Những điều cần biết về xét nghiệm chẩn đoán bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường là một bệnh lý mãn tính xảy ra do cơ thể không sản xuất insulin hoặc sử dụng insulin không hiệu quả. Insulin là một loại hormone có chức năng điều hòa lượng đường (glucose) trong máu. Khi không có insulin hoặc sử dụng insulin không hiệu quả, cơ thể sẽ không thể dự trữ đường hoặc sử dụng đường làm năng lượng.
Bệnh tiểu đường không được điều trị sẽ dẫn đến lượng đường trong máu cao (tăng đường huyết). Tăng đường huyết sẽ làm hỏng các mạch máu và dây thần kinh theo thời gian. Tình trạng này sẽ dẫn đến nhiều triệu chứng và biến chứng nghiêm trọng như:
- Giảm thị lực
- Tê bì và châm chích ở bàn tay, bàn chân
- Tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ
- Bệnh thận
- Bệnh thần kinh
Chẩn đoán và điều trị bệnh tiểu đường ngay từ sớm sẽ giúp kiểm soát các triệu chứng dễ dàng hơn, ngăn ngừa các biến chứng về lâu dài và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Những ai nên làm xét nghiệm tiểu đường?
Bệnh tiểu đường là một vấn đề sức khỏe mãn tính phổ biến. Vào năm 2018, trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ đã báo cáo rằng có khoảng 10,5% người dân Mỹ mắc bệnh tiểu đường, trong đó phần lớn là tiểu đường type 2.
Bệnh tiểu đường ở giai đoạn đầu thường khó phát hiện vì các triệu chứng không rõ ràng hoặc xuất hiện từ từ.
Nên đi xét nghiệm bệnh tiểu đường nếu đang gặp bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào sau đây:
- Khát nước liên tục
- Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, uể oải
- Cảm giác đói cồn cào, ngay cả khi vừa mới ăn
- Mờ mắt
- Đi tiểu nhiều lần
- Vết thương chậm lành
Những người thuộc nhóm nguy cơ cao nên xét nghiệm bệnh tiểu đường ngay cả khi không có triệu chứng.
Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) khuyến nghị xét nghiệm tầm soát bệnh tiểu đường đối với các trường hợp sau đây: (1)
- Người thừa cân (chỉ số khối cơ thể BMI trên 25)
- Người thuộc các chủng tộc có tỷ lệ mắc tiểu đường cao, gồm có:
- Người da đen (người gốc Phi)
- Người gốc Latinh và Tây Ban Nha
- Người Mỹ bản địa
- Người dân đảo Thái Bình Dương
- Người gốc Á
- Người bị cao huyết áp, có mức triglyceride cao, HDL cholesterol thấp hoặc mắc bệnh tim mạch
- Người có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường
- Người có chỉ số đường huyết bất thường hoặc có dấu hiệu kháng insulin
- Người ít vận động
- Phụ nữ có tiền sử mắc hội chứng buồng trứng đa nang hoặc tiểu đường thai kỳ.
ADA cũng khuyến nghị bắt đầu xét nghiệm đường huyết từ 45 tuổi.
Vì nguy cơ mắc tiểu đường tăng lên theo tuổi tác nên xét nghiệm định kỳ sẽ giúp xác định nguy cơ mắc bệnh lý này.
Nguy cơ mắc tiểu đường thay đổi theo chủng tộc
Tất cả con người đều có nguồn gốc từ người tinh khôn (Homo sapiens) và có DNA giống nhau đến 99%. Sự khác biệt về chủng tộc (được thể hiện qua màu da và đặc điểm khuôn mặt) xuất phát từ các vùng khí hậu khác nhau mà tổ tiên chúng ta sinh sống và là điều tạo nên sự đa dạng của loài người.
Tuy nhiên, chủng tộc có ảnh hưởng đến cả sức khỏe của chúng ta chứ không chỉ dừng lại ở vẻ bề ngoài. Ví dụ, một số chủng tộc có nguy cơ mắc một số bệnh nhất định cao hơn.
Thực ra, điều này không xuất phát từ sự khác biệt về mặt sinh học mà là do nhiều yếu tố tác động, chẳng hạn như thói quen ăn uống, đặc điểm sinh hoạt, khả năng tiếp cận y tế, giáo dục và một số yếu tố khác.
Các xét nghiệm máu để chẩn đoán bệnh tiểu đường
Xét nghiệm máu giúp biết được lượng đường trong máu và phát hiện bệnh tiểu đường. Các xét nghiệm máu thường được thực hiện trong chẩn đoán bệnh tiểu đường là xét nghiệm A1c, kiểm tra đường huyết ngẫu nhiên, xét nghiệm đường huyết lúc đói và nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống.
Xét nghiệm A1C
Xét nghiệm máu giúp bác sĩ xác định mức đường huyết của bệnh nhân. Xét nghiệm A1C là một trong những xét nghiệm phổ biến nhất vì kết quả cho biết mức đường huyết trong một thời gian dài và không cần phải nhịn ăn trước khi lấy máu.
Xét nghiệm A1C còn được gọi là xét nghiệm hemoglobin A1c, HbA1c, glycohemoglobin, glycated hemoglobin hay glycosylated hemoglobin. Xét nghiệm này đo lượng glucose gắn với hemaglobin (một loại protein) trên hồng cầu.
Xét nghiệm A1C cho biết mức đường huyết trung bình trong khoảng thời gian 3 tháng (tuổi thọ của hồng cầu). Xét nghiệm này chỉ cần lấy một lượng máu nhỏ từ ngón tay hoặc tĩnh mạch ở cánh tay và bệnh nhân không cần nhịn ăn trước đó.
Kết quả xét nghiệm A1C được biểu thị bằng đơn vị %:
- 5,6% trở xuống: Bình thường
- 5,7 đến 6,4%: Tiền tiểu đường
- 6,5% trở lên: Tiểu đường
Theo Viện Quốc gia về Bệnh tiểu đường, tiêu hóa và bệnh thận (National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Diseases), chỉ những xét nghiệm đã được phê duyệt bởi NGSP mới được coi là đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán bệnh tiểu đường.
Đôi khi, xét nghiệm A1C cho kết quả không được chính xác, ví dụ như ở những người bị bệnh thận và người mang các biến thể hemoglobin.Trong những trường hợp này, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện các xét nghiệm tiểu đường khác.
Xét nghiệm A1C cũng được thực hiện định kỳ để theo dõi tình trạng bệnh tiểu đường và hiệu quả của phác đồ điều trị. Thông thường, người mắc bệnh tiểu đường nên cố gắng duy trì chỉ số A1C ở mức 7% trở xuống. Tuy nhiên, mức A1C cần đạt được và duy trì ở mỗi người là khác nhau, tùy theo tình trạng sức khỏe cụ thể.
Kiểm tra đường huyết ngẫu nhiên
Còn gọi là xét nghiệm glucose huyết tương ngẫu nhiên, xét nghiệm này có thể được thực hiện vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày mà không cần phải nhịn ăn trước.
Kết quả kiểm tra đường huyết ngẫu nhiên từ 200 mg/dL trở lên có nghĩa là đã mắc bệnh tiểu đường.
Xét nghiệm đường huyết lúc đói
Còn gọi là xét nghiệm glucose huyết tương lúc đói, xét nghiệm này được thực hiện sau khi bệnh nhân nhịn ăn ít nhất 8 tiếng. Trong thời gian này không được ăn uống bất cứ thứ gì ngoài nước lọc.
Kết quả xét nghiệm đường huyết lúc đói được biểu thị bằng đơn vị mg/dL:
- 99 mg/dL trở xuống: Bình thường
- 100 đến 125 mg/dL: Tiền tiểu đường
- 126 mg/dL trở lên: Tiểu đường
Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống
Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống phức tạp hơn so với các xét nghiệm khác bên trên.
Bệnh nhân sẽ phải nhịn ăn ít nhất 8 tiếng trước khi làm xét nghiệm. Khi đến bệnh viện, bệnh nhân sẽ được lấy máu lần đầu để đo đường huyết lúc đói. Sau đó, bệnh nhân được cho uống một loại đồ uống có chứa glucose và sau đó 2 tiếng sẽ lấy máu lần 2 để kiểm tra lại.
- 139 mg/dL trở xuống: Bình thường
- 140 đến 199 mg/dL: Tiền tiểu đường
- 200 mg/dL trở lên: Tiểu đường
Xét nghiệm nước tiểu để chẩn đoán bệnh tiểu đường
Không phải trường hợp nào cũng phải xét nghiệm nước tiểu để chẩn đoán bệnh tiểu đường nhưng bác sĩ thường chỉ định xét nghiệm nước tiểu nếu nghi ngờ bệnh nhân mắc tiểu đường type 1.
Khi chất béo được sử dụng để làm năng lượng thay cho glucose, cơ thể sẽ tạo ra một chất hóa học gọi là ceton. Xét nghiệm nước tiểu được thực hiện nhằm tìm sự hiện diện của ceton.
Nếu mẫu nước tiểu lượng ceton từ vừa đến cao thì chứng tỏ là cơ thể không sản xuất đủ insulin để biến glucose thành năng lượng.
Xét nghiệm để chẩn đoán tiểu đường thai kỳ
Tiểu đường thai kỳ là tình trạng lượng đường trong máu tăng cao trong thời gian mang thai và thường tự khỏi sau khi sinh. Theo CDC, bệnh tiểu đường thai kỳ có thể khiến thai nhi có cân nặng quá lớn và cần phải sinh mổ hoặc làm tăng nguy cơ sinh thiếu tháng. Ngoài ra, những phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ sẽ có nguy cơ mắc tiểu đường type 2 cao hơn sau này. (2)
ADA khuyến nghị phụ nữ mang thai nếu có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào của bệnh tiểu đường thì nên làm xét nghiệm kiểm tra ngay từ lần khám thai đầu tiên. Tiểu đường thai kỳ thường xảy ra vào ba tháng giữa và cuối của thai kỳ.
Có hai phương pháp chính được sử dụng để chẩn đoán bệnh tiểu đường thai kỳ là nghiệm pháp thử thách glucose và nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống. Các phương pháp này giúp đánh giá khả năng xử lý đường của cơ thể.
Nghiệm pháp thử thách glucose
Các bước thực hiện nghiệm pháp thử thách glucose:
- Bệnh nhân uống dung dịch chứa glucose
- Chờ 1 tiếng và sau đó lấy mẫu máu để đo lượng đường trong máu
Kết quả dưới 140 mg/dL được coi là bình thường và nếu trên 140 mg/dL thì sẽ phải thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống vào một ngày khác để kiểm tra thêm:
- Bệnh nhân phải nhịn ăn 8 tiếng trước khi làm xét nghiệm
- Lấy mẫu máu để đo đường huyết lúc đói
- Uống dung dịch có chứa glucose nồng độ cao
- Lấu máu cách 1 tiếng một lần trong 3 tiếng tiếp theo để kiểm tra sự thay đổi đường huyết
Nếu 2 lần hoặc cả 3 lần lấy máu sau khi uống dung dịch glucose có kết quả cao hơn bình thường thì có nghĩa là đã mắc bệnh tiểu đường thai kỳ.
Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống
Quy trình thực hiện tương tự như trên. Bệnh nhân sẽ phải nhịn ăn 8 tiếng, lấy máu lần đầu để đo đường huyết lúc đói, uống dung dịch glucose, sau đó chờ 2 tiếng và lấy máu một lần nữa.
Đường huyết cao hơn mức bình thường cho thấy bệnh tiểu đường thai kỳ.
Kết luận
Bệnh tiểu đường là một vấn đề sức khỏe mãn tính nhưng hoàn toàn có thể điều trị được. Nếu biết cách kiểm soát, người mắc bệnh tiểu đường vẫn có thể sống một cuộc sống khỏe mạnh bình thường. Nhưng nếu không được điều trị, bệnh tiểu đường có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng và thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Để có thể kiểm soát tình trạng bệnh một cách dễ dàng và hiệu quả thì điều quan trọng là phải phát hiện bệnh từ sớm. Nếu có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường hoặc đang có các triệu chứng như khát nước và đi tiểu nhiều thì nên đi khám. Phụ nữ mang thai nếu có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào thì nên xét nghiệm trong lần khám thai đầu tiên để phát hiện sớm tiểu đường thai kỳ.
Bệnh tiểu đường được chẩn đoán bằng xét nghiệm máu và xét nghiệm nước tiểu. Xét nghiệm cụ thể cần thực hiện sẽ tùy thuộc vào độ tuổi, các triệu chứng và tình trạng sức khỏe tổng thể.
Nếu là một người đang sống chung với bệnh tiểu đường type 1, chắc hẳn bạn đã nắm được những điều cơ bản về đường huyết và insulin nhưng có thể còn một số điều mà bạn chưa biết đến.
Bệnh tiểu đường và loãng xương có thể xảy ra đồng thời và có ảnh hưởng lẫn nhau. Bệnh tiểu đường có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương và chứng loãng xương có thể gây khó khăn cho việc kiểm soát bệnh tiểu đường.
Khi không được điều trị, các triệu chứng bệnh tiểu đường sẽ ngày càng nặng do lượng đường trong máu tăng cao kéo dài gây tổn hại đến các mô và cơ quan trong cơ thể. Vì bệnh tiểu đường thường không có dấu hiệu rõ rệt vào giai đoạn đầu nên nhiều người không để ý.
Nhiều người mắc bệnh tiểu đường type 2 cần liệu pháp insulin để kiểm soát lượng đường trong máu. Đối với những người cần điều trị bằng insulin, bắt đầu ngay từ sớm hơn sẽ giúp làm giảm nguy cơ biến chứng. Nếu bạn bị bệnh tiểu đường, hãy dành một chút thời gian tìm hiểu về liệu pháp insulin và các yếu tố có thể ảnh hưởng đến liều insulin cần sử dụng.