Tiêu chảy có phải là triệu chứng của bệnh đái tháo đường không?
Bệnh đái tháo đường và tiêu chảy
Bệnh đái tháo đường có thể ảnh hưởng đến bất kỳ bộ phận nào của cơ thể, bao gồm cả hệ tiêu hóa và gây ra một số vấn đề về tiêu hóa như thường xuyên tiêu chảy, đại tiện không kiểm soát hoặc táo bón.
Có nhiều lý do bệnh đái tháo đường gây ra những vấn đề này, chẳng hạn như tổn thương dây thần kinh, tác dụng phụ của thuốc hoặc các yếu tố khác.
Khoảng 20% người mắc bệnh đái tháo đường bị tiêu chảy. (1) Những người mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ tiêu chảy cao hơn so với những người không bị đái tháo đường.
Bệnh đái tháo đường xảy ra khi cơ thể không thể sản xuất hoặc sử dụng hormone insulin một cách hiệu quả. Insulin là một loại hormone được tuyến tụy tiết ra khi chúng ta ăn uống. Insulin giúp các tế bào hấp thụ lượng đường được chuyển hóa từ thức ăn để tạo ra năng lượng. Nếu cơ thể không sản xuất insulin hoặc sử dụng insulin không hiệu quả, các tế bào sẽ không thể lấy đường từ máu làm năng lượng, đường sẽ tích tụ trong máu và dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao.
Theo thời gian, lượng đường trong máu liên tục ở mức cao sẽ gây tổn hại các cơ quan khắp cơ thể và dẫn đến nhiều triệu chứng. Ở một số người, các vấn đề về đường ruột như tiêu chảy là một triệu chứng của bệnh đái tháo đường.
Tình trạng tiêu chảy do đái tháo đường có thể kéo dài dai dẳng hoặc xảy ra không liên tục hoặc cũng có thể xen kẽ với táo bón.
Nguyên nhân gây tiêu chảy ở người bệnh đái tháo đường
Mối liên hệ giữa bệnh đái tháo đường và tiêu chảy chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ ra rằng các yếu tố sau đây có thể góp phần gây tiêu chảy ở những người mắc bệnh lý này: (2)
- Bệnh Celiac và viêm đại tràng vi thể: Những người bị đái tháo đường có nguy cơ mắc bệnh celiac và viêm đại tràng vi thể cao hơn. Người bệnh có thể chỉ gặp phải triệu chứng duy nhất là tiêu chảy.
- Chất thay thế đường: Do người bệnh đái tháo đường phải hạn chế tiêu thụ đường nên không ít người lựa chọn sử dụng chất làm ngọt nhân tạo hoặc rượu đường thay cho đường mía. Một số chất thay thế đường như sorbitol, mannitol và xylitol có tác dụng nhuận tràng nên sử dụng những chất này quá nhiều có thể gây tiêu chảy.
- Bệnh thần kinh đái tháo đường: Lượng đường trong máu cao kéo dài sẽ gây tổn thương dây thần kinh. Tổn thương các dây thần kinh của ruột non có thể dẫn đến tiêu chảy, đặc biệt là vào ban đêm. Bệnh thần kinh đái tháo đường cũng có thể ảnh hưởng đến trực tràng - hậu môn và dẫn đến đại tiện không tự chủ.
- Chức năng tuyến tụy: Bệnh đái tháo đường ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến tụy. Điều này có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa. Những người mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ bị viêm tụy cao hơn gấp 2 đến 4 lần so với những người không bị đái tháo đường. Tiêu chảy là một triệu chứng của bệnh viêm tụy.
- Bệnh ruột do đái tháo đường: Đây là một bệnh lý ảnh hưởng đến ruột già, có các triệu chứng như tiêu chảy, táo bón và đại tiện không tự chủ. Người bị đái tháo đường có nguy cơ mắc bệnh ruột cao hơn so với những người không bị đái tháo đường.
- Thuốc điều trị đái tháo đường: Metformin, statin và các loại thuốc khác được dùng để điều trị bệnh đái tháo đường và các bệnh liên quan có thể ảnh hưởng đến đường ruột. Nghiên cứu cho thấy 15 đến 24% người dùng metformin bị tiêu chảy.
- Loạn khuẩn đường ruột: Đây là tình trạng mà một số loại vi khuẩn trong ruột phát triển quá mức. Tình trạng này có thể xảy ra ở người mắc bệnh ruột do đái tháo đường.
Người bệnh đái tháo đường cũng có thể bị tiêu chảy do những nguyên nhân giống như người không bị đái tháo đường, chẳng hạn như:
- Dị ứng và không dung nạp thực phẩm, ví dụ như không dung nạp lactose (một loại đường trong sữa) và không dung nạp fructose (một loại đường trong trái cây)
- Sử dụng kháng sinh kéo dài. Thuốc kháng sinh có thể gây mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột và dẫn đến tiêu chảy
- Thuốc, chẳng hạn như thuốc kháng axit có chứa magiê và một số thuốc điều trị ung thư
Các yếu tố nguy cơ
Người bị đái tháo đường type 1 có nguy cơ bị tiêu chảy cao hơn so với người bị đái tháo đường type 2. Lý do có thể là bởi ở người bị đái tháo đường type 1, tình trạng đường huyết cao diễn ra trong thời gian dài hơn.
Những người bị đái tháo đường khó kiểm soát cũng dễ bị tiêu chảy hơn. Lượng đường trong máu liên tục ở mức cao làm tăng nguy cơ tổn thương thần kinh và các biến chứng khác của bệnh đái tháo đường.
Những người đã bị biến chứng do đái tháo đường và các vấn đề liên quan, chẳng hạn như bệnh thần kinh, béo phì và bệnh về tuyến tụy có nguy cơ cao bị tiêu chảy.
Bệnh nhân đái tháo đường lớn tuổi có nguy cơ bị tiêu chảy cao hơn so với người trẻ tuổi. Điều này là do sống chung với bệnh đái tháo đường càng lâu thì nguy cơ xảy ra biến chứng càng cao.
Khi nào cần đi khám?
Hãy đi khám nếu thường xuyên bị tiêu chảy. Bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử, làm xét nghiệm đo lượng đường trong máu và khám lâm sàng để loại trừ các vấn đề sức khỏe khác.
Điều trị tiêu chảy do đái tháo đường
Có nhiều cách để điều trị tiêu chảy nhưng ở người mắc bệnh đái tháo đường, điều quan trọng trước hết là phải kiểm soát lượng đường trong máu. Sau đó, tùy vào nguyên nhân gây tiêu chảy mà bác sĩ sẽ kê thuốc hoặc chỉ định các phương pháp điều trị khác, ví dụ như:
- Giảm tiêu thụ các chất thay thế đường
- Dùng loperamide (Imodium) trước bữa ăn để kiểm soát các triệu chứng
- Dùng clonidine (Kapvay) để điều hòa nhu động ruột và giảm các cơn co thắt
- Dùng amitriptyline để giảm đau bụng và làm chậm quá trình tiêu hóa
- Tập cơ sàn chậu
- Phẫu thuật mở hậu môn nhân tạo cho những người bị đại tiện không tự chủ
Phòng ngừa tiêu chảy do đái tháo đường
Rất khó ngăn ngừa hoàn toàn tình trạng tiêu chảy do đái tháo đường nhưng kiểm soát lượng đường trong máu có thể giúp giảm nguy cơ tiêu chảy về lâu dài.
Người bệnh nên hạn chế hoặc tránh các chất làm ngọt nhân tạo chẳng hạn như sorbitol. Khi bị tiêu chảy, bác sĩ sẽ kê một số loại thuốc như loperamide (Imodium) để kiểm soát các triệu chứng.
Tiêu chảy do đái tháo đường kéo dài bao lâu?
Những người mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ bị tiêu chảy mãn tính. Tình trạng tiêu chảy có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng nhưng điều trị đúng cách sẽ giúp kiểm soát tình trạng.
Chế độ ăn uống khi bị tiêu chảy do đái tháo đường
Khi bị tiêu chảy do đái tháo đường, người bệnh cần tránh các chất làm ngọt nhân tạo, chẳng hạn như sorbitol và theo dõi xem tình trạng có cải thiện hay không. Điều quan trọng là phải uống nhiều nước, tốt nhất là nước lọc để để tránh bị mất nước.
Một số nghiên cứu cho thấy bổ sung lợi khuẩn Lactobacillus và Bifidobacterium có thể giúp giảm tiêu chảy.
Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi lớn nào về chế độ ăn uống để đảm bảo những thay đổi này không ảnh hưởng đến các phương pháp điều trị khác hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng.
Tóm tắt bài viết
Các vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy kéo dài xảy ra khá phổ biến ở người mắc bệnh đái tháo đường.
Các chuyên gia chưa xác định được lý do của điều này nhưng rất có thể là do những tổn hại mà lượng đường trong máu cao gây ra. Chế độ ăn uống và một số loại thuốc mà người bệnh đái tháo đường sử dụng, chẳng hạn như metformin, cũng có thể góp phần gây tiêu chảy.
Nên đi khám nếu tình trạng tiêu chảy xảy ra thường xuyên để xác định nguyên nhân cụ thể và từ đó có biện pháp điều trị phù hợp. Tùy vào nguyên nhân mà tình trạng tiêu chảy có thể được điều trị bằng nhiều cách khác nhau như dùng thuốc hay điều chỉnh thói quen ăn uống nhưng điều quan trọng trên hết là phải kiểm soát lượng đường trong máu để ngăn ngừa tiêu chảy cũng như các biến chứng khác của bệnh đái tháo đường.
Các triệu chứng ban đầu của bệnh tiểu đường ở mỗi người không hoàn toàn giống nhau. Bên cạnh các triệu chứng thường gặp như thường xuyên khát nước, đi tiểu nhiều lần, đói liên tục…, bệnh tiểu đường còn có nhiều triệu chứng khác, ít phổ biến hơn.
Trong suốt nhiều thập kỷ, các bác sĩ và nhà nghiên cứu vẫn tin rằng tiểu đường type 2 là một bệnh rối loạn chuyển hóa. Loại rối loạn này xảy ra khi các quá trình hóa học tự nhiên của cơ thể không diễn ra một cách bình thường. Tuy nhiên, một số nghiên cứu hiện nay cho thấy rằng tiểu đường type 2 có thể là một bệnh tự miễn. Nếu vậy, bệnh lý này có thể được điều trị và phòng ngừa bằng các biện pháp mới.
Nếu không được kiểm soát tốt, bệnh đái tháo đường type 2 có thể dẫn đến bệnh thận. Điều này xảy ra khi thận không còn lọc máu hiệu quả.
Có nhiều loại bệnh thần kinh đái tháo đường, mỗi loại ảnh hưởng đến một số vùng nhất định trên cơ thể bạn và gây ra các triệu chứng khác nhau. Người bị đái tháo đường cần phải thường xuyên kiểm tra đường huyết và đi khám ngay khi nhận thấy triệu chứng của bệnh thần kinh.
Bệnh đái tháo đường có thể gây ra hiện tượng nước tiểu đục khi có quá nhiều đường tích tụ trong nước tiểu. Đôi khi, nước tiểu còn có mùi ngọt hay mùi trái cây. Bệnh đái tháo đường còn có thể dẫn đến các biến chứng về thận hoặc làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu và cả hai đều có triệu chứng là nước tiểu đục.
- 0 trả lời
- 103 lượt xem
Mình thấy nhiều quảng cáo về máy điện trường nhưng chưa biết nó có thực sự hiệu quả trong việc cải thiện tuần hoàn máu do tiểu đường ko. Ai dùng rồi review cho anh chị em trong group tham khảo với mng ơi