1

Bệnh võng mạc đái tháo đường: Nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa

Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), bệnh võng mạc đái tháo đường là một trong nguyên nhân gây mù lòa có thể phòng ngừa được phổ biến nhất. Đây cũng là bệnh về mắt phổ biến nhất ở người mắc bệnh tiểu đường.
Bệnh võng mạc đái tháo đường: Nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa Bệnh võng mạc đái tháo đường: Nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa

Bệnh võng mạc đái tháo đường là gì?

Bệnh võng mạc đái tháo đường là một bệnh về mắt có thể xảy ra ở những người mắc bệnh tiểu đường type 1 và type 2. Bệnh lý này xảy ra ở võng mạc – một phần rất quan trọng đối với thị lực.

Người bị bệnh võng mạc đái tháo đường có thể chỉ bị suy giảm thị lực nhẹ ở thời gian đầu nhưng cuối cùng có thể bị mất thị lực. Tuy nhiên, mất thị lực do bệnh võng mạc đái tháo đường thường có thể ngăn ngừa được.

Võng mạc nằm ở phía sau của mắt. Tín hiệu được gửi từ võng mạc đến não bộ cho phép chúng ta có thể nhìn thấy. Bệnh võng mạc đái tháo đường xảy ra khi lượng đường trong máu cao gây tổn thương các mạch máu của võng mạc.

Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), bệnh võng mạc đái tháo đường là một trong nguyên nhân gây mù lòa có thể phòng ngừa được phổ biến nhất. Đây cũng là bệnh về mắt phổ biến nhất ở người mắc bệnh tiểu đường.

Do đó, người bệnh tiểu đường cần phải đi khám mắt định kỳ. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giúp ngăn chặn các biến chứng nghiêm trọng hơn.

Các giai đoạn của bệnh võng mạc đái tháo đường

Bệnh võng mạc đái tháo đường gồm có bốn giai đoạn.

Giai đoạn 1 đến 3: Bệnh võng mạc đái tháo đường không tăng sinh

Ba giai đoạn đầu tiên được gọi là bệnh võng mạc đái tháo đường không tăng sinh (nonproliferative diabetic retinopathy). Sở dĩ được gọi là”không tăng sinh” vì mắt không tạo ra các mạch máu mới trong giai đoạn đầu của bệnh võng mạc đái tháo đường. Bệnh võng mạc không tăng sinh còn được gọi là bệnh võng mạc nền.

Ở giai đoạn đầu của bệnh võng mạc, bệnh nhân có thể sẽ không nhận thấy vấn đề về thị lực của mình nhưng khi đi khám, bác sĩ nhãn khoa sẽ có thể phát hiện những thay đổi ở võng mạc.

Có 3 giai đoạn không tăng sinh của bệnh võng mạc:

  • Giai đoạn 1: Bệnh võng mạc không tăng sinh nhẹ. Các mạch máu nhỏ trong võng mạc phình lên và một số mạch máu có thể bắt đầu bị rò rỉ.
  • Giai đoạn 2: Bệnh võng mạc không tăng sinh mức độ vừa. Tình trạng tắc nghẽn bắt đầu xảy ra ở một số mạch máu. Các mạch máu bị rò rỉ.
  • Giai đoạn 3: Bệnh võng mạc không tăng sinh nặng. Tình trạng tắc nghẽn ngày càng lan rộng, khiến cho các phần của võng mạc không được cung cấp máu và bị hỏng.

Giai đoạn 4: Bệnh võng mạc đái tháo đường tăng sinh

Bệnh võng mạc đái tháo đường tăng sinh (proliferative diabetic retinopathy - PDR) hay bệnh võng mạc tiến triển xảy ra khi các mạch máu bất thường bắt đầu hình thành bên trong mắt. Khi võng mạc không được cung cấp máu, cơ thể sẽ phát hiện và tạo ra các mạch máu mới. Các mạch máu bất thường này cũng có thể phát triển vào trung tâm của mắt.

Những thay đổi này có thể gây suy giảm thị lực do:

  • Các mạch máu bất thường dễ bị rò rỉ. Khi lượng máu rò rỉ nhiều hơn lượng máu lưu thông đến võng mạc, võng mạc sẽ càng được cung cấp ít máu hơn nữa.
  • Rò rỉ máu vào mắt gây cản trở thị lực và trong một số trường hợp có thể gây mất thị lực hoàn toàn.
  • Mô sẹo hình thành trên võng mạc.

Chảy máu nhẹ có thể gây ra các triệu chứng như nhìn thấy đốm đen hay đường kẻ. Chảy máu nhiều có thể gây suy giảm thị lực nghiêm trọng và thậm chí mù lòa hay mất thị lực hoàn toàn.

Những người bị tiểu đường cần đi khám ngay khi nhận thấy bất kỳ thay đổi nào về thị lực, ví dụ như nhìn thấy đốm đen hay những đường kẻ trước mắt, ngay cả khi vấn đề có vẻ nhẹ và sẽ tự khỏi. Nếu không được điều trị, những vấn đề nhẹ sẽ dần trở nên nghiêm trọng và có thể dẫn đến mất thị lực trong tương lai.

Triệu chứng của bệnh võng mạc đái tháo đường

Giai đoạn đầu của bệnh võng mạc đái tháo đường thường không có triệu chứng. Các triệu chứng của bệnh võng mạc đái tháo đường thường chỉ xuất hiện khi bên trong mắt đã bị tổn hại nặng. Người bệnh có thể ngăn ngừa những tổn thương xảy ra với mắt bằng cách kiểm soát lượng đường trong máu và khám mắt thường xuyên để theo dõi sức khỏe mắt.

Sang giai đoạn sau, bệnh võng mạc đái tháo đường có các triệu chứng như:

  • Nhìn thấy đốm đen, xám hay cảm giác như có những vật thể lạ trôi nổi trước mắt (hiện tượng ruồi bay)
  • Khó nhìn khi trời tối
  • Mờ mắt
  • Khó phân biệt màu sắc
  • Mất thị lực

Bệnh võng mạc đái tháo đường thường xảy ra ở cả hai mắt.

Nguyên nhân gây bệnh võng mạc đái tháo đường

Lượng đường trong máu cao trong thời gian dài là nguyên nhân gây ra bệnh võng mạc đái tháo đường. Lượng đường lớn trong máu làm hỏng các mạch máu vận chuyển máu đến võng mạc. Cao huyết áp cũng là một yếu tố nguy cơ của bệnh võng mạc.

Võng mạc là một lớp mô nằm ở phía sau của mắt. Võng mạc nhạy cảm với ánh sáng và khi ánh sáng đi vào mắt, võng mạc sẽ gửi tín hiệu thần kinh đến não bộ. Ở não bộ, những tín hiệu thần kinh này được chuyển thành hình ảnh mà chúng ta nhìn thấy.

Khi các mạch máu của võng mạc bị tổn thương, chúng có thể bị tắc nghẽn và điều này làm giảm lưu lượng máu đến võng mạc. Sự giảm lưu lượng máu này dẫn đến sự hình thành các mạch máu mới, yếu hơn bình thường. Các mạch máu mới này có thể bị rò rỉ và tạo ra mô sẹo gây suy giảm thị lực.

Rất khó xác định chính xác tỷ lệ người bệnh tiểu đường bị bệnh võng mạc. Theo một nghiên cứu vào năm 2016, 44% người mắc bệnh tiểu đường bị bệnh võng mạc, trong khi một nghiên cứu khác vào năm 2017 cho biết tỷ lệ này là 24,5%. (1)

Sống chung với bệnh tiểu đường càng lâu thì nguy cơ mắc bệnh võng mạc đái tháo đường càng cao. Kiểm soát tốt bệnh tiểu đường sẽ giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm sự tiến triển của bệnh võng mạc.

Những phụ nữ mắc bệnh tiểu đường đang mang thai hoặc dự định có thai nên khám mắt toàn diện để kiểm tra xem có bị bệnh võng mạc hay không. Bệnh võng mạc đái tháo đường có thể tiến triển nhanh chóng trong thời mang thai.

Chẩn đoán bệnh võng mạc đái tháo đường

Bác sĩ có thể phát hiện bệnh võng mạc đái tháo đường bằng cách khám mắt sử dụng thuốc giãn đồng tử. Loại thuốc này làm cho đồng tử mở rộng, cho phép bác sĩ quan sát rõ bên trong mắt.

Bác sĩ sẽ kiểm tra xem có sự hiện diện của mạch máu bất thường, sưng tấy, sẹo và tổn thương dây thần kinh thị giác hay không.

Để có thể đưa ra kết luận chính xác, bác sĩ sẽ sử dụng các phương pháp chẩn đoán sau đây:

  • Chụp mạch máu võng mạc huỳnh quang: tiêm thuốc nhuộm huỳnh quang vào tĩnh mạch ở cánh tay, sau đó bác sĩ theo dõi dòng máu chảy trong mắt. Sau khi làm giãn đồng tử, bác sĩ sẽ chụp ảnh dòng chảy thuốc nhuộm bên trong mắt để xác định mạch máu bị tắc nghẽn, rò rỉ hoặc vỡ.
  • Chụp cắt lớp quang học: đây là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh sử dụng sóng ánh sáng để tạo ra hình ảnh của võng mạc. Những hình ảnh này cho phép bác sĩ xác định độ dày của võng mạc. Chụp cắt lớp quang học giúp xác định lượng chất lỏng tích tụ trong võng mạc (nếu có).

Người mắc bệnh tiểu đường type 1 hoặc type 2 nên đi khám mắt định kỳ 1 đến 2 năm một lần. Nếu có các dấu hiệu của bệnh võng mạc đái tháo đường thì sẽ phải đi khám thường xuyên hơn.

Điều trị bệnh võng mạc đái tháo đường

Việc điều trị bệnh võng mạc đái tháo đường ở giai đoạn đầu tập trung vào việc theo dõi sức khỏe mắt và kiểm soát bệnh tiểu đường. Người bệnh nên tái khám thường xuyên để có thể phát hiện sớm những thay đổi ở võng mạc. Có thể làm chậm những thay đổi này bằng cách kiểm soát lượng đường trong máu và tăng cường sức khỏe tổng thể.

Khi bệnh võng mạc đái tháo đường tiến triển, việc điều trị phụ thuộc vào loại tổn thương và mức độ nghiêm trọng của tình trạng.

Các phương pháp điều trị gồm có tiêm, điều trị bằng laser và phẫu thuật.

Tiêm

bệnh võng mạc đái tháo đường có thể được điều trị bằng một loại thuốc tiêm gọi là thuốc kháng VEGF hay thuốc anti VEGF (thuốc kháng yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu). Thuốc này có cơ chế tác dụng là ngăn chặn một loại protein gây ra sự hình thành các mạch máu bất thường bên trong máu. Thuốc kháng VEGF còn có tác dụng làm giảm sưng mắt. Những tác dụng này có thể giúp cải thiện thị lực.

Một số thuốc kháng VEGF thường được sử dụng gồm có:

  • afilibercept
  • bevacizumab
  • ranibizumab

Những loại thuốc này phải được tiêm bởi bác sĩ. Trước tiên, bác sĩ sẽ gây tê mắt để giảm bớt đau đớn cho người bệnh và sau đó mới tiêm thuốc. Người bệnh thường phải tiêm thuốc định kỳ hàng tháng và sau một thời gian thì có thể giảm tần suất tiêm hoặc dừng tiêm thuốc.

Điều trị bằng laser

Phương pháp điều trị bằng laser, hay còn được gọi là quang đông võng mạc bằng laer, có thể giúp ngăn ngừa suy giảm thị lực. Đây là một thủ thuật sử dụng laser để thu nhỏ hoặc bít các mạch máu.

Trước tiên, bác sĩ sẽ gây tê tại chỗ để người bệnh không cảm thấy đau đớn trong suốt quá trình điều trị và dùng thuốc làm giãn đồng tử. Sau đó, bác sĩ chiếu laser vào mắt người bệnh.

Có hai loại laser được sử dụng để điều trị bệnh võng mạc đái tháo đường:

  • Laser phân tán: được sử dụng để thu nhỏ các mạch máu.
  • Laser tập trung: được sử dụng để kiểm soát hoặc ngăn chặn sự rò rỉ máu và chất lỏng.

Người bệnh thường sẽ phải điều trị nhiều buổi để có hiệu quả tối ưu.

Phẫu thuật

Một số trường hợp bệnh võng mạc đái tháo đường phải phẫu thuật cắt dịch kính. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ loại bỏ đi dịch kính - khối gel trong suốt nằm sau thủy tinh thể và trước võng mạc. Phương pháp này cho phép loại bỏ phần dịch đục ảnh hưởng đến thị lực. Bác sĩ cũng có thể tiếp cận võng mạc để sửa các mạch máu hoặc loại bỏ mô sẹo.

Người bệnh có thể sẽ được gây tê tại chỗ hoặc gây mê toàn thân để hoàn toàn không cảm thấy đau đớn, khó chịu trong suốt quá trình phẫu thuật.

Ngăn ngừa bệnh võng mạc đái tháo đường

Có thể ngăn ngừa bệnh võng mạc đái tháo đường bằng cách thực hiện các bước sau để giữ cho các mạch máu trong máu luôn khỏe mạnh:

  • Duy trì lượng đường trong máu ổn định trong phạm vi khuyến nghị
  • Duy trì huyết áp và mức cholesterol khỏe mạnh.
  • Ngoài ra còn có các cách khác để ngăn ngừa hoặc kiểm soát bệnh võng mạc đái tháo đường:
  • Khám mắt định kỳ hàng năm.
  • Bỏ thuốc lá nếu hút.
  • Tập thể dục thường xuyên. Những người đã bị bệnh võng mạc nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn các bài tập phù hợp.

Biến chứng của bệnh võng mạc đái tháo đường

Bệnh võng mạc đái tháo đường có thể dẫn đến một số vấn đề về mắt nghiêm trọng, gồm có phù hoàng điểm do tiểu đường, tăng nhãn áp tân sinh mạch và bong võng mạc.

Phù hoàng điểm do tiểu đường

Phù hoàng điểm do tiểu đường xảy ra khi hoàng điểm hay điểm vàng - phần chính giữa của võng mạc - phình lên. Vì hoàng điểm có vai trò rất quan trọng đối với thị lực nên phù hoàng điểm do tiểu đường sẽ khiến cho thị lực bị suy giảm. Đây là một biến chứng khá phổ biến ở những người mắc bệnh tiểu đường. Ước tính có cứ 15 người bị tiểu đường lại có một người gặp phải biến chứng này.

Tăng nhãn áp tân sinh mạch

Khi bệnh võng mạc đái tháo đường tiến triển, sự hình thành các mạch máu bất thường đôi khi gây cản trở chất lỏng chảy ra khỏi mắt. Chất lỏng tích tụ có thể dẫn đến tăng nhãn áp tân sinh mạch. Các triệu chứng gồm có căng tức và đau mắt.

Bong võng mạc

Bệnh võng mạc có thể gây hình thành mô sẹo trên võng mạc. Đôi khi mô sẹo kéo võng mạc bong khỏi đáy mắt. Bong võng mạc có thể gây mất thị lực vĩnh viễn và cần được điều trị khẩn cấp.

Các dấu hiệu của bong võng mạc gồm có:

  • Mờ mắt
  • Đột nhiên xuất hiện nhiều đốm, vệt hay sợi màu đen, xám trong tầm nhìn
  • Mắt tối sầm hoặc nhìn mờ
  • Có ánh đèn nhấp nháy trong tầm nhìn

Khi nghi ngờ bị bong võng mạc, hãy gọi cấp cứu hoặc nhờ người đưa ngay đến bệnh viện gần nhất. Người bệnh không được tự lái xe.

Khi nào cần đi khám?

Vì bệnh võng mạc đái tháo đường có thể diễn biến âm thầm trong thời gian dài mà không biểu hiện triệu chứng nên người mắc bệnh tiểu đường cần phải khám mắt định kỳ.

Những thay đổi về thị lực có thể là dấu hiệu của bệnh thần kinh đái tháo đường. Người bệnh cần đi khám khi nhận thấy những dấu hiệu sau đây:

  • Giảm thị lực ở một hoặc cả hai mắt
  • Nhìn thấy ánh đèn nhấp nháy
  • Nhìn thấy vệt, đường ngoằn ngoèo màu đen hoặc xám trước mắt
  • Đau mắt hoặc căng tức mắt
  • Nhìn mờ

Một số triệu chứng về mắt có thể là dấu hiệu của vấn đề khẩn cấp và cần phải đến bệnh viện ngay, ví dụ như:

  • Mất thị lực đột ngột ở một hoặc cả hai mắt
  • Mờ mắt đột ngột
  • Đau mắt đột ngột

Nếu đột nhiên thấy thị lực thay đổi nhanh chóng, không rõ nguyên nhân thì hãy gọi cấp cứu hoặc nhờ người đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất.

Tóm tắt bài viết

Bệnh võng mạc đái tháo đường là một biến chứng nghiêm trọng về mắt của bệnh tiểu đường, có thể dẫn đến suy giảm thị lực hoặc thậm chí mù lòa. Tuy nhiên, người mắc bệnh tiểu đường có thể phòng ngừa và làm chậm sự tiến triển của bệnh võng mạc bằng cách:

Thường xuyên khám mắt và khám sức khỏe tổng quát

Duy trì lượng đường trong máu, cholesterol và huyết áp ở mức khỏe mạnh.

Chú ý những thay đổi về thị lực và đi khám ngay khi nhận thấy dấu hiệu bất thường

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bệnh thận đái tháo đường: Triệu chứng, điều trị và phòng ngừa
Bệnh thận đái tháo đường: Triệu chứng, điều trị và phòng ngừa

Bệnh thận đái tháo đường là một biến chứng phổ biến của bệnh đái tháo đường, có thể xảy ra với cả đái tháo đường type 1 và type 2. Mắc bệnh đái tháo đường càng lâu thì nguy cơ gặp phải biến chứng về thận càng cao. Ngoài ra, nguy cơ sẽ cao hơn nếu như có tiền sử gia đình bị bệnh thận hoặc có các vấn đề sức khỏe khác như cao huyết áp.

Đau chân và chuột rút do đái tháo đường: Nguyên nhân và cách điều trị
Đau chân và chuột rút do đái tháo đường: Nguyên nhân và cách điều trị

Bệnh đái tháo đường có thể gây nên nhiều biến chứng khác nhau, một trong số đó là đau chân và chuột rút chân. Những biến chứng này thường xảy ra do tổn thương dây thần kinh hay còn được gọi là bệnh thần kinh đái tháo đường. Khi các dây thần kinh ở cánh tay hoặc chân bị ảnh hưởng thì tình trạng này được gọi là bệnh thần kinh ngoại biên do đái tháo đường. Đây có thể là hậu quả trực tiếp của tình trạng đường huyết cao trong thời gian dài.

Bóng nước do đái tháo đường: Điều trị và phòng ngừa
Bóng nước do đái tháo đường: Điều trị và phòng ngừa

Nếu bạn bị đái tháo đường và phát hiện thấy những vết phồng rộp trên da thì rất có thể đó là bóng nước do đái tháo đường hay còn gọi là rộp da do đái tháo đường. Mặc dù trông có vẻ đáng sợ nhưng các bóng nước đa phần không đau và thường tự lành mà không để lại sẹo.

Các nguyên nhân gây ngứa chân ở người bệnh tiểu đường
Các nguyên nhân gây ngứa chân ở người bệnh tiểu đường

Ngứa chân ở những người mắc bệnh tiểu đường có thể là do lưu thông máu kém hoặc do tổn thương dây thần kinh ở cẳng chân và bàn chân. Cả hai tình trạng này đều là do lượng đường trong máu cao gây ra.

Hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường type 2: Nguyên nhân và điều trị
Hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường type 2: Nguyên nhân và điều trị

Hạ đường huyết xảy ra phổ biến nhất ở những người mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, một số vấn đề sức khỏe khác (hầu hết đều hiếm gặp) cũng có thể khiến cho lượng đường trong máu giảm xuống mức thấp.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây