Nguyên nhân nào gây ra bệnh tiểu đường?
Insulin
Giảm sản xuất insulin
Đây là nguyên nhân gây bệnh tiểu đường type 1. Loại tiểu đường này xảy ra khi các tế bào sản xuất insulin bị hỏng hoặc bị phá hủy và ngừng tạo ra insulin. Insulin là một loại hormone cần thiết để vận chuyển đường trong máu vào các tế bào khắp cơ thể. Sự thiếu hụt insulin dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao và không đủ năng lượng trong các tế bào.
Kháng insulin
Đây là đặc trưng của bệnh tiểu đường type 2. Loại tiểu đường này xảy ra khi insulin được sản xuất bình thường trong tuyến tụy nhưng các tế bào lại phản ứng kém với insulin và do đó, glucose trong máu vẫn không được vận chuyển hiệu quả vào các tế bào để tạo năng lượng. Ban đầu, tuyến tụy sẽ tạo ra nhiều insulin hơn để bù lại tình trạng kháng insulin của các tế bào nhưng sau một thời gian phải hoạt động quá mức, các tế bào của tuyến tụy sẽ suy yếu và lúc này, sự sản xuất insulin ở tuyến tụy sẽ chậm lại, hậu quả là lượng đường trong máu tăng cao. Tình trạng này được gọi là tiền tiểu đường. Những người bị tiền tiểu đường có lượng đường trong máu cao hơn bình thường nhưng chưa đủ cao để chẩn đoán bệnh tiểu đường. Nhiều người không hay biết mình bị tiền tiểu đường và chỉ phát hiện ra khi làm xét nghiệm máu vì tiền tiểu đường thường không biểu hiện triệu chứng rõ rệt. Tiền tiểu đường tiến triển thành tiểu đường type 2 khi sự sản xuất insulin tiếp tục giảm và các tế bào ngày càng phản ứng kém với hoạt động của insulin.
Gen và tiền sử gia đình
Di truyền có ảnh hưởng lớn đến nguy cơ mắc một số loại tiểu đường. Hiện các nhà nghiên cứu vẫn chưa hiểu rõ về vai trò của yếu tố di truyền đối với bệnh tiểu đường nhưng theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ, thống kê cho thấy nếu một người có bố mẹ hoặc anh chị em ruột bị tiểu đường thì người đó sẽ có nguy cơ mắc tiểu đường cao hơn bình thường.
Chủng tộc cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Mặc dù các nghiên cứu chưa đưa ra kết luận chính thức nhưng có vẻ như một số nhóm chủng tộc có tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường cao hơn, chẳng hạn như người Mỹ gốc Phi, người Mỹ bản địa, người Châu Á, người dân đảo Thái Bình Dương và người Mỹ gốc Tây Ban Nha.
Các bệnh lý di truyền như xơ nang và ứ sắt (rối loạn sắc tố di truyền) đều có thể gây tổn hại đến tuyến tụy và dẫn đến tăng nguy cơ bị bệnh tiểu đường.
Các dạng đơn gen của bệnh tiểu đường là kết quả của các đột biến gen đơn lẻ. Các dạng bệnh tiểu đường đơn gen rất hiếm gặp, chỉ chiếm từ 1 đến 5% tổng số trường hợp mắc bệnh tiểu đường ở người trẻ tuổi.
Tiểu đường thai kỳ
Tiểu đường thai kỳ là loại bệnh tiểu đường xảy ra trong thời gian mang thai ở những phụ nữ không bị tiểu đường trước đây. Có ý kiến cho rằng các hormone hình thành trong nhau thai gây cản trở phản ứng insulin của cơ thể. Điều này dẫn đến tình trạng kháng insulin và lượng đường trong máu cao.
Những phụ nữ bị bệnh tiểu đường thai kỳ trong khi mang thai có nguy cơ cao mắc tiểu đường type 2 sau này. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, những phụ nữ sinh con nặng hơn 4kg có nguy cơ cao hơn. (1)
Tuổi tác
Theo Viện Quốc gia về Đái tháo đường, bệnh tiêu hóa và bệnh thận Hoa Kỳ (NIDDK), nguy cơ mắc tiểu đường type 2 tăng lên khi có tuổi. Cụ thể, nguy cơ sẽ tăng lên sau 45 tuổi. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc tiểu đường type 2 đang gia tăng đáng kể ở trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành trẻ tuổi. Một số lý do khiến người có tuổi có nguy cơ bị tiểu đường cao hơn là ít vận động, giảm khối lượng cơ và tăng cân. Bệnh tiểu đường type 1 thường được chẩn đoán ở độ tuổi 30.
Béo phì
Lượng mỡ thừa lớn trong cơ thể có thể gây ra tình trạng kháng insulin. Các mô mỡ có thể gây phản ứng viêm và dẫn đến kháng insulin. Tuy nhiên, không phải ai bị thừa cân cũng mắc bệnh tiểu đường. Cần nghiên cứu thêm về mối liên hệ giữa bệnh béo phì và tiểu đường.
Chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống không lành mạnh có thể góp phần gây ra bệnh tiểu đường type 2. Chế độ ăn quá nhiều calo, chất béo và cholesterol sẽ làm tăng sự đề kháng của các tế bào cơ thể với insulin.
Ít vận động
Hoạt động thể chất giúp cho mô cơ phản ứng tốt hơn với insulin. Đó là lý do tại sao tập thể dục thường xuyên, bao gồm cả tập cardio và tập thể hình, có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn chế độ tập luyện an toàn và hiệu quả.
Bệnh nội tiết
Mặc dù hiếm gặp nhưng một số bệnh về nội tiết cũng có thể dẫn đến bệnh tiểu đường. Các bệnh lý dưới đây đôi khi có thể gây ra tình trạng kháng insulin:
- Hội chứng Cushing: có đặc trưng là nồng độ cortisol cao, đây là hormone stress có trong máu. Nồng độ cortisol cao làm tăng lượng đường trong máu và có thể gây ra bệnh tiểu đường.
- Bệnh to đầu chi: xảy ra do cơ thể tạo ra quá nhiều hormone tăng trưởng. Nếu không được điều trị, điều này có thể dẫn đến tăng cân quá mức và mắc bệnh tiểu đường.
- Cường giáp: xảy ra khi tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone tuyến giáp. Bệnh tiểu đường là một trong những biến chứng của cường giáp.
Bệnh tiểu đường type 2 không phải chỉ do một nguyên nhân duy nhất gây ra. Trên thực tế, bệnh lý này có thể là kết quả của nhiều yếu tố khác nhau. Dưới đây là một số yếu tố chính có thể dẫn đến tiểu đường type 2.
Hạ đường huyết xảy ra phổ biến nhất ở những người mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, một số vấn đề sức khỏe khác (hầu hết đều hiếm gặp) cũng có thể khiến cho lượng đường trong máu giảm xuống mức thấp.
Người mắc bệnh tiểu đường type 2 hoặc có nguy cơ bị tiểu đường type 2 được khuyến nghị thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, cắt giảm đường và carbohydrate tinh chế. Nhưng liệu thịt – một loại thực phẩm không chứa carb – có làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường không?
Có nhiều nguyên nhân có thể khiến tầm nhìn bị mờ và một số trong đó xuất phát từ bệnh tiểu đường. Nhìn mờ có thể là dấu hiệu cho thấy lượng đường trong máu đang ở mức quá cao hoặc quá thấp.
Đau đầu là một vấn đề rất phổ biến mà hầu như ai cũng đã từng gặp phải. Đa phần cơn đau đầu thường tự hết hoặc có thể kiểm soát bằng cách dùng thuốc giảm đau không kê đơn. Tuy nhiên, ở những người mắc bệnh tiểu đường, đau đầu có thể là dấu hiệu cảnh báo lượng đường trong máu đang quá cao hoặc quá thấp.