Bệnh thận đái tháo đường: Triệu chứng, điều trị và phòng ngừa
Đái tháo đường là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến bệnh thận mạn giai đoạn cuối (hay suy thận mạn giai đoạn cuối). Đây là giai đoạn thứ 5 và cũng là giai đoạn cuối cùng của bệnh thận đái tháo đường.
Bệnh thận đái tháo đường tiến triển chậm. Việc điều trị sớm có thể làm chậm hoặc thậm chí ngăn chặn sự tiến triển của bệnh. Không phải ai mắc bệnh đái tháo đường cũng bị bệnh thận và không phải trường hợp bệnh thận đái tháo đường nào cũng tiến triển thành suy thận mạn giai đoạn cuối.
Triệu chứng của bệnh thận đái tháo đường
Ở giai đoạn đầu, bệnh thận thường không biểu hiện triệu chứng rõ ràng. Người bệnh có thể sẽ không gặp phải bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi bệnh thận mạn tiến triển sang giai đoạn cuối.
Các triệu chứng thường gặp của bệnh thận mạn giai đoạn cuối gồm có:
- Thường xuyên trong tình trạng mệt mỏi, không khỏe
- Chán ăn
- Đau đầu
- Ngứa và khô da
- Buồn nôn hoặc nôn
- Sưng phù tay và chân
Nguyên nhân gây bệnh thận đái tháo đường
Hầu hết mọi người đều có 2 quả thận. Mỗi quả thận có khoảng một triệu nephron. Nephron là những cấu trúc nhỏ có chức năng lọc chất thải từ máu. Bệnh đái tháo đường có thể khiến các nephron dày lên và tạo thành sẹo, giảm khả năng lọc chất thải và loại bỏ chất lỏng thừa ra khỏi cơ thể. Điều này khiến các nephron giải phóng một loại protein có tên là albumin vào nước tiểu. Do đó, đo nồng độ albumin trong nước tiểu sẽ giúp chẩn đoán và xác định sự tiến triển của bệnh thận đái tháo đường.
Nguyên nhân chính xác của điều này ở những người mắc bệnh đái tháo đường vẫn chưa được xác định rõ nhưng lượng đường trong máu cao và cao huyết áp được cho là nguyên nhân gây ra bệnh thận đái tháo đường. Lượng đường trong máu hoặc huyết áp liên tục ở mức cao là hai yếu tố có thể gây tổn hại đến thận, khiến thận không thể lọc chất thải và loại bỏ chất lỏng ra khỏi cơ thể.
Ngoài ra còn có nhiều yếu tố khác đã được chứng minh là làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận đái tháo đường, chẳng hạn như:
- Chủng tộc (ví dụ người Mỹ gốc Phi, người gốc Latinh và Tây Ban Nha hoặc người Mỹ da đỏ)
- Có tiền sử gia đình bị bệnh thận
- Mắc bệnh đái tháo đường type 1 trước 20 tuổi
- Hút thuốc
- Thừa cân hoặc béo phì
- Bị các biến chứng đái tháo đường khác, chẳng hạn như bệnh mắt hoặc bệnh thần kinh
Chẩn đoán bệnh thận đái tháo đường
Bệnh nhân đái tháo đường nên xét nghiệm máu và xét nghiệm nước tiểu định kỳ hàng năm để kiểm tra chức năng thận và phát hiện sớm các vấn đề về thận. Lý do là bởi mắc bệnh đái tháo đường là một yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh thận. Các xét nghiệm thường được thực hiện để chẩn đoán bệnh thận đái tháo đường gồm có:
Xét nghiệm microalbumin niệu
Xét nghiệm microalbumin niệu đo nồng độ albumin trong nước tiểu. Nước tiểu bình thường không chứa albumin và sự hiện diện của loại protein này trong nước tiểu là dấu hiệu của tổn thương thận.
Xét nghiệm BUN
Xét nghiệm BUN (blood urea nitrogen) kiểm tra sự hiện diện của nitơ ure trong máu. Nitơ ure hình thành khi protein bị phân hủy. Nồng độ nitơ ure trong máu cao hơn bình thường có thể là dấu hiệu của bệnh suy thận.
Xét nghiệm creatinin máu
Xét nghiệm này đo nồng độ creatinin trong máu. Thận loại bỏ creatinin ra khỏi cơ thể bằng cách đưa creatinin đến bàng quang và sau đó creatinin sẽ được đào thải ra ngoài cùng với nước tiểu. Nếu chức năng thận có vấn đề, creatinine sẽ không được đào thải ra ngoài mà ở lại trong máu.
Nồng độ creatinine trong máu cao cho thấy thận đang không hoạt động bình thường. Bác sĩ sẽ sử dụng kết quả xét nghiệm creatinine máu để xác định độ lọc cầu thận ước tính (eGFR). Gía trị eGFR giúp đánh giá chức năng thận.
Sinh thiết thận
Nếu nghi ngờ bệnh thận đái tháo đường, bác sĩ có thể sẽ chỉ định sinh thiết thận. Đây là một thủ thuật xâm lấn, trong đó bác sĩ dùng kim lấy một mẫu mô nhỏ từ một hoặc cả hai quả thận và phân tích dưới kính hiển vi để tìm dấu hiệu bất thường.
Các giai đoạn của bệnh thận
Điều trị sớm có thể giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh thận. Bệnh thận tiến triển qua 5 giai đoạn. Giai đoạn 1 là giai đoạn nhẹ nhất và nếu điều trị ngay ở giai đoạn này thì sẽ có thể khôi phục chức năng thận. Giai đoạn 5 là lúc tình trạng suy thận nghiêm trọng nhất. Ở giai đoạn này, thận không còn hoạt động nữa và bệnh nhân sẽ phải lọc máu hoặc ghép thận để tiếp tục sống.
Bác sĩ dựa vào độ lọc cầu thận (glomerular filtration rate - GFR) để xác định giai đoạn bệnh thận. Xác định giai đoạn là bước rất quan trọng vì mỗi một giai đoạn sẽ cần điều trị bằng phác đồ khác nhau. Để tính độ lọc cầu thận, bác sĩ sử dụng kết quả xét nghiệm creatinine máu kết hợp với độ tuổi, giới tính và chiều cao cân nặng của bệnh nhân.
Giai đoạn | GFR | Mức độ tổn thương và chức năng thận |
Giai đoạn 1 | 90+ | Giai đoạn nhẹ nhất. Thận đã bị tổn thương nhưng vẫn có thể hoạt động ở mức bình thường. |
Giai đoạn 2 | 89 - 60 | Chức năng của thận bị suy giảm một phần. |
Giai đoạn 3 | 59 - 30 | Chức năng thận bị suy giảm 50%. Tình trạng này có thể dẫn đến các vấn đề về xương |
Giai đoạn 4 | 29 - 15 | Chức năng thận bị suy giảm nghiêm trọng. |
Giai đoạn 5 | <15 | Suy thận. Bệnh nhân phải lọc máu hoặc ghép thận. |
Điều trị bệnh thận đái tháo đường
Hiện không có cách nào chữa khỏi bệnh thận đái tháo đường nhưng các phương pháp điều trị có thể giúp trì hoãn hoặc ngăn chặn sự tiến triển của bệnh. Một điều rất quan trọng trong phác đồ điều trị bệnh thận đái tháo đường là phải kiểm soát đường huyết và huyết áp trong phạm vi khỏe mạnh bằng cách dùng thuốc và thay đổi lối sống. Bệnh nhân cũng sẽ phải thực hiện một số điều chỉnh đối với chế độ ăn uống. Khi bệnh thận tiến triển sang suy thận mạn giai đoạn cối thì bệnh nhân sẽ phải điều trị bằng các phương pháp xâm lấn.
Dùng thuốc
Theo dõi sát sao lượng đường trong máu, sử dụng insulin liều thích hợp và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ sẽ giúp kiểm soát đường huyết ở mức an toàn. Những người bị cao huyết áp có thể sẽ được kê thuốc ức chế men chuyển (ACE), thuốc ức chế thụ thể angiotensin (ARB) hoặc các loại thuốc điều trị cao huyết áp khác để giữ ổn định huyết áp.
Kerendia (finerenone) là một loại thuốc kê đơn có thể làm giảm nguy cơ suy giảm độ lọc cầu thận kéo dài, bệnh thận mạn giai đoạn cuối, tử vong do bệnh tim mạch, biến cố tim mạch không tử vong và nhập viện do suy tim ở người lớn mắc bệnh thận mạn do đái tháo đường type 2.
Chế độ ăn uống và những thay đổi lối sống khác
Những người mắc bệnh thận cần tuân thủ theo chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt hơn so với chế độ ăn tiêu chuẩn cho người bệnh đái tháo đường. Một số nguyên tắc về ăn uống khi mắc bệnh thận gồm có:
- Hạn chế ăn protein
- Chọn các nguồn chất béo tốt nhưng hạn chế ăn dầu và chất béo bão hòa
- Không ăn quá 1.500 đến 2.000 mg natri mỗi ngày
- Hạn chế ăn thực phẩm chứa nhiều kali như chuối, bơ và rau cải bó xôi
- Hạn chế ăn thực phẩm chứa nhiều phốt pho như sữa chua, sữa và thịt chế biến sẵn
Bác sĩ sẽ hướng dẫn chế độ ăn uống cụ thể tùy theo tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Bệnh nhân cũng có thể đến gặp chuyên gia dinh dưỡng để biết cách xây dựng chế độ ăn thân thiện với bệnh thận mà vẫn đáp ưng đủ nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể.
Ngoài chế độ ăn uống, tập thể dục thường xuyên cũng là một cách hiệu quả để ổn định huyết áp và duy trì chức năng thận.
Điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối
Những người bị suy thận mạn giai đoạn cuối sẽ phải lọc máu hoặc ghép thận, bên cạnh các phương pháp điều trị cho các giai đoạn trước của bệnh thận.
Lọc máu là phương pháp giúp loại bỏ chất thải ra khỏi máu. Có hai loại lọc máu chính là chạy thận nhân tạo và lọc màng bụng (thẩm phân phúc mạc).
Một giải pháp khác để điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối là phẫu thuật ghép thận. Trong quá trình phẫu thuật, quả thận bị hỏng sẽ bị cắt bỏ và được thay bằng quả thận khỏe mạnh từ người hiến tặng. Mức độ thành công của phương pháp lọc máu và ghép thận ở mỗi một ca bệnh là khác nhau vì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố.
Tiên lượng bệnh thận đái tháo đường
Tiên lượng đối với bệnh thận đái tháo đường phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tuân thủ phác đồ điều trị và thực hiện các thay đổi lối sống có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh và duy trì chức năng thận lâu hơn.
Phòng ngừa bệnh thận đái tháo đường
Những người mắc bệnh đái tháo đường có thể thực hiện các cách sau đây để giữ cho thận khỏe mạnh và giảm nguy cơ bệnh thận đái tháo đường:
- Kiểm soát lượng đường trong máu trong phạm vi khuyến nghị.
- Giữ ổn định huyết áp và điều trị cao huyết áp.
- Bỏ thuốc lá nếu hút.
- Giảm cân nếu thừa cân hoặc béo phì.
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh ít natri. Lựa chọn thực phẩm tươi như rau củ quả, thịt nạc, ngũ cốc nguyên hạt và chất béo tốt. Hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối và calo rỗng.
- Duy trì thói quen tập thể dục hàng ngày. Nếu không quen vận động, hãy bắt đầu từ bài tập nhẹ nhàng và sau đó tăng dần. Tập thể dục giúp duy trì cân nặng hợp lý và kiểm soát huyết áp.
Bệnh đái tháo đường ảnh hưởng đến mọi bộ phận của cơ thể, bao gồm cả da. Bệnh da do đái tháo đường là một vấn đề khá phổ biến ở những người sống chung với đái tháo đường.
Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), bệnh võng mạc đái tháo đường là một trong nguyên nhân gây mù lòa có thể phòng ngừa được phổ biến nhất. Đây cũng là bệnh về mắt phổ biến nhất ở người mắc bệnh tiểu đường.
Để tránh mắc phải bệnh thận và những hậu quả nghiêm trọng do bệnh thận, người mắc bệnh đái tháo đường cần phải theo dõi và biết cách bảo vệ sức khỏe thận.
Bệnh thần kinh ngoại biên là dạng biến chứng về thần kinh phổ biến nhất của bệnh đái tháo đường. Bệnh thần kinh ngoại biên có thể ảnh hưởng đến cẳng chân, bàn chân, ngón chân, bàn tay và cánh tay.
Nếu bạn bị đái tháo đường và phát hiện thấy những vết phồng rộp trên da thì rất có thể đó là bóng nước do đái tháo đường hay còn gọi là rộp da do đái tháo đường. Mặc dù trông có vẻ đáng sợ nhưng các bóng nước đa phần không đau và thường tự lành mà không để lại sẹo.