1

Hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường type 1: Những điều cần biết

Đối với những người mắc bệnh tiểu đường type 1, đo đường huyết là một phần trong thói quen hàng ngày. Đây là một bước quan trọng để điều chỉnh liều lượng insulin và từ đó giữ cho lượng đường trong máu trong phạm vi lý tưởng. Tuy nhiên, đôi khi bệnh nhân bổ sung nhiều insulin hơn mức cần thiết. Điều này sẽ dẫn đến hạ đường huyết – tình trạng lượng đường trong máu thấp.
Hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường type 1: Những điều cần biết Hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường type 1: Những điều cần biết

Bài viết này sẽ giúp những bệnh nhân tiểu đường type 1 hiểu hơn về tình trạng hạ đường huyết, gồm có nguyên nhân, các dấu hiệu nhận biết và cách điều trị.

Tiểu đường type 1 và hạ đường huyết

Các tế bào trong cơ thể cần đường ở dạng glucose để tạo ra năng lượng. Và cơ thể cần có hormone insulin để cân bằng lượng đường trong máu.

Khi có nhiều insulin hơn mức cần thiết, tình trạng hạ đường huyết sẽ xảy ra.

Theo một nghiên cứu vào năm 2010, hầu hết những người mắc bệnh tiểu đường type 1 đều trải qua 1 - 2 đợt hạ đường huyết nhẹ mỗi tuần. (1)

Một nghiên cứu vào năm 2018 tại Canada và một nghiên cứu khác năm 2018 tại Brazil cho thấy hạ đường huyết là một vấn đề thường gặp ở những người mắc bệnh tiểu đường type 1. Và nghiên cứu vào năm 2017 của một bệnh viện ở Ấn Độ cho thấy rằng hạ đường huyết là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến người bệnh phải cấp cứu.

Hầu hết những người mắc tiểu đường type 1 đều phải duy trì mức đường huyết trong khoảng 70 đến 180mg/dL để tránh các biến chứng.

Đường huyết trong khoảng 55 - 70mg/dL được coi là hạ đường huyết từ nhẹ đến vừa. Nếu đường huyết giảm xuống dưới 55mg/dL thì lúc này bệnh nhân tiểu đường type 1 đã bị hạ đường huyết nghiêm trọng.

Nguyên nhân gây hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường type 1

Những nguyên nhân phổ biến nhất gây hạ đường huyết gồm có:

  • Sử dụng insulin quá liều
  • Sử dụng insulin không đúng thời điểm
  • Lượng carb trong chế độ ăn quá ít so với liều lượng insulin
  • Bỏ bữa
  • Không theo dõi đường huyết khi tập thể dục hoặc uống rượu

Những người mắc bệnh thận, bệnh gan hoặc nhiễm trùng dễ bị hạ đường huyết hơn.

Hạ đường huyết cũng sẽ dễ xảy ra hơn nếu như:

  • Sống ở nơi có khí hậu nóng ẩm
  • Phụ nữ đang trong kỳ kinh nguyệt
  • Đi du lịch
  • Ở nơi có độ cao lớn

Một yếu tố nguy cơ nữa là những người mắc bệnh tiểu đường type 1 đang trong độ tuổi dậy thì.

Dấu hiệu hạ đường huyết

Điều quan trọng là phải nhận biết được các dấu hiệu hạ đường huyết để có biện pháp can thiệp kịp thời. Các dấu hiệu ban đầu của hạ đường huyết có thể gồm có:

  • Đổ mồ hôi
  • Run tay chân
  • Cảm giác đói

Những dấu hiệu này có thể chỉ rất nhẹ, khiến cho bệnh nhân không nhận thấy. Tuy nhiên, khi tình trạng hạ đường huyết trở nên nặng hơn thì bệnh nhân sẽ gặp các triệu chứng như:

  • Mệt mỏi, kiệt sức
  • Đi lại khó khăn
  • Mờ mắt

Các triệu chứng của hạ đường huyết nghiêm trọng gồm có:

  • Mệt mỏi
  • Ngất xỉu
  • Đầu óc mơ hồ, thiếu tỉnh táo
  • Co giật
  • Mất ý thức

Hạ đường huyết nghiêm trọng có thể dẫn đến tai nạn nếu như bệnh nhân bị bất tỉnh khi đang lái xe hoặc trong một số tình huống nguy hiểm khác.

Hạ đường huyết cũng có thể xảy ra trong khi ngủ. Máy theo dõi đường huyết liên tục sẽ giúp cảnh báo người bệnh về các đợt hạ đường huyết vào ban đêm. Các thành viên trong gia đình cũng nên nhận biết các dấu hiệu của hạ đường huyết vào về đêm để kịp thời hỗ trợ, gồm có:

  • Nóng, đổ nhiều mồ hôi
  • Nhịp thở bất thường
  • Run tay chân

Người nhà cần biết rõ nơi để bộ dụng cụ sơ cấp cứu để có thể sử dụng trong trường hợp bệnh nhân bị hạ đường huyết nghiêm trọng vào ban đêm. Nếu nghi ngờ bệnh nhân bị hạ đường huyết và không thể đánh thức thì cần sử dụng glucagon và gọi cấp cứu.

Mắc bệnh tiểu đường càng lâu năm thì các dấu hiệu hạ đường huyết càng khó nhận biết. Những người bị hạ đường huyết quá thường xuyên có thể bị một tình trạng gọi là hạ đường huyết vô thức (hypoglycemia unawareness).

Hạ đường huyết vô thức rất nguy hiểm. Có thể cải thiện tình trạng này bằng cách cố gắng duy trì mức đường huyết ổn định trong vài tuần.

Một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc trị cao huyết áp, có thể khiến cho các triệu chứng hạ đường huyết không được phát hiện.

Vì không phải lúc nào bản thân bệnh nhân cũng có thể phát hiện các dấu hiệu hạ đường huyết nên điều quan trọng là những người thân thiết xung quanh cũng phải hiểu rõ về tình trạng này để hành động kịp thời khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.

Phân biệt tăng đường huyết và hạ đường huyết

Hạ đường huyết là lượng đường trong máu ở mức thấp. Ngược lại, tăng đường huyết là tình trạng lượng đường trong máu quá cao.

Tăng đường huyết xảy ra khi cơ thể không có đủ insulin để xử lý đường trong máu. Điều này có thể là do các nguyên nhân như:

  • Sử dụng insulin không đủ liều
  • Ăn quá nhiều
  • Ít vận động
  • Bị bệnh hoặc căng thẳng

Các dấu hiệu thường gặp của tăng đường huyết gồm có khát nước và đi tiểu thường xuyên.

Điều trị hạ đường huyết

Hạ đường huyết từ nhẹ đến vừa

Khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường, hãy đo đường huyết ngay lập tức. Nếu đường huyết nằm trong khoảng từ 51 đến 70mg/dL:

  1. Bổ sung 10 đến 15 gram carb có tác dụng nhanh như nước hoa quả, kẹo hoặc dùng 3 đến 4 viên nén glucose.
  2. Sau 15 phút, đo đường huyết lại một lần nữa. Nếu kết quả vẫn thấp thì lặp lại các cách trên.

Trong vài ngày sau đó, người bệnh sẽ ít nhận thấy các dấu hiệu hạ đường huyết hơn, vì vậy nên cần phải đo thường xuyên.

Đi khám nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên. Có thể sẽ cần phải điều chỉnh phác đồ điều trị.

Hạ đường huyết nghiêm trọng

Nếu tình trạng hạ đường huyết kéo dài thì sẽ gây tổn hại vĩnh viễn đến sức khỏe hoặc thậm chí đe dọa tính mạng.

Vì vậy cần nhanh chóng can thiệp khi nhận thấy các triệu chứng.

Khi đường huyết giảm xuống dưới 50mg/dL:

  1. Bổ sung 20 đến 30 gam carb tác dụng nhanh hoặc dùng 6 - 8 viên nén glucose.
  2. Sau 15 phút, đo đường huyết lại một lần nữa. Nếu đường huyết vẫn thấp thì lặp lại các cách trên.

Nếu cần, người xung quanh hãy cho người bệnh sử dụng glucagon khẩn cấp qua đường tiêm hoặc xịt mũi. Sau 15 phút thì kiểm tra lại mức đường huyết.

Gọi cấp cứu nếu:

  • Bệnh nhân bất tỉnh.
  • Đã sử dụng glucagon nhưng bệnh nhân cần liều thứ hai hoặc triệu chứng không thuyên giảm.
  • Lượng đường trong máu vẫn quá thấp sau 20 phút.

Bệnh nhân hãy tìm sự trợ giúp của những người xung quanh khi cảm thấy không ổn. Họ sẽ giúp tiêm glucose vào tĩnh mạch để nhanh chóng tăng lượng đường trong máu.

Cần chuẩn bị gì khi mắc bệnh tiểu đường?

Dưới đây là một số thiết bị, dụng cụ có thể giúp ngăn ngừa và điều trị hạ đường huyết.

Bộ dụng cụ sơ cấp cứu

Chuẩn bị sẵn một bộ dụng cụ sơ cấp cứu gồm có các vật dụng như:

  • glucagon
  • viên nén glucose
  • đồ ăn nhẹ chứa carb có tác dụng nhanh như kẹo
  • giấy có ghi tình trạng bệnh và cách sử dụng các vật dụng để người xung quanh có thể hỗ trợ trong trường hợp khẩn cấp

Vòng đeo tay y tế

Vòng đeo tay hay vòng cổ y tế có tác dụng giúp cho những người khác, bao gồm cả nhân viên y tế, biết về tình trạng bệnh tiểu đường type 1 của bệnh nhân. Điều này sẽ giúp mọi người hành động kịp thời và bảo vệ mạng sống cho bệnh nhân.

Glucagon

Glucagon là một loại hormone làm tăng lượng đường trong máu và một loại thuốc kê đơn có dạng xịt mũi, ống tiêm chứa thuốc sẵn hoặc bút tiêm tự động.

Người thân, bạn bè và đồng nghiệp của bệnh nhân tiểu đường type 1 nên hiểu cách sử dụng glucagon để hỗ trợ bệnh nhân trong trường hợp hạ đường huyết nghiêm trọng.

Máy theo dõi đường huyết liên tục

Máy theo dõi đường huyết liên tục giúp cảnh báo bệnh nhân khi đường huyết tụt xuống mức thấp. Người thân của bệnh nhân cũng có thể theo dõi và nhận cảnh báo trên điện thoại thông minh khi đường huyết ở mức quá thấp hoặc quá cao.

Nếu máy bơm insulin và máy theo dõi đường huyết được tích hợp trong cùng một thiết bị, insulin sẽ tự động được đưa vào cơ thể khi máy phát hiện mức đường huyết thấp. Những thiết bị này đặc biệt hữu ích vào ban đêm trong trường hợp bệnh nhân không thể thức dậy khi lượng đường trong máu giảm xuống mức thấp.

Tóm tắt bài viết

Hạ đường huyết là tình trạng lượng đường trong máu giảm xuống dưới phạm vi bình thường. Tình trạng này có thể xảy ra ở những bệnh nhân tiểu đường type 1 do nhiều nguyên nhân khác nhau. Khi phát hiện sớm, bệnh nhân có thể thực hiện các biện pháp để tăng lượng đường trong máu.

Hạ đường huyết nghiêm trọng có thể nhanh chóng đe dọa đến tính mạng. Tuy nhiên, có nhiều cách để theo dõi đường huyết, duy trì đường huyết trong phạm vi khuyến nghị cũng như là các biện pháp can thiệp để tránh xảy ra các biến chứng do hạ đường huyết.

Xem thêm: 

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị bệnh tiểu đường
Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị bệnh tiểu đường

Khi không được điều trị, các triệu chứng bệnh tiểu đường sẽ ngày càng nặng do lượng đường trong máu tăng cao kéo dài gây tổn hại đến các mô và cơ quan trong cơ thể. Vì bệnh tiểu đường thường không có dấu hiệu rõ rệt vào giai đoạn đầu nên nhiều người không để ý.

Những điều cần biết về xét nghiệm chẩn đoán bệnh tiểu đường
Những điều cần biết về xét nghiệm chẩn đoán bệnh tiểu đường

Chẩn đoán và điều trị bệnh tiểu đường ngay từ sớm sẽ giúp kiểm soát các triệu chứng dễ dàng hơn, ngăn ngừa các biến chứng về lâu dài và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Cách xử trí hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường type 2
Cách xử trí hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường type 2

Ở những người mắc bệnh tiểu đường, không phải lúc nào lượng đường trong máu cũng cao. Đường trong máu cũng có thể xuống quá thấp, tình trạng này được gọi là hạ đường huyết.

Những điều bạn cần biết về bệnh tiểu đường và loãng xương
Những điều bạn cần biết về bệnh tiểu đường và loãng xương

Bệnh tiểu đường và loãng xương có thể xảy ra đồng thời và có ảnh hưởng lẫn nhau. Bệnh tiểu đường có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương và chứng loãng xương có thể gây khó khăn cho việc kiểm soát bệnh tiểu đường.

Nhận biết các triệu chứng tiểu đường type 2
Nhận biết các triệu chứng tiểu đường type 2

Tiểu đường type 2 là một bệnh mãn tính có đặc trưng là lượng đường (glucose) trong máu cao hơn mức bình thường. Nhiều người mắc bệnh tiểu đường type 2 không gặp phải bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, căn bệnh này có nhiều triệu chứng phổ biến và việc nhận biết các triệu chứng này là rất quan trọng. Hầu hết các triệu chứng của bệnh tiểu đường type 2 xảy ra khi lượng đường trong máu tăng cao bất thường.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây