1

Viêm cầu thận: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị

Viêm cầu thận hay viêm thận là một bệnh lý nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng và cần được điều trị ngay lập tức. Có hai loại viêm cầu thận là viêm cầu thận cấp và viêm cầu thận mạn.
Viêm cầu thận: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị Viêm cầu thận: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị

Viêm cầu thận là gì?

Viêm cầu thận (Glomerulonephritis) là tình trạng mà cầu thận bị viêm nhiễm. Cầu thận là những cấu trúc được tạo nên từ các mạch máu rất nhỏ bên trong thận có vai trò lọc máu, loại bỏ chất thải và nước thừa. Nếu cầu thận bị tổn thương, thận sẽ không thể hoạt động bình thường và dần dần dẫn đến suy thận.

Viêm cầu thận hay viêm thận là một bệnh lý nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng và cần được điều trị ngay lập tức. Có hai loại viêm cầu thận là viêm cầu thận cấp và viêm cầu thận mạn.

Nguyên nhân gây viêm cầu thận

Viêm cầu thận cấp và mạn là do những nguyên nhân khác nhau gây nên.

Viêm cầu thận cấp

Viêm cầu thận cấp có thể là một phản ứng của cơ thể với các tình trạng nhiễm trùng như viêm họng liên cầu khuẩn hoặc áp xe răng. Nguyên nhân thường là do hệ miễn dịch phản ứng thái quá với vi khuẩn. Nếu là do nguyên nhân này thì bệnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị nhưng nếu không có chuyển biến thì sẽ cần điều trị kịp thời để ngăn ngừa tổn thương về lâu dài cho thận.

Ngoài ra, một số bệnh lý cũng có thể là nguyên nhân kích hoạt viêm cầu thận cấp, gồm có:

  • Viêm họng liên cầu khuẩn
  • Lupus ban đỏ hệ thống
  • Hội chứng Goodpasture hay còn gọi là bệnh kháng thể kháng màng đáy cầu thận. Đây là một bệnh tự miễn hiếm gặp mà trong đó kháng thể tấn công thận và phổi.
  • Thoái hóa tinh bột (amyloidosis), xảy ra khi các protein gây hại tích tụ trong các cơ quan và mô
  • Bệnh u hạt Wegener, một bệnh hiếm gặp gây viêm mạch máu
  • Viêm nút quanh động mạch, một bệnh mà trong đó tế bào tấn công động mạch

Việc lạm dụng các loại thuốc kháng viêm không steroid, như ibuprofen (Advil) và naproxen (Aleve) cũng làm tăng nguy cơ bị viêm cầu thận. Do đó, bạn không nên dùng quá liều lượng và thời gian điều trị được ghi trong hướng dẫn mà không có sự đồng ý của bác sĩ.

Viêm cầu thận mạn

Viêm cầu thận mạn là bệnh phát triển âm thầm trong vài năm mà không bộc lộ hoặc bộc lộ rất ít triệu chứng. Bệnh này thường gây ra những tổn hại không thể phục hồi cho thận và cuối cùng dẫn đến suy thận hoàn toàn.

Không phải lúc nào cũng có thể xác định được nguyên nhân cụ thể gây viêm cầu thận mạn nhưng các bệnh di truyền có thể là nguyên nhân gây bệnh. Viêm thận do di truyền thường xảy ra ở những nam giới trẻ có thị giác và thính giác kém. Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác:

  • Một số bệnh miễn dịch
  • Tiền sử ung thư
  • Tiếp xúc với một số loại dung môi hydrocarbon

Việc từng mắc viêm cầu thận cấp cũng làm tăng nguy cơ bị viêm cầu thận mạn sau này.

Các triệu chứng của viêm cầu thận

Các triệu chứng sẽ phụ thuộc vào loại viêm cầu thận mà bạn mắc phải cũng như là mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Triệu chứng viêm cầu thận cấp

Các triệu chứng ban đầu của viêm cầu thận cấp gồm có:

  • Bọng dưới mắt
  • Ít đi tiểu hơn bình thường
  • Có máu trong nước tiểu, làm cho nước tiểu có màu nâu đỏ
  • Thừa dịch trong phổi, gây ho
  • Tăng huyết áp

Triệu chứng viêm cầu thận mạn

Dạng mạn tính của viêm cầu thận có thể xảy ra mà không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào hoặc cũng có thể đi kèm với các triệu chứng giống như viêm cầu thận cấp nhưng với tốc độ phát triển chậm hơn. Các triệu chứng thường gặp gồm có:

  • Có máu hoặc protein thừa trong nước tiểu, có thể phát hiện khi soi dưới kính hiển vi và xét nghiệm nước tiểu.
  • Tăng huyết áp
  • Sưng ở mắt cá chân và mặt
  • Đi tiểu nhiều vào ban đêm
  • Nước tiểu có bọt, do protein thừa
  • Đau thành bụng
  • Chảy máu cam thường xuyên

Suy thận

Viêm cầu thận có thể tiến triển thành suy thận với các triệu chứng:

  • Người mệt mỏi
  • Chán ăn
  • Buồn nôn và nôn mửa
  • Mất ngủ
  • Da khô, ngứa
  • Chuột rút vào ban đêm

Chẩn đoán viêm cầu thận bằng cách nào?

Bước đầu tiên để chẩn đoán là xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu. Máu và protein trong nước tiểu là những dấu hiệu quan trọng cho thấy bệnh viêm cầu thận. Ngoài ra, phương pháp xét nghiệm này còn giúp phát hiện các yếu tố quan trọng chỉ ra sức khỏe của thận như:

  • Độ thanh thải creatinin
  • Định lượng protein toàn phần trong nước tiểu (total protein)
  • Nồng độ các chất trong nước tiểu
  • Trọng lượng riêng
  • Số lượng tế bào hồng cầu
  • Độ thẩm thấu

Bên cạnh đó sẽ cần làm xét nghiệm máu để phát hiện:

  • Tình trạng thiếu máu hay số lượng hồng cầu thấp
  • Nồng độ albumin cao
  • Nồng độ ure máu cao
  • Nồng độ creatinin cao

Và xét nghiệm miễn dịch để kiểm tra:

  • Kháng thể kháng màng đáy cầu thận (antiglomerular basement membrane antibodies)
  • Kháng thể kháng tương bào bạch cầu đa nhân trung tính (antineutrophil cytoplasmic antibodies)
  • Kháng thể kháng nhân (antinuclear antibodies)
  • Nồng độ bổ thể

Những kết quả xét nghiệm này cho thấy hệ miễn dịch đang làm hỏng thận.

Có thể cần tiến hành sinh thiết thận để xác nhận chẩn đoán. Thủ thuật này được thực hiện bằng cách dùng kim lấy một mẫu nhô nhỏ trong thận và phân tích.

Để hiểu rõ hơn về tình trạng của bệnh thì sẽ còn cần làm thêm các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như:

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan)
  • Siêu âm thận
  • Chụp X-quang lồng ngực
  • Chụp X-quang thận qua đường tĩnh mạch

Điều trị viêm cầu thận

Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào loại viêm cầu thận và nguyên nhân.

Người bị viêm cầu thận cần phải kiểm soát tình trạng cao huyết áp, đặc biệt là khi đây là nguyên nhân gây bệnh. Khi thận không hoạt động bình thường thì sẽ rất khó kiểm soát huyết áp. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ kê thuốc huyết áp, bao gồm các loại thuốc ức chế men chuyển như:

  • captopril
  • lisinopril (Zestril)
  • perindopril (Aceon)

hoặc thuốc ức chế thụ thể angiotensin như:

  • losartan (Cozaar)
  • irbesartan (Avapro)
  • valsartan (Diovan)

Nếu hệ miễn dịch đang tấn công thận thì cần dùng thêm corticosteroid để làm giảm đáp ứng miễn dịch.

Một phương pháp khác để giảm phản ứng viêm do hệ miễn dịch là phương pháp lọc huyết tương (plasmapheresis). Phương pháp này loại bỏ huyết tương trong máu và thay bằng dịch thay thế hoặc huyết tương từ người hiến tặng không chứa kháng thể.

Khi mắc viêm cầu thận mạn, bạn sẽ cần giảm lượng protein, muối và kali trong chế độ ăn uống cũng như là theo dõi lượng chất lỏng nạp vào hàng ngày. Ngoài ra cần bổ sung canxi theo chỉ dẫn của bác sĩ và dùng thuốc lợi tiểu để giảm sưng.

Nếu tình trạng bệnh tiến triển nặng và chuyển sang suy thận thì sẽ cần phải lọc máu ngoài thận hoặc ghép thận.

Các biến chứng của viêm cầu thận

Viêm cầu thận có thể dẫn đến hội chứng thận hư, làm mất đi một lượng lớn protein trong nước tiểu. Điều này gây nên tình trạng cơ thể giữ quá nhiều chất lỏng và muối, sau đó sẽ dẫn đến nhiều vấn đề như cao huyết áp, cholesterol cao và sưng phù khắp cơ thể. Cuối cùng, nếu không được kiểm soát thì hội chứng thận hư sẽ dẫn đến bệnh thận giai đoạn cuối.

Ngoài ra, viêm cầu thận còn gây ra những vấn đề sau:

  • Suy thận cấp
  • Suy thận mạn
  • Mất cân bằng điện giải, chẳng hạn như nồng độ natri hoặc kali quá cao
  • Viêm đường tiết niệu mạn tính
  • Suy tim sung huyết
  • Phù phổi
  • Cao huyết áp
  • Tăng huyết áp ác tính
  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng

Viêm cầu thận có chữa khỏi được không?

Nếu được phát hiện sớm, viêm cầu thận cấp có thể được chữa khỏi và thận có thể hồi phục lại bình thường. Với viêm cầu thận mạn thì việc chẩn đoán và điều trị sớm có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh. Nếu không được điều trị, tình trạng viêm cầu thận sẽ biến chuyển xấu, dẫn đến suy giảm chức năng thận, suy thận mạn và bệnh thận giai đoạn cuối.

Đây đều là những vấn đề mà cuối cùng phải điều trị bằng cách lọc máu ngoài thận hoặc ghép thận.

Dưới đây là các cách để có thể kiểm soát hoặc điều trị viêm cầu thận và ngăn chặn các vấn đề không mong muốn xảy ra sau này:

  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh
  • Giảm lượng muối trong chế độ ăn uống
  • Hạn chế protein
  • Hạn chế lượng kali
  • Bỏ thuốc lá
  •  

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Viêm cầu thận màng: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Viêm cầu thận màng: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Viêm cầu thận màng (membranous glomerulonephritis) là một loại viêm cầu thận. Viêm cầu thận màng xảy ra khi tình trạng viêm các cấu trúc thận gây ảnh hưởng đến chức năng của thận. Viêm cầu thận màng còn được gọi là viêm vi cầu thận màng, viêm cầu thận ngoài màng hay bệnh thận màng.

Viêm Thận Kẽ: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Điều Trị
Viêm Thận Kẽ: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Điều Trị

Viêm thận kẽ là tình trạng viêm xảy ra ở vùng mô giữa các ống thận.

Viêm tuyến tiền liệt mạn tính: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Viêm tuyến tiền liệt mạn tính: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Viêm tuyến tiền liệt có thể là do nhiễm vi khuẩn nhưng không phải lúc nào cũng xác định được nguyên nhân. Viêm tuyến tiền liệt gây ra các triệu chứng khó chịu như nóng rát khi đi tiểu, đi tiểu nhiều lần và đau ở thắt lưng. Viêm tuyến tiền liệt cũng có thể dẫn đến viêm ở vùng chậu.

Viêm tuyến tiền liệt cấp tính: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Viêm tuyến tiền liệt cấp tính: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Loại vi khuẩn gây nhiễm trùng đường tiết niệu và các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) cũng chính là nguyên nhân chính gây viêm tuyến tiền liệt cấp tính. Vi khuẩn có thể đi theo máu đến tuyến tiền liệt.

Ung Thư Thận: Triệu Chứng, Nguyên Nhân, Điều Trị Và Tiên Lượng
Ung Thư Thận: Triệu Chứng, Nguyên Nhân, Điều Trị Và Tiên Lượng

Ung thư thận: Triệu chứng, Nguyên nhân, điều trị và tiên lượng về bệnh lý này ra sao? Thận là cặp cơ quan hình hạt đậu, mỗi quả có kích thước bằng một nắm tay, nằm bên dưới khung xương sườn, đối xứng hai bên cột sống.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây