Viêm Thận Kẽ: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Điều Trị
Chức năng chính của thận là lọc máu để loại bỏ chất thải ra khỏi máu. Các ống thận có chức năng tái hấp thu nước và các chất hữu cơ quan trọng từ máu trong quá trình lọc và bài tiết các chất không cần thiết vào nước tiểu để loại bỏ khỏi cơ thể. Các ống thận có thể bị viêm, sưng lên và gây ra nhiều triệu chứng từ nhẹ đến nặng.
Viêm thận kẽ có thể xảy ra đột ngột (cấp tính) hoặc từ từ và kéo dài (mạn tính).
Triệu chứng viêm thận kẽ
Triệu chứng phổ biến nhất của viêm thận kẽ là giảm lượng nước tiểu. Nhưng trong một số trường hợp, viêm thận kẽ lại làm tăng lượng nước tiểu. Đôi khi, viêm thận kẽ không có triệu chứng.
Các triệu chứng khác của viêm thận kẽ gồm có:
- Sốt
- Tiểu ra máu
- Mệt mỏi, không có sức lực
- Lú lẫn
- Buồn nôn
- Nôn mửa
- Phát ban
- Giữ nước, gây sưng phù và tăng cân
- Bụng đầy hơi
- Tăng huyết áp
Nguyên nhân gây viêm thận kẽ
Có hai loại viêm thận kẽ là viêm thận kẽ cấp tính và viêm thận kẽ mạn tính. Viêm thận kẽ cấp tính thường là kết quả của phản ứng dị ứng. Hầu hết các trường hợp viêm thận kẽ cấp tính là do dị ứng với thuốc. Có hơn 100 loại thuốc khác nhau có thể kích hoạt phản ứng dị ứng gây viêm thận kẽ cấp tính, ví dụ như:
- Thuốc kháng sinh
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID), thường được sử dụng để giảm đau
- Thuốc ức chế bơm proton, nhóm thuốc được dùng để giảm axit dạ dày và điều trị chứng trào ngược dạ dày - thực quản
Người lớn tuổi thường bị dị ứng với thuốc nghiêm trọng hơn người trẻ tuổi. Ở người lớn tuổi, phản ứng dị ứng với thuốc cũng dễ dẫn đến tổn thương thận vĩnh viễn hơn.
Ngoài phản ứng dị ứng, các nguyên nhân khác gây viêm thận kẽ còn có:
- Bệnh tự miễn, chẳng hạn như lupus ban đỏ
- Hạ kali máu (nồng độ kali trong máu thấp)
- Tăng canxi máu (nồng độ canxi trong máu cao)
- Một số bệnh nhiễm trùng
Viêm thận kẽ không do dị ứng có thể là mạn tính hoặc cấp tính. Dạng mạn tính có thể kéo dài vài tháng hoặc lâu hơn. Nguyên nhân thường là do các bệnh lý mạn tính.
Ai có nguy cơ bị viêm thận kẽ?
Người lớn tuổi là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc viêm thận kẽ cấp tính cao nhất. Lý do là vì người lớn tuổi thường phải dùng nhiều loại thuốc. Ngoài ra, người lớn tuổi có thể bị nhầm lẫn khi phải dùng cùng lúc nhiều loại thuốc khác nhau.
Các nhóm đối tượng khác cũng có nguy cơ cao bị viêm thận kẽ gồm có:
- Người thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn
- Người mắc bệnh tự miễn
- Người bị bệnh sarcoidosis (u hạt)
Chẩn đoán viêm thận kẽ
Nếu người bệnh có các dấu hiệu cho thấy thận đang không hoạt động bình thường, bác sĩ sẽ hỏi về bệnh sử cá nhân, gia đình cũng như các loại thuốc mà người bệnh đang dùng, gồm có tần suất và thời gian dùng thuốc.
Người bệnh cần cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc đang dùng, bao gồm cả thuốc giảm đau không kê đơn và thực phẩm chức năng. Những loại thuốc này có thể ảnh hưởng đáng kể đến thận.
Tiếp theo, bác sĩ sẽ nghe tim và phổi. Tích tụ chất lỏng trong phổi là một dấu hiệu thường gặp của bệnh suy thận. Tình trạng này sẽ gây ra những âm thanh bất thường khi nghe phổi. Tăng huyết áp và tăng cân đột ngột cũng là những dấu hiệu chỉ ra các vấn đề về thận.
Sau khi khám lâm sàng, người bệnh sẽ phải làm xét nghiệm máu nhằm đánh giá chức năng thận. Các xét nghiệm máu gồm có:
- Công thức máu toàn bộ
- Xét nghiệm nitơ urê máu (xét nghiệm BUN)
- Xét nghiệm creatinin máu
- Xét nghiệm khí máu, giúp phát hiện sự mất cân bằng axit-bazơ cũng như đo nồng độ oxy và carbon dioxide trong máu
Ngoài ra, người bệnh còn phải làm xét nghiệm nước tiểu và một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh như siêu âm ổ bụng và sinh thiết thận.
Nếu nghi ngờ vấn đề về thận là do tác dụng phụ của thuốc hoặc tương tác thuốc, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh tạm ngừng sử dụng thuốc. Nếu đúng là do thuốc, chức năng thận thường sẽ nhanh chóng trở lại bình thường khi ngừng thuốc.
Điều trị viêm thận kẽ
Việc điều trị viêm thận kẽ phụ thuộc vào nguyên nhân.
Nếu viêm thận kẽ cấp tính là do dị ứng với thuốc thì người bệnh có thể chỉ cần ngừng dùng thuốc mà không cần điều trị gì thêm. Nhưng nếu tình trạng nghiêm trọng thì có thể phải sử dụng thuốc chống viêm. Nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, thận có thể phục hồi hoàn toàn.
Đôi khi, viêm thận kẽ gây tổn thương thận vĩnh viễn trước khi được phát hiện. Tổn thương thận cũng cần được điều trị. Giảm lượng muối trong chế độ ăn uống sẽ giúp giảm tình trạng giữ nước, sưng phù và giảm huyết áp. Thực hiện chế độ ăn ít protein có thể giúp cải thiện chức năng thận.
Những trường hợp suy giảm chức năng thận nghiêm trọng cần phải lọc máu để ngăn tích tụ chất thải trong cơ thể. Người bị suy thận mạn giai đoạn cuối có thể cần phải ghép thận.
Tiên lượng
Tiên lượng của người bị viêm thận kẽ phụ thuộc vào loại viêm thận kẽ và mức độ tổn thương thận.
Trong hầu hết các trường hợp, chức năng thận có thể hồi phục hoàn toàn nếu phản ứng dị ứng hoặc bệnh lý gây viêm thận kẽ được điều trị và chưa gây ra tổn thương thận vĩnh viễn.
Viêm thận bể thận cấp là tình trạng thận bị nhiễm trùng đột ngột và nghiêm trọng. Tình trạng này khiến cho thận sưng lên và có thể làm hỏng thận vĩnh viễn. Viêm thận bể thận có thể đe dọa đến tính mạng.
Viêm cầu thận màng (membranous glomerulonephritis) là một loại viêm cầu thận. Viêm cầu thận màng xảy ra khi tình trạng viêm các cấu trúc thận gây ảnh hưởng đến chức năng của thận. Viêm cầu thận màng còn được gọi là viêm vi cầu thận màng, viêm cầu thận ngoài màng hay bệnh thận màng.
Viêm tuyến tiền liệt có thể là do nhiễm vi khuẩn nhưng không phải lúc nào cũng xác định được nguyên nhân. Viêm tuyến tiền liệt gây ra các triệu chứng khó chịu như nóng rát khi đi tiểu, đi tiểu nhiều lần và đau ở thắt lưng. Viêm tuyến tiền liệt cũng có thể dẫn đến viêm ở vùng chậu.
Loại vi khuẩn gây nhiễm trùng đường tiết niệu và các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) cũng chính là nguyên nhân chính gây viêm tuyến tiền liệt cấp tính. Vi khuẩn có thể đi theo máu đến tuyến tiền liệt.
Ung thư thận: Triệu chứng, Nguyên nhân, điều trị và tiên lượng về bệnh lý này ra sao? Thận là cặp cơ quan hình hạt đậu, mỗi quả có kích thước bằng một nắm tay, nằm bên dưới khung xương sườn, đối xứng hai bên cột sống.