1

Các biến chứng của bệnh tiểu đường type 2

Bệnh tiểu đường có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng nếu không được theo dõi và điều trị. Tuy nhiên, bệnh lý này có thể được kiểm soát và điều trị bằng những thay đổi đơn giản trong lối sống và chế độ ăn uống.
Các biến chứng của bệnh tiểu đường type 2 Các biến chứng của bệnh tiểu đường type 2

Tiểu đường type 2 là gì?

Tuyến tụy sản xuất ra một loại hormone có tên là insulin. Hormone này giúp vận chuyển đường (glucose) trong máu vào các tế bào để tạo năng lượng. Khi các tế bào phản ứng kém với insulin, đường sẽ tích tụ lại trong máu và dẫn đến đường huyết tăng cao. Lúc này, tuyến tụy sẽ tạo ra nhiều insulin hơn để bù lại nhưng theo thời gian, chức năng sản xuất insulin của tuyến tụy sẽ suy giảm và cơ thể bị thiếu insulin. Điều này dẫn đến tình trạng lượng đường trong máu cao mãn tính và bệnh tiểu đường. Nếu không được kiểm soát tốt, bệnh tiểu đường có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như bệnh thận, bệnh tim mạch và mất thị lực.

Xem thêm: Vai trò của insulin với bệnh tiểu đường

Theo Viện Quốc gia về Bệnh tiểu đường, tiêu hóa và bệnh thận (National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Diseases), bệnh tiểu đường type 2 chủ yếu xảy ra ở người trên 45 tuổi nhưng trong những năm gần đây, số trẻ nhỏ, thiếu niên và người trẻ tuổi mắc bệnh lý này đang ngày một tăng. (1)

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, hơn 37 triệu người ở quốc gia này mắc bệnh tiểu đường và 90 – 95% trong đó là tiểu đường type 2.

Bệnh tiểu đường có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng nếu không được theo dõi và điều trị. Tuy nhiên, bệnh lý này có thể được kiểm soát và điều trị bằng những thay đổi đơn giản trong lối sống và chế độ ăn uống.

Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường type 2 thường phát triển từ từ trong nhiều năm và ở giai đoạn đầu, bệnh thường không biểu hiện triệu chứng. Đó là lý do tại sao nên xét nghiệm đường huyết định kỳ để phát hiện bệnh từ sớm.

Dưới đây là một số dấu hiệu và triệu chứng phổ biến nhất của bệnh tiểu đường type 2:

  • Đi tiểu nhiều lần, đặc biệt là vào ban đêm
  • Liên tục cảm thấy khát và đói
  • Mắt mờ
  • Tê bì hoặc châm chích ở bàn tay hoặc bàn chân
  • Luôn cảm thấy mệt mỏi và thiếu năng lượng
  • Da khô
  • Vết thương chậm lành

Các biến chứng của bệnh tiểu đường

Vấn đề về da

Bệnh tiểu đường nếu không được kiểm soát tốt có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng da do vi khuẩn và nấm.

Các biến chứng về da của bệnh tiểu đường thường gây ra các triệu chứng sau:

  • Đau
  • Ngứa ngáy
  • Phát ban
  • Nổi mụn nước
  • Lẹo trên mí mắt
  • Viêm nnang lông

Để giảm nguy cơ mắc các bệnh về da, hãy tuân thủ phác đồ điều trị bệnh tiểu đường mà bác sĩ đưa ra và chú ý chăm sóc da cẩn thận. Một số bước cần thực hiện để giữ da khỏe mạnh khi mắc bệnh tiểu đường:

  • Giữ da sạch sẽ
  • Dưỡng ẩm cho da
  • Thường xuyên kiểm tra để phát hiện vết thương

Nếu có các dấu hiệu của bệnh về da thì hãy đi khám. Các triệu chứng như phát ban hay nổi mụn nước có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác chứ không chỉ riêng tiểu đường type 2.

Suy giảm thị lực

Theo CDC, bệnh tiểu đường không được kiểm soát tốt có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh về mắt, gồm có:

  • Tăng nhãn áp: áp lực trong mắt tăng cao gây tổn thương dây thần kinh thị giác
  • Đục thủy tinh thể: protein tích tụ, tạo thành các mảng mờ đục ở thủy tinh thể
  • Bệnh võng mạc đái tháo đường: xảy ra khi các mạch máu ở phía sau mắt bị tổn thương

Theo thời gian, những vấn đề này có thể gây suy giảm thị lực. Tuy nhiên, phát hiện và điều trị sớm có thể giúp bệnh nhân duy trì thị lực.

Ngoài việc tuân thủ phác đồ điều trị, bệnh nhân cần khám mắt định kỳ để ngăn ngừa các biến chứng về mắt do tiểu đường.

Tổn thương thần kinh

Theo ADA, khoảng một nửa số người mắc bệnh tiểu đường bị tổn thương thần kinh. Tình trạng này được gọi chung là bệnh thần kinh đái tháo đường.

Bệnh tiểu đường có thể dẫn đến nhiều loại bệnh thần kinh khác nhau, chẳng hạn như bệnh thần kinh ngoại biên – bệnh lý xảy ra do tổn thương các dây thần kinh ở bàn chân, cẳng chân, bàn tay và cánh tay.

Các triệu chứng thường gặp của bệnh thần kinh ngoại biên gồm có:

  • Châm chích
  • Cảm giác nóng, đau buốt hoặc nhói
  • Tăng hoặc giảm cảm giác
  • Yếu cơ
  • Mất điều hòa (giảm khả năng thăng bằng và phối hợp động tác)

Lượng đường trong máu cao còn có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, bàng quang, bộ phận sinh dục cùng một số cơ quan khác và dẫn đến bệnh thần kinh tự chủ với các triệu chứng như:

  • Đầy hơi
  • Khó tiêu
  • Buồn nôn
  • Nôn mửa
  • Tiêu chảy
  • Táo bón
  • Tiểu hoặc đại tiện không tự chủ
  • Thường xuyên nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Rối loạn cương dương
  • Khô âm đạo
  • Chóng mặt
  • Ngất xỉu
  • Tăng hoặc giảm tiết mồ hôi

Biến chứng về thần kinh của bệnh tiểu đường còn có thể xảy ra ở các bộ phận khác của cơ thể như khớp, mặt, mắt và thân trên.

Để giảm nguy cơ mắc bệnh thần kinh đái tháo đường thì điều quan trọng là phải kiểm soát tốt mức đường huyết.

Nếu xuất hiện các triệu chứng của bệnh thần kinh thì hãy đi khám ngay để được kiểm tra chức năng thần kinh. Ngoài ra, người bệnh cũng nên tự kiểm tra bàn chân thường xuyên để phát hiện các dấu hiệu của bệnh thần kinh.

Bệnh thận

Đường huyết ở mức cao trong thời gian dài khiến cho thận phải làm việc nhiều hơn. Theo thời gian, điều này có thể dẫn đến bệnh thận đái tháo đường. Bệnh thận giai đoạn đầu thường không gây ra triệu chứng. Tuy nhiên, bệnh thận giai đoạn cuối có thể gây ra các triệu chứng:

  • Phù nề do tích nước
  • Mất ngủ
  • Ăn không ngon miệng
  • Đau bụng
  • Yếu cơ
  • Tập trung kém

Một số loại thuốc có thể giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh thận.

Để làm giảm nguy cơ mắc bệnh thận đái tháo đường, điều quan trọng là phải kiểm soát mức đường huyết và huyết áp.

Người bệnh cũng nên khám sức khỏe để kiểm tra chức năng thận thường xuyên.

Bệnh tim mạch và đột quỵ

Bệnh tiểu đường type 2 có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ. Nguy cơ sẽ càng cao nếu tình trạng bệnh không được kiểm soát vì lượng đường trong máu cao có thể làm hỏng hệ thống tim mạch.

Theo CDC, những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch cao hơn gấp đôi so với những người không mắc bệnh tiểu đường và theo ADA, bệnh nhân tiểu đường có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn gấp rưỡi. (2)

Các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ gồm có:

  • Tê hoặc yếu cơ ở một bên cơ thể
  • Mất thăng bằng hoặc mất điều hòa
  • Khó nói chuyện
  • Thị lực suy giảm
  • Mơ hồ, không tỉnh táo
  • Chóng mặt
  • Đau đầu

Các dấu hiệu cảnh báo nhồi máu cơ tim:

  • Tức ngực hoặc cảm giác khó chịu ở ngực
  • Khó thở
  • Đổ mồ hôi
  • Chóng mặt
  • Buồn nôn

Nếu bản thân hoặc người xung quanh có các dấu hiệu đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim thì phải gọi cấp cứu hoặc đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất.

Để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ, người mắc bệnh tiểu đường phải kiểm soát tốt mức đường huyết, huyết áp và cholesterol.

Điều quan trọng nữa là phải:

  • ăn uống cân bằng, đủ chất dinh dưỡng
  • hoạt động thể chất thường xuyên
  • không hút thuốc
  • dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ

Cách kiểm soát bệnh tiểu đường type 2

Để kiểm soát tốt bệnh tiểu đường type 2, người bệnh cần:

  • theo dõi huyết áp, đường huyết và mức cholesterol
  • bỏ thuốc lá nếu hút
  • ăn các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, hạn chế thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa và đường
  • cố gắng đạt được và duy trì cân nặng khỏe mạnh
  • tập thể dục đều đặn hàng ngày
  • uống thuốc theo đúng chỉ định

Ai có nguy cơ mắc tiểu đường type 2?

Các triệu chứng của bệnh tiểu đường type 2 không phải khi nào cũng biểu hiện rõ, đặc biệt là ở giai đoạn đầu. Vì vậy điều quan trọng là phải biết các yếu tố nguy cơ của bản thân.

Dưới đây là một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2:

  • Bị béo phì
  • 45 tuổi trở lên
  • Bị tiền tiểu đường
  • Có cha mẹ hoặc anh chị em ruột bị tiểu đường type 2
  • Ít vận động
  • Có tiền sử tiểu đường thai kỳ (bệnh tiểu đường xảy ra trong thời gian mang thai)
  • Phụ nữ từng sinh con nặng trên 4kg

Tóm tắt bài viết

Bệnh tiểu đường type 2 không được kiểm soát tốt có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như mất thị lực, tổn thương thần kinh, bệnh tim mạch và bệnh thận. Tuy nhiên, duy trì đường huyết luôn trong phạm vi khuyến nghị sẽ giúp làm giảm nguy cơ biến chứng.

Các phương pháp điều trị bệnh tiểu đường type 2 gồm có thay đổi lối sống, chẳng hạn như duy trì cân nặng khỏe mạnh và tích cực vận động, ăn uống điều độ lành mạnh và dùng thuốc.

Tổng số điểm của bài viết là: 50 trong 10 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Các triệu chứng phổ biến nhất của tiểu đường type 1 ở trẻ em
Các triệu chứng phổ biến nhất của tiểu đường type 1 ở trẻ em

Bệnh tiểu đường type 1 thường bắt đầu xảy ra trong độ tuổi từ 4 đến 7 và 10 đến 14. Nếu không được điều trị, bệnh tiểu đường type 1 có thể dẫn đến tăng đường huyết hoặc lượng đường trong máu cao và nhiễm toan ceton.

Các biến chứng của bệnh tiểu đường và cách ngăn ngừa
Các biến chứng của bệnh tiểu đường và cách ngăn ngừa

Bệnh tiểu đường hay đái tháo đường có thể khiến lượng đường trong máu quá cao hoặc quá thấp. Điều này có thể dẫn đến bệnh thận, tổn thương thần kinh, các vấn đề về da, mắt và bàn chân.

Tiểu đường type 2: Triệu chứng và biện pháp chẩn đoán
Tiểu đường type 2: Triệu chứng và biện pháp chẩn đoán

Để chẩn đoán bệnh tiểu đường type 2, bác sĩ thường sẽ chỉ định một số xét nghiệm máu khác nhau. Thông thường, người bệnh sẽ phải làm xét nghiệm ít nhất hai lần để xác nhận chẩn đoán. Hầu hết mọi người đều đi khám bệnh tiểu đường khi tuổi tác cao hoặc có các yếu tố nguy cơ khác.

Các triệu chứng bệnh tiểu đường ở nam giới
Các triệu chứng bệnh tiểu đường ở nam giới

Bệnh tiểu đường có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, gây ra các vấn đề về mắt, thận và da... Bệnh tiểu đường còn có thể dẫn đến rối loạn cương dương và các vấn đề về tiết niệu ở nam giới.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây