Cách phòng ngừa bệnh thận đái tháo đường
Bệnh thận là tình trạng chức năng của thận bị suy giảm. Những người bị bệnh đái tháo đường có nguy cơ mắc bệnh thận cao hơn so với người không bị đái tháo đường. (1) Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), cứ 3 người trưởng thành bị đái tháo đường lại có một người biểu hiện các dấu hiệu ban đầu của bệnh thận. Bệnh thận là một trong những biến chứng phổ biến nhất của bệnh đái tháo đường.
Biến chứng này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng cao huyết áp và bệnh tim mạch - vốn là những vấn đề sức khỏe rất thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường. Khi không được điều trị, bệnh thận sẽ tiến triển thành suy thận giai đoạn cuối và có thể gây tử vong.
Để tránh mắc phải bệnh thận và những hậu quả nghiêm trọng do bệnh thận, người mắc bệnh đái tháo đường cần phải theo dõi và biết cách bảo vệ sức khỏe thận.
Bệnh thận đái tháo đường là gì?
Bệnh thận đái tháo đường là một biến chứng của bệnh đái tháo đường, xảy ra do lượng glucose trong máu cao gây tổn hại thận theo thời gian.
Có tới 40% người bị đái tháo đường type 2 và 30% người bị đái tháo đường type 1 có nguy cơ mắc bệnh thận. (2) Một số nhóm chủng tộc có nguy cơ bị bệnh thận đái tháo đường cao hơn so với các chủng tộc khác, gồm có người Mỹ gốc Phi, người Mỹ bản địa và người gốc Latinh - Tây Ban Nha, đặc biệt là người ở độ tuổi trung niên.
Thận là cơ quan có chức năng lọc chất thải trong máu và đào thải ra khỏi cơ thể qua nước tiểu. Thận giúp kiểm soát lượng muối và khoáng chất trong cơ thể. Thận còn tạo ra các hormone giúp điều hòa huyết áp, tham gia vào quá trình sản sinh hồng cầu và duy trì xương chắc khỏe.
Theo thời gian, lượng đường trong máu ở mức cao sẽ làm hỏng các mạch máu trong thận và làm suy yếu chức năng thận. Khi đến một mức độ nhất định, tình trạng tổn thương này sẽ được chẩn đoán là bệnh thận.
Nếu không được điều trị, chức năng thận sẽ ngày càng suy giảm và thận không còn khả năng lọc chất thải trong máu nữa. Lúc này, bệnh nhân sẽ phải lọc máu thường xuyên hoặc ghép thận để tiếp tục sống.
Bệnh thận mạn giai đoạn cuối là giai đoạn nghiêm trọng nhất của bệnh thận. Bệnh thận mạn giai đoạn cuối có thể gây tử vong.
Giảm nguy cơ bệnh thận đái tháo đường
Phát hiện và điều trị sớm có thể giúp làm chậm, ngăn chặn sự tiến triển của bệnh thận và thậm chí trong một số trường hợp còn có thể phục hồi chức năng thận.
Hiệu quả của việc điều trị phụ thuộc vào một số yếu tố, gồm có thời điểm phát hiện và mức độ tích cực điều trị.
Tốt nhất vẫn nên ngăn ngừa bệnh thận đái tháo đường ngay từ đầu bằng các cách dưới đây:
- Giữ đường huyết trong phạm vi khuyến nghị
- Kiểm soát ổn định huyết áp
- Thận trọng khi sử dụng các loại thuốc không kê đơn có thể gây hại cho thận, bao gồm cả thuốc chống viêm và thuốc giảm đau thông thường
- Hạn chế protein, natri và kali trong chế độ ăn
- Duy trì mức cholesterol khỏe mạnh
- Tập thể dục thường xuyên và tích cực vận động
- Không hút thuốc
- Hạn chế rượu bia
- Hạn chế căng thẳng
Cách hiệu quả nhất để bảo vệ sức khỏe thận khi mắc bệnh đái tháo đường là chủ động kiểm soát đường huyết và huyết áp. Giữ đường huyết và huyết áp ổn định trong phạm vi bình thường sẽ giúp hỗ trợ chức năng thận khỏe mạnh và giảm nguy cơ tiến triển của bệnh đái tháo đường hoặc cao huyết áp.
Mặc dù không thể chữa khỏi bệnh thận đái tháo đường nhưng một số loại thuốc có thể giúp cải thiện chức năng thận và sức khỏe tổng thể:
- Thuốc ức chế SGLT2 và thuốc đồng vận thụ thể GLP1: giúp bảo vệ thận và kiểm soát lượng đường trong máu.
- Finerenone - một loại thuốc đối kháng thụ thể mineralocorticoid chọn lọc không steroid, có tác dụng làm chậm sự tiến triển của bệnh, dành cho những người không thể sử dụng thuốc ức chế SGLT2 hoặc những người có nguy cơ cao mắc bệnh thận hoặc bệnh tim mạch.
- Thuốc ức chế men chuyển (ACE) và thuốc ức chế thụ thể angiotensin (ARB): làm giảm và ổn định huyết áp.
- Thuốc lợi tiểu: loại bỏ chất lỏng thừa ra khỏi cơ thể.
- Thuốc hạ cholesterol: bảo vệ sức khỏe tim mạch.
Các xét nghiệm chẩn đoán bệnh thận đái tháo đường
Bệnh thận thường không có triệu chứng rõ ràng ở những giai đoạn đầu.
Khi có, các triệu chứng thường là:
- Tích nước gây phù nề
- Đau bụng
- Ăn không ngon miệng
- Mệt mỏi
Tuy nhiên, các triệu chứng trên không chỉ xảy ra với bệnh thận và thường không được chú ý đến.
Bác sĩ thường chỉ định xét nghiệm nước tiểu và xét nghiệm máu để đánh giá chức năng thận và chẩn đoán bệnh thận đái tháo đường.
Xét nghiệm nước tiểu và microalbumin niệu
Bệnh nhân sẽ phải lấy mẫu nước tiểu để kiểm tra sự hiện diện của protein trong nước tiểu.
Một trong những protein đó là albumin. Albumin được tạo ra trong gan và thường có trong huyết tương. Tình trạng albumin xuất hiện trong nước tiểu được gọi là albumin niệu và là dấu hiệu chỉ ra bệnh lý ở thận. Khi nước tiểu chỉ có một lượng nhỏ albumin (30 - 300 mg/ngày hoặc 20 - 200 µg/phút) thì được gọi là albumin niệu vi lượng (microalbumin).
Albumin niệu vi lượng cũng là một dấu hiệu cho thấy nguy cơ mắc bệnh tim mạch cùng với bệnh thận giai đoạn đầu. Bác sĩ thường yêu cầu xét nghiệm microalbumin niệu nếu nghi ngờ thận bị tổn thương hay chức năng thận suy giảm.
Đo độ lọc cầu thận ước tính
Bệnh nhân còn được lấy mẫu máu để kiểm tra độ lọc cầu thận ước tính (estimated glomerular filtration rate - eGFR).
Xét nghiệm này đo nồng độ creatinine - một sản phẩm thải của quá trình sử dụng các cơ. Giá trị eGFR được xác định dựa trên nồng độ creatinine trong máu, tuổi tác, chiều cao cân nặng và giới tính của bệnh nhân. Kết quả sẽ cho biết về chức năng thận. eGFR còn giúp xác định giai đoạn của bệnh thận.
Xét nghiệm đánh giá chức năng thận định kỳ đối với người bệnh đái tháo đường
Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) khuyến nghị xét nghiệm đánh giá chức năng thận định kỳ hàng năm đối với tất cả những người bị đái tháo đường type 2 và những người bị đái tháo đường type 1 kể từ năm thứ 5 sau chẩn đoán.
Những người mắc bệnh thận cần phải xét nghiệm thường xuyên hơn để theo dõi sự tiến triển của bệnh và điều chỉnh phác đồ điều trị.
Điều trị bệnh thận đái tháo đường
Các giai đoạn bệnh thận đái tháo đường
Sự tiến triển của bệnh thận đái tháo đường được chia thành 5 giai đoạn dựa trên giá trị eGFR. Nói chung, giá trị eGFR càng cao thì chức năng thận càng tốt.
- Giai đoạn 1: eGFR bình thường (90+). Mặc dù thận bị tổn thương nhưng vẫn có thể thực hiện chức năng bình thường. Do đó, giai đoạn này không có triệu chứng,.
- Giai đoạn 2: eGFR từ 60 đến 89. Chức năng thận bị suy giảm nhẹ. Giai đoạn này cũng không có triệu chứng.
- Giai đoạn 3: eGFR từ 30 đến 59. Chức năng thận bị suy giảm nặng hơn giai đoạn 2, có các triệu chứng như tích nước, gây phù nề trên cơ thể và nước tiểu sẫm màu.
- Giai đoạn 4: eGFR từ 15 đến 29. Chức năng thận đã bị suy giảm nghiêm trọng, các triệu chứng bắt đầu biểu hiện rõ ràng hơn.
- Giai đoạn 5: eGFR dưới 15. Đây là giai đoạn suy thận. Ở giai đoạn này, thận hoàn toàn không còn khả năng lọc chất thải trong máu và bệnh nhân phải lọc máu hoặc ghép thận.
Trong các giai đoạn từ 1 đến 4, tích cực điều trị bằng thuốc sẽ giúp duy trì chức năng thận và trì hoãn sự tiến triển của bệnh thận. Nhưng khi sang đến giai đoạn 5, thận không còn hoạt động và bắt buộc phải lọc máu hoặc ghép thận để duy trì sự sống.
Lọc máu
Bệnh nhân phải lọc máu vài ngày một tuần, mỗi ngày ít nhất 4 tiếng.
Có hai hình thức lọc máu là chạy thận nhân tạo và lọc màng bụng. Trong quá trình chạy thận nhân tạo, máu được đưa ra khỏi cơ thể vào trong thiết bị lọc và máu sau khi lọc sẽ được đưa trở lại vào cơ thể. Lọc màng bụng hay còn gọi là thẩm phân phúc mạc là phương pháp sử dụng chính màng bụng (phúc mạc) của bệnh nhân làm màng lọc máu thay cho thận.
Ghép thận
Ghép thận là một ca đại phẫu, trong đó quả thận bị hỏng của bệnh nhân được thay thế bằng thận khỏe mạnh của người hiến tặng. Ghép thận đòi hỏi phải chăm sóc kỹ lưỡng trước và sau phẫu thuật. Thường rất khó tìm được người hiến thận tương thích và chi phí khá tốn kém. Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân sẽ phải tái khám định kỳ và dùng thuốc chống thải ghép suốt đời.
Tóm tắt bài viết
Bệnh thận là một trong những biến chứng nghiêm trọng, có thể đe dọa đến tính mạng của bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, không phải ai bị đái tháo đường cũng mắc bệnh thận.Kiểm soát tốt mức đường huyết bằng cách dùng thuốc kết hợp với thói quen lối sống lành mạnh sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh thận đái tháo đường. Phát hiện sớm và điều trị tích cực khi mắc bệnh thận sẽ giúp duy trì chức năng thận và tránh phải lọc máu hay ghép thận
Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), bệnh võng mạc đái tháo đường là một trong nguyên nhân gây mù lòa có thể phòng ngừa được phổ biến nhất. Đây cũng là bệnh về mắt phổ biến nhất ở người mắc bệnh tiểu đường.
Tiền tiểu đường là một bệnh lý thầm lặng, vì vậy nên khám sức khỏe định kỳ là điều rất quan trọng để phát hiện bệnh từ sớm. Nếu nghi ngờ có thể mình bị tiền tiểu đường thì nên đi khám.
Bệnh tiểu đường hay đái tháo đường có thể khiến lượng đường trong máu quá cao hoặc quá thấp. Điều này có thể dẫn đến bệnh thận, tổn thương thần kinh, các vấn đề về da, mắt và bàn chân.
Axit alpha-lipoic (ALA) là một liệu pháp thay thế để điều trị triệu chứng đau của bệnh viêm đa dây thần kinh do đái tháo đường.
Thêm đậu phộng và bơ đậu phộng vào chế độ ăn uống mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, đặc biệt đối với những người bị bệnh đái tháo đường type 2.