1

Tăng kali máu do bệnh thận đái tháo đường: Nguyên nhân và điều trị

Bệnh thận đái tháo đường có mối liên hệ trực tiếp với tăng kali máu - tình trạng nồng độ kali trong máu tăng cao và cơ thể không thể tự đào thải hoặc cân bằng lượng kali dư thừa.
Tăng kali máu do bệnh thận đái tháo đường: Nguyên nhân và điều trị Tăng kali máu do bệnh thận đái tháo đường: Nguyên nhân và điều trị

Tăng kali máu là gì?

Tăng kali máu là một biến chứng nghiêm trọng, có thể đe dọa đến tính mạng của bệnh thận đái tháo đường.

Đây là một trong những tình trạng mất cân bằng điện giải phổ biến nhất ở những người bị bệnh thận nói chung và bệnh thận đái tháo đường nói riêng.

Tăng kali máu là tình trạng nồng độ kali trong máu tăng cao và cơ thể không thể tự đào thải hoặc cân bằng lượng kali dư thừa.

Sự mất cân bằng điện giải này có thể gây yếu cơ, đau nhức và tê liệt cơ. Tăng kali máu nghiêm trọng còn có thể gây rối loạn nhịp tim (có thể dẫn đến tử vong) hoặc cần phải lọc máu.

Các nguyên nhân dẫn đến tăng kali máu đã được xác định rõ nhưng việc nhận biết chứng tăng kali máu và điều trị hiệu quả lại không đơn giản.

Tăng kali máu và bệnh thận đái tháo đường

Bệnh thận đái tháo đường có mối liên hệ trực tiếp với tăng kali máu.

Bệnh thận là tình trạng chức năng của thận bị suy giảm. Nếu không được điều trị, bệnh thận sẽ tiến triển dần sang giai đoạn cuối, được gọi là bệnh thận mạn giai đoạn cuối hay suy thận mạn giai đoạn cuối và có thể dẫn đến tử vong.

Ở giai đoạn đầu, bệnh thận có rất ít triệu chứng hoặc hoàn toàn không có triệu chứng nên thường không được phát hiện sớm. Bệnh thận thường được chẩn đoán bằng phương pháp xét nghiệm máu và xét nghiệm nước tiểu để đo mức lọc cầu thận (glomerular filtration rate - GFR) và sự hiện diện của albumin - một loại protein có trong nước tiểu ở giai đoạn đầu của bệnh thận.

Khi chức năng thận bị suy giảm, lượng kali dư thừa trong máu sẽ không được đào thải ra ngoài. Điều này khiến cơ thể bị mất cân bằng điện giải và ảnh hưởng đến đến các chức năng vô cùng quan trọng, chẳng hạn như loại bỏ chất thải và điều hòa huyết áp.

Tình trạng mất cân bằng điện giải gây ra nhiều triệu chứng khác nhau như:

  • Đau cơ
  • Chuột rút
  • Tim đập nhanh
  • Khó thở

Các triệu chứng ở mỗi người là không hoàn toàn giống nhau và có thể khó xác định. Các triệu chứng mất cân bằng điện giải có thể xảy đến đột ngột và nghiêm trọng.

Tăng kali máu có thể xảy ra ở cả những người bị bệnh thận nhẹ đến vừa nhưng vấn đề về thận càng nặng thì tình trạng tăng kali máu sẽ càng nghiêm trọng và có thể đe dọa đến tính mạng.

Tại sao người mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ bị tăng kali máu?

Những người mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ bị bệnh thận cao hơn và bệnh thận sẽ làm tăng nguy cơ tăng kali máu. Tuy nhiên, đó không phải là yếu tố nguy cơ duy nhất của tăng kali máu.

Còn có hai lý do khác khiến người bệnh đái tháo đường có nguy cơ bị tăng kali máu.

Tác dụng phụ của thuốc

Một số loại thuốc được dùng trong điều trị bệnh đái tháo đường và các vấn đề sức khỏe liên quan có tác dụng phụ là ảnh hưởng đến chức năng thận và gây mất cân bằng mức kali trong cơ thể. Các loại thuốc này gồm có:

  • Thuốc ức chế men chuyển (ACE)
  • Thuốc ức chế thụ thể angiotensin (ARB)
  • Thuốc chẹn beta

Thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Những loại thuốc này thường được sử dụng để giảm đau nhưng việc sử dụng trong thời gian dài hoặc lạm dụng có thể dẫn đến các vấn đề về thận.

Tăng đường huyết

Lượng đường (glucose) trong máu cao – đặc trưng của bệnh đái tháo đường – có thể phá vỡ sự cân bằng chất điện giải. Kali được dự trữ trong các tế bào khắp cơ thể nhưng khi lượng đường trong máu tăng cao, kali sẽ bị chặn lại, không thể đi vào các tế bào mà tích tụ trong máu. Cơ thể cần có insulin để vận chuyển kali vào các tế bào và khôi phục nồng độ kali về mức bình thường.

Điều trị tăng kali máu bằng insulin

Tiêm insulin thường tác dụng ngắn qua đường tĩnh mạch là một phương pháp hiệu quả để điều trị chứng tăng kali huyết. Phương pháp này giúp kali trong máu được đưa vào các tế bào và nhờ đó nhanh chóng làm giảm nồng độ kali trong huyết thanh.

Tuy nhiên, việc tiêm insulin có thể gây hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp) hoặc hạ kali máu (nồng độ kali trong mau thấp). Để tránh những tác dụng phụ này, người bệnh có thể kết hợp insulin thường với dextrose (một loại đường) hoặc sử dụng insulin liều thấp hơn.

Các cách điều trị khác

Có nhiều phương pháp điều trị để giải quyết tình trạng tăng kali máu ở những người mắc bệnh thận.

Trong trường hợp khẩn cấp, tiêm insulin thường qua đường tĩnh mạch là phương pháp điều trị hiệu quả nhất. Nếu bệnh nhân bị suy thận thì có thể phải lọc máu.

Ngoài các biện pháp can thiệp khẩn cấp này còn có các phương pháp điều trị dưới đây:

  • Bổ sung canxi để giảm nguy cơ rung thất
  • Tác nhân kiềm hóa để tăng độ pH của máu và giúp đưa kali trong máu vào các tế bào
  • Thuốc cường beta2 adrenergic để thúc đẩy sự vận chuyển kali trong máu vào tế bào
  • Thuốc lợi tiểu để loại bỏ lượng kali thừa trong máu qua nước tiểu
  • Chất kết dính kali để thúc đẩy đào thải kali qua phân

Những người bị suy giảm chức năng thận mức độ vừa có thể dùng thuốc dapagliflozin (một loại thuốc ức chế SGLT2) để ngăn bệnh tiến triển. Thuốc này có cơ chế tác dụng như một loại thuốc lợi tiểu thẩm thấu, giúp tạo ra nhiều nước tiểu hơn và nhờ đó đào thải lượng kali dư thừa ra khỏi cơ thể.

Tăng kali máu có chữa khỏi được không?

Có nhiều phương pháp hiệu quả để điều trị tăng kali máu do bệnh thận đái tháo đường. Tình trạng càng được phát hiện và điều trị sớm thì khả năng hồi phục hoàn toàn sẽ càng cao.

Ngay cả khi nồng độ kali trong cơ thể đã khôi phục về trạng thái cân bằng thì vẫn cần phải chú ý bảo vệ sức khỏe thận và duy trì mức kali bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và tránh các loại thuốc có thể gây hại cho thận hoặc làm tăng kali máu. Cuối cùng, điều quan trọng nhất là phải kiểm soát lượng đường trong máu.

Tóm tắt bài viết

Tăng kali máu là một tình trạng nghiêm trọng, có khả năng gây tử vong. Ở những người mắc bệnh thận đái tháo đường, nguy cơ xảy ra hậu quả nghiêm trọng là rất cao. Điều quan trọng là phải nhận biết được các dấu hiệu của tăng kali máu. Ngoài ra cần chú ý đến chế độ ăn uống, thuốc men, kiểm soát đường huyết và chú ý bảo vệ sức khỏe thận để giảm thiểu nguy cơ tăng kali máu.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đau chân và chuột rút do đái tháo đường: Nguyên nhân và cách điều trị
Đau chân và chuột rút do đái tháo đường: Nguyên nhân và cách điều trị

Bệnh đái tháo đường có thể gây nên nhiều biến chứng khác nhau, một trong số đó là đau chân và chuột rút chân. Những biến chứng này thường xảy ra do tổn thương dây thần kinh hay còn được gọi là bệnh thần kinh đái tháo đường. Khi các dây thần kinh ở cánh tay hoặc chân bị ảnh hưởng thì tình trạng này được gọi là bệnh thần kinh ngoại biên do đái tháo đường. Đây có thể là hậu quả trực tiếp của tình trạng đường huyết cao trong thời gian dài.

Bệnh thận đái tháo đường: Triệu chứng và cách điều trị
Bệnh thận đái tháo đường: Triệu chứng và cách điều trị

Nếu không được kiểm soát tốt, bệnh đái tháo đường type 2 có thể dẫn đến bệnh thận. Điều này xảy ra khi thận không còn lọc máu hiệu quả.

Bệnh thần kinh đái tháo đường: Triệu chứng và điều trị
Bệnh thần kinh đái tháo đường: Triệu chứng và điều trị

Có nhiều loại bệnh thần kinh đái tháo đường, mỗi loại ảnh hưởng đến một số vùng nhất định trên cơ thể bạn và gây ra các triệu chứng khác nhau. Người bị đái tháo đường cần phải thường xuyên kiểm tra đường huyết và đi khám ngay khi nhận thấy triệu chứng của bệnh thần kinh.

Hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường type 2: Nguyên nhân và điều trị
Hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường type 2: Nguyên nhân và điều trị

Hạ đường huyết xảy ra phổ biến nhất ở những người mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, một số vấn đề sức khỏe khác (hầu hết đều hiếm gặp) cũng có thể khiến cho lượng đường trong máu giảm xuống mức thấp.

Tăng đường huyết (lượng đường trong máu cao): Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Tăng đường huyết (lượng đường trong máu cao): Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Không phải lúc nào tăng đường huyết biểu hiện triệu chứng rõ ràng ngay lập tức. Tuy nhiên, theo thời gian, lượng đường trong máu cao sẽ gây ra các triệu chứng như khát nước, đi tiểu nhiều lần và gây tổn hại nhiều cơ thể trong cơ thể.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây