Các triệu chứng kháng insulin
Kháng insulin là gì?
Kháng insulin là khi các tế bào trong cơ, mỡ và gan không phản ứng tốt với hormone insulin và không thể lấy đường (glucose) từ máu một cách hiệu quả để tạo năng lượng, dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao. Lúc này, tuyến tụy phải tạo ra nhiều insulin hơn để kiểm soát lượng đường trong máu nhưng theo thời gian, khả năng sản xuất insulin của tuyến tụy sẽ giảm dần và dẫn đến hậu quả là tăng đường huyết (lượng đường trong máu cao).
Kháng insulin làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Kháng insulin có thể diễn ra âm thầm trong suốt nhiều năm mà không được phát hiện vì tình trạng này thường không biểu hiện bất kỳ triệu chứng đáng chú ý nào. Do đó, điều quan trọng là phải khám sức khỏe định kỳ để xét nghiệm máu kiểm tra mức đường huyết.
Kháng insulin làm tăng nguy cơ:
- Thừa cân
- Triglyceride cao
- Cao huyết áp
- Rối loạn trầm cảm nặng
Triệu chứng của kháng insulin
Những người bị tiền tiểu đường cần thường xuyên theo dõi lượng đường trong máu hay chỉ số A1C (HbA1c) để xem tiền tiểu đường đã tiến triển thành tiểu đường hay chưa.
Các triệu chứng thường gặp của bệnh tiểu đường gồm có:
- Thường xuyên thấy khát hoặc đói
- Cảm thấy đói dù vừa mới ăn
- Đi tiểu nhiều lần
- Cảm giác châm chích ở tay hoặc chân
- Cảm giác mệt mỏi bất thường
- Thường xuyên bị nhiễm trùng
- Lượng đường trong máu cao
Một số người bị kháng insulin còn gặp phải một bệnh về da gọi là bệnh gai đen. Bệnh này có biểu hiện là các mảng da dày, sẫm màu, mịn như nhung ở những vị tri có nếp gấp da như gáy, bẹn và nách.
Một số chuyên gia tin rằng insulin trực tiếp và gián tiếp kích hoạt các thụ thể yếu tố tăng trưởng giống insulin-1(IGF-1) trên các tế bào sừng và nguyên bào sợi của da. Điều này có thể dẫn đến bệnh gai đen. Bệnh gai đen hiện chưa có cách chữa trị khỏi nhưng nếu nguyên nhân là do một vấn đề sức khỏe khác gây ra thì điều trị vấn đề đó sẽ giúp màu da trở lại bình thường.
Cách duy nhất để xác nhận chính xác tiền tiểu đường hoặc tiểu đường là xét nghiệm máu.
Mặc dù các bác sĩ thường không chỉ định xét nghiệm kiểm tra tình trạng kháng insulin nhưng phương pháp chính xác nhất là nghiệm pháp kìm giữ
đẳng đường huyết cường insulin (euglycemic insulin clamp). Phương pháp này thường được sử dụng cho mục đích nghiên cứu.
Chẩn đoán kháng insulin
Xét nghiệm A1C
Một cách để chẩn đoán tiền tiểu đường hoặc bệnh tiểu đường là xét nghiệm A1C hay HbA1C. Xét nghiệm này cho biết mức đường huyết trung bình trong vòng 2 đến 3 tháng trước đó.
Ý nghĩa kết quả xét nghiệm:
- A1C dưới 5,7% là bình thường.
- A1C từ 5,7 đến 6,4% là tiền tiểu đường
- A1C từ 6,5% trở lên là tiểu đường
Có thể bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm lại để xác nhận kết quả. Tùy thuộc vào từng nơi xét nghiệm mà kết quả có thể chênh lệch từ 0,1 đến 0,2%.
Xét nghiệm glucose huyết tương lúc đói
Xét nghiệm glucose huyết tương lúc đói hay xét nghiệm đường huyết lúc đói cho biết lương đường trong máu sau một khoảng thời gian không ăn uống. Bệnh nhân phải nhịn ăn ít nhất 8 tiếng trước khi lấy mẫu máu.
Nếu kết quả xét nghiệm cao hơn bình thường, bệnh nhân có thể sẽ phải xét nghiệm lại sau vài ngày để xác nhận kết quả. Nếu cả hai lần xét nghiệm đều cho kết quả cao thì bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán tiền tiểu đường hoặc tiểu đường.
Ý nghĩa kết quả xét nghiệm:
- Đường huyết lúc đói dưới 100 mg/dL là bình thường
- Từ 100 đến 125 mg/dL là tiền tiểu đường
- Từ 126 mg/dL trở lên là tiểu đường
Tùy thuộc vào nơi xét nghiệm mà kết quả có thể chênh lệch khoảng vài mg/dL. Đây là mức sai số có thể chấp nhận được.
Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống
Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống cũng là một phương pháp chẩn đoán tiền tiểu đường hoặc tiểu đường. Bệnh nhân cũng phải nhịn ăn ít nhất 8 tiếng trước khi xét nghiệm. Khi đến bệnh viện, bệnh nhân sẽ được lấy máu, sau đó uống một loại dung dịch chứa đường và sau 2 tiếng thì lấy máu lần thứ hai để đo lượng đường trong máu.
Ý nghĩa kết quả xét nghiệm:
- Mức đường huyết sau khi uống dung dịch đường dưới 140 mg/dL được coi là bình thường
- Từ 140 - 199 mg/dL là tiền tiểu đường
- Từ 200mg/dL trở lên là tiểu đường
Kiểm tra đường huyết ngẫu nhiên
Kiểm tra đường huyết ngẫu nhiên là phương pháp rất phù hợp với những trường hợp có các triệu chứng tiểu đường nghiêm trọng. Tuy nhiên, Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) không khuyến nghị kiểm tra đường huyết ngẫu nhiên để tầm soát bệnh tiểu đường định kỳ hay để xác định tiền tiểu đường.
Yếu tố nguy cơ của kháng insulin
Việc khám tầm soát bệnh tiểu đường nên được bắt đầu vào khoảng 40 tuổi, cùng với xét nghiệm cholesterol và các xét nghiệm cần thiết khác. Các xét nghiệm này thường được thực hiện khi khám sức khỏe định kỳ.
Tuy nhiên, nên tầm soát bệnh tiểu đường sớm hơn nếu như có các yếu tố nguy cơ sau đây:
- Lối sống ít vận động
- Có mức hdl cholesterol (cholesterol tốt) thấp hoặc mức triglyceride cao
- Có bố mẹ hoặc anh chị em ruột bị bệnh tiểu đường
- Bị cao huyết áp (140/90 mmhg trở lên)
- Có các triệu chứng của tiền tiểu đường
- Có tiền sử tiểu đường thai kỳ (bệnh tiểu đường xảy ra trong thời gian mang thai)
- Phụ nữ từng sinh con nặng hơn 4kg
- Có tiền sử đột quỵ
- Trẻ em và thanh thiếu niên từ 10 đến 18 tuổi cũng nên tầm soát bệnh tiểu đường nếu bị thừa cân và có từ hai yếu tố nguy cơ trở lên.
Phòng ngừa kháng insulin
Có thể ngăn tiền tiểu đường tiến triển thành bệnh tiểu đường bằng các thay đổi về lối sống sau:
- Tập thể dục đều đặn ít nhất 5 ngày một tuần, mỗi ngày 30 phút.
- Thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, giàu chất dinh dưỡng.
- Giảm cân nếu thừa cân. Chỉ cần giảm 7% khối lượng cơ thể là đã có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
- Duy trì lối sống lành mạnh là cách tốt nhất để giữ ổn định lượng đường trong máu trong phạm vi khuyến nghị.
Bệnh tiểu đường có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, gây ra các vấn đề về mắt, thận và da... Bệnh tiểu đường còn có thể dẫn đến rối loạn cương dương và các vấn đề về tiết niệu ở nam giới.
Tiểu đường type 2 là một bệnh mãn tính có đặc trưng là lượng đường (glucose) trong máu cao hơn mức bình thường. Nhiều người mắc bệnh tiểu đường type 2 không gặp phải bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, căn bệnh này có nhiều triệu chứng phổ biến và việc nhận biết các triệu chứng này là rất quan trọng. Hầu hết các triệu chứng của bệnh tiểu đường type 2 xảy ra khi lượng đường trong máu tăng cao bất thường.
Bệnh tiểu đường type 1 thường bắt đầu xảy ra trong độ tuổi từ 4 đến 7 và 10 đến 14. Nếu không được điều trị, bệnh tiểu đường type 1 có thể dẫn đến tăng đường huyết hoặc lượng đường trong máu cao và nhiễm toan ceton.
Các triệu chứng ban đầu của bệnh tiểu đường ở mỗi người không hoàn toàn giống nhau. Bên cạnh các triệu chứng thường gặp như thường xuyên khát nước, đi tiểu nhiều lần, đói liên tục…, bệnh tiểu đường còn có nhiều triệu chứng khác, ít phổ biến hơn.
Để chẩn đoán bệnh tiểu đường type 2, bác sĩ thường sẽ chỉ định một số xét nghiệm máu khác nhau. Thông thường, người bệnh sẽ phải làm xét nghiệm ít nhất hai lần để xác nhận chẩn đoán. Hầu hết mọi người đều đi khám bệnh tiểu đường khi tuổi tác cao hoặc có các yếu tố nguy cơ khác.