Các nguyên nhân gây đau khớp ở người bị đái tháo đường
Bệnh đái tháo đường và đau khớp
Đau khớp có thể là vấn đề mãn tính (kéo dài) hoặc cấp tính (chỉ xảy ra trong thời gian ngắn). Bệnh đái tháo đường xảy ra do cơ thể không sử dụng hormone insulin một cách hiệu quả hoặc sản xuất không đủ insulin, dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao. Vậy đường huyết cao có ảnh hưởng gì đến sức khỏe khớp hay không?
Bệnh đái tháo đường gây ra các triệu chứng trên toàn cơ thể và có thể dẫn đến nhiều biến chứng nếu không được điều trị. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), 47% người bị viêm khớp mắc đái tháo đường. (1) Nghiên cứu đã tìm ra mối liên hệ giữa hai bệnh lý này.
Ảnh hưởng của đái tháo đường đến sức khỏe khớp
Bệnh đái tháo đường có thể làm hỏng khớp và dẫn đến một tình trạng gọi là bệnh khớp do đái tháo đường. Đau khớp do chấn thương xảy ra ngay lập tức nhưng triệu chứng đau của bệnh khớp do đái tháo đường tiến triển từ từ theo thời gian. Các triệu chứng khác của bệnh khớp do đái tháo đường còn có:
- Da dày
- Những thay đổi bất thường ở bàn chân
- Đau vai
- Hội chứng ống cổ tay
Khớp là nơi tiếp giáp của các đầu xương. Khi lớp sụn bao bọc đầu xương bị mòn, các đầu xương sẽ cọ xát với nhau khi cử động và gây đau nhức. Triệu chứng đau khớp của bệnh khớp do đái tháo đường có nhiều dạng khác nhau.
Bệnh khớp Charcot
Bệnh khớp Charcot xảy ra khi tình trạng tổn thương dây thần kinh do đái tháo đường khiến khớp bị hỏng. Còn được gọi là bệnh khớp do nguyên nhân thần kinh, bệnh khớp Charcot xảy ra ở bàn chân và mắt cá chân ở những người mắc bệnh đái tháo đường. Tổn thương dây thần kinh ở bàn chân là vấn đề phổ biến ở bệnh nhân đái tháo đường và tình trạng này có thể dẫn đến bệnh khớp Charcot. Mất chức năng thần kinh sẽ dẫn đến tê bì, mất cảm giác, làm tăng nguy cơ bị trật khớp và chấn thương dây chằng khi đi lại. Điều này tạo áp lực lên các khớp và cuối cùng có thể khiến khớp bị mòn. Tổn thương nghiêm trọng có thể dẫn đến dị tật ở bàn chân và ở các khớp bị ảnh hưởng khác.
Có thể ngăn ngừa biến dạng xương ở khớp Charcot bằng cách can thiệp điều trị sớm. Các dấu hiệu của bệnh khớp Charcot gồm có:
- Đau khớp
- Sưng đỏ khớp
- Tê
- Nóng ở vùng quanh khớp
- Bàn chân biến dạng
Nếu nguyên nhân gây đau khớp là do bệnh khớp Charcot, bệnh nhân cần hạn chế cử động khớp bị đau để tránh biến dạng xương. Nếu bị tê chân thì nên sử dụng lót giày y khoa để hỗ trợ bàn chân khi đi lại.
Viêm xương khớp và đái tháo đường type 2
Viêm xương khớp (osteoarthritis) là dạng viêm khớp phổ biến nhất. Viêm xương khớp có thể được gây ra hoặc trở nên trầm trọng hơn do tình trạng thừa cân - một vấn đề phổ biến ở những người mắc bệnh đái tháo đường type 2. Không giống như bệnh khớp Charcot, viêm xương khớp không phải do đái tháo đường trực tiếp gây ra. Thừa cân làm tăng nguy cơ mắc cả bệnh đái tháo đường type 2 và viêm xương khớp.
Viêm xương khớp xảy ra khi lớp sụn ở đầu xương bị mòn. Điều này làm cho các đầu xương ma xát với nhau và dẫn đến đau khớp. Mặc dù mòn sụn khớp là điều không thể tránh khỏi ở người lớn tuổi nhưng thừa cân sẽ đẩy nhanh quá trình này. Viêm xương khớp gây khó cử động khớp và sưng tấy quanh khớp. Tình trạng này chủ yếu xảy ra ở hông và đầu gối.
Điều đầu tiên cần làm để điều trị viêm xương khớp là kiểm soát cân nặng. Thừa cân khiến cho xương phải chịu áp lực lớn hơn và còn gây khó khăn cho việc kiểm soát bệnh đái tháo đường. Vì vậy nên đối với những người bị thừa cân, giảm cân không chỉ giúp làm giảm đau khớp mãn tính mà còn làm giảm các triệu chứng đái tháo đường.
Theo Tổ chức Viêm xương khớp (Arthritis Foundation), giảm khoảng 10% cân nặng có thể làm giảm 50% cơn đau đầu gối và giảm 20% cân nặng có thể giúp giảm đau đầu gối thêm 25% hoặc nhiều hơn. (2) Tập thể dục thường xuyên không chỉ giúp giảm cân mà còn mang lại rất nhiều lợi ích khác cho sức khỏe. Hoạt động thể chất sẽ tăng cường bôi trơn các khớp và nhờ đó giúp giảm đau khớp. Nếu viêm xương khớp gây đau khớp dữ dội, bệnh nhân có thể dùng thuốc giảm đau theo đơn của bác sĩ. Trong những trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân có thể sẽ phải phẫu thuật, chẳng hạn như thay khớp gối.
Viêm khớp dạng thấp và đái tháo đường type 1
Giống như đái tháo đường, bệnh viêm khớp cũng có nhiều loại khác nhau. Viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis) là một loại viêm khớp xảy ra do phản ứng tự miễn của cơ thể. Mặc dù cũng có triệu chứng là đau và sưng khớp nhưng viêm khớp dạng thấp không phải do thừa cân gây ra. Khoa học vẫn chưa lý giải được nguyên nhân gây ra phản ứng tự miễn dẫn đến bệnh viêm khớp dạng thấp nhưng đã xác định được một số yếu tố nguy cơ. Những người có tiền sử gia đình mắc bệnh tự miễn sẽ có nguy cơ bị viêm khớp dạng thấp cao hơn.
Đái tháo đường type 1 cũng là một bệnh tự miễn. Do đó, viêm khớp dạng thấp và đái tháo đường type 1 có mối liên hệ với nhau. Hai bệnh lý này có chung các chất chỉ điểm phản ứng viêm. Ở những người bị viêm khớp dạng thấp hoặc đái tháo đường type 1, cơ thể đều có nồng độ interleukin-6 và protein phản ứng C cao hơn bình thường. Một số loại thuốc trị viêm khớp có thể làm giảm các chất chỉ điểm phản ứng viêm này và cải thiện cả hai tình trạng bệnh.
Đau và sưng khớp là những triệu chứng chính của viêm khớp dạng thấp. Các triệu chứng thường xảy ra trong một thời gian ngắn rồi biến mất và có thể xuất hiện trở lại bất cứ lúc nào. Hiện chưa có cách chữa khỏi các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp. Vì vậy, mục đích chính của các phương pháp điều trị là giảm phản ứng viêm và từ đó làm giảm các triệu chứng. Các loại thuốc mới để điều trị viêm khớp dạng thấp gồm có:
- etanercept (Enbrel)
- adalimumab (Humira)
- infliximab (Remicade)
Ba loại thuốc này có thể làm giảm nguy cơ đái tháo đường type 2 vì bệnh đái tháo đường type 2 cũng có liên quan đến phản ứng viêm. Trong một nghiên cứu, những người dùng các loại thuốc kể trên có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 thấp hơn.
Tóm tắt bài viết
Chìa khóa để điều trị hiệu quả tình trạng đau khớp liên quan đến bệnh đái tháo đường là phát hiện sớm. Mặc dù không thể chữa khỏi những bệnh lý về khớp nêu trên nhưng có nhiều phương pháp điều trị để giảm các triệu chứng. Nên đi khám càng sớm càng tốt khi bị sưng, đỏ, đau hoặc tê ở bàn chân và cẳng chân. Các bệnh lý về khớp cần được điều trị kịp thời để tránh xảy ra biến chứng nghiêm trọng hơn.
Người mắc bệnh tiểu đường có thể bị thay đổi tâm trạng thất thường do dao động lượng đường trong máu, stress hoặc vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Một trong những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh đái tháo đường là khô miệng. Khô miệng là một triệu chứng phổ biến của cả đái tháo đường type 1 và type 2. Tuy nhiên, không phải ai bị đái tháo đường cũng bị khô miệng và khô miệng có thể xảy ra ở cả những người không mắc bệnh. Nếu thường xuyên bị khô miệng và nghi ngờ mình bị đái tháo đường thì nên đi khám để được chẩn đoán sớm.
Ngứa chân ở những người mắc bệnh tiểu đường có thể là do lưu thông máu kém hoặc do tổn thương dây thần kinh ở cẳng chân và bàn chân. Cả hai tình trạng này đều là do lượng đường trong máu cao gây ra.
Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), bệnh võng mạc đái tháo đường là một trong nguyên nhân gây mù lòa có thể phòng ngừa được phổ biến nhất. Đây cũng là bệnh về mắt phổ biến nhất ở người mắc bệnh tiểu đường.
Có nhiều nguyên nhân có thể khiến tầm nhìn bị mờ và một số trong đó xuất phát từ bệnh tiểu đường. Nhìn mờ có thể là dấu hiệu cho thấy lượng đường trong máu đang ở mức quá cao hoặc quá thấp.