1

Các triệu chứng phổ biến nhất của tiểu đường type 1 ở trẻ em

Bệnh tiểu đường type 1 thường bắt đầu xảy ra trong độ tuổi từ 4 đến 7 và 10 đến 14. Nếu không được điều trị, bệnh tiểu đường type 1 có thể dẫn đến tăng đường huyết hoặc lượng đường trong máu cao và nhiễm toan ceton.
Các triệu chứng phổ biến nhất của tiểu đường type 1 ở trẻ em Các triệu chứng phổ biến nhất của tiểu đường type 1 ở trẻ em

Tiểu đường type 1 là một bệnh tự miễn xảy ra do hệ miễn dịch của cơ thể phá hủy các tế bào tạo insulin trong tuyến tụy.

Insulin là hormone báo cho các tế bào máu hấp thụ glucose (đường), nhờ đó giúp điều hòa lượng đường trong máu. Khi không có đủ insulin, lượng đường trong máu sẽ tăng cao và gây tổn hại lâu dài cho cơ thể.

Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (the American Diabetes Association), năm 2012 có gần 18.000 trẻ em được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường type 1.

Triệu chứng tiểu đường type 1 ở trẻ em

Các triệu chứng phổ biến nhất của bệnh tiểu đường type 1 ở trẻ em gồm có:

  • Thường xuyên cảm thấy khát và đói
  • Sụt cân không rõ lý do
  • Đi tiểu liên tục
  • Nhìn mờ

Các triệu chứng phổ biến khác còn có:

  • Buồn nôn và nôn trớ
  • Đau bụng
  • Thường xuyên mệt mỏi, uể oải
  • Hơi thở có mùi trái cây hoặc mùi acetone
  • Vết thương lâu lành

Ngoài các triệu chứng trên, các bé gái còn có thêm triệu chứng là nhiễm nấm âm đạo tái phát thường xuyên.

Dưới đây là các triệu chứng tiểu đường type 1 ở từng nhóm tuổi.

Trẻ dưới 1 tuổi

Bệnh tiểu đường type 1 thường khó phát hiện trong giai đoạn từ 0 – 3 tuổi vì trẻ không có khả năng biểu đạt các triệu chứng một cách chính xác.

Liên tục phải thay tã cho trẻ sơ sinh là dấu hiệu cho thấy trẻ đi tiểu nhiều hơn bình thường, đây là một triệu chứng phổ biến của bệnh tiểu đường.

Ở một số trẻ sơ sinh, tình trạng hăm tã tái đi tái lại mà không khỏi cũng là một dấu hiệu của bệnh tiểu đường type 1.

Trẻ 1 – 3 tuổi

Nếu nhận thấy rằng trẻ thường xuyên tè dầm, đặc biệt là sau khi trẻ cai bỉm và tự đi vệ sinh, thì đó có thể là một triệu chứng của bệnh tiểu đường type 1.

Trẻ đột ngột ăn kém cũng có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường và cần đưa trẻ đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.

Trẻ lớn và thiếu niên

Nếu trẻ lớn hoặc thiếu niên có bất kỳ triệu chứng nào kể trên thì nên đưa trẻ đi khám bác sĩ.

Ở trẻ lớn và thiếu niên, một số thay đổi hành vi và thay đổi tâm trạng thất thường có thể là một triệu chứng của bệnh tiểu đường type 1.

Chẩn đoán tiểu đường type 1 ở trẻ em

Bệnh tiểu đường type 1 thường bắt đầu xảy ra trong độ tuổi từ 4 đến 7 và 10 đến 14.

Nếu nghi ngờ trẻ bị tiểu đường type 1, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các xét nghiệm dưới đây để xác nhận. Những xét nghiệm này cũng được sử dụng để chẩn đoán bệnh tiểu đường ở người lớn.

  • Xét nghiệm glucose huyết tương lúc đói: Xét nghiệm này được thực hiện sau khi nhịn ăn ít nhất 8 tiếng. Bệnh nhân được lấy máu để đo mức đường huyết. Nếu hai lần lấy máu đều cho kết quả đường huyết từ 126 mg/dL trở lên thì có thể xác nhận bệnh tiểu đường.
  • Xét nghiệm glucose huyết tương ngẫu nhiên: Xét nghiệm này không cần phải nhịn ăn. Bệnh nhân được lấy máu vào một thời điểm ngẫu nhiên trong ngày và đo mức đường huyết. Nếu mức đường huyết từ 200 mg/dL trở lên và có các triệu chứng của bệnh tiểu đường type 1 thì có thể xác nhận bệnh tiểu đường.
  • Xét nghiệm A1C: Xét nghiệm A1C đo lượng hemoglobin glycated trong máu, có nghĩa là hemoglobin có gắn glucose. Vì tuổi thọ của hemoglobin là khoảng 3 tháng nên xét nghiệm này có thể cho bác sĩ biết mức đường huyết trung bình trong khoảng thời gian 3 tháng gần nhất. Mức A1C từ 6,5% trở lên cho thấy bệnh tiểu đường.
  • Xét nghiệm ICA hay xét nghiệm tự kháng thể kháng tiểu đảo: Ở bệnh tiểu đường type 1, sự hiện diện của các tự kháng thể kháng tiểu đảo cho thấy rằng cơ thể đang có phản ứng miễn dịch với các tế bào tiểu đảo trong tuyến tụy – đây là các tế bào có nhiệm vụ sản xuất insulin. Mặc dù các tự kháng thể này không phải là nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường type 1 nhưng chúng đã được chứng minh là một dấu hiệu của bệnh.
  • Xét nghiệm ceton: Trong những trường hợp mắc bệnh tiểu đường không được kiểm soát, lượng ceton cao đi kèm lượng đường trong máu cao có thể dẫn đến nhiễm toan ceton - một tình trạng đe dọa đến tính mạng. Bệnh nhân có thể tự kiểm tra nồng độ ceton tại nhà bằng que thử nước tiểu. Nếu như nồng độ ceton cao hơn bình thường thì nên đến bệnh viện khám.

Điều trị tiểu đường type 1 ở trẻ em

Nếu không được điều trị, bệnh tiểu đường type 1 có thể dẫn đến tăng đường huyết hoặc lượng đường trong máu cao và nhiễm toan ceton. Do đó, bố mẹ hoặc người chăm sóc cần biết các lựa chọn điều trị khi trẻ mắc tiểu đường type 1.

Insulin hàng ngày

Insulin là một phương pháp điều trị cần thiết cho bệnh tiểu đường type 1. Có một số loại insulin khác nhau, gồm có:

  • Insulin thường xuyên, tác dụng ngắn
  • Insulin tác dụng nhanh
  • Insulin tác dụng tức thì
  • Insulin tác dụng kéo dài

Các loại insulin này khác nhau về tốc độ phát huy tác dụng và thời gian duy trì hiệu quả. Bác sĩ sẽ chỉ định loại insulin phù hợp nhất.

Cách sử dụng insulin

Có hai cách để đưa insulin vào cơ thể: tiêm hoặc sử dụng máy bơm.

Insulin dạng tiêm được tiêm trực tiếp dưới da, nhiều lần trong ngày để đáp ứng nhu cầu insulin khi cần thiết trong khi máy bơm insulin tự động bổ sung insulin tác dụng nhanh cho cơ thể trong suốt cả ngày.

Ngoài sử dụng insulin, máy đo đường huyết liên tục (continuous glucose monitoring - CGM) cũng có thể được sử dụng riêng biệt hoặc như một phần của máy bơm insulin. Máy đo đường huyết liên tục gồm có một cảm biến dưới da liên tục theo dõi lượng đường trong máu. Máy sẽ cảnh báo khi lượng đường trong máu ở mức quá cao hoặc quá thấp.

Điều chỉnh chế độ ăn uống

Điều chỉnh chế độ ăn uống là một điều vô cùng quan trọng trong điều trị tiểu đường type 1.

Các hướng dẫn về chế độ ăn uống dành cho người bị tiểu đường type 1 đều khuyến nghị kiểm soát lượng carbohydrate (carb) và thay đổi thời gian ăn uống.

Tính toán lượng carbohydrate là điều cần thiết để biết lượng insulin cần sử dụng.

Việc thay đổi thời gian của các bữa ăn trong ngày cũng có thể giúp giữ ổn định lượng đường trong máu mà không gây tăng hay hạ đường huyết.

Một điều quan trọng mà những người mắc bệnh tiểu đường type 1 cần biết là vẫn có thể ăn carbohydrate nhưng nên chọn những thực phẩm chứa carb phức tạp với nhiều chất xơ vì chất xơ giúp làm chậm quá trình hấp thụ glucose vào cơ thể. Trái cây, rau củ và ngũ cốc nguyên hạt là những nguồn cung cấp carbohydrate lành mạnh cho người bị tiểu đường.

Thay đổi lối sống

Bệnh tiểu đường type 1 hiện vẫn chưa có cách chữa trị nên cần phải kiểm soát suốt đời.

Nếu trẻ bị tiểu đường type 1, bố mẹ hoặc người chăm sóc cần cho trẻ đi xét nghiệm máu và nước tiểu định kỳ để theo dõi tình trạng sức khỏe.

Hãy khuyến khích trẻ hoạt động thể chất thường xuyên, điều này có thể giúp giữ đường huyết ổn định.

Điều quan trọng là phải biết mức đường huyết của trẻ trước, trong và sau khi tập thể dục để đảm bảo đường huyết không xuống quá thấp.

Khi nào cần đưa trẻ đi khám?

Nếu nhận thấy trẻ có các dấu hiệu của bệnh tiểu đường type 1 thì cần đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay để kiểm tra. Bác sĩ sẽ đánh giá bệnh sử của trẻ và thực hiện các xét nghiệm cần thiết để xác định xem trẻ có bị tiểu đường type 1 hay không.

Bệnh tiểu đường không được kiểm soát có thể gây tổn hại đến các cơ quan và dẫn đến nhiều biến chứng, vì vậy những trẻ bị tiểu đường cần được phát hiện và bắt đầu điều trị càng sớm càng tốt.

Tóm tắt bài viết

Tiểu đường type 1 là một bệnh tự miễn thường bắt đầu xảy ra khi còn nhỏ.

Các triệu chứng tiểu đường type 1 ở trẻ em gồm có thường xuyên cảm thấy đói và khát, đi tiểu nhiều, hơi thở có mùi trái cây,...

Mặc dù chưa có cách chữa khỏi căn bệnh này nhưng có thể kiểm soát bằng insulin, điều chỉnh chế độ ăn uống và thay đổi lối sống.

Nếu nhận thấy các dấu hiệu tiểu đường type 1 ở trẻ thì hãy đưa trẻ đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Nhận biết các triệu chứng tiểu đường type 2
Nhận biết các triệu chứng tiểu đường type 2

Tiểu đường type 2 là một bệnh mãn tính có đặc trưng là lượng đường (glucose) trong máu cao hơn mức bình thường. Nhiều người mắc bệnh tiểu đường type 2 không gặp phải bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, căn bệnh này có nhiều triệu chứng phổ biến và việc nhận biết các triệu chứng này là rất quan trọng. Hầu hết các triệu chứng của bệnh tiểu đường type 2 xảy ra khi lượng đường trong máu tăng cao bất thường.

Các triệu chứng tiểu đường type 2 ở trẻ em
Các triệu chứng tiểu đường type 2 ở trẻ em

Từ trước đến nay, tiểu đường type 2 vẫn được coi là một căn bệnh chỉ xảy ra ở người lớn và trên thực tế, bệnh lý này còn từng được gọi là bệnh tiểu đường khởi phát ở tuổi trưởng thành. Tuy nhiên hiện nay, tiểu đường type 2 đang ngày càng trở nên phổ biến ở trẻ em.

Các biến chứng của bệnh tiểu đường type 2
Các biến chứng của bệnh tiểu đường type 2

Bệnh tiểu đường có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng nếu không được theo dõi và điều trị. Tuy nhiên, bệnh lý này có thể được kiểm soát và điều trị bằng những thay đổi đơn giản trong lối sống và chế độ ăn uống.

6 biến chứng của bệnh tiểu đường type 2
6 biến chứng của bệnh tiểu đường type 2

Người mắc bệnh tiểu đường type 2 cần duy trì các phương pháp điều trị để giữ cho lượng đường trong máu luôn trong phạm vi an toàn, gồm có điều chỉnh chế độ ăn uống, lối sống và dùng thuốc. Nếu không kiểm soát tốt đường trong máu, người bệnh sẽ có nguy cơ gặp phải nhiều biến chứng như bệnh tim mạch, cao huyết áp và các vấn đề ở chân.

Các biến chứng của bệnh tiểu đường type 2 và cách ngăn ngừa
Các biến chứng của bệnh tiểu đường type 2 và cách ngăn ngừa

Bệnh tiểu đường có thể ảnh hưởng đến mọi cơ quan trong cơ thể. Lượng đường trong máu liên tục ở mức cao không được kiểm soát có thể dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe theo thời gian.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây