1

Tiểu đường type 2: Triệu chứng và biện pháp chẩn đoán

Để chẩn đoán bệnh tiểu đường type 2, bác sĩ thường sẽ chỉ định một số xét nghiệm máu khác nhau. Thông thường, người bệnh sẽ phải làm xét nghiệm ít nhất hai lần để xác nhận chẩn đoán. Hầu hết mọi người đều đi khám bệnh tiểu đường khi tuổi tác cao hoặc có các yếu tố nguy cơ khác.
Tiểu đường type 2: Triệu chứng và biện pháp chẩn đoán Tiểu đường type 2: Triệu chứng và biện pháp chẩn đoán

Bệnh tiểu đường là một bệnh lý mãn tính xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc không thể sử dụng insulin một cách hiệu quả. Kết quả là lượng đường trong máu tăng cao và theo thời gian, điều này sẽ dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Mặc dù chưa có cách chữa trị khỏi nhưng bệnh tiểu đường type 2 có thể kiểm soát được. Sau khi xác nhận chẩn đoán, bác sĩ sẽ đưa ra kế hoạch điều trị để giúp người bệnh làm giảm các triệu chứng và duy trì sức khỏe. Chẩn đoán và điều trị sớm là điều rất quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng của bệnh tiểu đường.

Hãy cùng tìm hiểu thêm về các dấu hiệu ban đầu của bệnh tiểu đường type 2, các xét nghiệm thường được thực hiện để chẩn đoán bệnh và cách điều trị.

Các loại bệnh tiểu đường

Có ba loại bệnh tiểu đường chính là tiểu đường thai kỳ, tiểu đường type 1 và bệnh tiểu đường type 2.

Tiểu đường thai kỳ

Tiểu đường thai kỳ là tình trạng lượng đường trong máu tăng cao trong thời gian mang thai. Điều quan trọng là phải kiểm soát tốt bệnh tiểu đường thai kỳ để giảm nguy cơ biến chứng cho mẹ và con.

Bệnh tiểu đường thai kỳ thường tự khỏi sau khi sinh. Tuy nhiên, mắc bệnh tiểu đường thai kỳ sẽ làm tăng nguy cơ tiểu đường type 2 sau này. Sau khi sinh, sản phụ sẽ phải làm xét nghiệm đo đường huyết để đảm bảo không còn mắc bệnh tiểu đường.

Tiểu đường type 1

Những người bị bệnh tiểu đường type 1 không sản xuất insulin trong cơ thể của họ. Do đó, họ cần phải dùng insulin mỗi ngày. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), type 1 chiếm từ 5 đến 10% tổng số trường hợp mắc bệnh tiểu đường. Nó thường được chẩn đoán ở tuổi trưởng thành sớm.

Tiểu đường type 2

Bệnh tiểu đường type 2 có nguyên nhân khác với tiểu đường type 1. Không giống như những người bị tiểu đường type 1, người mắc tiểu đường type 2 vẫn có thể sản xuất insulin nhưng cơ thể lại không thể sử dụng hormone này một cách hiệu quả.

Tiểu đường type 2 chiếm 90 - 95% tổng số các ca bệnh tiểu đường và đôi khi được gọi là bệnh tiểu đường khởi phát ở người lớn. Mặc dù có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng tiểu đường type 2 phổ biến nhất ở người trên 45 tuổi.

Nếu nghi ngờ mình mắc bệnh tiểu đường thì hãy đi khám. Bệnh tiểu đường type 2 không được kiểm soát có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như:

  • Phải cắt cụt bàn chân hoặc cẳng chân
  • Vấn đề về thị lực, thậm chí là mù lòa
  • Bệnh tim
  • Bệnh thận
  • Nhồi máu cơ tim

Bệnh tiểu đường type 2 còn liên quan đến cholesterol cao. Bệnh lý này có thể làm cho LDL hay cholesterol xấu và triglyceride tăng cao trong khi lại làm giảm HDL hay cholesterol tốt. Những thay đổi này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Triệu chứng của bệnh tiểu đường type 2

Một số người đi khám bệnh tiểu đường do nhận thấy có các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh. Các dấu hiệu ban đầu của tiểu đường type 2 gồm có:

  • Đi tiểu nhiều lần trong ngày
  • Thường xuyên cảm thấy khát
  • Mệt mỏi
  • Mờ mắt
  • Vấn đề về da

Một số vấn đề về da đôi khi là dấu hiệu của bệnh tiểu đường, ví dụ như:

  • Vết thương chậm lành: Ảnh hưởng của lượng đường trong máu cao có thể làm giảm khả năng lành vết thương trên da. Điều này có thể dẫn đến nhiễm trùng và loét.
  • Bệnh gai đen: Một bệnh về sắc tố da có triệu chứng là xuất hiện những mảng da sẫm màu, dày và mịn như nhung ở những nơi có nếp gấp da như nách, cổ, bàn tay, đầu gối, bẹn và bên trong khuỷu tay.
  • Mụn thịt: Những cục nhỏ li ti nổi trên bề mặt da, có màu da hoặc màu nâu. Mụn thịt thường hình thành trên mí mắt, nách, cổ và bẹn.
  • Hoại tử mỡ: Đây là tình trạng có những sẩn gồ trên da, sau một thời gian trở thành các mảng da cứng, có màu vàng, nâu hoặc đỏ.
  • Xơ cứng khớp ngón tay, ngón chân: Các khớp ngón tay, ngón chân bị cứng, khiến bệnh nhân khó cử động.
  • U vàng: Những nốt nhỏ, ngứa, gây đau và chuyển sang màu vàng. U vàng có thể xảy ra khi nồng độ triglyceride tăng cao. Thông thường, đa số những người bị u vàng đều mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, tình trạng này cũng có thể xảy ra ở cả những người không bị tiểu đường.
  • Bệnh da do tiểu đường: Có biểu hiện là nổi các đốm màu nâu nhạt hoặc hơi đỏ, thường xuất hiện ở ống chân. Sau một thời gian thì tự khỏi và để lại các vết lõm nhỏ trên da.

Những vấn đề này không phải lúc nào cũng là dấu hiệu chỉ ra bệnh tiểu đường nhưng nếu nhận thấy thì nên đi khám.

Cách chẩn đoán bệnh tiểu đường type 2

Các triệu chứng của bệnh tiểu đường type 2 thường phát triển dần dần. Không phải ai mắc tiểu đường type 2 cũng có triệu chứng nên cần phải thực hiện các xét nghiệm máu để xác nhận chẩn đoán.

Các xét nghiệm máu thường được sử dụng để đo lượng đường (glucose) trong máu:

  • Xét nghiệm A1C (glycated hemoglobin)
  • Xét nghiệm glucose huyết tương lúc đói
  • Xét nghiệm glucose huyết tương ngẫu nhiên
  • Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống

Bác sĩ sẽ chỉ định một hoặc nhiều xét nghiệm máu để khẳng định chẩn đoán. Một xét nghiệm thường sẽ được thực hiện nhiều lần để xác nhận kết quả, trừ khi bệnh nhân có các triệu chứng rõ rệt của bệnh tiểu đường.

Quá trình xét nghiệm đường huyết

Để làm xét nghiệm máu, bệnh nhân sẽ được lấy một mẫu máu nhỏ. Sau đó, mẫu máu được gửi đến phòng xét nghiệm để phân tích.

Một số xét nghiệm kiểm ra bệnh tiểu đường yêu cầu bệnh nhân phải chuẩn bị trước. Ví dụ, bệnh nhân cần phải nhịn ăn trong một khoảng thời gian nhất định trước khi lấy máu. Trước khi đến làm xét nghiệm, bệnh nhân có thể gọi đến bệnh viện để được hướng dẫn cụ thể những gì chuẩn bị cho quá trình xét nghiệm.

Kết quả xét nghiệm đường huyết có thể bị ảnh hưởng bởi tình trạng sức khỏe hoặc các loại thuốc đang dùng. Vì vậy nên bệnh nhân cần cho bác sĩ biết về bất kỳ bệnh lý hay trạng thái căng thẳng đang gặp phải cũng như là tất cả các loại thuốc và thực phẩm chức năng đang dùng.

Ai nên làm xét nghiệm kiểm tra tiểu đường type 2?

Trong nhiều trường hợp, bệnh tiểu đường type 2 được phát hiện từ kết quả xét nghiệm máu định kỳ. Theo khuyến nghị, mọi người nên bắt đầu tầm soát bệnh tiểu đường từ tuổi 45 nhưng nên tầm soát sớm hơn nếu có các yếu tố nguy cơ như:

  • Cao huyết áp
  • Bệnh tim mạch
  • Béo phì hoặc thừa cân
  • Hội chứng buồng trứng đa nang
  • Bệnh gai đen
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường type 2
  • Tiền sử tiểu đường thai kỳ hoặc đã từng sinh con nặng trên 4kg
  • Người da đen, người gốc La tinh/Tây Ban Nha, Châu Á, Mỹ bản địa, người bản địa Alaska hoặc đảo Thái Bình Dương
  • Có mức HDL cholesterol (cholesterol tốt) thấp hoặc mức triglyceride cao
  • Lối sống ít vận động

Việc tầm soát định kỳ gồm có xét nghiệm máu để kiểm tra các dấu hiệu của bệnh tiểu đường.

Cùng tìm hiểu kỹ hơn một số xét nghiệm máu thường được sử dụng để chẩn đoán bệnh tiểu đường.

Xét nghiệm A1C (glycated hemoglobin)

Xét nghiệm A1C là gì?

Xét nghiệm A1C đo mức đường huyết trung bình trong vòng 2 đến 3 tháng gần nhất. Xét nghiệm này còn được gọi là xét nghiệm hemoglobin glycated.

Xét nghiệm A1C đo lượng glucose (đường) gắn với hemoglobin trong máu. Hemoglobin là các protein vận chuyển oxy trong hồng cầu. A1C càng cao thì lượng đường trong máu gần đây càng cao.

Một ưu điểm của xét nghiệm A1C là tiện lợi. Bệnh nhân không cần phải nhịn ăn trước khi làm xét nghiệm này và có thể lấy máu bất cứ lúc nào trong ngày.

Dưới đây là ý nghĩa kết quả xét nghiệm A1C:

  • Dưới 5,7%: Bình thường
  • 5,7 đến 6,4%: Tiền tiểu đường
  • 6,5% trở lên: Tiểu đường

Xét nghiệm A1C cũng được sử dụng để theo dõi tình trạng bệnh của những người đã được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường. Những người bị tiểu đường nên làm xét nghiệm A1C ít nhất 2 lần một năm.

Các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm A1C

Xét nghiệm A1C đo lượng đường gắn với hemoglobin trong máu, trong đó hemoglobin A là loại phổ biến nhất. Tuy nhiên ngoài ra còn có nhiều loại hemoglobin khác, được gọi là các biến thể của hemoglobin. Đôi khi, việc có một biến thể hemoglobin có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm A1C.

Khoảng 7% dân số thế giới mang biến thể hemoglobin bẩm sinh và hầu hết đều không biết về điều này. Một số biến thể của hemoglobin phổ biến hơn ở những người gốc Phi, người Châu Á và người dân Địa Trung Hải.

Việc mang một biến thể hemoglobin có thể khiến kết quả xét nghiệm A1C không chính xác (cao hơn hoặc thấp hơn thực tế). Nếu bác sĩ nhận thấy kết quả xét nghiệm A1C không khớp với các triệu chứng hoặc kết quả của các xét nghiệm khác thì sẽ chỉ định làm xét nghiệm thêm.

Một số vấn đề sức khỏe như thiếu máu, bệnh thận và suy gan cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm A1C. Trong những trường hợp này, bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm lại trước khi đưa ra chẩn đoán.

Xét nghiệm glucose huyết tương lúc đói

Xét nghiệm glucose huyết tương lúc đói đo lượng đường trong máu tại thời điểm lấy mẫu máu. Xét nghiệm này khác với xét nghiệm A1C đo lượng đường trong máu trong một khoảng thời gian dài hơn.

Để thực hiện xét nghiệm glucose huyết tương lúc đói, bệnh nhân sẽ được lấy mẫu máu sau khi nhịn ăn ít nhất 8 tiếng mà thường là qua đêm. Trong khoảng thời gian này, bệnh nhân không được ăn hay uống bất cứ thứ gì trừ nước lọc.

Kết quả xét nghiệm glucose huyết tương lúc đói được biểu thị bằng đơn vị mg/dL (miligam trên decilit).

Dưới đây là ý nghĩa kết quả xét nghiệm glucose huyết tương lúc đói:

  • Lên đến 99 mg/dL: Bình thường
  • 100 đến 125 mg/dL: Tiền tiểu đường
  • 126 mg/dL trở lên: Tiểu đường

Xét nghiệm glucose huyết tương ngẫu nhiên

Còn được gọi là xét nghiệm đường huyết ngẫu nhiên, xét nghiệm glucose huyết tương ngẫu nhiên thường được sử dụng cho những người có các triệu chứng của bệnh tiểu đường. Xét nghiệm đường huyết ngẫu nhiên có thể được thực hiện bất cứ lúc nào trong ngày. Bệnh nhân không cần phải nhịn ăn trước khi lấy máu.

Bất kể bữa ăn gần nhất là khi nào, kết quả xét nghiệm đường huyết ngẫu nhiên từ 200 mg/dL trở lên có nghĩa là đã bị tiểu đường, đặc biệt là khi còn có các triệu chứng của bệnh tiểu đường.

Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống

Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống đo lượng đường trong máu trước và sau khi uống một loại dung dịch có đường được pha chế đặc biệt. Giống như xét nghiệm đường huyết lúc đói, bệnh nhân cũng sẽ phải nhịn ăn qua đêm trước khi thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống.

Trước tiên bệnh nhân sẽ được lấy máu để kiểm tra đường huyết lúc đói. Sau đó, bệnh nhân được cho uống một loại dung dịch có đường. Sau vài tiếng, bệnh nhân được lấy máu một lần nữa để đo lượng đường trong máu.

Xét nghiệm này giúp phát hiện bệnh tiểu đường chính xác hơn các xét nghiệm khác như xét nghiệm đường huyết lúc đói nhưng chi phí lại cao hơn và mất nhiều thời gian hơn.

Dưới đây là ý nghĩa kết quả nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống:

  • Lên đến 140 mg/dL: Bình thường
  • 140 đến 199 mg/dL: Tiền tiểu đường
  • 200 mg/dL trở lên: Tiểu đường

Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống còn có một phiên bản khác được sử dụng để chẩn đoán tiểu đường thai kỳ. Ý nghĩa kết quả xét nghiệm cũng sẽ khác nhau.

Độ chính xác của các xét nghiệm chẩn đoán bệnh tiểu đường

Đôi khi, các xét nghiệm cho kết quả không đồng nhất. Ví dụ, kết quả xét nghiệm đường huyết lúc đói cho thấy bệnh tiểu đường trong khi chỉ số A1C lại nằm trong phạm vi bình thường hoặc ngược lại.

Tại sao lại như vậy? Điều này có thể xảy ra khi các xét nghiệm được thực hiện ở giai đoạn đầu của bệnh tiểu đường và lượng đường trong máu chưa cao đến mức tất cả các xét nghiệm đều phát hiện ra. Kết quả của một số xét nghiệm đường huyết cũng có thể thay đổi hàng ngày do tác động của nhiều yếu tố như căng thẳng hoặc bệnh tật.

Nếu nghi ngờ kết quả không chính xác, bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm lại hoặc thực hiện thêm xét nghiệm khác để xác nhận chẩn đoán.

Hỏi trực tiếp bác sĩ nếu có bất kỳ thắc mắc nào về kết quả xét nghiệm.

Điều trị bệnh tiểu đường type 2

Sau khi xác nhận chẩn đoán tiểu đường type 2, bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị. Các phương pháp chính được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 2 gồm có:

  • Giảm cân nếu thừa cân, béo phì
  • Điều chỉnh chế độ ăn uống
  • Dùng thuốc
  • Đo đường huyết thường xuyên

Điều quan trọng là phải tuân thủ các phương pháp điều trị và tái khám định kỳ theo chỉ định. Trao đổi với bác sĩ về mức đường huyết cần duy trì và tần suất đo đường huyết. Kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên và theo dõi các triệu chứng là những điều cần thiết để đảm bảo sức khỏe tốt về lâu dài.

Tóm tắt bài viết

Những người trên 45 tuổi, đang có các triệu chứng của bệnh tiểu đường hoặc đang có một bệnh lý khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thì nên đi xét nghiệm máu để kiểm tra. Có thể phải làm xét nghiệm nhiều lần để xác nhận chẩn đoán

Nếu mắc bệnh tiểu đường thì cũng đừng quá lo lắng. Mặc dù hiện chưa có cách chữa khỏi bệnh tiểu đường type 2 nhưng bệnh lý này có thể kiểm soát được bằng nhiều phương pháp điều trị hiệu quả, chẳng hạn như dùng thuốc, điều chỉnh chế độ ăn và tích cực tập thể dục. Bác sĩ sẽ đưa ra kế hoạch điều trị cụ thể. Tuân thủ kế hoạch điều trị sẽ giúp kiểm soát mức đường huyết và phòng ngừa các biến chứng của bệnh tiểu đường.

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Nhận biết các triệu chứng tiểu đường type 2
Nhận biết các triệu chứng tiểu đường type 2

Tiểu đường type 2 là một bệnh mãn tính có đặc trưng là lượng đường (glucose) trong máu cao hơn mức bình thường. Nhiều người mắc bệnh tiểu đường type 2 không gặp phải bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, căn bệnh này có nhiều triệu chứng phổ biến và việc nhận biết các triệu chứng này là rất quan trọng. Hầu hết các triệu chứng của bệnh tiểu đường type 2 xảy ra khi lượng đường trong máu tăng cao bất thường.

Các triệu chứng tiểu đường type 2 ở trẻ em
Các triệu chứng tiểu đường type 2 ở trẻ em

Từ trước đến nay, tiểu đường type 2 vẫn được coi là một căn bệnh chỉ xảy ra ở người lớn và trên thực tế, bệnh lý này còn từng được gọi là bệnh tiểu đường khởi phát ở tuổi trưởng thành. Tuy nhiên hiện nay, tiểu đường type 2 đang ngày càng trở nên phổ biến ở trẻ em.

Các biến chứng của bệnh tiểu đường type 2
Các biến chứng của bệnh tiểu đường type 2

Bệnh tiểu đường có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng nếu không được theo dõi và điều trị. Tuy nhiên, bệnh lý này có thể được kiểm soát và điều trị bằng những thay đổi đơn giản trong lối sống và chế độ ăn uống.

6 biến chứng của bệnh tiểu đường type 2
6 biến chứng của bệnh tiểu đường type 2

Người mắc bệnh tiểu đường type 2 cần duy trì các phương pháp điều trị để giữ cho lượng đường trong máu luôn trong phạm vi an toàn, gồm có điều chỉnh chế độ ăn uống, lối sống và dùng thuốc. Nếu không kiểm soát tốt đường trong máu, người bệnh sẽ có nguy cơ gặp phải nhiều biến chứng như bệnh tim mạch, cao huyết áp và các vấn đề ở chân.

Các biến chứng của bệnh tiểu đường type 2 và cách ngăn ngừa
Các biến chứng của bệnh tiểu đường type 2 và cách ngăn ngừa

Bệnh tiểu đường có thể ảnh hưởng đến mọi cơ quan trong cơ thể. Lượng đường trong máu liên tục ở mức cao không được kiểm soát có thể dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe theo thời gian.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây