1

Đau chân và chuột rút do đái tháo đường: Nguyên nhân và cách điều trị

Bệnh đái tháo đường có thể gây nên nhiều biến chứng khác nhau, một trong số đó là đau chân và chuột rút chân. Những biến chứng này thường xảy ra do tổn thương dây thần kinh hay còn được gọi là bệnh thần kinh đái tháo đường. Khi các dây thần kinh ở cánh tay hoặc chân bị ảnh hưởng thì tình trạng này được gọi là bệnh thần kinh ngoại biên do đái tháo đường. Đây có thể là hậu quả trực tiếp của tình trạng đường huyết cao trong thời gian dài.
đau chan Đau chân và chuột rút do đái tháo đường: Nguyên nhân và cách điều trị

Đau, nóng, châm chích và tê bì là những triệu chứng thường gặp của bệnh thần kinh ngoại biên do đái tháo đường. Bệnh thần kinh ngoại biên còn có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng ở bàn chân và cẳng chân. Phát hiện sớm tổn thương dây thần kinh là điều quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như hoại tử và phải cắt cụt chân.

Có nhiều cách để giảm đau chân và chuột rút chân do bệnh thần kinh đái tháo đường. Các phương pháp điều trị đau chân và chuột rút cũng có thể giúp ngăn bệnh tiến triển và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Sử dụng thuốc

Bệnh thần kinh đái tháo đường chủ yếu xảy ra ở cẳng chân và bàn chân. Nếu không được điều trị và kiểm soát, tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến khả năng cử động của chân. Để giảm nguy cơ gặp phải tất cả các biến chứng của bệnh đái tháo đường, bao gồm cả biến chứng về thần kinh thì cần phải giữ ổn định đường huyết trong phạm vi khuyến nghị.

Ngay cả khi đã bị bệnh thần kinh, việc kiểm soát lượng đường trong máu vẫn rất quan trọng. Ngoài ra còn có một số cách khác để giảm các triệu chứng của bệnh thần kinh đái tháo đường.

Một trong những cách phổ biến nhất là dùng thuốc giảm đau. Các loại thuốc không kê đơn như acetaminophen và ibuprofen có thể giúp làm giảm các cơn đau từ nhẹ đến vừa. Hai loại thuốc hiện đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt để điều trị bệnh thần kinh ngoại biên do đái tháo đường là duloxetine (Cymbalta) và pregabalin (Lyrica).

Các loại thuốc và lựa chọn điều trị khác gồm có thuốc giảm đau nhóm opioid, chẳng hạn như tramadol và tapentadol hoặc các loại thuốc bôi và thuốc xịt.

Dùng thực phẩm chức năng

Một số loại thực phẩm chức năng có thể giúp giảm đau, bao gồm cả triệu chứng đau ở chân do bệnh thần kinh đái tháo đường. Một số chất dinh dưỡng có tác dụng phục hồi các mô thần kinh và thậm chí ngăn ngừa tổn thương thần kinh trong tương lai. Các nhà khoa học hiện đang nghiên cứu các loại thực phẩm chức năng sau đây để điều trị bệnh thần kinh đái tháo đường:

  • Axit alpha-lipoic (ALA)
  • Acetyl-L-carnitine
  • Vitamin B12
  • Vitamin D

ALA là một chất chống oxy hóa đã nhận được rất nhiều sự chú ý trong thời gian gần đây, đặc biệt là trong các phương pháp điều trị bệnh đái tháo đường. ALA có tự nhiên trong một số loại thực phẩm như bông cải xanh và cà rốt, ngoài ra còn được sản xuất dưới dạng thực phẩm chức năng. Ở những người bị đái tháo đường, uống bổ sung ALA có thể giúp giảm đau do bệnh thần kinh và ngăn ngừa tổn thương thần kinh thêm. Lợi ích này của việc uống bổ sung ALA đã được một số nghiên cứu chứng minh.

Acetyl-L-carnitine là một hợp chất hoạt động tương tự các hóa chất tự nhiên trong cơ thể. Hợp chất này được cho là giúp thúc đẩy sản sinh các tế bào thần kinh khỏe mạnh. Một nghiên cứu đã cho thấy acetyl-L-carnitine giúp giảm triệu chứng đau ở những người bị bệnh thần kinh ngoại biên do đái tháo đường. Tuy nhiên, thực phẩm chức năng bổ sung acetyl-L-carnitine có thể gây ra các tác dụng phụ như nôn mử, và có thể tương tác với các loại thuốc chống đông máu.

Vitamin B12 là một loại vitamin nhóm B có trong thịt và cá, có vai trò quan trọng đối với quá trình sản sinh hồng cầu. Vitamin này còn cần thiết cho chức năng thần kinh khỏe mạnh và ngăn ngừa tổn thương thần kinh. Metformin là một loại thuốc phổ biến được sử dụng để điều trị đái tháo đường type 2. Loại thuốc này có tác dụng phụ là làm giảm mức vitamin B12 trong cơ thể. Do đó, những người đang dùng metformin nên làm xét nghiệm máu để kiểm tra xem có bị thiếu vitamin B12 hay không. Sự thiếu hụt vitamin B12 cũng có thể gây tổn thương thần kinh với các triệu chứng giống như bệnh thần kinh đái tháo đường. Vitamin D có tác dụng cải thiện chức năng thần kinh và giảm sưng tấy – một trong những nguyên nhân dẫn đến đau chân.

Đối với những người mắc bệnh đái tháo đường, chế độ ăn uống lành mạnh là điều rất quan trọng để kiểm soát đường huyết, từ đó giảm đau chân và duy trì sức khỏe tốt. Các loại thực phẩm chức năng đều không có tác dụng chữa khỏi đau chân và hơn nữa hiện vẫn chưa được kiểm chứng về tính an toàn và hiệu quả. Ngoài ra, không phải ai cũng cần dùng thực phẩm chức năng vì chế độ ăn uống hàng ngày đã cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng.

Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào để điều trị đau chân do bệnh thần kinh đái tháo đường, đặc biệt là khi còn đang sử dụng thuốc.

Các phương pháp điều trị khác

Dùng thuốc hay thực phẩm chức năng không phải giải pháp duy nhất để giảm đau chân và chuột rút chân do đái tháo đường. Mặc dù những phương pháp này có thể làm giảm viêm và đau nhưng phải kiên trì dùng một thời gian mới phát huy tác dụng. Ngoài ra, một số loại thuốc có thể gây nguy hiểm khi dùng trong thời gian dài, chẳng hạn như thuốc giảm đau opioid.

Với vật lý trị liệu, người bệnh sẽ được tập các bài tập giúp giảm bớt cảm giác khó chịu ở chân. Vật lý trị liệu có thể được kết hợp với các phương pháp điều trị khác như kích thích thần kinh bằng điện và liệu pháp ánh sáng.

Châm cứu cũng là một giải pháp để điều trị bệnh thần kinh và một số biến chứng khác của bệnh đái tháo đường.

Người bệnh cũng có thể thử các cách khác tại nhà để giảm đau chân:

  • Thường xuyên đi bộ
  • Đạp xe tại chỗ để tăng cường lưu thông máu
  • Ngâm chân trong nước ấm
  • Lắp khung nâng chăn ở cuối giường để chăn không chạm vào chân và gây khó chịu

Khi nào cần đi khám?

Nên đi khám khi bị đau chân kéo dài, ngay cả khi các triệu chứng không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động hàng ngày. Thường xuyên bị chuột rút hoặc đau nhức chân có thể là dấu hiệu cho thấy bệnh thần kinh đái tháo đường đang tiến triển nặng hơn.

Cho dù chỉ bị đau chân hay chuột rút nhẹ cũng nên báo cho bác sĩ. Đó có thể là triệu chứng của các vấn đề khác không phải bệnh thần kinh, chẳng hạn như bệnh động mạch ngoại biên.

Bệnh đái tháo đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch ngoại biên. Đây là một tình trạng nghiêm trọng xảy ra do các mạch máu ở chân bị tắc nghẽn. Bệnh động mạch ngoại biên làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), bệnh đái tháo đường là một yếu tố nguy cơ của bệnh động mạch ngoại biên. Hầu hết những người bị bệnh động mạch ngoại biên đều không hay biết về tình trạng bệnh vì các triệu chứng không biểu hiện rõ.

Tốt nhất nên đi khám bất cứ khi nào nhận thấy điều bất ổn trên cơ thể. Đó có thể là dấu hiệu cảnh báo của nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Khô miệng do đái tháo đường: Nguyên nhân và cách khắc phục
Khô miệng do đái tháo đường: Nguyên nhân và cách khắc phục

Một trong những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh đái tháo đường là khô miệng. Khô miệng là một triệu chứng phổ biến của cả đái tháo đường type 1 và type 2. Tuy nhiên, không phải ai bị đái tháo đường cũng bị khô miệng và khô miệng có thể xảy ra ở cả những người không mắc bệnh. Nếu thường xuyên bị khô miệng và nghi ngờ mình bị đái tháo đường thì nên đi khám để được chẩn đoán sớm.

Tăng đường huyết (lượng đường trong máu cao): Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Tăng đường huyết (lượng đường trong máu cao): Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Không phải lúc nào tăng đường huyết biểu hiện triệu chứng rõ ràng ngay lập tức. Tuy nhiên, theo thời gian, lượng đường trong máu cao sẽ gây ra các triệu chứng như khát nước, đi tiểu nhiều lần và gây tổn hại nhiều cơ thể trong cơ thể.

Bệnh võng mạc đái tháo đường: Nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa
Bệnh võng mạc đái tháo đường: Nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa

Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), bệnh võng mạc đái tháo đường là một trong nguyên nhân gây mù lòa có thể phòng ngừa được phổ biến nhất. Đây cũng là bệnh về mắt phổ biến nhất ở người mắc bệnh tiểu đường.

Tăng kali máu do bệnh thận đái tháo đường: Nguyên nhân và điều trị
Tăng kali máu do bệnh thận đái tháo đường: Nguyên nhân và điều trị

Bệnh thận đái tháo đường có mối liên hệ trực tiếp với tăng kali máu - tình trạng nồng độ kali trong máu tăng cao và cơ thể không thể tự đào thải hoặc cân bằng lượng kali dư thừa.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây