1

Những điều có thể bạn chưa biết về bệnh tiểu đường type 1

Nếu là một người đang sống chung với bệnh tiểu đường type 1, chắc hẳn bạn đã nắm được những điều cơ bản về đường huyết và insulin nhưng có thể còn một số điều mà bạn chưa biết đến.
Những điều có thể bạn chưa biết về bệnh tiểu đường type 1 Những điều có thể bạn chưa biết về bệnh tiểu đường type 1

Không giống như một số bệnh mãn tính khác, bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến gần như mọi hệ thống trong cơ thể. Tuy nhiên, nhờ tiến bộ trong y học nên hiện nay, bệnh nhân tiểu đường có thể kiểm soát tình trạng bệnh tốt hơn và hạn chế các biến chứng ở mức tối thiểu.

Dưới đây là một số thông tin quan trọng về bệnh tiểu đường và những điều cần biết liên quan đến lối sống và các cách kiểm soát bệnh tiểu đường.

Các hình thức sử dụng insulin

Có thể bạn đã quen với việc tự tiêm insulin nhưng bạn có biết còn có những hình thức sử dụng khác, gồm có sử dụng kim tiêm kích thước nhỏ hơn hoặc lớn hơn, bút tiêm insulin bơm sẵn và máy bơm insulin?

Máy bơm insulin là thiết bị nhỏ mà bạn sẽ đeo ở trên người, gồm có một ống thông nhỏ được đặt ngay bên dưới da, máy sẽ đưa insulin vào cơ thể một cách ổn định trong suốt cả ngày. Bạn có thể cài đặt liều insulin tùy theo bữa ăn hoặc các trường hợp khác.

Phương pháp đưa insulin vào cơ thể này được gọi là truyền insulin dưới da liên tục (continuous subcutaneous insulin infusion - CSII). Nghiên cứu cho thấy truyền insulin dưới da liên tục giúp những người mắc bệnh tiểu đường type 1 duy trì chỉ số A1C ở mức thấp hơn. (1)

Trao đổi với bác sĩ để được tư vấn cách sử dụng insulin phù hợp nhất.

Theo dõi đường huyết để cải thiện khả năng kiểm soát đường huyết

Máy đo đường huyết liên tục (continuous glucose monitor - CGM) là một thiết bị nhỏ được đeo trên người để theo dõi lượng đường trong máu trong suốt cả ngày và đêm, cập nhật vài phút một lần. Một số loại máy đo đường huyết liên tục còn có chức năng đo lượng đường trong máu mỗi phút một lần.

Thiết bị sẽ thông báo cho bạn biết khi lượng đường trong máu cao hoặc thấp hơn bình thường, từ đó bạn có thể thực hiện các biện pháp đưa đường huyết trở về phạm vi an toàn mà không cần phải phỏng đoán dựa trên các triệu chứng. Một trong những tính năng hữu ích nhất của máy đo đường huyết liên tục là có thể cho biết sự thay đổi đường huyết ngay từ sớm, nhờ đó bạn có thể kịp thời can thiệp trước khi đường huyết giảm xuống quá thấp hoặc tăng lên quá cao.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc dùng máy đo đường huyết liên tục có thể giúp làm giảm đáng kể A1C – chỉ số cho biết mức đường huyết trung bình trong 3 tháng gần nhất, từ đó giúp đánh giá khả năng kiểm soát đường huyết trong khoảng thời gian này. Máy đo đường huyết liên tục còn giúp làm giảm nguy cơ hạ đường huyết nghiêm trọng.

Nhiều loại máy đo đường huyết liên tục có chức năng kết nối với điện thoại thông minh và chỉ cần chạm ngón tay là máy sẽ cho biết mức đường huyết mà không cần dùng kim lấy máu ở đầu ngón tay như các loại máy đo đường huyết truyền thống. Một số thiết bị đòi hỏi người dùng phải hiệu chuẩn hàng ngày trong khi một số đời máy mới hoàn toàn không cần phải hiệu chuẩn.

Nói chuyện với bác sĩ để hiểu rõ hơn về máy đo đường huyết liên tục.

Bệnh tiểu đường và suy giảm nhận thức

Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và chứng suy giảm nhận thức. Một nghiên cứu cho thấy những người trung niên mắc bệnh tiểu đường type 1 có nguy cơ suy giảm nhận thức liên quan đến lâm sàng cao gấp 5 lần so với những người không mắc bệnh tiểu đường. (2)

Mối liên hệ này là do tác động của lượng đường trong máu cao đến cơ thể theo thời gian. Biến chứng suy giảm nhận thức cũng có thể xảy ra ở cả những người trẻ tuổi mắc bệnh tiểu đường type 1.

Thực hiện đầy đủ các phương pháp điều trị được khuyến nghị để kiểm soát bệnh tiểu đường sẽ giúp giữ ổn định đường huyết và giảm nguy cơ gặp phải các biến chứng về nhận thức khi về già.

Ảnh hưởng của bệnh tiểu đường đến sức khỏe tình dục

Bệnh tiểu đường có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe tình dục, gồm có rối loạn cương dương, khô âm đạo hoặc viêm âm đạo và cảm giác lo âu, căng thẳng, điều này sẽ làm giảm ham muốn và cảm xúc khi quan hệ.

Thay đổi lối sống và dùng thuốc để kiểm soát tốt lượng đường trong máu, đồng thời có biện pháp khắc phục những vấn về về tâm lý như trầm cảm hoặc lo âu sẽ giúp giải quyết những vấn đề kể trên.

Nếu gặp phải bất kỳ vấn đề nào về sức khỏe tình dục thì đừng ngần ngại đi khám. Bác sĩ sẽ giúp xác định xem nguyên nhân có phải do bệnh tiểu đường hay không và đưa ra phương pháp can thiệp kịp thời để cải thiện sức khỏe tình dục.

Bệnh tiểu đường và sức khỏe răng miệng

Người bị tiểu đường có nguy cơ gặp phải các vấn đề về răng miệng cao hơn so với những người không bị tiểu đường. Lượng đường trong máu cao có thể dẫn đến viêm nướu, các bệnh nhiễm trùng trong khoang miệng, sâu răng và các biến chứng khác. Những biến chứng này có thể dẫn đến mất răng.

Do đó, ngoài xét nghiệm đường huyết, người mắc bệnh tiểu đường cũng nên đi khám răng định kỳ. Cho bác sĩ biết về tình trạng bệnh tiểu đường và chỉ số A1C của lần xét nghiệm gần nhất. Nếu sử dụng máy đo đường huyết liên tục, hãy cho bác sĩ xem kết quả đo trong thời gian gần đây.

Lượng đường trong máu cao và nguy cơ mất thị lực

Bạn có biết rằng lượng đường trong máu cao có thể làm hỏng các mạch máu trong mắt? Điều này có thể dẫn đến mất thị lực hay mù lòa.

Do đó, người mắc bệnh tiểu đường nên khám mắt định kỳ để tầm soát và phát hiện sớm những vấn đề bất thường. Điều này rất quan trọng vì can thiệp điều trị kịp thời có thể ngăn ngừa hoặc trì hoãn sự tiến triển của tình trạng tổn thương và bảo vệ thị lực.

Tầm quan trọng của việc chọn đúng loại giày dép

Những người thích đi giày cao gót, giày mũi nhọn hoặc xăng đan có thể sẽ phải thay đổi lựa chọn giày dép của mình khi mắc bệnh tiểu đường.

Các vấn đề ở bàn chân như nhiễm trùng hay loét là một trong những biến chứng nghiêm trọng của bệnh tiểu đường nhưng hoàn toàn có thể ngăn ngừa được. Kiểm soát tốt lượng đường trong máu và chăm sóc đôi chân cẩn thận sẽ giúp làm giảm đáng kể nguy cơ gặp phải các biến chứng về chân. Nên đi tất dày bằng chất liệu tự nhiên thoáng khí và chọn giày mũi kín thoải mái, vừa chân. Đi giày cao gót, giày mũi nhọn, xăng đan hoặc giày quá chật có thể khiến cho bàn chân bị phồng rộp, mụn nước, chai chân và các vấn đề khác.

Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến khả năng chữa lành vết thương của cơ thể và có thể gây tổn thương thần kinh, bao gồm cả các dây thần kinh ở bàn chân. Điều này khiến người bệnh bị mất cảm giác ở chân và không phát hiện khi bị thương. Khi không được điều trị, vết thương có thể bị nhiễm trùng, loét hay thậm chí hoại tử và phải phẫu thuật cắt cụt.

Hãy nhớ kiểm tra bàn chân mỗi ngày để phát hiện những thay đổi bất thường hoặc vết thương và báo ngay cho bác sĩ khi cảm thấy không ổn để ngăn ngừa biến chứng về lâu dài.

Duy trì đường huyết ổn định trong phạm vi khuyến nghị là cách tốt nhất để ngăn ngừa các biến chứng của bệnh tiểu đường, bao gồm cả các biến chứng ở bàn chân.

Tổng số điểm của bài viết là: 50 trong 10 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Những điều bạn cần biết về bệnh tiểu đường và loãng xương
Những điều bạn cần biết về bệnh tiểu đường và loãng xương

Bệnh tiểu đường và loãng xương có thể xảy ra đồng thời và có ảnh hưởng lẫn nhau. Bệnh tiểu đường có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương và chứng loãng xương có thể gây khó khăn cho việc kiểm soát bệnh tiểu đường.

Nghiên cứu cho biết statin có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2
Nghiên cứu cho biết statin có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2

Bạn có biết rất có thể một loại thuốc mà bạn đang dùng để cải thiện sức khỏe và tuổi thọ thực ra lại đang gây nguy hiểm theo một cách khác?

Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị bệnh tiểu đường
Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị bệnh tiểu đường

Khi không được điều trị, các triệu chứng bệnh tiểu đường sẽ ngày càng nặng do lượng đường trong máu tăng cao kéo dài gây tổn hại đến các mô và cơ quan trong cơ thể. Vì bệnh tiểu đường thường không có dấu hiệu rõ rệt vào giai đoạn đầu nên nhiều người không để ý.

6 điều cần biết về bệnh đái tháo đường type 2
6 điều cần biết về bệnh đái tháo đường type 2

Bệnh đái tháo đường là một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến nhất trên khắp thế giới. Ước tính có khoảng 8,5% người lớn trên toàn thế giới hiện đang sống với bệnh đái tháo đường. Có hai loại bệnh đái tháo đường chính là đái tháo đường type 1 và đái tháo đường type 2.

Tập thể dục có những lợi ích gì đối với bệnh tiểu đường type 2?
Tập thể dục có những lợi ích gì đối với bệnh tiểu đường type 2?

Ở những người mắc bệnh tiểu đường type 2, cơ thể không còn sử dụng hiệu quả lượng insulin được tạo ra và thậm chí còn ngừng sản xuất insulin. Đây là một bệnh lý phổ biến nhưng không phải là không thể tránh khỏi. Có thể ngăn ngừa và thậm chí đảo ngược được bệnh tiểu đường type 2 bằng cách thay đổi lối sống, trong đó hai bước quan trọng nhất là điều chỉnh chế độ ăn uống và tập luyện. Kết hợp cả hai sẽ giúp duy trì sức khỏe tốt về lâu dài.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây