Các nguyên nhân gây bệnh tiểu đường type 2
Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường type 2
Di truyền và tiền sử gia đình
Di truyền có ảnh hưởng lớn đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2. Nguy cơ mắc loại bệnh tiểu đường này phụ thuộc vào tiền sử gia đình nhiều hơn là tiểu đường type 2.
Kháng insulin
Bình thường, cơ thể sử dụng một loại hormone tên là insulin để vận chuyển đường (glucose) trong máu vào tế bào và trong tế bào, đường được chuyển hóa thành năng lượng. Tuy nhiên, đôi khi các tế bào trong cơ, mỡ và gan không phản ứng tốt với hoạt động của insulin. Tình trạng này được gọi là kháng insulin và khiến cho đường trong máu khó đi vào tế bào hơn.
Kết quả là trong máu có quá nhiều đường. Lúc này, tuyến tụy làm việc nhiều hơn để sản xuất thêm insulin nhằm đưa đường trong máu về mức bình thường nhưng theo thời gian, lượng insulin được tạo ra vẫn sẽ không đáp ứng đủ lượng đường trong máu và đường trong máu vẫn ơ mức cao. Điều này dẫn đến tiền tiểu đường hoặc tiểu đường type 2. Theo thời gian, các tế bào sản xuất insulin của tuyến tụy sẽ ngừng hoạt động hoặc chết đi và cơ thể bị thiếu insulin.
Mỡ nội tạng
Mỡ nội tạng sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.
Mỡ nội tạng là lượng mỡ bao xung quanh các cơ quan nội tạng như gan và ruột, nằm sâu bên trong ổ bụng. Mặc dù mỡ nội tạng chỉ chiếm khoảng 10% tổng lượng mỡ trong cơ thể nhưng lại là yếu tố nguy cơ chính dẫn đến các vấn đề về trao đổi chất, chẳng hạn như kháng insulin.
Trên thực tế, nghiên cứu cho thấy vòng eo càng lớn (có nghĩa là càng có nhiều mỡ bụng) thì nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 càng cao. (1)
Lối sống ít vận động
Thường xuyên ngồi liên tục trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2. Mặt khác, tích cực hoạt động thể chất sẽ giúp kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn.
Một số loại thuốc
Một số loại thuốc được dùng để điều trị các bệnh lý khác có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.
Ví dụ, các loại corticoid như prednisone – nhóm thuốc thường được sử dụng để điều trị viêm - có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn. (2) Sử dụng statin liều cao – một nhóm thuốc hạ cholesterol - cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.
Một số loại thuốc khác cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường còn có:
- Thuốc chẹn beta
- Thuốc chống loạn thần thế hệ thứ hai
- Thuốc lợi tiểu thiazid
Ngoài ra còn nhiều loại thuốc khác cũng có thể làm tăng lượng đường trong máu. Vì vậy nên hãy trao đổi với bác sĩ trước khi bắt đầu dùng một loại thuốc mới, đặc biệt là khi có các yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường type 2.
Một điều quan trọng cần lưu ý là không được ngừng thuốc mà không hỏi ý kiến bác sĩ.
Một số vấn đề sức khỏe
Hầu hết những người bị tiểu đường type 2 đều từng trải qua giai đoạn tiền tiểu đường. Đây là tình trạng lượng đường trong máu ở mức cao hơn bình thường nhưng chưa đủ cao để chẩn đoán bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, không phải ai bị tiền tiểu đường cũng tiến triển thành tiểu đường type 2. Có nhiều cách để đưa lượng đường trong máu trở lại mức khỏe mạnh, gồm có ăn uống lành mạnh, đầy đủ dinh dưỡng và thường xuyên tập thể dục.
Các vấn đề sức khỏe khác cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 gồm có:
- Cao huyết áp
- Bệnh tim mạch
- Tiền sử đột quỵ
- Hội chứng buồng trứng đa nang
- Có mức HDL cholesterol thấp và mức triglyceride cao
Ăn nhiều đường có gây ra bệnh tiểu đường không?
Một lầm tưởng khá phổ biến về bệnh tiểu đường là ăn nhiều đường sẽ dẫn đến bệnh tiểu đường type 2. Trên thực tế, điều này là không đúng.
Theo một nghiên cứu vào năm 2015 được công bố trên Tạp chí Điều tra Bệnh tiểu đường (Journal of Diabetes Investigation), tiêu thụ nhiều đồ uống có đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 nhưng đường tự nhiên, chẳng hạn như đường trong các loại trái cây tươi, không gây ra điều tương tự. (3)
Ngoài lượng đường trong chế độ ăn, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường của một người còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, chẳng hạn như những yếu tố nêu trên.
Duy trì chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng và hoạt động thể chất tích cực sẽ giúp cải thiện sức khỏe một cách toàn diện, bao gồm cả giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.
Các yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường type 2
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 gồm có:
- Tiền sử gia đình: Những người có bố mẹ hoặc anh chị em ruột bị tiểu đường type 2 sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Thừa cân hoặc béo phì: Cân nặng cũng là một yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường type 2. Những người thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với người có cân nặng khỏe mạnh.
- Tuổi tác: Bệnh tiểu đường type 2 có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng người trên 45 tuổi có nguy cơ cao hơn.
- Chủng tộc: Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), một số nhóm chủng tộc có tỷ lệ mắc tiểu đường type 2 cao hơn, gồm có người Mỹ gốc Phi, Latinh và Tây Ban Nha, người Mỹ bản địa hoặc người bản địa Alaska. Theo nghiên cứu, nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt về nguy cơ mắc tiểu đường type 2 giữa các nhóm chủng tộc là do chênh lệch về khả năng tiếp cận thực phẩm, giáo dục và chăm sóc sức khỏe.
- Tiền sử tiểu đường thai kỳ: Những phụ nữ từng bị tiểu đường thai kỳ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 trong tương lai cao hơn. Nghiên cứu ước tính rằng từ 15 đến 70% người mắc bệnh tiểu đường thai kỳ có nguy cơ bị tiểu đường type 2.
- Ít vận động: Lối sống quá ít vận động sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.
Tóm tắt bài viết
Nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2. Một số trong đó là những yếu tố có thể kiểm soát và thay đổi, ít nhất là ở một mức độ nào đó, chẳng hạn như chế độ ăn uống, mức độ vận động hay lượng mỡ trong cơ thể trong khi một số yếu tố lại không thể thay đổi được, chẳng hạn như di truyền, tiền sử gia đình hay tuổi tác.
Nếu có các yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường type 2 thì hãy đi khám và hỏi bác sĩ về những cách giảm thiểu nguy cơ.
Bệnh tiểu đường là một bệnh mãn tính xảy ra do cơ thể không thể sử dụng lượng đường trong máu (glucose) một cách hiệu quả. Nguyên nhân chính xác gây ra điều này vẫn chưa được xác định rõ nhưng rất có thể một phần là do các yếu tố di truyền và môi trường. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường gồm có béo phì và mức cholesterol cao. Dưới đây là một số nguyên nhân cụ thể gây bệnh tiểu đường.
Người mắc bệnh tiểu đường có thể bị thay đổi tâm trạng thất thường do dao động lượng đường trong máu, stress hoặc vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Ngứa chân ở những người mắc bệnh tiểu đường có thể là do lưu thông máu kém hoặc do tổn thương dây thần kinh ở cẳng chân và bàn chân. Cả hai tình trạng này đều là do lượng đường trong máu cao gây ra.
Người mắc bệnh tiểu đường type 2 hoặc có nguy cơ bị tiểu đường type 2 được khuyến nghị thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, cắt giảm đường và carbohydrate tinh chế. Nhưng liệu thịt – một loại thực phẩm không chứa carb – có làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường không?
Ở những người mắc bệnh tiểu đường, không phải lúc nào lượng đường trong máu cũng cao. Đường trong máu cũng có thể xuống quá thấp, tình trạng này được gọi là hạ đường huyết.