1

Cách xử trí hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường type 2

Ở những người mắc bệnh tiểu đường, không phải lúc nào lượng đường trong máu cũng cao. Đường trong máu cũng có thể xuống quá thấp, tình trạng này được gọi là hạ đường huyết.
Cách xử trí hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường type 2 Cách xử trí hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường type 2

Hạ đường huyết là gì?

Hạ đường huyết xảy ra khi lượng đường trong máu giảm xuống dưới 70 mg/dl.

Cách duy nhất để xác nhận chính xác hạ đường huyết là kiểm tra lượng đường trong máu bằng máy đo. Tuy nhiên, nếu không có máy đo thì người bệnh vẫn có thể phần nào nhận biết được hạ đường huyết qua các dấu hiệu, triệu chứng. Nhận biết sớm các dấu hiệu này là điều rất quan trọng. Nếu không được điều trị kịp thời, hạ đường huyết sẽ trở nên nghiêm trọng, có thể gây co giật hoặc hôn mê. Những người thường xuyên bị hạ đường huyết có thể sẽ không cảm nhận thấy các triệu chứng. Tình trạng này được gọi là hạ đường huyết vô thức.

Kiểm soát tốt lượng đường trong máu sẽ giúp ngăn ngừa hạ đường huyết. Tuy nhiên, người bệnh vẫn nên nhận biết các triệu chứng và biết cách xử lý khi xảy ra hạ đường huyết.

Nguyên nhân gây hạ đường huyết

Để kiểm soát lượng đường trong máu, người bệnh tiểu đường cần kết hợp chế độ ăn uống, tập thể dục và dùng thuốc.

Một số loại thuốc điều trị tiểu đường có tác dụng phụ gây hạ đường huyết. Thường chỉ những loại thuốc làm tăng sự sản xuất insulin mới có nguy cơ gây hạ đường huyết.

Một số loại thuốc có thể gây hạ đường huyết gồm có:

  • insulin
  • glimepiride (Amaryl)
  • glipizide (Glucotrol, Glucotrol XL)
  • glyburide (DiaBeta, Glynase, Micronase)
  • nateglinide (Starlix)
  • repaglinide (Prandin)

Thuốc kết hợp có chứa một trong các loại thuốc trên cũng có thể gây hạ đường huyết. Đó là lý do tại sao người bệnh tiểu đường phải kiểm tra đường huyết, đặc biệt là khi thay đổi kế hoạch điều trị.

Một số nguyên nhân phổ biến nhất khiến lượng đường trong máu giảm xuống mức thấp là:

  • Bỏ bữa hoặc ăn ít hơn bình thường
  • Tập thể dục cường độ cao hơn bình thường
  • Sử dụng thuốc liều cao hơn bình thường
  • Uống rượu bia, đặc biệt là uống mà không ăn

Hạ đường huyết không chỉ xảy ra ở người mắc bệnh tiểu đường. Tình trạng này còn có thể xảy ra ở những người đã phẫu thuật giảm cân, bị nhiễm trùng nặng và người bị thiếu hormone tuyến giáp hoặc hormone cortisol.

Triệu chứng của hạ đường huyết

Triệu chứng của hạ đường huyết ở mỗi người là không giống nhau. Nhận biết được các triệu chứng của bản thân sẽ giúp người bệnh điều trị kịp thời khi bị hạ đường huyết.

Các triệu chứng thường gặp của hạ đường huyết gồm có:

  • Chóng mặt, cảm giác như sắp ngất
  • Tim đập nhanh
  • Cáu gắt
  • Tim đập nhanh hoặc rối loạn nhịp tim
  • Hồi hộp, bồn chồn
  • Thở gấp
  • Run tay
  • Thần trí mơ hồ, không tỉnh táo
  • Thay đổi tâm trạng đột ngột
  • Đổ mồ hôi, ớn lạnh
  • Bất tỉnh
  • Co giật

Nếu nhận thấy các dấu hiệu hạ đường huyết, hãy đo đường huyết ngay lập tức để phát hiện và điều trị kịp thời. Nếu như không có máy đo nhưng nghi là bản thân bị hạ đường huyết thì cũng nên nhanh chóng điều trị.

Điều trị hạ đường huyết

Việc điều trị hạ đường huyết phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Nếu chỉ có các triệu chứng nhẹ đến vừa thì người bệnh có thể tự điều trị hạ đường huyết. Bước đầu tiên là ăn khoảng 15 gram glucose hoặc carbohydrate tiêu hóa nhanh, ví dụ như:

  • 1 cốc sữa có đường
  • 3 - 4 viên kẹo cứng
  • 1/2 cốc nước trái cây, chẳng hạn như nước cam
  • 1/2 cốc nước ngọt
  • 3 - 4 viên nén glucose
  • 1/2 gói gel glucose
  • 1 thìa canh đường hoặc mật ong

Sau khi bổ sung 15 gram glucose hoặc carbohydrate, hãy chờ khoảng 15 phút rồi đo lại đường huyết. Nếu đường huyết từ 70 mg/dl trở lên thì có nghĩa là cơn hạ đường huyết đã qua. Nếu đường huyết vẫn dưới 70 mg/dl thì hãy tiếp tục bổ sung thêm 15 gram carbohydrate, chờ 15 phút và đo đường huyết một lần nữa xem đã trở về mức bình thường hay chưa.

Khi đường huyết đã tăng trở lại, hãy ăn một bữa ăn nhẹ nếu như còn trên 1 tiếng nữa mới đến bữa ăn chính. Nếu tiếp tục lặp lại các bước này mà đường huyết vẫn không tăng thì hãy gọi cấp cứu hoặc nhờ ai đó đưa đến bệnh viện. Người bệnh tuyệt đối không được tự lái xe.

Nếu dùng thuốc acarbose hoặc miglitol, lượng đường trong máu sẽ đáp ứng chậm hơn sau khi tiêu thụ carbohydrate. Những loại thuốc này làm chậm quá trình tiêu hóa carbohydrate và do đó, lượng đường trong máu sẽ không tăng nhanh như bình thường. Những người đang dùng hai loại thuốc này cần sử dụng glucose hoặc dextrose tinh khiết, có ở dạng viên nén hoặc gel để làm tăng lượng đường trong máu và nhớ phải luôn mang theo bên người (cùng với thuốc làm tăng insulin) để sử dụng ngay khi cần thiết.

Nếu bị hạ đường huyết từ nhẹ đến vừa nhiều lần trong tuần hoặc bị hạ đường huyết nghiêm trọng thì nên đi khám. Có thể sẽ phải điều chỉnh chế độ ăn uống hoặc thuốc để ngăn ngừa hạ đường huyết.

Cần làm gì nếu hạ đường huyết gây bất tỉnh?

Lượng đường trong máu quá thấp có thể gây bất tỉnh. Điều này dễ xảy ra hơn ở những người bị tiểu đường type 1 nhưng cũng có thể xảy ra ở những người bị tiểu đường type 2 điều trị bằng insulin. Hạ đường huyết nghiêm trọng có thể đe dọa đến tính mạng. Người bệnh cần hướng dẫn người thân trong gia đình, bạn bè và đồng nghiệp cách tiêm glucagon trong trường hợp người bệnh bị bất tỉnh do hạ đường huyết. Glucagon là một loại hormone kích thích gan phân hủy glycogen dự trữ thành glucose và làm tăng lượng đường trong máu.

Ngăn ngừa hạ đường huyết

Cách tốt nhất để tránh bị hạ đường huyết là tuân thủ đúng kế hoạch điều trị bệnh tiểu đường để kiểm soát ổn định lượng đường trong máu. Kế hoạch điều trị bệnh tiểu đường thường có sự kết hợp của chế độ ăn uống cân bằng, tập thể dục và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Nếu không thực hiện đúng kế hoạch điều trị, người bệnh sẽ có nguy cơ bị hạ đường huyết.

Cách duy nhất để biết lượng đường trong máu đang ở mức bình thường, quá cao hay quá thấp là đo đường huyết. Những người phải điều trị bằng insulin nên đo đường huyết ít nhất 4 lần mỗi ngày. Bác sĩ sẽ cho biết tần suất đo đường huyết phù hợp.

Nếu đường huyết thường xuyên nằm ngoài phạm vi an toàn thì phải báo cho bác sĩ để điều chỉnh kế hoạch điều trị. Người bệnh cũng cần xác định được những yếu tố khiến cho lượng đường trong máu giảm đột ngột, chẳng hạn như bỏ bữa hoặc tập thể dục cường độ cao hơn bình thường. Không nên tự ý thay đổi các phương pháp điều trị mà không hỏi ý kiến bác sĩ.

Tóm tắt bài viết

Hạ đường huyết là khi lượng đường trong máu giảm xuống mức thấp. Tình trạng này thường xảy ra ở bệnh nhân tiểu đường đang điều trị bằng một số loại thuốc nhất định. Người không mắc bệnh tiểu đường cũng có thể bị hạ đường huyết. Hạ đường huyết thường có các triệu chứng như không tỉnh táo, run tay, đổ mồ hôi, tim đập nhanh. Thông thường, người bệnh có thể tự điều trị hạ đường huyết bằng cách bổ sung carbohydrate, sau đó đo đường huyết. Nếu đường huyết không trở về mức bình thường, hãy gọi cấp cứu.

Xem thêm: 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị bệnh tiểu đường
Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị bệnh tiểu đường

Khi không được điều trị, các triệu chứng bệnh tiểu đường sẽ ngày càng nặng do lượng đường trong máu tăng cao kéo dài gây tổn hại đến các mô và cơ quan trong cơ thể. Vì bệnh tiểu đường thường không có dấu hiệu rõ rệt vào giai đoạn đầu nên nhiều người không để ý.

Tăng áp lực thẩm thấu máu do tăng đường huyết ở người bệnh tiểu đường type 2
Tăng áp lực thẩm thấu máu do tăng đường huyết ở người bệnh tiểu đường type 2

Hội chứng tăng áp lực thẩm thấu máu do tăng đường huyết có thể xảy ra với bất kỳ ai nhưng phổ biến hơn ở những người lớn tuổi mắc bệnh tiểu đường type 2.

Cách sử dụng thuốc đồng vận thụ thể GLP để điều trị bệnh tiểu đường type 2
Cách sử dụng thuốc đồng vận thụ thể GLP để điều trị bệnh tiểu đường type 2

Thuốc đồng vận thụ thể GLP-1 (glucagon-like peptide-1) là một nhóm thuốc được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 2. Thuốc đồng vận thụ thể GLP-1 rất hiệu quả trong việc giảm lượng đường trong máu. Ngoài điều trị tiểu đường, nhóm thuốc này còn mang lại một số lợi ích cho sức khỏe tim và chức năng thận.

Các biến chứng của bệnh tiểu đường type 2 và cách ngăn ngừa
Các biến chứng của bệnh tiểu đường type 2 và cách ngăn ngừa

Bệnh tiểu đường có thể ảnh hưởng đến mọi cơ quan trong cơ thể. Lượng đường trong máu liên tục ở mức cao không được kiểm soát có thể dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe theo thời gian.

Các nguyên nhân gây bệnh tiểu đường type 2
Các nguyên nhân gây bệnh tiểu đường type 2

Bệnh tiểu đường type 2 không phải chỉ do một nguyên nhân duy nhất gây ra. Trên thực tế, bệnh lý này có thể là kết quả của nhiều yếu tố khác nhau. Dưới đây là một số yếu tố chính có thể dẫn đến tiểu đường type 2.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây