1

Độ lọc cầu thận (GFR) và bệnh thận đái tháo đường

Độ lọc cầu thận là một công cụ hữu ích để theo dõi chức năng thận. Điều này đặc biệt quan trọng ở những người có nguy cơ mắc bệnh thận cao, chẳng hạn như người bị đái tháo đường.
Độ lọc cầu thận (GFR) và bệnh thận đái tháo đường Độ lọc cầu thận (GFR) và bệnh thận đái tháo đường

Bệnh đái tháo đường và bệnh thận

Đái tháo đường hay tiểu đường là một bệnh lý mãn tính có đặc trưng là lượng đường trong máu quá cao. Ở những người mắc bệnh đái tháo đường, cơ thể không tạo ra insulin (hormone có chức năng điều hòa lượng đường trong máu) hoặc sử dụng insulin không hiệu quả.

Bệnh đái tháo đường làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh lý khác, trong đó có bệnh thận. Trên thực tế, theo Viện Quốc gia về Bệnh đái tháo đường, tiêu hóa và bệnh thận (NIDDK), cứ 3 người trưởng thành mắc bệnh đái tháo đường thì có 1 người bị bệnh thận. Bệnh thận đái tháo đường là một biến chứng phổ biến và nguy hiểm của bệnh đái tháo đường.

Độ lọc cầu thận là một xét nghiệm quan trọng trong chẩn đoán và theo dõi bệnh thận.

Độ lọc cầu thận (GFR) là gì?

Thận là cơ quan có chức năng lọc chất thải và chất lỏng dư thừa từ máu, sau đó thải ra khỏi cơ thể qua nước tiểu.

Xét nghiệm độ lọc cầu thận (glomerular filtration rate - GFR) đo nồng độ creatinin – một loại chất thải trong máu và từ đó giúp đánh giá khả năng lọc máu của thận.

Vì bệnh thận giai đoạn đầu thường không có triệu chứng nên GFR là một công cụ hữu ích để theo dõi chức năng thận. Điều này đặc biệt quan trọng ở những người có nguy cơ mắc bệnh thận cao, chẳng hạn như người bị đái tháo đường.

Quy trình thực hiện

Xét nghiệm GFR đo nồng độ creatinin trong máu nên sẽ phải lấy máu.

Nhân viên y tế sẽ dùng bơm kim tiêm lấy một lượng máu vừa đủ từ tĩnh mạch ở cánh tay bệnh nhân. Mẫu máu sau đó được gửi đến phòng xét nghiệm để đo nồng độ creatinin.

Tuy nhiên, GFR không chỉ dừng lại ở việc đo nồng độ creatinin trong máu. Mức creatinin sẽ được đưa vào một công thức toán học với các biến số khác như tuổi tác và giới tính để xác định giá trị GFR. Bước này thường được thực hiện bởi kỹ thuật viên tại phòng xét nghiệm hoặc bác sĩ.

Kết quả được gọi là độ lọc cầu thận ước tính (estimated glomerular filtration rate - eGFR).

Chuẩn bị trước xét nghiệm

Trước khi làm xét nghiệm, người bệnh có thể liên hệ với bệnh viện để được hướng dẫn các bước chuẩn bị.

Người bệnh có thể sẽ phải nhịn ăn khoảng vài tiếng trước khi xét nghiệm máu, đặc biệt là khi còn phải thực hiện thêm các xét nghiệm khác yêu cầu nhịn ăn. Trong thời gian này, người bệnh không được ăn uống bất cứ thứ gì trừ nước lọc, ngoài ra có thể còn phải tạm thời kiêng một số loại thực phẩm nhất định.

Điều quan trọng là phải tuân thủ đúng theo chỉ dẫn để có được kết quả xét nghiệm chính xác.

Độ lọc cầu thận ước tính

Vì việc xác định chính xác GFR rất phức tạp nên độ lọc cầu thận ước tính (eGFR) thường được sử dụng thay cho GFR.

eGFR sử dụng kết quả xét nghiệm creatinin trong máu (creatinin là một chất thải do cơ tạo ra). Mặc dù sự sản xuất creatinin ở mỗi người là khác nhau nhưng nồng độ creatinin trong máu cao có thể là dấu hiệu cho thấy chức năng thận bị suy giảm.

Sau khi có kết quả xét nghiệm creatinin, kỹ thuật viên phòng xét nghiệm hoặc bác sĩ sẽ kết hợp thêm các biến số như tuổi tác và giới tính của người bệnh để xác định eGFR.

Vì eGFR là một trong những công cụ chính được sử dụng để đánh giá chức năng thận nên các nhà nghiên cứu đang tìm cách để có được giá trị eGFR toàn diện và không chệch. Theo nghiên cứu vào năm 2021, một phương pháp đo eGFR mới, sử dụng cả kết quả xét nghiệm creatinin và cystatin C (một loại protein tronng máu) có thể giúp đánh giá chức năng thận chính xác hơn so với phương pháp hiện có.

Việc tính eGFR dựa trên mức creatinin không được khuyến nghị cho những người mắc một số bệnh lý hoặc tình trạng ảnh hưởng đến độ chính xác của kết quả xét nghiệm, chẳng hạn như:

  • Suy thận cấp
  • Mang thai
  • Béo phì
  • Bệnh lý gây teo cơ
  • Có khối lượng cơ quá lớn, chẳng hạn như những người tập thể hình
  • Theo chế độ ăn chay hoặc ít thịt

Trong những trường hợp này, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp khác để đánh giá chức năng thận.

Độ lọc cầu thận bình thường là bao nhiêu?

Đối với hầu hết người lớn, GFR trên 90 được coi là bình thường. Tuy nhiên, nếu không có các triệu chứng của bệnh thận thì GFR từ 60 trở lên cũng được coi là trong phạm vi bình thường.

  • GFR dưới 60 có thể là dấu hiệu cho thấy chức năng thận bị suy giảm.
  • GFR từ 15 trở xuống có thể là dấu hiệu của suy thận.

Giá trị GFR có thể thay đổi theo độ tuổi. Càng có tuổi thì GFR tự nhiên càng thấp.

Độ lọc cầu thận trung bình theo độ tuổi

Theo Tổ chức Thận Quốc gi Hoa Kỳ (National Kidney Foundation), giá trị GFR trung bình theo độ tuổi như sau:

  • Từ 20 đến 29 tuổi: 116
  • Từ 30 đến 39 tuổi: 107
  • Từ 40 đến 49 tuổi: 99
  • Từ 50 đến 59 tuổi: 93
  • Từ 60 đến 69 tuổi: 85
  • 70 tuổi trở lên: 75

GFR bao nhiêu là bất thường?

Nếu GFR dưới 60 thì đó có thể là dấu hiệu của bệnh thận, có nghĩa là chức năng thận đã bị suy giảm. Bệnh thận giai đoạn đầu thường không biểu hiện triệu chứng. Vì vậy nên làm xét nghiệm đo GFR định kỳ là điều rất quan trọng đối với những người có nguy cơ cao mắc bệnh thận.

Khi sang các giai đoạn sau, bệnh thận có thể gây ra các triệu chứng như:

  • Mệt mỏi
  • Sưng phù cẳng chân, mắt cá chân hoặc bàn chân
  • Đi tiểu nhiều hoặc ít hơn bình thường
  • Ngứa ngáy dữ dội
  • Chuột rút cơ
  • Khó ngủ hoặc mất ngủ
  • Chán ăn
  • Buồn nôn hoặc nôn
  • Giảm tập trung

GFR từ 15 trở xuống là dấu hiệu của suy thận. Suy thận là khi thận không còn khả năng lọc chất thải và chất lỏng dư thừa từ máu một cách hiệu quả. Những người bị suy thận cần phải lọc máu hoặc phẫu thuật ghép thận để tiếp tục sống.

Một số người lại có GFR cao hơn nhiều so với mức bình thường. Điều này được gọi là tăng lọc cầu thận (hyperfiltration). Ở một số người bị tăng lọc cầu thận, GFR có thể lên tới 180.

Tăng lọc cầu thận có thể xảy ra trong thời gian đầu mắc bệnh đái tháo đường. Mặc dù cần nghiên cứu thêm để hiểu rõ hơn về tác động của tăng lọc cầu thận nhưng tình trạng này được cho là có thể làm tăng nguy cơ tổn thương thận.

Có thể khôi phục GFR thấp về mức bình thường không?

Khi bệnh thận đái tháo đường làm giảm GFR, điều quan trọng là phải cố gắng duy trì chức năng thận ở mức tốt nhất có thể.

Một nghiên cứu vào năm 2013 cho thấy rằng một tỷ lệ nhỏ những người mắc bệnh thận (khoảng 15%) có thể cải thiện độ lọc cầu thận theo thời gian. Mặc dù không phải lúc nào cũng có thể tăng độ lọc cầu thận nhưng có nhiều cách để làm chậm sự tiến triển của bệnh thận và ngăn độ lọc cầu thận tiếp tục giảm, chẳng hạn như:

  • Kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường để giữ lượng đường trong máu ở mức khỏe mạnh
  • Ngăn ngừa hoặc điều trị cao huyết áp
  • Ăn nhiều rau củ tươi
  • Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn và chứa nhiều muối
  • Tập thể dục thường xuyên với cường độ vừa phải

Nên trao đổi với bác sĩ trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi lớn nào về thói quen sống.

Tại sao bệnh đái tháo đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận?

Bệnh thận đái tháo đường có thể xảy ra với cả đái tháo đường type 1 và type 2. Tuy nhiên, biến chứng này phổ biến hơn ở người mắc đái tháo đường type 2.

Theo một nghiên cứu vào năm 2015, khoảng một nửa số người bị đái tháo đường type 2 mắc bệnh thận đái tháo đường trong khi tỷ lệ này ở người mắc đái tháo đường type 1 chỉ là 1/3.

Ở người bị đái tháo đường, lượng đường trong máu cao gây tổn thương các mạch máu nhỏ khắp cơ thể, bao gồm cả mạch máu ở thận. Thận gồm có các bó mạch máu nhỏ có chức năng lọc chất thải và chất lỏng dư thừa ra khỏi máu. Các bó mạch máu này được gọi là cầu thận và thận có hàng triệu cầu thận.

Khi các mạch máu trong thận bị tổn thương, thận sẽ không thể lọc chất thải và chất lỏng dư thừa trong máu một cách hiệu quả. Lúc này, một loại protein trong máu có tên là albumin sẽ đi vào nước tiểu nhiều hơn bình thường. Ngoài GFR thấp, sự hiện diện của albumin trong nước tiểu cũng có thể là dấu hiệu của bệnh thận.

Ngoài ra, nhiều người mắc bệnh đái tháo đường bị cao huyết áp. Bản thân cao huyết áp cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận vì huyết áp cao làm hỏng các mạch máu của thận.

Các yếu tố nguy cơ của bệnh thận đái tháo đường

Ngoài cao huyết áp, các yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận đái tháo đường gồm có:

  • Không kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường
  • Tuổi tác cao
  • Mắc bệnh đái tháo đường trong thời gian dài
  • Hút thuốc
  • Thừa cân hoặc béo phì
  • Ít vận động
  • Bệnh tim mạch
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh thận

Tỷ lệ mắc bệnh thận cao hơn ở một số nhóm chủng tộc và sắc tộc, chẳng hạn như người da đen và người da đỏ hoặc thổ dân Alaska.

Theo nhiều chuyên gia, tình trạng phân biệt chủng tộc và ít có cơ hội tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe là những yếu tố khiến cho các nhóm chủng tộc này có nguy cơ mắc bệnh thận cao hơn.

Phòng ngừa bệnh thận khi bị đái tháo đường

Những người bị đái tháo đường có thể thực hiện các cách sau đây để giảm nguy cơ mắc bệnh thận đái tháo đường:

  • Tuân thủ điều trị: Một điều vô cùng quan trọng để giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng của bệnh đái tháo đường như bệnh thận là phải tuân thủ các phương pháp điều trị mà bác sĩ đưa ra, gồm có:
    • Theo dõi sát sao mức đường huyết
    • Dùng tất cả các loại thuốc được kê
    • Điều chỉnh chế độ ăn uống
    • Xét nghiệm A1C định kỳ
    • Đi khám nếu chỉ số đường huyết liên tục ở mức cao
  • Điều trị cao huyết áp: Vì cao huyết áp làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận nên điều quan trọng là phải theo dõi huyết áp. Nếu có các triệu chứng cao huyết áp thì nên đi khám để được kê thuốc điều trị.
  • Kiểm soát cholesterol cao: Mức cholesterol cao có thể góp phần gây ra bệnh tim mạch và khiến cho các mạch máu càng bị tổn thương nặng hơn. Một phương pháp điều trị cholesterol cao là dùng thuốc statin.
  • Bỏ thuốc lá: Hút thuốc cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận.
  • Kiểm soát cân nặng: Những người thừa cân cần giảm cân bằng cách kết hợp chế độ ăn kiêng khoa học và tập thể dục. Nếu đã có cân nặng khỏe mạnh thì hãy cố gắng duy trì.
  • Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục thường xuyên rất tốt cho cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Thói quen tập thể dục còn giúp giảm huyết áp và hỗ trợ kiểm soát cân nặng.
  • Không uống rượu bia hoặc chỉ uống vừa phải: Uống quá nhiều rượu bia gây hại cho cả gan và thận, hơn nữa còn làm tăng huyết áp. Tốt nhất nên bỏ rượu bia hoặc chỉ uống ở mức độ vừa phải.
  • Tránh một số loại thuốc: Một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen và naproxen có thể gây tổn hại thận. Nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào.

Sàng lọc bệnh thận

Những người bị đái tháo đường nên khám sàng lọc bệnh thận định kỳ hàng năm. Các phương pháp thường được sử dụng để sàng lọc bệnh thận là đo độ lọc cầu thận và xét nghiệm albumin trong nước tiểu. Việc sàng lọc hàng năm có thể giúp phát hiện sớm bệnh thận và ngăn ngừa các vấn đề nghiêm trọng hơn.

Tóm tắt bài viết

Người bị đái tháo đường có nguy cơ mắc bệnh thận cao hơn. Tuy nhiên, có thể giảm nguy cơ bằng cách kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường và duy trì lối sống lành mạnh.

Đo GFR là một cách để đánh giá chức năng thận. GFR thấp hơn bình thường có thể là dấu hiệu chỉ ra chức năng thận kém hoặc thậm là bệnh suy thận.

Những người bị đái tháo đường nên đo độ lọc cầu thận và làm xét nghiệm albumin trong nước tiểu định kỳ hàng năm để theo dõi chức năng thận. Để giảm nguy cơ mắc bệnh thận đái tháo đường, điều quan trọng nhất là tuân thủ các phương pháp điều trị bệnh đái tháo đường để kiểm soát lượng đường trong máu, đồng thời theo dõi và kiểm soát huyết áp.

Ở người đã mắc bệnh thận đái tháo đường, những biện pháp này sẽ giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh.

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bệnh thần kinh đái tháo đường: Triệu chứng và điều trị
Bệnh thần kinh đái tháo đường: Triệu chứng và điều trị

Có nhiều loại bệnh thần kinh đái tháo đường, mỗi loại ảnh hưởng đến một số vùng nhất định trên cơ thể bạn và gây ra các triệu chứng khác nhau. Người bị đái tháo đường cần phải thường xuyên kiểm tra đường huyết và đi khám ngay khi nhận thấy triệu chứng của bệnh thần kinh.

Tăng kali máu do bệnh thận đái tháo đường: Nguyên nhân và điều trị
Tăng kali máu do bệnh thận đái tháo đường: Nguyên nhân và điều trị

Bệnh thận đái tháo đường có mối liên hệ trực tiếp với tăng kali máu - tình trạng nồng độ kali trong máu tăng cao và cơ thể không thể tự đào thải hoặc cân bằng lượng kali dư thừa.

Bệnh thận đái tháo đường: Triệu chứng, điều trị và phòng ngừa
Bệnh thận đái tháo đường: Triệu chứng, điều trị và phòng ngừa

Bệnh thận đái tháo đường là một biến chứng phổ biến của bệnh đái tháo đường, có thể xảy ra với cả đái tháo đường type 1 và type 2. Mắc bệnh đái tháo đường càng lâu thì nguy cơ gặp phải biến chứng về thận càng cao. Ngoài ra, nguy cơ sẽ cao hơn nếu như có tiền sử gia đình bị bệnh thận hoặc có các vấn đề sức khỏe khác như cao huyết áp.

Cách phòng ngừa bệnh thận đái tháo đường
Cách phòng ngừa bệnh thận đái tháo đường

Để tránh mắc phải bệnh thận và những hậu quả nghiêm trọng do bệnh thận, người mắc bệnh đái tháo đường cần phải theo dõi và biết cách bảo vệ sức khỏe thận.

Các triệu chứng của bệnh thần kinh ngoại biên do đái tháo đường
Các triệu chứng của bệnh thần kinh ngoại biên do đái tháo đường

Bệnh thần kinh ngoại biên là dạng biến chứng về thần kinh phổ biến nhất của bệnh đái tháo đường. Bệnh thần kinh ngoại biên có thể ảnh hưởng đến cẳng chân, bàn chân, ngón chân, bàn tay và cánh tay.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây