Các triệu chứng bệnh tiểu đường ở nam giới
Bệnh tiểu đường là gì?
Bệnh tiểu đường là một căn bệnh xảy ra do cơ thể không sản xuất đủ insulin, không thể sử dụng insulin một cách hiệu quả hoặc cả hai. Ở những người mắc bệnh tiểu đường, lượng đường trong máu (đường huyết) ở mức cao hơn bình thường. Điều này có thể gây ra các biến chứng nếu không được kiểm soát.
Bệnh tiểu đường có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, gây ra các vấn đề về mắt, thận và da... Bệnh tiểu đường còn có thể dẫn đến rối loạn cương dương và các vấn đề về tiết niệu ở nam giới.
Tuy nhiên, nhiều biến chứng trong số này có thể phòng ngừa hoặc điều trị được nếu phát hiện sớm và kiểm soát tốt bệnh tiểu đường.
Các triệu chứng của bệnh tiểu đường
Các triệu chứng ban đầu của bệnh tiểu đường thường không được chú ý đến vì đa số đều có vẻ không nghiêm trọng. Một số triệu chứng nhẹ thường xuất hiện vào thời gian đầu mắc bệnh gồm có:
- Đi tiểu thường xuyên
- Mệt mỏi bất thường
- Mờ mắt
- Sụt cân, ngay cả khi không ăn kiêng
- Châm chích hoặc tê ở bàn tay và bàn chân
Nếu không được điều trị, bệnh tiểu đường sẽ dẫn đến các biến chứng về da, thị lực, thận và thần kinh, chẳng hạn như tổn thương dây thần kinh.
Đề phòng nhiễm trùng do vi khuẩn ở mí mắt (lẹo mắt), nang lông (viêm nang lông) hoặc móng tay và móng chân. Ngoài ra, cần chú ý các vết thương hở hoặc cảm giác đau nhói, đau buốt ở bàn tay và bàn chân. Đó rất có thể là những dấu hiệu của biến chứng bệnh tiểu đường.
Triệu chứng bệnh tiểu đường ở nam giới
Bệnh tiểu đường có thể gây ra các triệu chứng liên quan đến sức khỏe tình dục ở nam giới.
Rối loạn cương dương
Rối loạn cương dương là tình trạng khó cương cứng hoặc sự cương cứng không duy trì được lâu.
Rối loạn cương dương có thể là triệu chứng của nhiều vấn đề về sức khỏe, gồm có cao huyết áp, bệnh thận và các vấn đề về hệ tuần hoàn hoặc thần kinh. Rối loạn cương dương cũng có thể là do căng thẳng, hút thuốc hoặc tác dụng phụ của thuốc.
Nam giới mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ bị rối loạn cương dương. Theo một phân tích tổng hợp gồm 145 nghiên cứu, hơn 50% nam giới mắc bệnh tiểu đường bị rối loạn cương dương. (1)
Những nam giới bị rối loạn cương dương nên đi khám bệnh tiểu đường.
Tổn hại hệ thần kinh thực vật
Bệnh tiểu đường có thể gây tổn hại đến hệ thần kinh thực vật hay hệ thần kinh tự chủ (autonomic nervous system) và dẫn đến các vấn đề về chức năng tình dục.
Hệ thần kinh thực vật kiểm soát sự giãn ra và co lại của các mạch máu. Nếu các mạch máu và dây thần kinh ở dương vật bị tổn thương do bệnh tiểu đường thì có thể dẫn đến hậu quả là rối loạn cương dương.
Các mạch máu có thể bị tổn thương do bệnh tiểu đường và tình trạng này làm giảm lưu lượng máu đến dương vật. Đây cũng là một nguyên nhân phổ biến gây rối loạn cương dương ở nam giới mắc bệnh tiểu đường.
Xuất tinh ngược dòng
Nam giới mắc bệnh tiểu đường còn có thể gặp phải tình trạng xuất tinh ngược dòng. Đây là tình trạng mà tinh dịch chảy ngược vào bàng quang và ra ngoài theo nước tiểu thay vì được phóng ra ngoài qua niệu đạo. Dấu hiệu của xuất tinh ngược dòng là lượng tinh dịch ít hơn đáng kể trong khi xuất tinh.
Các vấn đề về tiết niệu
Các vấn đề về tiết niệu có thể xảy ra ở nam giới mắc bệnh tiểu đường do tổn thương dây thần kinh. Những vấn đề thường gặp gồm có bàng quang tăng hoạt, són tiểu và nhiễm trùng đường tiết niệu.
Nên đi khám nếu nhận thấy các dấu hiệu rối loạn cương dương hay các biến chứng khác về chức năng tình dục hoặc tiết niệu. Bệnh tiểu đường có thể được chẩn đoán bằng xét nghiệm máu đơn giản. Tìm ra nguyên nhân gây rối loạn cương dương có thể giúp phát hiện ra các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn khác.
Các yếu tố nguy cơ ở nam giới
Nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và các biến chứng, chẳng hạn như:
- Hút thuốc lá
- Thừa cân
- Ít hoạt động thể chất
- Bị cao huyết áp hoặc cholesterol cao
- Trên 45 tuổi
- Thuộc một số chủng tộc nhất định
Ngăn ngừa bệnh tiểu đường ở nam giới
Bỏ hoặc giảm hút thuốc, tập thể dục thường xuyên và duy trì cân nặng hợp lý là những cách hiệu quả để ngăn ngừa sự khởi phát bệnh tiểu đường.
Điều trị bệnh tiểu đường ở nam giới
Duy trì mức đường huyết khỏe mạnh có thể giúp ngăn ngừa các vấn đề về tiết niệu và các biến chứng khác của bệnh tiểu đường. Khi đã xảy ra biến chứng thì có thể điều trị bằng nhiều loại thuốc.
Dùng thuốc
Có nhiều loại thuốc điều trị rối loạn cương dương, chẳng hạn như tadalafil (Cialis), vardenafil (Levitra) và sildenafil (Viagra). Một phương pháp nữa để điều trị rối loạn cương dương là tiêm thuốc có chứa prostaglandin (nhóm hợp chất giống như hormone) vào dương vật.
Bệnh tiểu đường có thể làm sụt giảm mức testosterone ở nam giới.
Testosterone thấp có thể làm giảm ham muốn tình dục, giảm khối cơ thể và gây cảm giác chán nản. Có thể khắc phục tình trạng này bằng liệu pháp testosterone thay thế, chẳng hạn như tiêm, miếng dán hay gel bôi ngoài da để làm tăng lượng testosterone.
Trao đổi với bác sĩ về tất cả các loại thuốc và thực phẩm chức năng đang dùng để tránh xảy ra tương tác thuốcọa
Thay đổi lối sống
Một số thói quen sống có thể gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe thể chất và tinh thần của những người mắc bệnh tiểu đường.
Cân bằng các bữa ăn có thể giúp cải thiện sức khỏe và trì hoãn sự khởi phát các triệu chứng của bệnh tiểu đường. Bữa ăn hàng ngày nên có đầy đủ carb, rau củ quả, chất béo và protein.
Cố gắng cắt giảm tối đa lượng đường, đặc biệt là đường trong các loại đồ uống có ga và trong bánh kẹo.
Duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên và kiểm soát lượng đường trong máu theo chế độ tập luyện. Điều này giúp cho việc tập luyện mang lại hiệu quả tối đa mà không gây run chân tay, mệt mỏi, chóng mặt hay bồn chồn.
Khi nào cần đi khám?
Nên làm xét nghiệm máu định kỳ để kiểm tra mức đường huyết, đặc biệt là những người đang bị rối loạn cương dương hoặc các biến chứng tiểu đường phổ biến khác.
Bệnh tiểu đường và các biến chứng như bệnh tim mạch có thể dẫn đến các vấn đề về cảm xúc như lo âu, bồn chồn hay thậm chí trầm cảm. Những điều này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng rối loạn cương dương và các vấn đề sức khỏe khác. Nên đến gặp bác sĩ nếu thường xuyên có cảm giác tuyệt vọng, buồn bã, chán nản hoặc lo lắng.
Tóm tắt bài viết
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), nam giới có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn một chút so với phụ nữ. Bệnh tiểu đường là một vấn đề sức khỏe phổ biến với tỷ lệ mắc ngày một tăng. Điều đáng chú ý là ngày càng có nhiều trẻ em mắc căn bệnh này. Điều này có thể là do sự gia tăng tỷ lệ béo phì – một yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường.
Những người có lượng đường trong máu cao và có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Trên thực tế, nếu biết cách kiểm soát đường huyết thì những người mắc bệnh tiểu đường vẫn có thể sống khỏe mạnh bình thường. Bằng cách duy trì lối sống lành mạnh và dùng thuốc theo đúng chỉ định, người bệnh hoàn toàn có thể ngăn ngừa hoặc kiểm soát các biến chứng.
Tiểu đường type 2 là một bệnh mãn tính có đặc trưng là lượng đường (glucose) trong máu cao hơn mức bình thường. Nhiều người mắc bệnh tiểu đường type 2 không gặp phải bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, căn bệnh này có nhiều triệu chứng phổ biến và việc nhận biết các triệu chứng này là rất quan trọng. Hầu hết các triệu chứng của bệnh tiểu đường type 2 xảy ra khi lượng đường trong máu tăng cao bất thường.
Bệnh tiểu đường type 1 thường bắt đầu xảy ra trong độ tuổi từ 4 đến 7 và 10 đến 14. Nếu không được điều trị, bệnh tiểu đường type 1 có thể dẫn đến tăng đường huyết hoặc lượng đường trong máu cao và nhiễm toan ceton.
Bệnh tiểu đường hay đái tháo đường có thể khiến lượng đường trong máu quá cao hoặc quá thấp. Điều này có thể dẫn đến bệnh thận, tổn thương thần kinh, các vấn đề về da, mắt và bàn chân.