1

Ung thư tuyến tiền liệt kháng cắt tinh hoàn là gì và điều trị bằng cách nào?

Trong những trường hợp bệnh ung thư tuyến tiền liệt tiến triển và trở nên kháng cắt tinh hoàn, còn nhiều phương pháp điều trị khác có thể giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh, mặc dù các phương pháp này không thể chữa khỏi ung thư. Mục tiêu điều trị chính là ngăn ung thư lan từ tuyến tiền liệt đến các bộ phận ở xa trong cơ thể như cột sống, phổi và não (di căn).
Ung thư tuyến tiền liệt kháng cắt tinh hoàn là gì và điều trị bằng cách nào? Ung thư tuyến tiền liệt kháng cắt tinh hoàn là gì và điều trị bằng cách nào?

Ung thư tuyến tiền liệt kháng cắt tinh hoàn là gì?

Ung thư tuyến tiền liệt kháng cắt tinh hoàn (castrate-resistant prostate cancer) là ung thư tuyến tiền liệt ngừng đáp ứng với liệu pháp hormone. Liệu pháp hormone, hay còn được gọi là liệu pháp ức chế androgen (androgen deprivation therapy), làm giảm đáng kể lượng testosterone trong cơ thể người bệnh. Mức testosterone trong quá trình điều trị bằng liệu pháp hormone chỉ tương đương mức testosterone ở những nam giới đã phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn.

Tinh hoàn có chức năng sản xuất hormone androgen, vì vậy nên sau khi cắt bỏ tinh hoàn, lượng androgen sẽ giảm mạnh. Androgen là hormone sinh dục nam. Giảm mức testosterone sẽ giúp làm chậm sự tiến triển của ung thư tuyến tiền liệt. Ở những nam giới mắc ung thư tuyến tiền liệt kháng cắt tinh hoàn, ung thư vẫn tiếp tục tiến triển dù mức testosterone đã giảm.

Trong những trường hợp bệnh ung thư tuyến tiền liệt tiến triển và trở nên kháng cắt tinh hoàn, còn nhiều phương pháp điều trị khác có thể giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh, mặc dù các phương pháp này không thể chữa khỏi ung thư. Mục tiêu điều trị chính là ngăn ung thư lan từ tuyến tiền liệt đến các bộ phận ở xa trong cơ thể như cột sống, phổi và não (di căn).

Ung thư tuyến tiền liệt và liệu pháp hormone

Hầu hết các trường hợp ung thư tuyến tiền liệt hiện nay được chẩn đoán ở giai đoạn đầu khi ung thư vẫn còn giới hạn trong tuyến tiền liệt. Giải pháp điều trị thường là phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt hoặc xạ trị để tiêu diệt các tế bào ung thư.

Trong trường hợp ung thư tái phát sau phẫu thuật hoặc xạ trị hoặc bắt đầu di căn đến các bộ phận ở xa của cơ thể, điều trị bằng thuốc ức chế hormone có thể làm chậm sự tiến triển của ung thư và giảm kích thước khối u. Điều này giúp ngăn ngừa các triệu chứng như tắc nghẽn đường tiết niệu – tình trạng xảy ra khi khối u chèn lên niệu đạo và ngăn nước tiểu chảy từ bàng quang. Liệu pháp hormone còn giúp tăng cường hiệu quả của xạ trị và thu nhỏ kích thước khối u trước khi phẫu thuật.

Hormone sinh dục nam thúc đẩy sự phát triển của khối u ở tuyến tiền liệt. Hormone chính gây ra điều này là testosterone – loại hormone được tạo ra trong tinh hoàn.

Liệu pháp ức chế androgen giúp làm giảm đáng kể lượng testosterone và các nội tiết tố nam khác trong cơ thể, đồng thời ngăn chặn sự tiến triển của bệnh ung thư nhưng điều này chỉ là tạm thời. Vì một vài lý do, các tế bào ung thư tuyến tiền liệt có thể thích nghi với mức androgen thấp hơn bình thường và lại tiếp tục nhân lên. Tình trạng bệnh lúc này được gọi là ung thư tuyến tiền liệt kháng cắt tinh hoàn.

Liệu pháp ức chế androgen

Liệu pháp ức chế androgen làm giảm từ 90 đến 95% mức testosterone và các nội tiết tố nam khác trong cơ thể. Các loại thuốc ức chế androgen can thiệp hoặc ngăn chặn các quá trình kiểm soát sự sản xuất androgen trong cơ thể, nhờ đó ngăn sự nhân lên của các tế bào ung thư tuyến tiền liệt. Những loại thuốc này về cơ bản là một hình thức loại bỏ tinh hoàn bằng phương pháp hóa học. Một số loại thuốc có dạng viên uống và một số có dạng tiêm, được tiêm định kỳ hàng tháng cho đến hàng năm.

Tác dụng làm giảm testosterone của liệu pháp ức chế androgen có thể gây ra nhiều tác dụng phụ, gồm có:

  • Thiếu máu
  • Mệt mỏi
  • Giảm ham muốn tình dục hoặc rối loạn cương dương
  • Cơ thể có những thay đổi “nữ tính hóa” như ngực to lên, rụng lông trên cơ thể và dương vật hoặc bìu nhỏ lại
  • Bốc hỏa và tâm trạng thay đổi thất thường, tương tự như những triệu chứng của thời kỳ mãn kinh ở phụ nữ
  • Suy giảm trí nhớ
  • Buồn bã, chán nản
  • Giảm khối lượng cơ
  • Giảm mật độ và sức mạnh của xương (loãng xương)
  • Núm vú nhạy cảm
  • Tăng cân
  • Thay đổi lipid máu
  • Kháng insulin

Chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt kháng cắt tinh hoàn

Sau khi bắt đầu điều trị bằng liệu pháp hormone, người bệnh sẽ phải tái khám định kỳ để làm xét nghiệm đo mức kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA) trong máu. PSA là một loại protein được sản xuất bởi các tế bào ung thư tuyến tiền liệt. Nếu mức PSA tăng cao trong quá trình điều trị bằng liệu pháp hormone thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy việc điều trị đã không còn hiệu quả và ung thư đã tiến triển thành ung thư tuyến tiền liệt kháng cắt tinh hoàn.

Một dấu hiệu khác cho thấy liệu pháp hormone đã không còn hiệu quả là tế bào ung thư lan ra bên ngoài tuyến tiền liệt hoặc các khối u tăng kích thước.

Điều trị ung thư tuyến tiền liệt kháng cắt tinh hoàn

Sự kết hợp giữa thuốc và các phương pháp điều trị khác có thể làm chậm sự tiến triển của ung thư tuyến tiền liệt kháng cắt tinh hoàn, ngay cả khi ung thư đã di căn.

Người bệnh có thể vẫn phải tiếp tục điều trị bằng liệu pháp hormone để ngăn chặn sự gia tăng mức testosterone tự nhiên, điều này sẽ khiến bệnh ung thư tiến triển nặng hơn.

Liệu pháp hormone mới

Hai liệu pháp hormone mới đã cho thấy những kết quả tích cực trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt kháng cắt tinh hoàn và di căn. Trong các thử nghiệm lâm sàng, những người sử dụng các loại thuốc này đã sống lâu hơn, ngay cả những người đã từng điều trị bằng hóa trị trước đó.

Abiraterone (Zytiga): Loại thuốc này có dạng viên nén, có tác dụng ngăn chặn quá trình sản xuất testosterone trên toàn cơ thể. Zytiga được dùng cùng với prednisone - một loại thuốc chống viêm mạnh.

Enzalutamid (Xtandi): Loại thuốc này cũng có dạng viên nén. Xtandi ngăn androgen thúc đẩy sự phát triển của tế bào ung thư tuyến tiền liệt.

Hóa trị

Một giải pháp điều trị cho những trường hợp ung thư tuyến tiền liệt kháng cắt tinh hoàn là dùng thuốc hóa trị để tiêu diệt trực tiếp các tế bào ung thư. Các loại thuốc hóa trị được dùng phổ biến để điều trị ung thư tuyến tiền liệt kháng cắt tinh hoàn gồm có:

  • docetaxel (Docefrez, Taxotere) cùng với prednisone – một loại thuốc nhóm corticoid (thuốc chống viêm)
  • cabazitaxel (Jevtana) cùng với prednisone
  • mitoxantrone (Novantrone)

Liệu pháp miễn dịch

Trong phương pháp này, bác sĩ sẽ lấy tế bào bạch cầu của chính người bệnh và sử dụng các tế bào này để tạo ra một loại vắc xin dành riêng cho người bệnh. Vắc xin sau đó được tiêm vào máu để giúp hệ miễn dịch tấn công các tế bào ung thư tuyến tiền liệt.

Vắc xin chống ung thư có tên là sipuleucel-T (Provenge). Với liệu pháp này, người bệnh sẽ phải trải qua nhiều buổi điều trị. Liệu pháp miễn dịch thường được sử dụng cho ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối. Phương pháp điều trị này có thể giúp kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.

Điều trị ung thư di căn xương

Ung thư tuyến tiền liệt thường di căn đến xương. Khối u có thể gây gãy xương và đau đớn dữ dội. Trong những trường hợp này, bệnh không còn khả năng chữa khỏi. Các phương pháp điều trị đều nhằm mục đích giảm nhẹ các triệu chứng. Các phương pháp điều trị gồm có:

  • Xạ trị chùm tia bên ngoài: Thiết bị bên ngoài cơ thể chiếu tia phóng xạ đến vị trí có khối u.
  • Denosumab (Xgeva, Prolia): Loại thuốc này giúp giảm tổn thương xương do ung thư tuyến tiền liệt.
  • Radium-233 (Xofigo): Một loại thuốc xạ trị được tiêm vào máu, có tác dụng nhắm đến các tế bào ung thư tuyến tiền liệt trong xương. Radium tích tụ trong các vùng xương nơi đang hình thành các khối u. Chất phóng xạ phát huy tác dụng trong phạm vi rất hẹp, nhờ đó có thể tiêu diệt các tế bào ung thư mà không gây tổn hại nhiều đến mô xương khỏe mạnh xung quanh. Trong một thử nghiệm lâm sàng, những nam giới mắc ung thư tuyến tiền liệt được điều trị bằng radium-233 đã sống lâu hơn vài tháng so với những người được tiêm giả dược (thuốc không chứa hoạt chất).

Kết luận

Có nhiều phương pháp điều trị giúp giảm đau, giảm các vấn đề về tiết niệu và các triệu chứng khác của bệnh ung thư đã di căn ra ngoài tuyến tiền liệt, nhờ đó cải thiện chất lượng cuộc sống và đồng thời kéo dài tuổi thọ cho người bệnh. Bác sĩ sẽ theo dõi sự tiến triển của bệnh và đưa ra phương pháp điều trị mới nếu cần thiết. Các nghiên cứu vẫn đang được tiến hành để tìm ra những phương pháp điều trị mới cho bệnh ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Điều trị phì đại tuyến tiền liệt bằng thuốc không kê đơn và thảo dược
Điều trị phì đại tuyến tiền liệt bằng thuốc không kê đơn và thảo dược

Một trong các phương pháp chính để điều trị phì đại tuyến tiền liệt là dùng thuốc chẹn alpha và thuốc ức chế 5-alpha reductase. Ngoài ra còn có nhiều loại thuốc không kê đơn và thảo dược cũng có tác dụng làm giảm các triệu chứng phì đại tuyến tiền liệt.

Viêm tuyến tiền liệt: Nguyên nhân và cách điều trị
Viêm tuyến tiền liệt: Nguyên nhân và cách điều trị

Viêm tuyến tiền liệt là một tình trạng rất phổ biến ở nam giới, có thể là cấp tính (xảy ra đột ngột và trong thời gian ngắn) hoặc mãn tính (phát triển từ từ và kéo dài).

Điều trị ung thư tuyến tiền liệt bằng xạ trị lập thể định vị thân (SBRT)
Điều trị ung thư tuyến tiền liệt bằng xạ trị lập thể định vị thân (SBRT)

Xạ trị lập thể định vị thân (SBRT) là một loại xạ trị đã được sử dụng khá phổ biến trong khoảng 20 năm trở lại đây để điều trị ung thư tuyến tiền liệt.

Điều trị ung thư tuyến tiền liệt bằng CyberKnife
Điều trị ung thư tuyến tiền liệt bằng CyberKnife

CyberKnife có thể được sử dụng làm phương pháp điều trị bước đầu trong những trường hợp ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn đầu. CyberKnife có thể được kết hợp với liệu pháp hormone nếu như ung thư đã lan sang khu vực mô lân cận. CyberKnife cũng có thể được sử dụng để làm chậm sự tiến triển của ung thư giai đoạn cuối hoặc ung thư tái phát sau điều trị.

Hiệu quả của thuốc kháng androgen trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt di căn
Hiệu quả của thuốc kháng androgen trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt di căn

Thuốc kháng androgen là một nhóm thuốc có tác dụng ức chế hoạt động của hormone androgen – nguyên nhân gây hình thành khối u ác tính ở tuyến tiền liệt.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây