6 biến chứng của bệnh tiểu đường type 2
Tự chăm sóc tốt cho bản thân là chìa khóa để kiểm soát tình trạng bệnh một cách hiệu quả và giảm nguy cơ biến chứng. Dưới đây là 6 biến chứng phổ biến của bệnh tiểu đường type 2 và các biện pháp để giảm thiểu nguy cơ.
1. Bệnh tim mạch
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), những người bị tiểu đường type 2 có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn. Bệnh tim mạch là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở dân số nói chung nhưng những người mắc bệnh tiểu đường type 2 có nguy cơ cao hơn so với những người không mắc bệnh lý này.
Biết được và giải quyết các yếu tố nguy cơ chính của bệnh tim mạch sẽ giúp làm giảm nguy cơ. Theo CDC, các yếu tố chính làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch gồm có:
- Cao huyết áp
- Cholesterol cao
- Không tập thể dục
- Chế độ ăn uống không lành mạnh
- Hút thuốc
- Thừa cân hoặc béo phì
- Uống quá nhiều rượu bia
Để giảm nguy cơ, hãy cố gắng tập thể dục đều đặn và duy trì chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh. Bên cạnh đó, cần dùng thuốc theo chỉ định để điều trị các tình trạng như cao huyết áp và cholesterol cao.
2. Đột quỵ
Người mắc bệnh tiểu đường type 2 có nguy cơ đột quỵ hay tai biến mạch máu não cao hơn gấp 1,5 lần so với người không mắc bệnh này. (1) Do đó, người bệnh cần nhận biết được các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ như:
- Tê một bên cơ thể
- Chóng mặt
- Đầu óc mơ hồ, không tỉnh táo
- Đau đầu
- Khó nói
- Vấn đề về thị lực
Nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào trong số này thì phải gọi cấp cứu hoặc đến bệnh viện ngay lập tức. Đột quỵ được phát hiện và điều trị càng sớm thì sẽ càng ít gây tổn hại lâu dài đến não.
Tuân thủ nghiêm ngặt kế hoạch điều trị bệnh tiểu đường type 2 có thể giúp giảm nguy cơ đột quỵ. Các thay đổi về lối sống như tập thể dục thường xuyên và ăn uống lành mạnh cũng có thể giúp giảm thiểu nguy cơ.
3. Bệnh thận
Bệnh thận là một biến chứng khác có thể xảy ra ở những người mắc bệnh tiểu đường type 2. Điều này có liên quan đến chức năng lọc máu của thận. Khi lượng đường (glucose) trong máu quá cao, thận sẽ phải làm việc nhiều hơn để loại bỏ lượng đường dư thừa ra khỏi cơ thể và theo thời gian, các mạch máu nhỏ của thận sẽ bị hỏng.
Các triệu chứng của bệnh thận gồm có tích nước, phù nề, suy nhược, buồn nôn, mất ngủ và khó tập trung. Bệnh thận ở giai đoạn đầu thường không biểu hiện triệu chứng và khi xuất hiện những triệu chứng này thì có nghĩa là chức năng thận đã bị suy giảm nghiêm trọng.
Kiểm soát lượng đường trong máu là một điều quan trọng để làm giảm nguy cơ gặp phải biến chứng về thận. Cao huyết áp cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận. Những người bị bệnh tiểu đường và cao huyết áp nên xét nghiệm đánh giá chức năng thận định kỳ.
4. Cao huyết áp
Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), cứ 3 người mắc bệnh tiểu đường type 2 lại có 2 người bị cao huyết áp. Nếu không được điều trị, cao huyết áp sẽ làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ, các vấn đề về thị lực và bệnh thận.
Người bị tiểu đường type 2 nên đi khám thường xuyên để đảm bảo luôn kiểm soát tốt tình trạng bệnh và theo dõi huyết áp. Nói chung, thói quen lối sống lành mạnh có thể giúp kiểm soát huyết áp. Cố gắng ăn uống điều độ, ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên và dành thời gian thư giãn, giảm căng thẳng. Nên ăn các loại ngũ cốc nguyên hạt, hạn chế lượng natri và không sử dụng thuốc lá, rượu bia. Ngoài điều chỉnh chế độ ăn uống và tăng cường vận động, duy trì cân nặng hợp lý hoặc giảm cân nếu thừa cân cũng là điều cần thiết để ổn định huyết áp.
5. Vấn đề về mắt
Những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ cao gặp phải các vấn đề về mắt như tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể và bệnh võng mạc. Bệnh võng mạc đái tháo đường xảy ra khi lượng đường trong máu cao gây tổn thương các mạch máu của võng mạc. Nếu không được điều trị, bệnh võng mạc có thể gây mất thị lực hoàn toàn.
Các phương pháp điều trị bệnh võng mạc mới hiện nay giúp giảm đáng kể nguy cơ mù lòa nhưng tốt hơn hết vẫn nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh ngay từ đầu. Theo dõi và kiểm soát tốt lượng đường trong máu có thể làm giảm nguy cơ bệnh võng mạc đái tháo đường.
6. Các vấn đề ở chân
Bệnh tiểu đường type 2 có thể dẫn đến một số biến chứng xảy ra ở bàn chân. Hầu hết các vấn đề về chân liên quan đến bệnh tiểu đường đều là do tổn thương dây thần kinh, được gọi là bệnh thần kinh đái tháo đường.
Bệnh thần kinh đái tháo đường gây ra cảm giác khó chịu ở bàn chân, chẳng hạn như châm chích, tê bì hay nóng. Bệnh thần kinh đái tháo đường còn làm giảm cảm giác ở bàn chân, khiến cho người bệnh không cảm nhận được nhiệt độ, đau đớn và không biết mình bị thương. Vết thương không được điều trị có thể bị nhiễm trùng, hoại tử và thậm chí phải cắt cụt chân. Trong những trường hợp nghiêm trọng, bệnh thần kinh đái tháo đường còn làm biến dạng bàn chân và ngón chân, khiến người bệnh phải dùng giày hoặc lót giày chuyên dụng.
Nếu mắc bệnh tiểu đường và nhận thấy thay đổi bất thường ở bàn chân nghi là bệnh thần kinh thì cần đi khám ngay. Can thiệp điều trị bệnh thần kinh ngay từ sớm sẽ giúp ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng hơn.
Giữ ổn định đường huyết ở mức khỏe mạnh có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh thần kinh đái tháo đường. Người bệnh cũng nên tập thể dục thường xuyên và đi giày thoải mái. Nếu hút thuốc thì hãy bỏ càng sớm càng tốt.
Tóm tắt bài viết
Người mắc bệnh tiểu đường type 2 có nguy cơ gặp phải một số biến chứng như bệnh tim mạch, cao huyết áp và bệnh thận. Tuy nhiên, tuân thủ đúng phác đồ điều trị và kiểm soát tốt tình trạng bệnh sẽ giúp giảm thiểu đáng kể nguy cơ xảy ra biến chứng.
Duy trì lối sống lành mạnh, chẳng hạn như ăn uống cân bằng, đủ chất, tăng cường hoạt động thể chất, giảm cân nếu thừa cân, không hút thuốc lá và hạn chế rượu bia không những làm giảm nguy cơ biến chứng của bệnh tiểu đường mà còn có lợi cho sức khỏe tổng thể.
Bệnh tiểu đường type 1 thường bắt đầu xảy ra trong độ tuổi từ 4 đến 7 và 10 đến 14. Nếu không được điều trị, bệnh tiểu đường type 1 có thể dẫn đến tăng đường huyết hoặc lượng đường trong máu cao và nhiễm toan ceton.
Bệnh tiểu đường hay đái tháo đường có thể khiến lượng đường trong máu quá cao hoặc quá thấp. Điều này có thể dẫn đến bệnh thận, tổn thương thần kinh, các vấn đề về da, mắt và bàn chân.
Để chẩn đoán bệnh tiểu đường type 2, bác sĩ thường sẽ chỉ định một số xét nghiệm máu khác nhau. Thông thường, người bệnh sẽ phải làm xét nghiệm ít nhất hai lần để xác nhận chẩn đoán. Hầu hết mọi người đều đi khám bệnh tiểu đường khi tuổi tác cao hoặc có các yếu tố nguy cơ khác.
Bệnh tiểu đường có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, gây ra các vấn đề về mắt, thận và da... Bệnh tiểu đường còn có thể dẫn đến rối loạn cương dương và các vấn đề về tiết niệu ở nam giới.