1

Loét bàn chân ở người bệnh đái tháo đường: Nguyên nhân và điều trị

Loét bàn chân là một biến chứng phổ biến của bệnh đái tháo đường khi không được kiểm soát tốt bằng các phương pháp như điều chỉnh chế độ ăn, tập thể dục, thuốc đường uống và liệu pháp insulin. Các vết loét hình thành do mô da bị phân hủy và để lộ các lớp mô bên dưới.
Loét bàn chân ở người bệnh đái tháo đường: Nguyên nhân và điều trị Loét bàn chân ở người bệnh đái tháo đường: Nguyên nhân và điều trị

Tình trạng loét thường xảy ra ở dưới ngón chân cái và vị trí các khớp bàn - ngón chân, thậm chí còn có thể ảnh hưởng đến xương.

Tất cả những người bị đái tháo đường đều có thể bị loét bàn chân nhưng kiểm soát tốt đường huyết kết hợp chăm sóc cẩn thận cho bàn chân sẽ giúp ngăn ngừa biến chứng này. Việc điều trị loét bàn chân do đái tháo đường tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra.

Nếu không điều trị đúng cách, các vết loét sẽ bị nhiễm trùng và bệnh nhân có thể sẽ phải cắt cụt chân.

Triệu chứng và chẩn đoán loét bàn chân do đái tháo đường

Một trong những dấu hiệu đầu tiên của tình trạng loét ở bàn chân là có nước chảy ra từ bàn chân. Sưng tấy, kích ứng, đỏ và có mùi hôi khó chịu phát ra từ một hoặc cả hai bàn chân cũng là những triệu chứng ban đầu thường gặp.

Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất khi bị loét bàn chân nghiêm trọng là có vảy đen xung quanh vết loét. Đó là những mô bị chết do khu vực xung quanh vết loét không được cung cấp đủ máu.

Hoại thư một phần hoặc toàn bộ - tình trạng mô chết do nhiễm trùn - có thể xảy ra xung quanh vết loét. Trong trường hợp này, vết loét sẽ tiết dịch có mùi hôi, đau nhức và tê bì.

Không phải lúc nào loét bàn chân cũng có dấu hiệu rõ ràng. Nhiều trường hợp không biểu hiện triệu chứng cho đến khi vết loét bị nhiễm trùng.

Nên đi khám khi nhận thấy màu da có sự thay đổi bất thường, đặc biệt là khi da chuyển sang màu đen hoặc cảm thấy đau, sưng đỏ xung quanh một khu vực tưởng chừng như đã bị chai.

Bác sĩ sẽ xác định mức độ nghiêm trọng của tình trạng loét trên thang điểm từ 0 đến 5 dựa trên Hệ thống phân loại vết loét Wagner: (1)

  • 0: không có tổn thương hở; có thể tổn thương đã lành lại
  • 1: vết loét nông, không ảnh hưởng đến các lớp sâu hơn dưới da
  • 2: vết loét sâu hơn, ảnh hưởng đến gân, xương hoặc bao khớp
  • 3: vết loét ảnh hưởng đến các lớp mô sâu bên dưới, hình thành ổ áp xe, viêm tủy xương hoặc viêm gân
  • 4: hoại thư ở một phần bàn chân trước hoặc gót chân
  • 5: hoại thư toàn bộ bàn chân

Nguyên nhân gây loét bàn chân ở người bệnh đái tháo đường

Loét bàn chân ở người mắc bệnh đái tháo đường thường có thể là do:

  • Lưu thông máu kém
  • Lượng đường trong máu cao (tăng đường huyết)
  • Tổn thương dây thần kinh
  • Bị thương ở bàn chân

Lưu thông máu kém là tình trạng máu chảy đến bàn chân không hiệu quả, đây là một vấn đề về mạch máu. Lưu thông máu kém sẽ khiến cho vết loét khó lành hơn.

Đường trong máu cao cũng có thể làm chậm quá trình lành vết loét, đặc biệt là vết loét bị nhiễm trùng. Do đó, kiểm soát đường huyết là điều rất quan trọng. Những người mắc bệnh đái tháo đường type 2 và các bệnh lý khác thường có nguy cơ nhiễm trùng vết loét cao hơn.

Tổn thương dây thần kinh là một vấn đề vĩnh viễn, có thể gây đau, châm chích hoặc mất cảm giác ở bàn chân. Khi không còn cảm nhận được đau đớn, người bệnh sẽ không biết mình bị thương ở bàn chân và vết thương không được điều trị sẽ bị loét.

Có thể nhận biết vết loét từ tình trạng chảy dịch hoặc vùng tổn thương gồ lên so với vùng da xung quanh. Nếu đã bị mất cảm giác, vết loét sẽ không gây đau.

Các yếu tố nguy cơ của loét bàn chân do đái tháo đường

Tất cả bệnh nhân đái tháo đường đều có thể bị loét bàn chân. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ gồm có:

  • Thường xuyên đi giày không vừa chân hoặc chất lượng kém
  • Vệ sinh bàn chân kém (không rửa chân thường xuyên hoặc không lau khô chân sau khi rửa)
  • Cắt móng chân không đúng cách
  • Uống rượu bia
  • Bị bệnh mắt do đái tháo đường
  • Bệnh tim mạch
  • Bệnh thận
  • Béo phì
  • Sử dụng thuốc lá (thuốc lá làm giảm lưu thông máu)

Loét bàn chân do đái tháo đường xảy ra phổ biến nhất ở nam giới lớn tuổi.

Điều trị loét bàn chân do đái tháo đường

Tạm thời không để bàn chân bị loét phải chịu lực để tránh bị đau. Việc tiếp tục đi lại hay đứng trên bàn chân bị loét sẽ khiến bàn chân bị tổn thương nghiêm trọng hơn và vết loét ngày càng rộng ra.

Người bệnh có thể sẽ cần sử dụng một số vật dụng để bảo vệ đôi chân như giày dành cho người bệnh đái tháo đường, bó bột, nẹp chân, băng quấn y tế hay lót giày y khoa để ngăn ngừa chai chân.

Nếu bàn chân bị loét nghiêm trọng, bác sĩ sẽ tiến hành cắt lọc (cắt bỏ mô chết hoặc các vật thể lạ gây ra vết loét).

Nhiễm trùng là một biến chứng của loét bàn chân và cần được điều trị ngay lập tức. Việc điều trị nhiễm trùng sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra.

Bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô nhỏ ở xung quanh vết loét và gửi đến phòng xét nghiệm để xác định loại vi khuẩn gây nhiễm trùng, từ đó xác định loại kháng sinh cần sử dụng. Trong trường hợp nhiễm trùng nghiêm trọng, bệnh nhân sẽ phải chụp X-quang để xem nhiễm trùng có ảnh hưởng đến xương hay không.

Có thể ngăn ngừa nhiễm trùng vết loét ở bàn chân bằng cách:

  • Ngâm chân
  • Sát trùng vùng da xung quanh vết loét
  • Thay băng thường xuyên để giữ vết loét luôn khô sạch
  • Liệu pháp enzyme
  • Quấn băng có chứa alginat canxi để ức chế sự phát triển của vi khuẩn

Điều trị bằng thuốc

Bác sĩ thường sẽ kê thuốc kháng sinh, thuốc chống kết tập tiểu cầu hoặc thuốc chống đông máu để điều trị vết loét nếu tình trạng nhiễm trùng vẫn tiến triển ngay cả khi đã điều trị phòng ngừa và tránh tạo áp lực lên bàn chân.

Một số loại kháng sinh được dùng để điều trị loét bàn chân có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng) hoặc Streptococcus ß-haemolytic - một loại vi khuẩn thường được tìm thấy trong ruột.

Cho bác sĩ biết nếu như đang mắc các bệnh lý làm tăng nguy cơ nhiễm trùng do những vi khuẩn này, chẳng hạn như HIV và các bệnh về gan.

Phẫu thuật

Đôi khi cần phải phẫu thuật để điều trị vết loét ở bàn chân. Trong ca phẫu thuật, bác sĩ sẽ làm giảm áp lực xung quanh vết loét bằng cách cạo xương hoặc xử lý các bất thường ở bàn chân như biến dạng ngón chân cái hoặc ngón chân hình búa.

Không phải trường hợp loét bàn chân nào cũng phải phẫu thuật nhưng nếu không còn lựa chọn nào khác để giúp vết loét lành lại thì phẫu thuật sẽ là giải pháp cần thiết để ngăn tình trạng loét trở nên trầm trọng hơn và tránh phải cắt cụt chi.

Ngăn ngừa các vấn đề ở bàn chân do đái tháo đường

Theo một bài viết tổng quan đăng trên Tạp chí Y học New England, hơn một nửa số ca loét bàn chân do đái tháo đường bị nhiễm trùng. Khoảng 20% ca nhiễm trùng chân từ vừa đến nặng do đái tháo đường phải cắt cụt chi. Tốt hơn hết nên phòng ngừa loét bàn chân ngay từ đầu.

Điều quan trọng nhất là phải kiểm soát tốt lượng đường trong máu vì khi đường huyết được duy trì ổn định ở mức an toàn thì nguy cơ xảy ra biến chứng do đái tháo đường là rất thấp. Ngoài ra, bệnh nhân đái tháo đường còn có thể ngăn ngừa các vấn đề ở bàn chân bằng cách:

  • Rửa chân sạch sẽ hàng ngày và lau khô chân sau khi rửa
  • Cắt tỉa móng chân thường xuyên nhưng không cắt quá ngắn, cẩn thận không để bị thương khi cắt móng chân
  • Giữ cho bàn chân luôn khô ráo
  • Dưỡng ẩm nếu da chân bị khô
  • Thay tất thường xuyên
  • Không tự ý loại bỏ chai chân tại nhà
  • Đi giày vừa chân

Loét bàn chân có thể tái phát sau khi đã được điều trị. Mô sẹo có thể bị nhiễm trùng nếu khu vực có sẹo tiếp tục bị loét. Do đó, bệnh nhân có thể sẽ phải mang giày dành riêng cho người bị đái tháo đường để giảm nguy cơ tiếp tục bị loét.

Biến chứng của loét bàn chân

Nếu bàn chân có khu vực bị tê bì và vùng da xung quanh chuyển màu đen thì cần đi khám ngay để điều trị kịp thời. Nếu không được điều trị, vết loét có thể gây hình thành ổ áp xe và lan rộng sang các vùng khác trên bàn chân và cẳng chân.

Lúc này, giải pháp điều trị thường là phẫu thuật cắt lọc mô, cắt cụt chi hoặc ghép da nhân tạo để thay phần da đã mất.

Tóm tắt bài viết

Nếu phát hiện sớm, loét bàn chân hoàn toàn có thể điều trị được. Đi khám ngay lập tức nếu bị đau ở bàn chân vì càng để lâu thì nguy cơ nhiễm trùng sẽ càng cao. Nhiễm trùng không được điều trị có thể dẫn đến cắt cụt chi.

Trong thời gian chờ vết loét lành lại, hãy hạn chế cử động bàn chân và thực hiện đúng các phương pháp điều trị được chỉ định. Loét bàn chân do đái tháo đường thường mất vài tuần để lành lại. Nếu lượng đường trong máu ở mức cao và người bệnh tiếp tục đứng hoặc đi lại nhiều thì sẽ lâu khỏi hơn.

Duy trì chế độ ăn uống cân bằng để ổn định đường huyết và tránh tạo áp lực lên bàn chân là cách hiệu quả nhất để đẩy nhanh tốc độ hồi phục vết loét.

Sau khi vết loét đã lành lại, người bệnh cần chú ý chăm sóc bàn chân cẩn thận hàng ngày để giảm nguy cơ vấn đề tái phát.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bệnh võng mạc đái tháo đường: Nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa
Bệnh võng mạc đái tháo đường: Nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa

Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), bệnh võng mạc đái tháo đường là một trong nguyên nhân gây mù lòa có thể phòng ngừa được phổ biến nhất. Đây cũng là bệnh về mắt phổ biến nhất ở người mắc bệnh tiểu đường.

Tăng kali máu do bệnh thận đái tháo đường: Nguyên nhân và điều trị
Tăng kali máu do bệnh thận đái tháo đường: Nguyên nhân và điều trị

Bệnh thận đái tháo đường có mối liên hệ trực tiếp với tăng kali máu - tình trạng nồng độ kali trong máu tăng cao và cơ thể không thể tự đào thải hoặc cân bằng lượng kali dư thừa.

Các nguyên nhân gây đau khớp ở người bị đái tháo đường
Các nguyên nhân gây đau khớp ở người bị đái tháo đường

Bệnh đái tháo đường có thể làm hỏng khớp và dẫn đến một tình trạng gọi là bệnh khớp do đái tháo đường. Đau khớp do chấn thương xảy ra ngay lập tức nhưng triệu chứng đau của bệnh khớp do đái tháo đường tiến triển từ từ theo thời gian.

Nguyên nhân thay đổi tâm trạng thất thường ở người bệnh tiểu đường
Nguyên nhân thay đổi tâm trạng thất thường ở người bệnh tiểu đường

Người mắc bệnh tiểu đường có thể bị thay đổi tâm trạng thất thường do dao động lượng đường trong máu, stress hoặc vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường type 2: Nguyên nhân và điều trị
Hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường type 2: Nguyên nhân và điều trị

Hạ đường huyết xảy ra phổ biến nhất ở những người mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, một số vấn đề sức khỏe khác (hầu hết đều hiếm gặp) cũng có thể khiến cho lượng đường trong máu giảm xuống mức thấp.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây