Nguyên nhân và cách điều trị co thắt bàng quang
Bàng quang tăng hoạt còn được gọi là són tiểu cấp kỳ. Triệu chứng điển hình của bàng quang tăng hoạt là đột ngột buồn tiểu dữ dội (tiểu gấp), tiểu nhiều lần và rò rỉ nước tiểu. Nói một cách chính xác, co thắt bàng quang là một triệu chứng còn bàng quang tăng hoạt là một vấn đề lớn hơn và có thể là do những vấn đề khác gây ra.
Co thắt bàng quang có thể là một triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu. Nhiễm trùng có thể xảy ra ở bất cứ đâu trong đường tiết niệu và thường gây đau, nóng rát khi đi tiểu, tiểu gấp, tiểu nhiều lần, tiểu không hết, nước tiểu đục và có mùi bất thường. Phần lớn các trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu đều có thể điều trị khỏi và các triệu chứng sẽ biến mất sau khi hết nhiễm trùng.
Cùng tìm hiểu về nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa co thắt bàng quang.
Triệu chứng co thắt bàng quang
Triệu chứng phổ biến nhất của co thắt bàng quang là tiểu gấp, tình trạng đột nhiên buồn tiểu dữ dội. Cơn co thắt bàng quang có thể dẫn đến rò rỉ nước tiểu, hay còn gọi là tiểu không tự chủ.
Nếu co thắt bàng quang là do nhiễm trùng đường tiết niệu gây ra thì sẽ còn có thêm các triệu chứng khác như:
- Cảm giác đau hoặc nóng rát khi đi tiểu
- Buồn tiểu liên tục nhưng chỉ ra một ít nước tiểu
- Cảm giác tiểu không hết
- Nước tiểu đục hoặc có màu hồng, đỏ
- Nước tiểu có mùi nồng
- Đau vùng chậu
- Mệt mỏi
Co thắt bàng quang còn gây tiểu nhiều lần (8 lần trở lên vào ban ngày và 2 lần trở lên vào ban đêm). Tình trạng tiểu nhiều lần sẽ làm gián đoạn các hoạt động thường ngày và giảm chất lượng giấc ngủ.
Nguyên nhân gây co thắt bàng quang
Co thắt bàng quang phổ biến nhất ở người có tuổi. Sự lão hóa tự nhiên có thể làm xáo trộn hoạt động của cơ bàng quang. Tuy nhiên, không phải lúc nào co thắt bàng quang cũng là do lão hóa. Tình trạng này có thể xảy ra do các vấn đề sức khỏe khác và nếu không được điều trị thì sẽ trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian.
Ngoài nhiễm trùng đường tiết niệu và bàng quang tăng hoạt, co thắt bàng quang còn có thể là do:
- Táo bón mãn tính
- Uống quá nhiều caffeine hoặc rượu bia
- Một số loại thuốc, chẳng hạn như bethanechol và furosemide
- Bệnh tiểu đường
- Suy giảm chức năng thận
- Sỏi bàng quang
- Phì đại tuyến tiền liệt
- Rối loạn thần kinh, chẳng hạn như bệnh Parkinson, bệnh Alzheimer và bệnh đa xơ cứng
- Kích thích do ống thông tiểu
Những người bị hạn chế khả năng di chuyển có thể bị tiểu gấp do không thể nhanh chóng vào nhà vệ sinh khi buồn tiểu. Các triệu chứng cũng có thể xảy ra do không thể làm trống hoàn toàn bàng quang khi đi tiểu.
Nên đi khám nếu thường xuyên bị tiểu gấp để tìm ra nguyên nhân gốc rễ của vấn đề và có phương pháp điều trị thích hợp.
Chẩn đoán nguyên nhân gây co thắt bàng quang
Để chẩn đoán nguyên nhân gây ra các triệu chứng, trước tiên bác sĩ sẽ hỏi về bệnh sử của người bệnh, các loại thuốc mà người bệnh đang dùng và tiến hành khám lâm sàng.
Tiếp theo, người bệnh sẽ phải làm xét nghiệm nước tiểu để xem có vi khuẩn, máu hoặc các dấu hiệu nhiễm trùng khác hay không. Sau khi loại trừ nhiễm trùng, người bệnh sẽ tiếp tục phải trải qua một số bước kiểm tra khác để bác sĩ chẩn đoán các vấn đề về bàng quang. Các bước kiểm tra này gồm có đo lượng nước tiểu tồn dư (lượng nước tiểu còn lại trong bàng quang sau khi đi tiểu), niệu dòng đồ (đo tốc độ dòng tiểu) và đo áp lực bàng quang.
Nếu đã thực hiện các phương pháp này mà vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định khám thần kinh để kiểm tra các vấn đề về cảm giác và một số phản xạ của người bệnh.
Điều trị co thắt bàng quang
Tập cơ sàn chậu và thay đổi lối sống có thể giúp giảm co thắt bàng quang. Nếu không hiệu quả, người bệnh có thể phải dùng thuốc.
Tập cơ sàn chậu
Các bài tập cơ sàn chậu, chẳng hạn như bài tập Kegel, là một biện pháp hiệu quả để điều trị co thắt bàng quang do són tiểu cấp kỳ và són tiểu do tăng áp lực. Để thực hiện bài tập Kegel, hãy siết cơ sàn chậu (giống như khi cố gắng nhịn tiểu hay ngừng tiểu giữa chừng), giữ vài giây, sau đó thả lỏng vài giây rồi lặp lại nhiều lần. Thực hiện bài tập Kegel đều đặn vài lần mỗi ngày sẽ giúp củng cố các cơ hỗ trợ bàng quang.
Thay đổi lối sống
Một số thay đổi về lối sống có thể giúp giải quyết các vấn đề về bàng quang, chẳng hạn như điều chỉnh thói quen uống nước và tránh một số loại thực phẩm, đồ uống nhất định. Nếu nghi ngờ co thắt bàng quang là do một loại thực phẩm nào đó, hãy thử ngừng ăn loại thực phẩm đó rồi từ từ ăn trở lại và theo dõi sự thay đổi các triệu chứng.
Một số loại thực phẩm và đồ uống có thể gây kích thích bàng quang gồm có:
- Trái cây họ cam quýt
- Cà chua và sản phẩm từ cà chua
- Thức ăn cay
- Chất làm ngọt nhân tạo
- Sô cô la
- Đồ uống có ga
- Trà, cà phê
- Rượu bia
Không uống nước trong vòng vài giờ trước khi đi ngủ hoặc trước một sự kiện quan trọng để tránh bị buồn tiểu.
Rèn luyện bàng quang
Người bệnh cũng có thể thử phương pháp rèn luyện bàng quang (bladder training). Cố gắng đi tiêru vào những khoảng thời gian định sẵn trong ngày thay vì đi tiểu ngay mỗi khi cảm thấy buồn. Làm như vậy sẽ giúp rèn bàng quang giữ nước tiểu tốt hơn và giảm số lần phải đi tiểu trong ngày.
Thuốc
Bác sĩ có thể sẽ kê thuốc để giảm co thắt bàng quang, ví dụ như:
- Thuốc chống co thắt, chẳng hạn như tolterodine
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng, chẳng hạn như desipramine
Co thắt bàng quang có chữa khỏi được không?
Thay đổi lối sống và các phương pháp điều trị khác có thể giúp kiểm soát chứng co thắt bàng quang. Nếu co thắt bàng quang là do một bệnh lý khác gây ra, chẳng hạn như nhiễm trùng đường tiết niệu thì sẽ phải điều trị bệnh lý đó. Khi nguyên nhân gốc rễ được giải quyết, tình trạng co thắt bàng quang sẽ chấm dứt hoặc cải thiện.
Hãy đi khám nếu các triệu chứng kéo dài hoặc trở nên trầm trọng hơn. Có thể cần phải thay đổi phương pháp điều trị.
Phòng ngừa co thắt bàng quang
Không thể phòng ngừa co thắt bàng quang một cách tuyệt đối nhưng có thể giảm nguy cơ bằng các cách dưới đây:
- Chú ý đến lượng nước uống: Uống quá nhiều nước sẽ gây tiểu nhiều lần nhưng uống quá ít nước sẽ khiến nước tiểu cô đặc và kích thích bàng quang.
- Hạn chế caffeine và rượu bia: Những loại đồ uống này có đặc tính lợi tiểu nên sẽ làm tăng tần suất đi tiểu va tiểu gấp.
- Hoạt động thể chất: Tập thể dục đều đặn giúp kiểm soát bàng quang tốt hơn. Lối sống ít vận động sẽ làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tiết niệu.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Thừa cân có thể gây áp lực lên bàng quang và làm tăng nguy cơ tiểu không tự chủ.
- Bỏ thuốc lá: Hút thuốc sẽ kích thích bàng quang và gây ho mạn tính. Ho nhiều có thể dẫn đến tiểu không tự chủ.
Viêm bàng quang kẽ (interstitial cystitis) là một tình trạng phức tạp có đặc trưng là viêm mạn tính các lớp cơ bàng quang. Điều này gây ra các triệu chứng như đau hoặc căng tức ở vùng chậu hoặc bụng, tiểu nhiều lần, tiểu gấp và tiểu không tự chủ.
Viêm bàng quang xuất huyết là tình trạng lớp niêm mạc bên trong bàng quang bị viêm, gây ảnh hưởng đến các mạch máu và dẫn đến chảy máu. Một triệu chứng điển hình của viêm bàng quang xuất huyết là nước tiểu có máu (đái máu), kèm theo các triệu chứng viêm bàng quang khác.
Viêm bàng quang thường xảy ra do bàng quang bị nhiễm trùng. Các triệu chứng gồm có buồn tiểu liên tục, ngay cả khi vừa mới đi tiểu, đau khi đi tiểu, tiểu gấp và tiểu ra máu. Nếu không được điều trị, viêm bàng quang có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng.
Nhiễm trùng bàng quang thường xảy ra do vi khuẩn xâm nhập vào bàng quang. Ở những người có hệ miễn dịch yếu, nhiễm trùng bàng quang có thể xảy ra do nhiễm nấm.