1

Các nguyên nhân gây đau bụng ở người bị tiểu đường type 1

Đau bụng ở những người mắc bệnh tiểu đường type 1 có thể là do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên.
Các nguyên nhân gây đau bụng ở người bị tiểu đường type 1 Các nguyên nhân gây đau bụng ở người bị tiểu đường type 1

Đây là một trong những triệu chứng phổ biến nhất dẫn đến chẩn đoán tiểu đường type 1 và là một trong nhiều triệu chứng có thể tiến triển nhanh chóng và đe dọa đến tính mạng người bệnh trong những trường hợp bệnh chưa được phát hiện.

Tuy nhiên đau bụng cũng có thể xảy ra ở những người đã sống chung với bệnh tiểu đường type 1 được một thời gian dài do các nguyên nhân như lượng đường trong máu tăng quá cao hay do nhiễm toan ceton - một biến chứng nghiêm trọng của bệnh tiểu đường.

Ngoài ra, người mắc bệnh tiểu đường còn có thể bị đau bụng do chứng liệt dạ dày. Đây là một biến chứng khác của bệnh tiểu đường, gây ra các triệu chứng như đau bụng, đầy hơi sau khi ăn và buồn nôn.

Triệu chứng của bệnh tiểu đường type 1

Ước tính có khoảng trên 9 triệu người mắc bệnh tiểu đường type 1 trên toàn thế giới. Đây là một bệnh tự miễn, xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể tấn công tuyến tụy, khiến cho cơ quan này không thể sản xuất insulin. Insulin là hormone giúp điều hòa lượng đường trong máu nên khi không có hormone này, lượng đường trong máu sẽ tăng cao.

Mặc dù chủ yếu được chẩn đoán ở trẻ em và thanh thiếu niên nhưng bệnh tiểu đường type 1 có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Trên thực tế, một nghiên cứu vào năm 2022 cho thấy bệnh tiểu đường type 1 khởi phát ở người trưởng thành là phổ biến nhất và thường bị chẩn đoán nhầm là tiểu đường type 2.

Các dấu hiệu phổ biến nhất của tiểu đường type 1 gồm có:

  • Đi tiểu nhiều lần
  • Khát nước thường xuyên
  • Hay cảm thấy đói
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân
  • Mệt mỏi bất thường
  • Buồn nôn và nôn
  • Đau bụng
  • Mờ mắt
  • Vết bầm tím và vết thương hở lâu lành
  • Nhiễm nấm âm đạo tái phát

Điều gì xảy ra nếu bệnh tiểu đường type 1 không được chẩn đoán?

Nếu không được phát hiện và điều trị, bệnh tiểu đường type 1 sẽ nhanh chóng tiến triển nặng. Nếu gặp các triệu chứng nghi là bệnh tiểu đường type 1 thì đừng bỏ qua mà hãy đi khám ngay lập tức. Cho dù chỉ trì hoãn một vài ngày hay thậm chí là qua đêm cũng có thể gây nguy hiểm.

Nhiễm toan ceton

Bệnh tiểu đường type 1 có thể gây ra một biến chứng nghiêm trọng là nhiễm toan ceton.

Khi không có đủ insulin để chuyển hóa glucose (đường) trong máu thành năng lượng, cơ thể sẽ bắt đầu phân hủy chất béo để làm nguồn năng lượng thay thế. Quá trình phân hủy chất béo giải phóng ra ceton vào máu, khiến cho nồng độ ceton trong máu tăng cao và máu có tính axit thay vì tính bazơ nhẹ như bình thường. Tình trạng này gọi là nhiễm toan ceton.

Nhiễm toan ceton có thể khởi phát đột ngột và nghiêm trọng. Nhiễm toan ceton cần được điều trị ngay lập tức bằng insulin.

Các triệu chứng của nhiễm toan ceton gồm có:

  • Đau bụng
  • Buồn nôn
  • Hơi thở có mùi trái cây
  • Mệt mỏi, buồn ngủ
  • Thở gấp
  • Thần trí mơ hồ, không tỉnh táo
  • Bất tỉnh

Nhiễm toan ceton cần được cấp cứu và nếu không được điều trị, tình trạng này có thể dẫn đến hôn mê và cuối cùng là tử vong.

Những người không biết mình mắc bệnh tiểu đường type 1 có thể bị nhiễm toan ceton đột ngột mà không rõ điều gì đang xảy ra.

Nhưng những người đã được chẩn đoán tiểu đường type 1 và đang điều trị cũng có thể bị nhiễm toan ceton. Biến chứng này có thể xảy ra khi người bệnh không sử dụng đủ insulin chẳng hạn như tiêu insulin không đủ liều hoặc máy bơm insulin bị hỏng.

Liệt dạ dày là gì?

Liệt dạ dày là một vấn đề về tiêu hóa mà rất nhiều người mắc bệnh tiểu đường type 1 gặp phải.

Một số nghiên cứu cho thấy rằng có tới 40% người mắc bệnh tiểu đường type 1 có thể bị liệt dạ dày và tỷ lệ liệt dạ dày ở những người mắc bệnh tiểu đường type 2 là 30%.

Còn được gọi là chứng chậm làm rỗng dạ dày mãn tính, liệt dạ dày về cơ bản là một dạng rối loạn tiêu hóa trong đó các cơ dạ dày không thể co bóp bình thường và điều này làm chậm tốc độ thức ăn di chuyển từ dạ dày xuống ruột non.

Ngoài đau bụng, liệt dạ dày còn gây ra một số triệu chứng khác như:

  • Buồn nôn
  • Đầy bụng
  • Nôn
  • Nhanh no hoặc cảm giác no quá mức sau khi ăn

Nếu nghiêm trọng, chứng liệt dạ dày có thể gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống.

Chẩn đoán liệt dạ dày

Nên đi khám càng sớm càng tốt khi nhận thấy các triệu chứng liệt dạ dày.

Trước tiên bác sĩ sẽ khám lâm sàng và hỏi về tiền sử bệnh. Để loại trừ các nguyên nhân khác cũng gây ra các triệu chứng tương tự, bác sĩ sẽ tiến hành một số phương pháp chẩn đoán, gồm có siêu âm hoặc nội soi đường tiêu hóa trên. Những phương pháp này sẽ giúp phát hiện hoặc loại trừ các vấn đề sức khỏe khác gây ảnh hưởng đến dạ dày.

Sau khi loại trừ được các nguyên nhân khác, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện một số bài kiểm tra để đánh giá tốc độ làm rỗng dạ dày. Một phương pháp thường được sử dụng là chụp quá trình làm rỗng dạ dày (gastric emptying scan), trong đó bệnh nhân sẽ ăn một lượng nhỏ thức ăn có chứa chất phóng xạ vô hại, sau đó bác sĩ tiến hành chụp X-quang để quan sát quá trình thức ăn được tiêu hóa và di chuyển ra khỏi dạ dày.

Sau khi xác nhận chẩn đoán, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị.

Nếu không được điều trị, chứng liệt dạ dày sẽ gây ra các triệu chứng như nôn mửa thường xuyên và tình trạng này sẽ gây mất nước. Liệt dạ dày còn có thể gây cản trở sự hấp thụ chất dinh dưỡng và về lâu dài sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng.

Chế độ ăn uống để điều trị liệt dạ dày

Chứng liệt dạ dày hiện không có cách chữa trị khỏi nhưng có nhiều phương pháp điều trị để kiểm soát tình trạng bệnh. Một trong những điều quan trọng nhất để điều trị liệt dạ dày là thay đổi thói quen ăn uống.

Dưới đây là một số điều mà người bệnh nên thực hiện để giảm các triệu chứng liệt dạ dày:

  • Ăn nhiều bữa nhỏ thay vì ăn 2 – 3 bữa lớn mỗi ngày.
  • Ăn đồ ăn mềm để dễ tiêu hóa hơn.
  • Hạn chế thực phẩm chứa nhiều chất béo và chất xơ vì hai chất này sẽ làm chậm quá trình làm rỗng dạ dày và khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn. Calo từ chất béo không nên vượt quá 25 – 30% tổng lượng calo nạp vào hàng ngày.
  • Ăn tối đa 15 gram chất xơ cho mỗi 1.000 calo nạp vào mỗi ngày.
  • Uống nhiều nước. Người lớn nên uống từ 6 đến 10 cốc nước mỗi ngày.

Tuy nhiên, thay đổi chế độ ăn uống có thể không đủ để điều trị liệt dạ dày.

Thuốc và các phương pháp điều trị khác

Ngoài điều chỉnh thói quen ăn uống, người bệnh có thể phải dùng thuốc để tăng tốc độ di chuyển của thức ăn qua dạ dày và làm giảm các triệu chứng như buồn nôn. Một số loại thuốc thường được dùng để điều trị liệt dạ dày:

  • Metoclopramid: Đây là một loại thuốc đã được phê duyệt để điều trị bệnh dạ dày. Metoclopramid có tác dụng kích thích sự co bóp dạ dày và ruột, nhờ đó giúp thức ăn di chuyển qua đường tiêu hóa nhanh hơn và làm giảm các triệu chứng như buồn nôn và nôn. Metoclopramid thuộc nhóm thuốc prokinetic – nhóm thuốc làm tăng co bóp thực quản và dạ dày. Một vài loại thuốc trong nhóm này có thể kiểm soát hiệu quả chứng liệt dạ dày.
  • Thuốc chống nôn: Loại thuốc này giúp giảm buồn nôn và nôn.

Đôi khi, nguyên nhân gây ra các triệu chứng liệt dạ dày là do tác dụng phụ của thuốc. Một số loại thuốc có thể làm chậm quá trình làm rỗng dạ dày gồm có:

  • Thuốc giảm đau nhóm opioid
  • Thuốc chủ vận thụ thể H2
  • Thuốc ức chế bơm proton
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng
  • Thuốc kháng histamin
  • Thuốc benzodiazepin
  • Thuốc chẹn kênh canxi

Người bệnh cần liệt kê tất cả các loại thuốc đang dùng để bác sĩ xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng.

Nếu không đáp ứng tốt với thuốc, người bệnh sẽ phải điều trị liệt dạ dày bằng các phương pháp khác, ví dụ như kích thích dạ dày bằng điện hoặc điều biến thần kinh dạ dày. Phương pháp này kích thích hệ tiêu hóa và giúp cải thiện các triệu chứng.

Những trường hợp liệt dạ dày nghiêm trọng có thể cần đến giải pháp dinh dưỡng qua đường ruột. Dinh dưỡng ở dạng lỏng được vào cơ thể người bệnh nhân qua một ống thông được đặt vào dạ dày hoặc ruột non. Trước đó người bệnh sẽ phải trải qua quá trình phẫu thuật mở thông dạ dày, trong đó tạo một lỗ mở ở dạ dày để đặt ống thông dẫn chất dinh dưỡng.

Điều chỉnh liệu pháp insulin

Đôi khi, chứng liệt dạ dày có liên quan đến liệu pháp insulin – phương pháp chính để điều trị bệnh tiểu đường type 1.

Thông thường, người bệnh tiêm insulin trước khi ăn khoảng 15 đến 20 phút. Liều insulin này được gọi là insulin bolus. Sở dĩ cần tiêm insulin vào thời điểm đó là để insulin có thời gian đi vào máu trước khi các chất trong thức ăn được hấp thụ và bắt đầu làm tăng đường huyết.

Nếu quá trình làm rỗng dạ dày bị chậm và mất nhiều thời gian hơn để cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng thì người bệnh có thể phải điều chỉnh thời điểm tiêm insulin trước bữa ăn.

Sử dụng máy bơm insulin và máy đo đường huyết liên tục (CGM) cũng có thể giúp người bệnh tiểu đường duy trì việc kiểm soát lượng đường trong máu.

Tóm tắt bài viết

Đau bụng có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường type 1, triệu chứng của tăng đường huyết (lượng đường trong máu cao) hoặc của nhiễm toan ceton – một biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường. Đối với những người đã được chẩn đoán mắc tiểu đường type 1, đau bụng có thể là dấu hiệu cho thấy tình trạng bệnh đang không được kiểm soát tốt. Một nguyên nhân phổ biến gây đau bụng ở những người bị bệnh tiểu đường là liệt dạ dày. Bệnh lý này gây ra nhiều triệu chứng về tiêu hóa như đau bụng, buồn nôn, ăn nhanh no, đầy hơi. Mặc dù không có cách nào chữa khỏi nhưng có thể kiểm soát chứng liệt dạ dày bằng cách điều chỉnh thói quen ăn uống, dùng thuốc hoặc một số thủ thuật y tế.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Các nguyên nhân gây bệnh tiểu đường type 2
Các nguyên nhân gây bệnh tiểu đường type 2

Bệnh tiểu đường type 2 không phải chỉ do một nguyên nhân duy nhất gây ra. Trên thực tế, bệnh lý này có thể là kết quả của nhiều yếu tố khác nhau. Dưới đây là một số yếu tố chính có thể dẫn đến tiểu đường type 2.

Hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường type 2: Nguyên nhân và điều trị
Hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường type 2: Nguyên nhân và điều trị

Hạ đường huyết xảy ra phổ biến nhất ở những người mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, một số vấn đề sức khỏe khác (hầu hết đều hiếm gặp) cũng có thể khiến cho lượng đường trong máu giảm xuống mức thấp.

Các nguyên nhân gây mờ mắt ở người bệnh tiểu đường
Các nguyên nhân gây mờ mắt ở người bệnh tiểu đường

Có nhiều nguyên nhân có thể khiến tầm nhìn bị mờ và một số trong đó xuất phát từ bệnh tiểu đường. Nhìn mờ có thể là dấu hiệu cho thấy lượng đường trong máu đang ở mức quá cao hoặc quá thấp.

Các nguyên nhân gây đau đầu ở người bệnh tiểu đường
Các nguyên nhân gây đau đầu ở người bệnh tiểu đường

Đau đầu là một vấn đề rất phổ biến mà hầu như ai cũng đã từng gặp phải. Đa phần cơn đau đầu thường tự hết hoặc có thể kiểm soát bằng cách dùng thuốc giảm đau không kê đơn. Tuy nhiên, ở những người mắc bệnh tiểu đường, đau đầu có thể là dấu hiệu cảnh báo lượng đường trong máu đang quá cao hoặc quá thấp.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây