1

Bệnh thận đái tháo đường: Triệu chứng và cách điều trị

Nếu không được kiểm soát tốt, bệnh đái tháo đường type 2 có thể dẫn đến bệnh thận. Điều này xảy ra khi thận không còn lọc máu hiệu quả.
Bệnh thận đái tháo đường: Triệu chứng và cách điều trị Bệnh thận đái tháo đường: Triệu chứng và cách điều trị

Bệnh thận đái tháo đường là gì?

Bệnh thận là một trong những biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh đái tháo đường. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây suy thận. Ước tính có khoảng 30 đến 40% trường hợp đái tháo đường gặp phải biến chứng về thận.

Bệnh thận đái tháo đường có thể dẫn đến bệnh thận mạn giai đoạn cuối. Đây là giai đoạn nặng nhất của bệnh thận mạn và ở giai đoạn này, thận không còn khả năng lọc máu hiệu quả để đáp ứng nhu cầu hàng ngày của cơ thể. Những người bị bệnh thận mạn giai đoạn cuối sẽ phải lọc máu hoặc ghép thận.

Bệnh thận đái tháo đường hầu như không có dấu hiệu cảnh báo ở giai đoạn đầu. Tình trạng tổn thương thận có thể xảy ra trong nhiều năm trước khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên.

Triệu chứng của bệnh thận đái tháo đường

Thông thường, bệnh thận không biểu hiện triệu chứng cho đến khi thận không còn hoạt động bình thường. Các triệu chứng cho thấy chức năng thận đang có vấn đề gồm có:

  • Tích nước, gây sưng phù ở bàn chân, mắt cá chân và cẳng chân
  • Chán ăn
  • Thường xuyên mệt mỏi, kiệt sức
  • Thường xuyên đau đầu
  • Đau bụng
  • Buồn nôn
  • Nôn mửa
  • Mất ngủ
  • Khó tập trung

Các yếu tố nguy cơ của bệnh thận đái tháo đường

Chẩn đoán sớm bệnh thận là điều cần thiết để kéo dài tuổi thọ. Ở những người bị tiền đái tháo đường, đái tháo đường type 2 hoặc có các yếu tố nguy cơ của đái tháo đường, thận có thể phải làm việc quá sức và do đó cần xét nghiệm đánh giá chức năng thận định kỳ hàng năm.

Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận còn có:

  • Cao huyết áp
  • Tăng đường huyết
  • Béo phì
  • Cholesterol cao
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh thận
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch
  • Hút thuốc lá
  • Tuổi cao

Một số chủng tộc có nguy cơ bị bệnh thận đái tháo đường cao hơn là người gốc Phi, gốc Á và người gốc Mexico. Lý do có thể là vì những nhóm chủng tộc này có tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường cao hơn.

Di truyền cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh thận đái tháo đường.

Nguyên nhân gây bệnh thận đái tháo đường

Bệnh thận không chỉ là do một nguyên nhân cụ thể gây ra. Các chuyên gia tin rằng bệnh thận đái tháo đường xảy ra do đường huyết không được kiểm soát trong nhiều năm. Các yếu tố khác, chẳng hạn như khuynh hướng di truyền, cũng có thể góp phần dẫn đến bệnh thận.

Theo thời gian, lượng đường trong máu cao sẽ làm hỏng các mạch máu trong thận. Các mạch máu bị tổn thương sẽ hoạt động kém hiệu quả hơn.

Huyết áp cao cũng có thể góp phần gây tổn hại thận. Theo Viện Quốc gia về Bệnh đái tháo đường, tiêu hóa và bệnh thận (National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Diseases), nhiều người mắc bệnh đái tháo đường còn bị cao huyết áp.

Chức năng của thận

Thận là cơ quan lọc máu của cơ thể. Mỗi quả thận được tạo nên từ hàng trăm nghìn nephron có chức năng lọc sạch chất thải trong máu. Chất thải và nước thừa trong cơ thể sẽ trở thành nước tiểu. Thận còn có vai trò điều hòa huyết áp và tạo ra một số hormone.

Theo thời gian, đặc biệt là khi mắc bệnh đái tháo đường type 2, thận phải làm việc quá sức do liên tục loại bỏ lượng glucose dư thừa ra khỏi máu. Các nephron của thận bị viêm, hình thành sẹo và không còn hoạt động tốt như trước.

Cuối cùng, các nephron không còn khả năng lọc máu hiệu quả để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Khi thận bị hỏng, các nephron sẽ bị rò rỉ và lúc này, protein trong máu được đào thải qua nước tiểu thay vì được cơ thể tái hấp thu như bình thường.

Phần lớn lượng protein bị đào thải là albumin. Xét nghiệm nước tiểu sẽ giúp kiểm tra nồng độ albumin trong nước tiểu và đánh giá chức năng của thận.

Tình trạng nước tiểu có một lượng nhỏ albumin được gọi là albumin niệu vi lượng. Khi nước tiểu có một lượng lớn albumin thì được gọi là albumin niệu hay protein niệu.

Bác sĩ có thể yêu cầu làm xét nghiệm tỷ số albumin/creatinine (ACR) hoặc xét nghiệm albumin nước tiểu để kiểm tra lượng albumin trong nước tiểu.

Bệnh đái tháo đường và suy thận

Nguy cơ suy thận sẽ càng tăng cao nếu bệnh nhân đái tháo đường bị albumin niệu.

Khi mắc bệnh thận mạn giai đoạn cuối, tốc độ lọc máu của thận là dưới 15 mL/phút.

Phương pháp điều trị bệnh thận mạn giai đoạn cuối là lọc máu, trong đó máu được đưa ra ngoài vào trong thiết bị lọc để loại bỏ độc tố, chất thải và nước thừa, sau đó được đưa trở lại cơ thể.

Điều trị bệnh thận đái tháo đường

Mục đích của các phương pháp điều trị bệnh thận đái tháo đường là bảo tồn chức năng thận. Các phương pháp điều trị thường là:

  • Kiểm soát huyết áp: Trong những trường hợp bị cao huyết áp, bác sĩ sẽ kê thuốc để giảm huyết áp. Người bệnh cần giảm lượng natri, ăn thực phẩm tốt cho tim mạch và dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ để duy trì huyết áp khỏe mạnh.
  • Kiểm soát đường huyết: Đo đường huyết thường xuyên và cố gắng giữ ổn định mức đường huyết hàng ngày trong phạm vi khuyến nghị để duy trì chức năng thận.
  • Dùng thuốc theo chỉ định: Thuốc ức chế men chuyển (ACE) và thuốc ức chế thụ thể angiotensin (ARB) là hai nhóm thuốc làm giãn mạch máu được dùng trong điều trị cao huyết áp nhưng có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh thận, kể cả ở những người không bị cao huyết áp. Loại thuốc và liều dùng có thể thay đổi theo thời gian.

Ngoài ra, người bệnh cũng nên thực hiện một số thay đổi về lối sống để kiểm soát bệnh thận:

  • Tuân thủ các quy tắc về chế độ ăn uống đối với bệnh đái tháo đường
  • Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày
  • Không hút thuốc lá
  • Ngủ đủ ít nhất 7 đến 8 tiếng mỗi ngày
  • Hạn chế căng thẳng vì căng thẳng có thể làm tăng huyết áp
  • Điều trị bệnh trầm cảm nếu mắc

Những người bị suy thận hoặc bệnh thận mạn giai đoạn cuối cần lọc máu hoặc ghép thận.

Phòng ngừa bệnh thận đái tháo đường

Những biện pháp chính để ngăn ngừa bệnh thận đái tháo đường gồm có:

Chế độ ăn uống

Cách tốt nhất để bảo vệ chức năng thận là chú ý đến chế độ ăn uống. Những người mắc bệnh đái tháo đường có chức năng thận yếu cần phải đặc biệt chú ý kiểm soát mức đường huyết, mức cholesterol và mỡ máu.

Hầu hết mọi người đều nên cố gắng duy trì huyết áp ở mức 140/90 mmHg nhưng điều này còn tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe. Ngay cả khi chỉ bị bệnh thận nhẹ, cao huyết áp cũng có thể khiến bệnh tiến triển nhanh hơn.

Để bảo vệ thận, người bệnh nên:

  • Ăn ít muối
  • Duy trì cân nặng vừa phải hoặc giảm cân nếu thừa cân, béo phì
  • Không uống rượu bia

Ngoài ra, người bệnh có thể cần thực hiện chế độ ăn ít chất béo, ít protein hoặc đến gặp chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn chế độ ăn uống có lợi cho chức năng thận.

Tập thể dục

Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày có thể giúp giảm huyết áp và đường huyết.

Tập thể dục còn giúp giảm căng thẳng và điều này cũng có lợi cho huyết áp.

Dùng thuốc

Đa số người mắc bệnh đái tháo đường type 2 bị cao huyết áp đều cần dùng thuốc ức chế men chuyển để điều trị bệnh tim mạch, chẳng hạn như captopril và enalapril. Những loại thuốc này còn có tác dụng làm chậm sự tiến triển của bệnh thận.

Bên cạnh thuốc ức chế men chuyển, bác sĩ cũng thường kê thêm thuốc ức chế thụ thể angiotensin hoặc một số loại thuốc khác như finerenone.

Finerenone là một loại thuốc kê đơn giúp làm giảm nguy cơ:

  • độ lọc cầu thận thấp
  • bệnh thận mạn giai đoạn cuối
  • tử vong do bệnh tim mạch
  • nhồi máu cơ tim không tử vong
  • nhập viện do suy tim ở người lớn bị bệnh thận mạn do đái tháo đường type 2

Thuốc ức chế kênh đồng vận chuyển natri-glucose 2 (SGLT2) và thuốc đồng vận thụ thể GLP-1 cũng là những loại thuốc được sử dụng cho những người mắc bệnh đái tháo đường type 2 và bệnh thận mạn. Những loại thuốc này có thể làm giảm nguy cơ bệnh thận mạn tiến triển và các biến cố tim mạch.

Ngừng hút thuốc

Những người hút thuốc lá cần cố gắng cai thuốc càng sớm càng tốt.

Hút thuốc là một yếu tố nguy cơ của bệnh thận đái tháo đường và có thể khiến thận bị tổn hại nặng hơn.

Tóm tắt bài viết

Bệnh thận là một biến chứng nghiêm trọng của cả bệnh đái tháo đường type 1 và type 2, xảy ra khi thận không còn khả năng lọc chất thải từ máu một cách hiệu quả.

Duy trì huyết áp và đường huyết ở mức khỏe mạnh có thể giúp ngăn ngừa và làm chậm sự tiến triển của bệnh thận đái tháo đường. Người bệnh cũng có thể cần dùng một số loại thuốc để bảo tồn chức năng thận. Những trường hợp bị suy thận có thể phải lọc máu hoặc phẫu thuật ghép thận.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: triệu chứng
Tin liên quan
Bệnh thận đái tháo đường: Triệu chứng, điều trị và phòng ngừa
Bệnh thận đái tháo đường: Triệu chứng, điều trị và phòng ngừa

Bệnh thận đái tháo đường là một biến chứng phổ biến của bệnh đái tháo đường, có thể xảy ra với cả đái tháo đường type 1 và type 2. Mắc bệnh đái tháo đường càng lâu thì nguy cơ gặp phải biến chứng về thận càng cao. Ngoài ra, nguy cơ sẽ cao hơn nếu như có tiền sử gia đình bị bệnh thận hoặc có các vấn đề sức khỏe khác như cao huyết áp.

Các triệu chứng của bệnh thần kinh ngoại biên do đái tháo đường
Các triệu chứng của bệnh thần kinh ngoại biên do đái tháo đường

Bệnh thần kinh ngoại biên là dạng biến chứng về thần kinh phổ biến nhất của bệnh đái tháo đường. Bệnh thần kinh ngoại biên có thể ảnh hưởng đến cẳng chân, bàn chân, ngón chân, bàn tay và cánh tay.

Tăng đường huyết (lượng đường trong máu cao): Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Tăng đường huyết (lượng đường trong máu cao): Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Không phải lúc nào tăng đường huyết biểu hiện triệu chứng rõ ràng ngay lập tức. Tuy nhiên, theo thời gian, lượng đường trong máu cao sẽ gây ra các triệu chứng như khát nước, đi tiểu nhiều lần và gây tổn hại nhiều cơ thể trong cơ thể.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây