1

Viêm cầu thận: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Viêm cầu thận (glomerulonephritis) là tình trạng viêm xảy ra ở cầu thận, cấu trúc được tạo thành từ các mạch máu nhỏ trong thận. Điều này khiến thận không thể hoạt động bình thường.
Viêm cầu thận: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị Viêm cầu thận: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Cầu thận là các búi mạch có chức năng lọc chất thải và nước dư thừa khỏi máu. Viêm cầu thận là một bệnh lý nghiêm trọng có thể dẫn đến suy thận mạn giai đoạn cuối. Tình trạng này có thể đe dọa đến tính mạng và cần điều trị khẩn cấp.

Viêm cầu thận có thể xảy ra đột ngột (cấp tính) hoặc từ từ và kéo dài (mạn tính). Viêm cầu thận trước đây được gọi là bệnh Bright vì được mô tả lần đầu bởi một vị bác sĩ tên là Richard Bright.

Đọc tiếp để tìm hiểu nguyên nhân gây viêm cầu thận, các triệu chứng, phương pháp chẩn đoán và điều trị.

Nguyên nhân gây viêm cầu thận

Viêm cầu thận cấp tính và viêm cầu thận mạn tính là do các nguyên nhân khác nhau gây ra.

Viêm cầu thận cấp

Viêm cầu thận cấp có thể là do phản ứng thái quá của hệ miễn dịch với các bệnh nhiễm trùng như viêm họng do liên cầu khuẩn hoặc áp xe răng. Trong những trường hợp này, viêm cầu thận có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Nhưng nếu tình trạng kéo dài thì cần phải điều trị kịp thời để ngăn ngừa tổn thương thận vĩnh viễn.

Một số bệnh có thể gây viêm cầu thận cấp gồm có:

  • Viêm họng do liên cầu khuẩn
  • Lupus ban đỏ hệ thống
  • Hội chứng Goodpasture, một bệnh tự miễn hiếm gặp xảy ra do các kháng thể tấn công thận và phổi
  • Thoái hóa tinh bột (amyloidosis), xảy ra khi các protein bất thường tích tụ trong các cơ quan và mô cơ thể
  • U hạt kèm viêm đa mạch (hay còn gọi là u hạt Wegener), một bệnh hiếm gặp gây viêm mạch máu
  • Viêm động mạch nút hay còn gọi là viêm nút quanh động mạch, một bệnh xảy ra do các tế bào tấn công các động mạch
  • Lạm dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như ibuprofen và naproxen cũng có thể dẫn đến viêm cầu thận. Không nên sử dụng các loại thuốc này vượt quá liều dùng và thời gian khuyến nghị.

Viêm cầu thận mạn tính

Viêm cầu thận mạn có thể xảy ra từ từ trong vài năm mà không có hoặc có rất ít triệu chứng. Viêm cầu thận mạn khiến thận bị tổn thương không thể hồi phục và cuối cùng dẫn đến suy thận mạn giai đoạn cuối.

Viêm cầu thận mạn tính không phải lúc nào cũng có nguyên nhân rõ ràng. Tình trạng này đôi khi là do bệnh di truyền. Viêm thận di truyền thường xảy ra ở nam giới có vấn đề về thị lực và thính lực. Các nguyên nhân khác gồm có:

  • Một số bệnh tự miễn
  • Tiền sử ung thư
  • Tiếp xúc với một số dung môi hydrocacbon

Ngoài ra, viêm cầu thận cấp có thể làm tăng nguy cơ viêm cầu thận mạn sau này.

Triệu chứng của viêm cầu thận

Triệu chứng mà người bệnh gặp phải sẽ tùy thuộc vào dạng viêm cầu thận (mạn tính hay cấp tính) cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Viêm cầu thận cấp

Các triệu chứng ban đầu của viêm cầu thận cấp gồm có:

  • Sưng quanh mắt
  • Đi tiểu ít
  • Máu trong nước tiểu, khiến cho nước tiểu có màu hồng hoặc đỏ
  • Tích tụ dịch trong phổi, gây ho
  • Tăng huyết áp

Viêm cầu thận mạn

Ban đầu, viêm cầu thận mạn thường không có bất kỳ triệu chứng nào. Các triệu chứng sẽ xuất hiện từ từ và tương tự như triệu chứng của viêm cầu thận cấp. Một số triệu chứng thường gặp gồm có:

  • Nước tiểu có máu (lượng máu có thể chỉ rất nhỏ và không phát hiện được bằng mắt thường)
  • Tăng huyết áp
  • Sưng phù ở chân và mặt
  • Đi tiểu nhiều vào ban đêm
  • Nước tiểu có bọt do có nhiều protein
  • Đau bụng
  • Chảy máu cam thường xuyên
  • Suy thận mạn giai đoạn cuối

Viêm cầu thận có thể dẫn đến suy thận mạn giai đoạn cuối. Một số triệu chứng của suy thận mạn giai đoạn cuối gồm có:

  • Mệt mỏi
  • Giảm lượng nước tiểu
  • Tích nước, gây sưng phù
  • Hụt hơi
  • Chán ăn
  • Buồn nôn và nôn mửa
  • Mất ngủ
  • Da ngứa, khô
  • Chuột rút vào ban đêm
  • Lú lẫn
  • Rối loạn nhịp tim

Chẩn đoán viêm cầu thận

Bước đầu tiên trong quá trình chẩn đoán viêm cầu thận là xét nghiệm nước tiểu. Sự hiện diện máu và protein trong nước tiểu là những dấu hiệu chính chỉ ra viêm cầu thận. Đôi khi, viêm cầu thận được phát hiện khi xét nghiệm nước tiểu định kỳ hoặc xét nghiệm nước tiểu để khám một bệnh lý khác.

Các chỉ số xét nghiệm nước tiểu phản ánh tình trạng sức khỏe của thận gồm có:

  • Độ thanh thải creatinin
  • Tổng lượng protein trong nước tiểu
  • Nồng độ nước tiểu
  • Tỷ trọng nước tiểu
  • Số lượng hồng cầu trong nước tiểu
  • Độ thẩm thấu niệu

Ngoài ra, người bệnh có thể còn phải làm xét nghiệm máu. Xét nghiệm máu giúp phát hiện:

  • Thiếu máu (số lượng hồng cầu trong máu thấp)
  • Mức albumin bất thường
  • Nitơ urê máu bất thường
  • Nồng độ creatinin cao

Bác sĩ có thể còn yêu cầu xét nghiệm miễn dịch để kiểm tra:

  • kháng thể kháng màng đáy cầu thận (anti-GBM)
  • kháng thể kháng bào tương của bạch cầu hạt trung tính (ANCA)
  • kháng thể kháng nhân
  • lượng bổ thể

Kết quả của xét nghiệm này giúp phát hiện tổn thương thận do phản ứng tự miễn.

Có thể cần sinh thiết thận để xác nhận chẩn đoán. Sinh thiết thận là thủ thuật lấy một mẫu mô nhỏ từ thận và phân tích dưới kính hiển vi.

Để hiểu rõ hơn về tình trạng bệnh, bác sĩ có thể sẽ đề nghị thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh sau:

  • Chụp CT
  • Siêu âm thận
  • Chụp X-quang lồng ngực
  • Chụp thận tĩnh mạch

Điều trị viêm cầu thận

Việc điều trị tùy thuộc vào loại viêm cầu thận và nguyên nhân gây viêm cầu thận.

Một phương pháp điều trị là kiểm soát cao huyết áp, đặc biệt là khi cao huyết áp là nguyên nhân gây viêm cầu thận. Rất khó kiểm soát huyết áp khi thận không hoạt động bình thường. Trong những trường hợp viêm cầu thận do cao huyết áp, bác sĩ sẽ kê các loại thuốc hạ huyết áp, gồm có thuốc ức chế men chuyển (ACE), chẳng hạn như:

  • captopril
  • lisinopril
  • thuốc perindopril

Một nhóm thuốc điều trị cao huyết áp khác là thuốc ức chế thụ thể angiotensin (ARB), chẳng hạn như:

  • losartan
  • Irbesartan
  • Valsartan

Corticoid (corticosteroid) cũng có thể được sử dụng nếu hệ miễn dịch tấn công thận. Nhóm thuốc này giúp làm giảm phản ứng miễn dịch.

Một phương pháp khác để giảm phản ứng viêm do hệ miễn dịch là lọc huyết tương (plasmapheresis). Phương pháp này loại bỏ huyết tương trong máu và thay thế huyết tương bằng dịch truyền tĩnh mạch hoặc huyết tương hiến tặng không chứa kháng thể.

Đối với viêm cầu thận mạn tính, người bệnh sẽ cần giảm lượng protein, muối và kali trong chế độ ăn uống. Ngoài ra, người bệnh cần theo dõi lượng nước uống hàng ngày. Có thể cần uống bổ sung canxi và dùng thuốc lợi tiểu để giảm sưng phù. Trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể về chế độ ăn uống hoặc thực phẩm chức năng. Nếu cần thiết, người bệnh có thể đến gặp chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn.

Nếu tình trạng viêm cầu thận trở nên trầm trọng và dẫn đến suy thận mạn giai đoạn cuối, người bệnh sẽ phải lọc máu hoặc ghép thận.

Biến chứng của viêm cầu thận

Viêm cầu thận có thể dẫn đến hội chứng thận hư, tình trạng thận bài tiết quá nhiều protein vào nước tiểu, điều này khiến cơ thể bị mất protein, tích nước và muối, dẫn đến tăng huyết áp, cholesterol cao và sưng phù khắp cơ thể. Hội chứng thận hư cần điều trị bằng corticosteroid. Nếu không được kiểm soát, hội chứng thận hư sẽ dẫn đến suy thận mạn giai đoạn cuối.

Ngoài ra, viêm cầu thận còn có thể dẫn đến các biến chứng khác như:

  • Suy thận cấp
  • Mất cân bằng điện giải, chẳng hạn như nồng độ natri hoặc kali quá cao
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu mạn tính
  • Suy tim sung huyết do giữ nước
  • Phù phổi do tích tụ dịch trong phổi
  • Cao huyết áp
  • Tăng huyết áp ác tính, tình trạng huyết áp đột ngột tăng cao quá mức
  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng

Viêm cầu thận có chữa khỏi được không?

Nếu được phát hiện sớm, viêm cầu thận cấp có thể được chữa khỏi và chức năng thận hồi phục về bình thường. Viêm cầu thận mạn không thể chữa khỏi nhưng điều trị sớm và đúng cách có thể giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh. Nếu không được điều trị, viêm cầu thận sẽ tiến triển nặng, làm suy giảm chức năng thận, dẫn đến suy thận mạn và suy thận mạn giai đoạn cuối.

Khi chức năng thận bị suy giảm nghiêm trọng, người bệnh sẽ phải lọc máu hoặc ghép thận.

Sau đây là các cách giúp chức năng thận phục hồi nhanh hơn khi bị viêm cầu thận cấp, ngăn ngừa viêm cầu thận cấp trong tương lai và kiểm soát viêm cầu thận mạn:

  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh.
  • Ăn ít muối
  • Hạn chế protein và kali
  • Không hút thuốc

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Viêm cầu thận màng: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Viêm cầu thận màng: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Viêm cầu thận màng (membranous glomerulonephritis) là một loại viêm cầu thận. Viêm cầu thận màng xảy ra khi tình trạng viêm các cấu trúc thận gây ảnh hưởng đến chức năng của thận. Viêm cầu thận màng còn được gọi là viêm vi cầu thận màng, viêm cầu thận ngoài màng hay bệnh thận màng.

Viêm Thận Kẽ: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Điều Trị
Viêm Thận Kẽ: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Điều Trị

Viêm thận kẽ là tình trạng viêm xảy ra ở vùng mô giữa các ống thận.

Viêm tuyến tiền liệt mạn tính: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Viêm tuyến tiền liệt mạn tính: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Viêm tuyến tiền liệt có thể là do nhiễm vi khuẩn nhưng không phải lúc nào cũng xác định được nguyên nhân. Viêm tuyến tiền liệt gây ra các triệu chứng khó chịu như nóng rát khi đi tiểu, đi tiểu nhiều lần và đau ở thắt lưng. Viêm tuyến tiền liệt cũng có thể dẫn đến viêm ở vùng chậu.

Viêm tuyến tiền liệt cấp tính: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Viêm tuyến tiền liệt cấp tính: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Loại vi khuẩn gây nhiễm trùng đường tiết niệu và các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) cũng chính là nguyên nhân chính gây viêm tuyến tiền liệt cấp tính. Vi khuẩn có thể đi theo máu đến tuyến tiền liệt.

Nhiễm trùng đường tiết niệu ở người lớn: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Nhiễm trùng đường tiết niệu ở người lớn: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Nhiễm trùng đường tiết niệu (viêm đường tiết niệu) là tình trạng nhiễm trùng xảy ra ở các cơ quan trong đường tiết niệu. Triệu chứng phụ thuộc vào khu vực bị nhiễm trùng trong đường tiết niệu.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây