt.

Viêm cầu thận: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Viêm cầu thận: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Viêm cầu thận (glomerulonephritis) là tình trạng viêm xảy ra ở cầu thận, cấu trúc được tạo thành từ các mạch máu nhỏ trong thận. Điều này khiến thận không thể hoạt động bình thường.

Viêm thận bể thận: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Viêm thận bể thận: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Viêm thận bể thận cấp là tình trạng thận bị nhiễm trùng đột ngột và nghiêm trọng. Tình trạng này khiến cho thận sưng lên và có thể làm hỏng thận vĩnh viễn. Viêm thận bể thận có thể đe dọa đến tính mạng.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây