1

Bệnh thần kinh đái tháo đường: Triệu chứng và điều trị

Có nhiều loại bệnh thần kinh đái tháo đường, mỗi loại ảnh hưởng đến một số vùng nhất định trên cơ thể bạn và gây ra các triệu chứng khác nhau. Người bị đái tháo đường cần phải thường xuyên kiểm tra đường huyết và đi khám ngay khi nhận thấy triệu chứng của bệnh thần kinh.
Bệnh thần kinh đái tháo đường: Triệu chứng và điều trị Bệnh thần kinh đái tháo đường: Triệu chứng và điều trị

Bệnh thần kinh đái tháo đường là gì?

Bệnh thần kinh đái tháo đường là một biến chứng nghiêm trọng và phổ biến của bệnh đái tháo đường (cả type 1 và type 2). Đây là tình trạng dây thần kinh bị tổn thương do lượng đường trong máu cao trong thời gian dài. Bệnh thần kinh đái tháo đường thường phát triển chậm, đôi khi trong vài chục năm trước khi biểu hiện triệu chứng.

Những người bị đái tháo đường nếu thấy bàn tay hoặc bàn chân bị tê bì, châm chích, đau hoặc yếu cơ thì nên đi khám bác sĩ. Đây là những triệu chứng ban đầu của bệnh lý thần kinh ngoại biên. Tình trạng tê bì, mất cảm giác sẽ gây nguy hiểm khi lòng bàn chân có vết thương.

Bệnh thần kinh ngoại biên nặng hoặc kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ bị thương hoặc nhiễm trùng. Trong những trường hợp nghiêm trọng, vết thương lâu lành hoặc nhiễm trùng có thể dẫn đến phải cắt cụt chi.

Có nhiều loại bệnh thần kinh đái tháo đường, mỗi loại ảnh hưởng đến một số vùng nhất định trên cơ thể bạn và gây ra các triệu chứng khác nhau. Người bị đái tháo đường cần phải thường xuyên kiểm tra đường huyết và đi khám ngay khi nhận thấy triệu chứng của bệnh thần kinh.

Triệu chứng của bệnh thần kinh đái tháo đường

Các triệu chứng của bệnh thần kinh đái tháo đường thường xuất hiện từ từ. Trong nhiều trường hợp, bàn chân là khu vực bị tổn thương dây thần kinh đầu tiên. Tổn thương thần kinh có thể gây triệu chứng châm chích hay cảm giác như có nhiều mũi kim đâm ở bàn chân.

Các triệu chứng của bệnh thần kinh đái tháo đường tùy thuộc vào vị trí có dây thần kinh bị ảnh hưởng. Một số dấu hiệu và triệu chứng phổ biến gồm có:

  • Da nhạy cảm quá mức
  • Giảm hoặc mất cảm giác
  • Mất điều hòa (mất khả năng phối hợp động tác)
  • Tê hoặc đau ở bàn tay hoặc bàn chân
  • Cảm giác nóng ở bàn chân, đặc biệt là vào ban đêm
  • Yếu cơ
  • Đầy hơi, chướng bụng
  • Buồn nôn, khó tiêu hoặc nôn mửa
  • Tiêu chảy hoặc táo bón
  • Chóng mặt khi đứng dậy
  • Đổ mồ hôi quá nhiều hoặc quá ít
  • Các vấn đề về bàng quang, chẳng hạn như tiểu són hoặc cảm giác tiểu không hết bãi
  • Khô âm đạo
  • Rối loạn cương dương
  • Mất khả năng cảm nhận các triệu chứng hạ đường huyết
  • Vấn đề về thị lực, chẳng hạn như song thị (nhìn một vật thành hai)
  • Nhịp tim nhanh

Các loại bệnh thần kinh đái tháo đường

Bệnh thần kinh là thuật ngữ được sử dụng chung cho nhiều dạng tổn thương thần kinh khác nhau. Có 4 loại bệnh thần kinh chính xảy ra ở những người bị đái tháo đường.

1. Bệnh thần kinh ngoại biên

Loại bệnh thần kinh phổ biến nhất là bệnh thần kinh ngoại biên. Bệnh thần kinh ngoại biên thường ảnh hưởng đến bàn chân và cẳng chân nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến cánh tay hoặc bàn tay. Các triệu chứng của bệnh thần kinh ngoại biên rất đa dạng và có thể từ nhẹ đến nặng, gồm có:

  • Tê bì, mất cảm giác
  • Cảm giác châm chích hoặc nóng
  • Đau da khi chạm
  • Mất khả năng cảm nhận nhiệt độ
  • Đau nhói hoặc chuột rút
  • Yếu cơ
  • Mất thăng bằng hoặc mất điều hòa

Ở một số người, các triệu chứng chủ yếu xuất hiện vào ban đêm.

Bệnh thần kinh ngoại biên có thể khiến người bệnh không phát hiện được vết thương ở lòng bàn chân. Hơn nữa, bệnh đái tháo đường còn làm giảm lưu thông máu và điều này khiến vết thương khó lành hơn. Sự kết hợp này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và nếu nghiêm trọng, nhiễm trùng sẽ dẫn đến phải cắt cụt chi.

2. Bệnh thần kinh tự chủ

Loại bệnh thần kinh phổ biến thứ hai ở người mắc bệnh đái tháo đường là bệnh thần kinh tự chủ hay còn gọi là bệnh thần kinh tự trị.

Hệ thần kinh tự chủ có chức năng điều hành hoạt động của nhiều cơ quan và hệ thống trong cơ thể, gồm có:

  • Hệ tiêu hóa
  • Tuyến mồ hôi
  • Cơ quan sinh dục và bàng quang
  • Hệ tim mạch

Vấn đề về tiêu hóa

Tổn thương dây thần kinh kiểm soát hệ tiêu hóa có thể gây ra những vấn đề như:

  • Táo bón
  • Tiêu chảy
  • Khó nuốt
  • Liệt dạ dày

Chứng liệt dạ dày là tình trạng quá trình làm rỗng dạ dày diễn ra quá chậm do các cơ co bóp dạ dày hoạt động kém hiệu quả, khiến cho thức ăn ứ lại trong dạ dày thay vì được đẩy xuống ruột non. Tình trạng này trở nên trầm trọng hơn theo thời gian, gây ra các triệu chứng như buồn nôn và nôn, nhanh no khi ăn, đầy hơi, chướng bụng và đau bụng.

Quá trình tiêu hóa diễn ra quá chậm còn gây khó khăn cho việc kiểm soát lượng đường trong máu, dẫn đến lượng đường trong máu dao động liên tục.

Ngoài ra, bệnh thần kinh tự chủ còn có thể khiến cho các triệu chứng của hạ đường huyết, chẳng hạn như đổ mồ hôi và tim đập nhanh, không được phát hiện. Khi không được điều trị kịp thời, hạ đường huyết sẽ trở nên nghiêm trọng và có thể đe dọa tính mạng.

Vấn đề về bàng quang và chức năng tình dục

Bệnh thần kinh tự chủ cũng có thể dẫn đến các vấn đề về chức năng tình dục, chẳng hạn như rối loạn cương dương, khô âm đạo hay khó đạt cực khoái. Tổn thương dây thần kinh kiểm soát bàng quang có thể gây ra chứng tiểu són hoặc tiểu không hết bãi.

Vấn đề về tim mạch

Tổn thương các dây thần kinh kiểm soát nhịp tim và huyết áp có thể khiến các dây thần kinh phản ứng chậm hơn bình thương. Điều này dẫn đến tụt huyết áp với các triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt khi đứng lên hoặc khi gắng sức. Bệnh thần kinh tự chủ còn có thể gây nhịp tim nhanh.

Bệnh thần kinh tự chủ còn gây khó khăn cho việc phát hiện một số triệu chứng của cơn nhồi máu cơ tim. Bệnh nhân có thể sẽ không cảm thấy đau ngực khi tim không được cung cấp đủ oxy. Khi bị bệnh thần kinh tự chủ, bệnh nhân cần biết các dấu hiệu cảnh báo khác của nhồi máu cơ tim, gồm có:

  • Đổ nhiều mồ hôi
  • Đau ở cánh tay, lưng, cổ, hàm hoặc bụng
  • Khó thở
  • Buồn nôn
  • Lâng lâng

3. Bệnh thần kinh gốc

Bệnh thần kinh gốc là một loại bệnh thần kinh hiếm gặp. Loại bệnh lý thần kinh này thường xảy ra ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 trên 50 tuổi, tình trạng bệnh được kiểm soát khá tốt và nam giới có tỷ lệ mắc cao hơn so với phụ nữ.

Bệnh thần kinh gốc thường ảnh hưởng đến hông, mông hoặc đùi, gây ra các triệu chứng như đau đột ngột và dữ dội. Triệu chứng yếu cơ ở chân khiến bệnh nhân khó đứng dậy và cần có người trợ giúp. Bệnh thần kinh gốc do đái tháo đường thường chỉ ảnh hưởng đến một bên của cơ thể.

Sau khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng, tình trạng bệnh thường trở nên nặng hơn và sau đó đỡ dần. Hầu hết các trường hợp các mắc bệnh thần kinh gốc đều hồi phục trong vòng vài năm, ngay cả khi không cần điều trị.

4. Bệnh thần kinh khu trú

Bệnh thần kinh khu trú hay bệnh đơn dây thần kinh xảy ra khi có tổn thương ở một dây thần kinh đơn lẻ hoặc một nhóm dây thần kinh, dẫn đến yếu cơ ở vùng mà dây thần kinh đó kiểm soát. Bệnh thần kinh khu trú thường ảnh hưởng đến bàn tay, đầu, thân mình hoặc chân. Loại bệnh thần kinh này xảy ra đột ngột và thường rất đau.

Giống như bệnh thần kinh gốc, hầu hết các trường hợp mắc bệnh thần kinh khu trú sẽ khỏi trong vòng vài tuần đến vài tháng và không để lại biến chứng lâu dài. Loại bệnh thần kinh khu trú phổ biến nhất là hội chứng ống cổ tay – tình trạng các dây thần kinh ở cổ tay bị chèn ép.

Mặc dù hội chứng ống cổ tay đa phần không biểu hiện triệu chứng nhưng khoảng 25% người mắc bệnh đái tháo đường gặp phải các triệu chứng do chèn ép dây thần kinh ở cổ tay.

Các triệu chứng của bệnh thần kinh khu trú gồm có:

  • Đau, tê, châm chích ở ngón tay
  • Mất tập trung
  • Song thị
  • Nhức sau mắt
  • Liệt dây thần kinh mặt (Bell's palsy)

Đau ở một số khu vực trên cơ thể như đùi trước, thắt lưng, vùng chậu, ngực, bụng, mặt trong bàn chân, cẳng chân ngoài hoặc yếu ở ngón chân cái

Nguyên nhân gây bệnh thần kinh đái tháo đường

Bệnh thần kinh đái tháo đường là do lượng đường trong máu cao trong thời gian dài gây ra. Các yếu tố khác có thể dẫn đến tổn thương thần kinh còn có:

  • tổn thương mạch máu do mức cholesterol cao
  • các dây thần kinh bị chèn ép, chẳng hạn như do hội chứng ống cổ tay
  • các yếu tố về lối sống, chẳng hạn như hút thuốc hoặc uống rượu bia

Thiếu vitamin B12 cũng có thể dẫn đến bệnh thần kinh. Metformin - một loại thuốc được sử dụng phổ biến để điều trị bệnh đái tháo đường - có thể làm giảm lượng vitamin B12 trong cơ thể. Xét nghiệm máu có thể giúp phát hiện tình trạng thiếu hụt vitamin B12.

Chẩn đoán bệnh thần kinh đái tháo đường

Để chẩn đoán bệnh thần kinh, trước tiên bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng và bệnh sử, sau đó là khám lâm sàng. Bác sĩ sẽ kiểm tra độ nhạy của xúc giác, khả năng cảm nhận nhiệt độ, nhịp tim, huyết áp và sức mạnh của cơ.

Một bước thường được thực hiện để chẩn đoán bệnh thần kinh đái tháo đường là kiểm tra cảm giác ở bàn chân. Bác sĩ sẽ sử dụng một vật nhẹ, chẳng hạn như lông vũ hay sợi nylon lướt qua gan bàn chân để kiểm tra xem có bị mất cảm giác hay không. Ngoài ra bệnh nhân sẽ được kiểm tra ngưỡng cảm nhận rung và phản xạ ở mắt cá chân.

Điều trị bệnh thần kinh đái tháo đường

Không có cách chữa khỏi bệnh thần kinh do đái tháo đường nhưng có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh. Duy trì lượng đường trong máu trong phạm vi khỏe mạnh là cách tốt nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh thần kinh đái tháo đường hoặc làm chậm sự tiến triển của bệnh. Kiểm soát đường huyết còn giúp làm giảm một số triệu chứng đái tháo đường.

Bỏ thuốc lá và tập thể dục thường xuyên cũng là những điều cần thiết trong kế hoạch điều trị bệnh đái tháo đường. Nên nói chuyện với bác sĩ trước khi bắt đầu chế độ tập luyện mới. Bệnh nhân cũng có thể hỏi bác sĩ về các phương pháp điều trị bổ sung hoặc thực phẩm chức năng giúp cải thiện chức năng thần kinh.

Giảm đau do bệnh thần kinh đái tháo đường

Có nhiều loại thuốc giúp kiểm soát cơn đau do bệnh thần kinh đái tháo đường. Bác sĩ sẽ kê thuốc dựa trên loại bệnh thần kinh cụ thể và các triệu chứng. Cho bác sĩ biết về các loại thuốc khác đang dùng để được kê thuốc phù hợp.

Bệnh nhân cũng có thể cân nhắc các phương pháp điều trị thay thế, chẳng hạn như châm cứu hay dùng thực phẩm chức năng. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng capsaicin gíup làm giảm các triệu chứng của bệnh thần kinh đái tháo đường. (1) Khi sử dụng kết hợp với thuốc, các phương pháp điều trị thay thế có thể giúp cải thiện tình trạng bệnh.

Kiểm soát biến chứng

Tùy thuộc vào loại bệnh thần kinh, bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc, trị liệu hoặc thay đổi lối sống để giúp giảm nhẹ các triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng.

Ví dụ, một cách để đối phó với các vấn đề về tiêu hóa do bệnh lý thần kinh là ăn nhiều bữa nhỏ cách đều trong ngày và giảm lượng chất xơ, chất béo trong chế độ ăn uống.

Phụ nữ bị khô âm đạo có thể khắc phục bằng cách dùng chất bôi trơn. Tình trạng rối loạn cương dương ở nam giới có thể được điều trị bằng nhiều loại thuốc.

Bệnh thần kinh ngoại biên rất phổ biến ở những người mắc bệnh đái tháo đường và có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng ở chân, thậm chí phải cắt cụt chi. Những người bị bệnh thần kinh ngoại biên cần chăm sóc cẩn thận cho đôi bàn chân và đi khám ngay khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường như tấy đỏ, nóng, vết thương hay vết loét chậm lành.

Phòng ngừa bệnh thần kinh đái tháo đường

Có thể phòng tránh bệnh thần kinh đái tháo đường bằng cách kiểm soát tốt lượng đường trong máu. Để đạt được điều này, bệnh nhân cần:

  • theo dõi đường huyết
  • dùng thuốc theo chỉ định
  • tuân thủ quy tắc về ăn uống
  • tích cực vận động

Khi mắc bệnh thần kinh đái tháo đường thì cần tuân thủ theo các phương pháp điều trị mà bác sĩ đưa ra để làm chậm sự tiến triển của bệnh. Điều trị kịp thời và đúng cách sẽ giúp giảm thiểu tổn thương dây thần kinh và giảm nguy cơ biến chứng.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Các triệu chứng của bệnh thần kinh ngoại biên do đái tháo đường
Các triệu chứng của bệnh thần kinh ngoại biên do đái tháo đường

Bệnh thần kinh ngoại biên là dạng biến chứng về thần kinh phổ biến nhất của bệnh đái tháo đường. Bệnh thần kinh ngoại biên có thể ảnh hưởng đến cẳng chân, bàn chân, ngón chân, bàn tay và cánh tay.

Bệnh da do đái tháo đường: Triệu chứng và cách điều trị
Bệnh da do đái tháo đường: Triệu chứng và cách điều trị

Bệnh đái tháo đường ảnh hưởng đến mọi bộ phận của cơ thể, bao gồm cả da. Bệnh da do đái tháo đường là một vấn đề khá phổ biến ở những người sống chung với đái tháo đường.

Lợi ích của axit alpha-lipoic (ALA) đối với bệnh thần kinh đái tháo đường
Lợi ích của axit alpha-lipoic (ALA) đối với bệnh thần kinh đái tháo đường

Axit alpha-lipoic (ALA) là một liệu pháp thay thế để điều trị triệu chứng đau của bệnh viêm đa dây thần kinh do đái tháo đường.

Tiêu chảy có phải là triệu chứng của bệnh đái tháo đường không?
Tiêu chảy có phải là triệu chứng của bệnh đái tháo đường không?

Theo thời gian, lượng đường trong máu liên tục ở mức cao sẽ gây tổn hại các cơ quan khắp cơ thể và dẫn đến nhiều triệu chứng. Ở một số người, các vấn đề về đường ruột như tiêu chảy là một triệu chứng của bệnh đái tháo đường.

Cách điều trị đau thần kinh do đái tháo đường
Cách điều trị đau thần kinh do đái tháo đường

Bệnh đái tháo đường có thể gây ra các vấn đề về lâu dài trên khắp cơ thể, đặc biệt là khi không kiểm soát tốt lượng đường trong máu và lượng đường trong máu liên tục ở mức cao trong nhiều năm. Đường trong máu cao có thể gây ra bệnh thần kinh đái tháo đường – tình trạng tổn thương các dây thần kinh truyền tín hiệu từ bàn tay và bàn chân (bệnh thần kinh ngoại biên).

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây