1

Viêm bàng quang xuất huyết: Nguyên nhân và điều trị

Viêm bàng quang xuất huyết là tình trạng lớp niêm mạc bên trong bàng quang bị viêm, gây ảnh hưởng đến các mạch máu và dẫn đến chảy máu. Một triệu chứng điển hình của viêm bàng quang xuất huyết là nước tiểu có máu (đái máu), kèm theo các triệu chứng viêm bàng quang khác.
Viêm bàng quang xuất huyết: Nguyên nhân và điều trị Viêm bàng quang xuất huyết: Nguyên nhân và điều trị

Viêm bàng quang xuất huyết được chia thành 4 cấp độ hay giai đoạn dựa trên lượng máu trong nước tiểu:

  • Viêm bàng quang xuất huyết độ 1: nước tiểu chỉ có một lượng máu rất nhỏ, không nhìn thấy được bằng mắt thường (đái máu vi thể)
  • Viêm bàng quang xuất huyết độ 2: có thể nhìn thấy máu trong nước tiểu
  • Viêm bàng quang xuất huyết độ 3: nước tiểu có cục máu đông nhỏ
  • Viêm bàng quang xuất huyết độ 4: có các cục máu đông đủ lớn để gây tắc nghẽn và cần phải can thiệp loại bỏ

Nguyên nhân gây viêm bàng quang xuất huyết

Nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm bàng quang xuất huyết nặng và kéo dài là hóa trị và xạ trị. Nhiễm trùng cũng có thể gây ra viêm bàng quang xuất huyết nhưng những nguyên nhân này ít nghiêm trọng hơn, không kéo dài và cũng dễ điều trị hơn.

Một nguyên nhân hiếm gặp của viêm bàng quang xuất huyết là thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất độc hại như thuốc nhuộm anilin hoặc thuốc trừ sâu.

Hóa trị

Một nguyên nhân phổ biến gây viêm bàng quang xuất huyết là do hóa trị liệu, gồm có thuốc hóa trị cyclophosphamide hoặc ifosfamide. Những loại thuốc này phân hủy thành chất độc acrolein trong cơ thể.

Acrolein theo máu đến bàng quang, gây tổn thương niêm mạc bàng quang và dẫn đến viêm bàng quang xuất huyết. Có thể phải sau vài tuần hoặc vài tháng kể từ khi hóa trị thì các triệu chứng mới xuất hiện.

Điều trị ung thư bàng quang bằng vắc xin bacillus Calmette-Guérin (BCG) cũng có thể gây ra viêm bàng quang xuất huyết. BCG là một loại thuốc miễn dịch được đưa trực tiếp vào bàng quang.

Các loại thuốc điều trị ung thư khác, gồm có busulfan và thiotepa, là những nguyên nhân gây viêm bàng quang xuất huyết ít gặp hơn.

Xạ trị

Xạ trị vùng chậu có thể gây tổn thương các mạch máu mang máu đến niêm mạc bàng quang và dẫn đến viêm bàng quang xuất huyết. Xạ trị còn có thể gây loét và hình thành sẹo. Viêm bàng quang xuất huyết có thể xảy ra sau vài tháng hoặc thậm chí vài năm kể từ từ khi xạ trị.

Nhiễm trùng

Các bệnh nhiễm trùng phổ biến có thể gây viêm bàng quang xuất huyết là các bệnh nhiễm trùng do virus như adenovirus, polyomavirus hay herpes simplex virus 2 (HSV-2). Nhiễm trùng do vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng cũng có thể gây viêm bàng quang xuất huyết nhưng ít phổ biến hơn.

Viêm bàng quang xuất huyết do nhiễm trùng chủ yếu xảy ra ở những người có hệ miễn dịch suy yếu do ung thư hoặc các phương pháp điều trị ung thư.

Ai có nguy cơ bị viêm bàng quang xuất huyết?

Những người phải hóa trị hoặc xạ trị vùng chậu có nguy cơ bị viêm bàng quang xuất huyết cao hơn. Xạ trị vùng chậu được thực hiện nhằm điều trị ung thư ở các cơ quan trong khoang chậu như tuyến tiền liệt, cổ tử cung và bàng quang. Thuốc hóa trị cyclophosphamide và ifosfamide được sử dụng để điều trị nhiều loại ung thư, gồm có ung thư hạch, ung thư vú và ung thư tinh hoàn.

Nhóm đối tượng có nguy cơ viêm bàng quang xuất huyết cao nhất là những người phải ghép tủy xương hoặc tế bào gốc vì những người này có thể phải kết hợp cả hóa trị và xạ trị. Các phương pháp điều trị này còn làm giảm khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể. Tất cả những yếu tố này làm tăng nguy cơ viêm bàng quang xuất huyết.

Triệu chứng viêm bàng quang xuất huyết

Triệu chứng chính của viêm bàng quang xuất huyết là tiểu ra máu. Ở giai đoạn 1 của viêm bàng quang xuất huyết, nước tiểu chỉ có một lượng máu rất nhỏ nên người bệnh không nhìn thấy bằng mắt thường. Ở giai đoạn 2 và 3, bàng quang bị chảy máu nặng hơn nên người bệnh sẽ thấy nước tiểu đổi màu hoặc có cục máu đông. Ở giai đoạn 4, cục máu đông trong bàng quang đủ lớn hoặc nhiều để gây cản trở dòng nước tiểu.

Các triệu chứng của viêm bàng quang xuất huyết tương tự như nhiễm trùng đường tiết niệu nhưng nghiêm trọng hơn và kéo dài hơn, gồm có:

  • Đau khi đi tiểu
  • Đi tiểu nhiều lần
  • Buồn tiểu đột ngột
  • Tiểu không tự chủ

Nên đi khám càng sớm càng tốt khi gặp bất kỳ triệu chứng nào kể trên, nhất là khi các triệu chứng kéo dài.

Hãy đến bệnh viện ngay nếu thấy nước tiểu có máu hoặc cục máu đông hoặc không thể đi tiểu. Nhiễm trùng đường tiết niệu hiếm khi gây tiểu ra máu.

Chẩn đoán viêm bàng quang xuất huyết

Bác sĩ có thể nghi ngờ viêm bàng quang xuất huyết nếu người bệnh có các triệu chứng kể trên và có tiền sử hóa trị hoặc xạ trị. Để chẩn đoán viêm bàng quang xuất huyết và loại trừ các nguyên nhân khác, chẳng hạn như ung thư bàng quang hay sỏi bàng quang, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện các xét nghiệm sau:

  • Xét nghiệm máu để kiểm tra dấu hiệu nhiễm trùng, thiếu máu hoặc rối loạn chảy máu
  • Xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra xem có máu, tế bào ung thư hay dấu hiệu nhiễm trùng trong nước tiểu hay không
  • Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như chụp CT, MRI hoặc siêu âm để đánh giá tình trạng bàng quang
  • Nội soi bàng quang để quan sát bên trong bàng quang

Điều trị viêm bàng quang xuất huyết

Việc điều trị viêm bàng quang xuất huyết phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ xuất huyết. Có nhiều phương pháp điều trị khác nhau.

Viêm bàng quang xuất huyết do nhiễm trùng cần điều trị bằng thuốc kháng sinh, thuốc kháng nấm hoặc thuốc kháng virus, tùy vào nguyên nhân gây nhiễm trùng.

Các phương pháp điều trị viêm bàng quang xuất huyết do hóa trị hoặc xạ trị gồm có:

  • Đối với viêm bàng quang xuất huyết giai đoạn đầu, bước điều trị đầu tiên có thể là truyền dịch tĩnh mạch để tăng lượng nước tiểu và làm sạch bàng quang. Người bệnh có thể được kê các loại thuốc như thuốc giảm đau và thuốc làm giãn cơ bàng quang.
  • Nếu xuất huyết nghiêm trọng hoặc có cục máu đông gây tắc nghẽn bàng quang thì sẽ phải đặt ống thông vào bàng quang để loại bỏ cục máu đông và làm sạch bàng quang. Nếu bàng quang vẫn tiếp tục xuất huyết, bác sĩ sẽ tiến hành nội soi bàng quang để tìm những khu vực bị chảy máu và đốt các mạch máu bằng điện hoặc laser để ngăn chảy máu. Một số rủi ro của phương pháp này là sẹo hoặc thủng bàng quang.
  • Người bệnh có thể phải truyền máu nếu tình trạng chảy máu kéo dài và mất quá nhiều máu.
  • Đưa trực tiếp thuốc chứa natri hyaluronidase vào bàng quang. Thuốc này có thể làm giảm chảy máu và giảm đau. Một loại thuốc khác cũng có thể được đưa vào bàng quang để điều trị viêm bàng quang xuất huyết là axit aminocaproic. Một tác dụng phụ của thuốc này là hình thành cục máu đông di chuyển khắp cơ thể.
  • Bơm thuốc gây kích thích và sưng quanh mạch máu vào bàng quang để ngăn chảy máu. Những loại thuốc này gồm có bạc nitrat, alum, phenol và formalin. Tác dụng phụ của các loại thuốc này là sưng bàng quang và cản trở dòng nước tiểu.
  • Liệu pháp oxy cao áp (hyperbaric oxygen): người bệnh được đưa vào buồng oxy và hít thở oxy tinh khiết. Phương pháp điều trị này giúp làm tăng lượng oxy, nhờ đó chữa lành tổn thương và cầm máu. Người bệnh có thể cần điều trị bằng liệu pháp oxy cao áp hàng ngày trong thời gian lên đến 40 ngày.

Nếu các phương pháp điều trị khác đều không hiệu quả thì còn một giải pháp là nút mạch. Trong thủ thuật này, bác sĩ đặt ống thông vào mạch máu gây xuất huyết trong bàng quang, sau đó bơm chất làm tắc nghẽn mạch máu qua ống thông, từ đó làm ngừng chảy máu. Người bệnh có thể sẽ bị đau sau thủ thuật này.

Giải pháp cuối cùng để điều trị viêm bàng quang xuất huyết nghiêm trọng là phẫu thuật cắt bàng quang. Một số rủi ro của phẫu thuật cắt bàng quang là đau, chảy máu và nhiễm trùng. Sau khi cắt bỏ bàng quang, bác sĩ sẽ tạo ra một con đường mới để đưa nước tiểu ra ngoài cơ thể, có thể là mở thông niệu quản ra da hoặc tạo bàng quang mới.

Tiên lượng của người bị viêm bàng quang xuất huyết

Tiên lượng phụ thuộc vào giai đoạn và nguyên nhân gây viêm bàng quang xuất huyết. Những trường hợp bị viêm bàng quang xuất huyết do nhiễm trùng thường có tiên lượng tốt. Hầu hết người bị viêm bàng quang xuất huyết do nhiễm trùng đều đáp ứng với điều trị và không gặp vấn đề nào về lâu dài.

Tiên lượng của những trường hợp bị viêm bàng quang xuất huyết do các phương pháp điều trị ung thư sẽ khác với viêm bàng quang xuất huyết do nhiễm trùng. Có thể phải sau nhiều tuần, nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm sau khi điều trị thì các triệu chứng mới xuất hiện và các triệu chứng thường kéo dài.

Có nhiều phương pháp điều trị viêm bàng quang xuất huyết do xạ trị hoặc hóa trị. Trong hầu hết các trường hợp, viêm bàng quang xuất huyết đáp ứng với điều trị và các triệu chứng sẽ cải thiện sau khi điều trị bệnh ung thư.

Nếu các phương pháp điều trị khác không hiệu quả, phẫu thuật cắt bàng quang có thể trị dứt điểm viêm bàng quang xuất huyết. Sau phẫu thuật, khả năng tiểu tiện của người bệnh sẽ có sự thay đổi. Tuy nhiên, rất hiếm khi cần phải cắt bàng quang để điều trị viêm bàng quang xuất huyết.

Phòng ngừa viêm bàng quang xuất huyết

Không có cách nào có thể phòng ngừa viêm bàng quang xuất huyết một cách tuyệt đối mà chỉ có thể giảm thiểu nguy cơ. Uống nhiều nước trong quá trình xạ trị hoặc hóa trị sẽ giúp loại bỏ hóa chất và phóng xạ khỏi bàng quang.

Trong quá trình điều trị ung thư, bác sĩ sẽ có những cách để giảm nguy cơ viêm bàng quang xuất huyết. Nếu phải xạ trị ở vùng chậu, việc hạn chế phạm vi và liều lượng phóng xạ có thể giúp phòng ngừa viêm bàng quang xuất huyết.

Một cách khác để giảm nguy cơ viêm bàng quang xuất huyết là đưa thuốc vào bàng quang để củng cố niêm mạc bàng quang trước khi bắt dầu điều trị. Hai loại thuốc là natri hyaluronate và chondroitin sulfate đã cho thấy kết quả khả quan trong việc phòng ngừa viêm bàng quang xuất huyết.

Giảm nguy cơ viêm bàng quang xuất huyết do hóa trị đơn giản hơn so với xạ trị. Các biện pháp phòng ngừa gồm có:

  • Uống nhiều nước trong quá trình điều trị để giữ cho bàng quang luôn đầy. Nước tiểu liên tục được bài tiết ra ngoài sẽ giúp hạn chế sự tiếp xúc với hóa chất. Người bệnh có thể dùng thuốc lợi tiểu để tăng sản xuất nước tiểu.
  • Rửa bàng quang liên tục trong quá trình điều trị
  • Dùng thuốc Mesna qua đường uống hoặc đường tĩnh mạch trước và sau khi điều trị. Thuốc này liên kết với acrolein và làm cho acrolein di chuyển qua bàng quang mà không gây tổn thương.

Không hút thuốc lá trong quá trình hóa trị bằng cyclophosphamide hoặc ifosfamide

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Viêm bàng quang cấp: Nguyên nhân và cách điều trị
Viêm bàng quang cấp: Nguyên nhân và cách điều trị

Viêm bàng quang cấp là tình trạng bàng quang bị viêm đột ngột. Viêm bàng quang cấp đa phần xảy ra do nhiễm trùng đường tiết niệu. Nguyên nhân phổ biến nhất gây nhiễm trùng là do vi khuẩn.

Nguyên nhân và cách điều trị co thắt bàng quang
Nguyên nhân và cách điều trị co thắt bàng quang

Co thắt bàng quang là khi cơ bàng quang đột ngột siết lại một cách không tự chủ, gây ra cảm giác buồn tiểu dù bàng quang chưa đầy. Co thắt bàng quang thường được hiểu là bàng quang tăng hoạt (OAB).

Bàng quang tăng hoạt ở nam giới: Nguyên nhân và cách điều trị
Bàng quang tăng hoạt ở nam giới: Nguyên nhân và cách điều trị

Bàng quang tăng hoạt (OAB) là một vấn đề rất phổ biến. Các triệu chứng điển hình gồm có đi tiểu nhiều lần, tiểu đêm, tiểu gấp và tiểu không tự chủ (són tiểu). Mặc dù phổ biến hơn ở phụ nữ nhưng nam giới cũng có thể bị bàng quang tăng hoạt.

Nhiễm trùng bàng quang: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Nhiễm trùng bàng quang: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Nhiễm trùng bàng quang thường xảy ra do vi khuẩn xâm nhập vào bàng quang. Ở những người có hệ miễn dịch yếu, nhiễm trùng bàng quang có thể xảy ra do nhiễm nấm.

Viêm cầu thận: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị
Viêm cầu thận: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị

Viêm cầu thận hay viêm thận là một bệnh lý nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng và cần được điều trị ngay lập tức. Có hai loại viêm cầu thận là viêm cầu thận cấp và viêm cầu thận mạn.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây